Cuối năm 1941, tại Pác Bó (Cao Bằng), đồng chí Lê Quốc Vọng được Bác Hồ giao nhiệm vụ cùng với đồng chí Lê Quảng Ba lập đội vũ trang đầu tiên gồm 12 người. Tiếp đó, ông lại nhận nhiệm vụ cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách Ban xung phong Nam tiến, mở đường về xuôi… Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), đồng chí Lê Quốc Vọng đã chỉ huy một đơn vị vũ trang và lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở Thất Khê, Đồng Đăng, Na Sầm (Lạng Sơn)…, thu hàng nghìn khẩu súng của địch để trang bị cho những đội quân đầu tiên của cách mạng…
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam non trẻ phải gồng mình vì sức ép của "thù trong giặc ngoài". Mượn danh nghĩa "quân đồng minh" đến giải giáp quân phát xít Nhật, hơn 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch đã rầm rộ kéo vào miền Bắc nước ta với những mưu đồ nham hiểm… Tại miền Nam, hàng vạn quân viễn chinh Pháp cũng đang núp bóng quân Anh quay lại, âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa… Với việc ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, Bác Hồ đã khôn khéo gạt được hơn 20 vạn quân Tưởng và lũ tay sai của chúng ra khỏi miền Bắc. Theo điều khoản phụ lục về quân sự của Hiệp định này thì Chính phủ ta phải tổ chức "Tiếp phòng quân" để thay thế quân Tưởng, giám sát việc rút quân của chúng; đồng thời cũng là để buộc phía Pháp phải thi hành đúng Hiệp định đã ký… Và, muốn cho quân Tưởng chấp nhận "rút lui trong danh dự", quân Pháp tôn trọng trong ứng xử và giao tiếp, thì Tổng chỉ huy "Tiếp phòng quân" của ta cũng phải mang quân hàm cấp Tướng cho tương xứng với chỉ huy của chúng. Sau khi cân nhắc, Thường vụ Trung ương Đảng ta và Bác Hồ đã chọn đồng chí Lê Quốc Vọng. Khi đó ông đang giữ chức vụ Khu trưởng Khu IV.
Nhận được điện gọi, đồng chí Lê Quốc Vọng ra ngay Hà Nội và được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ. Sau khi nghe mình được giao trọng trách, lại được phong quân hàm cấp Tướng, Lê Quốc Vọng cảm nhận được vinh dự quá lớn, nhưng ông cũng rất lo, đắn đo mãi mới dám nói: "Thưa Bác, tôi tự thấy mình còn ít am hiểu quân đội Pháp, chưa quen làm việc với bọn chúng. Đề nghị chọn đồng chí khác xứng đáng hơn ạ". Bác Hồ cười, rồi động viên: "Ô hay, chú định làm công tác cán bộ thay Thường vụ Trung ương sao ! Việc này đã được cân nhắc kỹ, chỉ có chú là xứng đáng nhất, chú hãy nhận đi !". Rồi Bác ân cần bảo: "Chú đã từng có hơn chục năm sống trong quân đội Tưởng, hoạt động cho Đảng bạn với bao cạm bẫy và chông gai… nhưng đã vượt qua được. Bây giờ được giao nhiệm vụ và thử thách mới rất gay go nhưng là cho nước, cho dân mình, nên phải hết sức cố gắng ! Đối thủ của chúng ta là các tướng Valuy, Xalăng, Alếchxăngđri và cả Xanhtơni… đều rất nham hiểm. Trước đây, chất "thép" trong con người chú đã được tôi luyện, nay vào cuộc chiến đấu mới với thực dân Pháp thì cần phải thêm chất "hùng" nữa. Bác đã nghĩ kỹ và chọn cho chú cái tên mới là Lê Thiết Hùng, chú thấy sao ?". Đồng chí Lê Quốc Vọng đứng nghiêm, mắt ngấn lệ nhưng dõng dạc: "Cảm ơn Đảng và Bác đã tín nhiệm. Tôi nguyện sẽ đem hết tài trí và sức lực của mình phục vụ cách mạng, dù phải hy sinh cũng quyết hoàn thành nhiệm vụ".
Vậy là từ đó, ông chính thức được mang tên mới: Lê Thiết Hùng. Và, cái tên này cũng gắn liền với một vinh dự đặc biệt: người được phong hàm Thiếu tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (cho mãi tới hai năm sau, ngày 28-5-1948 tại chiến khu Việt Bắc, Đảng và Nhà nước ta mới chính thức tổ chức Lễ phong quân hàm cấp Tướng và cấp Đại tá cho một số đồng chí cốt cán của quân đội ta).
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tổng chỉ huy "Tiếp phòng quân", trong kháng chiến chống Pháp, tướng Lê Thiết Hùng được giao trọng trách làm Tổng Thanh tra đầu tiên của Quân đội, kiêm Cục trưởng Cục Quân huấn và Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn. Ông cũng là Ủy viên Ban Quân sự Trung ương và Ủy viên Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ…
Sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, đồng chí Lê Thiết Hùng được cử làm Tư lệnh đầu tiên của Binh chủng Pháo binh, kiêm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan pháo binh. Năm 1963, ông được giao trọng trách mới: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Hết nhiệm kỳ, ông về nước làm Phó trưởng ban CP 48 và Ban đối ngoại Trung ương Đảng cho tới ngày nghỉ hưu.
Vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam đã qua đời năm 1986 và yên nghỉ ở Nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội.
|