Đến giờ, người dân vùng lũ lụt ở phía Đông huyện Phù Cát, Phù Mỹ... vẫn chưa hết xúc động khi kể lại chuyện bộ đội giúp dân ngăn lũ, hàn lại những đoạn đê bị vỡ, đưa dân lên vùng an toàn, chuyển hàng cứu trợ giúp dân. Đó là những người lính của Quân khu 5, của Tỉnh đội, của quân chủng Phòng không - Không quân... Nhưng trong mắt dân, các anh đơn giản là bộ đội.
"Bộ đội về làng" - cụm từ ấy bao giờ cũng khiến trong tâm thức nhân dân ngân nga lên những điệp khúc ấm áp, dễ chịu. Làng quê của những người nông dân một nắng hai sương sẽ phong quang hơn. Những con đường sẽ cao ráo, sạch sẽ hơn; những ngôi nhà chắc chắn, an toàn hơn trước mưa bão. Mùa khô, các anh về giúp dân đào giếng chống hạn; mùa mưa bão, các anh về dựng vững mái nhà, dọn sạch những thửa ruộng sa bồi thủy phá.
Công bằng mà nói, có rất nhiều lực lượng cùng về với dân nhưng hiếm có lực lượng nào lại để lại dấu ấn sâu nghĩa nặng tình như bộ đội. Rất nhiều người dân đã tâm sự rất thật thà rằng, chỉ vừa mới thấy quân đội đổ quân xuống, đội hình đội ngũ chỉnh tề, làm việc nào ra việc đó, khí thế mạnh mẽ, việc làm gọn ghẽ... tự dưng dân yên tâm hẳn. Trong những biến cố lớn, một trong những lực lượng được trông cậy nhiều nhất bao giờ cũng là quân đội ta.
Có lẽ giờ đây không ai còn tìm cách lý giải vì sao dân ta thương bộ đội, bởi lẽ tự mỗi người đều biết lý do, đều tự mình tìm được những ví dụ cụ thể, những lập luận xác đáng. Nhưng vượt lên trên hết là cái tình quân - dân. Khi đón các anh về, dẫu về là để giúp dân, chưa bao giờ bà con ta lại đi trong vị thế đón những người đi làm nhiệm vụ. Bởi cũng đã tự lâu rồi, các anh về mái ấm nhà vui, tiếng hát câu cười rộn ràng xóm nhỏ... (thơ Hoàng Trung Thông)! Và các anh cũng vậy, các anh cũng không đi làm nhiệm vụ đơn thuần, các anh về nhà của mình. Đoàn Vệ quốc chúng ta, từ nhân dân mà ra, được dân mến được dân tin muôn phần... Câu hát ngày xưa còn vọng mãi đến hôm nay và cả mai sau vì những lẽ đơn giản mà nặng cảm sâu tình như thế đó.
|