Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương:
"Chúng ta không thể tự bằng lòng…"
22:11', 1/2/ 2005 (GMT+7)

Trong không khí thân tình và ấm áp một ngày đầu xuân năm 2005, đồng chí Nguyễn Xuân Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã dành cho P.V Báo Bình Định một cuộc trò chuyện chí tình...

Trọng điểm hay không còn tùy thuộc ở sự tự nỗ lực

* Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, năm 2004, trong điều kiện có nhiều khó khăn tác động, nhưng nền kinh tế tỉnh nhà vẫn tăng trưởng với GDP 10,1%, cao nhất trong 4 năm qua. Tốc độ này, so với nhiều tỉnh trong khu vực là không thua kém. Hẳn chúng ta đã có thể yên tâm với kết quả như vậy?

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương thăm hỏi sức khỏe mẹ Nguyễn Thị Hương - Bà mẹ Việt Nam anh hùng (xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh)

- Tôi phải nói thật là chúng ta không thể yên tâm được. Năm 2004, chúng ta tăng trưởng đạt hai con số, nhưng những năm trước, nhất là nửa nhiệm kỳ đầu Đại hội XVI, tốc độ tăng trưởng đạt rất thấp. Năm 2003, 2004 có khá hơn một chút nhưng bình quân chung cả 4 năm vẫn thấp so với mục tiêu. Nếu so với tốc độ tăng trưởng trong khu vực thì chúng ta không thể yên tâm được. Mà có lẽ, Đảng bộ và nhân dân cũng chưa thể nào cho phép chúng ta tự thỏa mãn với những kết quả đạt được. Hiện tại và sắp tới, nếu chúng ta không nỗ lực hơn thì có nguy cơ chậm hơn các tỉnh bạn. Vấn đề là phải xác định vị trí của mình, đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế và cả những điểm yếu để bứt phá, phát triển. Do vậy, trước mắt, trong năm 2005, phải triển khai đồng bộ các giải pháp đã được Nghị quyết Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đề ra về nhiệm vụ năm 2005, phấn đấu vượt mức chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 11,5% và chuẩn bị điều kiện để phát triển mạnh hơn nữa trong những năm tiếp theo. Cần khẳng định rằng Bình Định có đủ tiềm năng và cơ hội để làm được việc đó.

* Nhưng thưa đồng chí, mới đây Bộ Chính trị rồi Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung Bình Định vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung?

- Được đưa vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đó là Trung ương tạo cho Bình Định một cơ hội, một điều kiện; còn Bình Định có lên được trọng điểm hay không, kinh tế có phát triển nhanh hay không thì tùy thuộc rất lớn vào nội lực của mình; tất nhiên, cũng cần hết sức tranh thủ sử dụng có hiệu quả các nguồn ngoại lực. Chứ đâu phải được đưa vào vùng kinh tế trọng điểm rồi, ta cứ thế mà yên tâm, từ từ mà làm thì coi chừng tụt hậu. Mà nói thật, ngay trong vùng kinh tế trọng điểm thì Bình Định vẫn khó hơn so với các tỉnh khác. Thậm chí, cả với những tỉnh tuy không nằm trong vùng kinh tế trọng điểm mà có nỗ lực hơn thì có khi sẽ phát triển hơn mình.

Cho nên, nếu chúng ta không nỗ lực thật sự, cả trong lãnh đạo, chỉ đạo, rồi rà soát lại cơ chế chính sách, cả vấn đề xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, thái độ với nhà đầu tư thì sẽ khó bứt phá chứ. Bây giờ có tỉnh nào không "trải thảm đỏ" đâu, nhưng vấn đề là phải chào mời, kêu gọi, thậm chí tạo cảm tình với nhà đầu tư. Ví như nhà đầu tư đến mà việc giải phóng mặt bằng cứ trì trệ như vừa rồi thì sẽ không ai đến nữa đâu. Đặc biệt là thái độ với nhà đầu tư. Cơ chế chính sách thì chúng ta có thể sửa đổi, nhưng ta vừa ban hành hôm nay thuận lợi thế nào thì ngay lập tức tỉnh khác cũng điều chỉnh được ngay. Cái quan trọng là các nhà đầu tư đến thì môi trường đầu tư có thuận lợi hay không, chính quyền tạo thuận lợi hay không và đầu tư có hiệu quả không. Những cái đó là hoàn toàn tùy thuộc vào yếu tố chủ quan cả đấy chứ!

Dân kiến nghị: Trước hết là thấy mình có trách nhiệm

* Không ít người dân khi có những vấn đề bức xúc lại gọi điện trực tiếp đến cho Bí thư. Tâm trạng của Bí thư khi đó: vui vì được dân tin, hay lo lắng vì đội ngũ cán bộ dưới quyền đã không làm tròn trách nhiệm, nên người dân phải gọi điện "vượt cấp" như vậy?

- Tất nhiên, không thể nào một chủ trương khi triển khai thực hiện đều hoàn hảo cả. Cấp nào cũng vậy thôi. Nhưng với một người lãnh đạo mà để cho dân có nhiều kiến nghị thì trước hết phải thấy là mình có trách nhiệm. Trách nhiệm vì khi lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhưng mình lại thiếu kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Cho nên, trong kỳ họp HĐND vừa rồi tôi có nói: Các đồng chí nói rằng việc gì có lỗi với dân thì phải nhận lỗi trước dân, cái đó thì đúng quá rồi, nhưng đừng để một việc mà mình phải xin lỗi nhiều lần. Có những việc tồn tại đã lâu, chậm được giải quyết, dân phải kiến nghị nhiều lần, cứ giả sử mình đứng ở vị trí người dân thì mình thấy thế nào? Rồi lại có hiện tượng là khi dân phản ánh, cử tri kiến nghị nhiều, thì chúng ta "nóng" lên, nói rất dữ, tưởng là sẽ giải quyết nay mai thôi. Nhưng khi người dân yên tâm chờ đợi thì mình lại "nguội" dần, rồi cứ vậy mà không giải quyết... Mà để dân kiến nghị nhiều nghĩa là trong việc triển khai chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước chúng ta làm chưa tốt.

* Có một số lãnh đạo thường dành thời gian vào một công việc là đi thực tế như một cách để nắm thông tin, nghe dân, còn với Bí thư thì sao?

- Tôi cho rằng hiện nay chúng ta có thể nghe thông tin từ rất nhiều kênh: qua phản ánh của các ngành, địa phương; qua các cơ quan tham mưu... và tất nhiên là phải tăng cường xuống cơ sở nữa. Nhưng xuống cơ sở thì mình làm thế nào phải nghe cho được nhiều phía chứ không phải xuống đó chỉ nghe lãnh đạo nói không đâu. Như hồi tôi được phân công phụ trách xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ) cũng vậy. Xuống xã, tôi đâu có ăn cơm ở xã mà ra ăn ở quán. Ngồi ăn vậy mà nghe được đủ thứ chuyện, biết thêm được nhiều thông tin lắm. Như chuyện một hộ nghèo ở thôn Chánh Trạch, xã Mỹ Thọ không được kéo điện vào nhà chỉ vì nghèo quá, không có tiền đóng góp vào kéo điện hạ thế… Không xuống với dân làm sao biết được những chuyện như vậy. Cũng có một tình trạng thế này, bộ máy cán bộ của chúng ta từ tỉnh, đến huyện, rồi xã, thôn không ít, nhưng có nơi vẫn không nắm được dân, không nghe được dân. Cho nên không phải ở gần dân là anh đã hiểu dân đâu. Mà ngay như chúng tôi nói vậy chứ cũng chưa phải là sát dân lắm đâu vì thời gian dành cho họp hành còn nhiều quá... Ở đây vẫn là vấn đề làm sao cho sát dân, nghe dân nói và nói cho dân hiểu. Mà không phải chỉ có xuống xã không đâu, ngay tại khu dân cư mình đang sống cũng vậy thôi... Chỉ có trên cơ sở thông tin nhiều phía như vậy ta mới có thể quyết định đúng, xử lý vấn đề tốt được.

* Một số lãnh đạo thường quan tâm đến việc hình thành cho mình một ê-kíp, tất nhiên đây không chỉ với nghĩa xấu, mà còn có thể hiểu như là một tập thể hiểu nhau để cùng làm việc. Với Bí thư thì sao?

- Xây dựng tổ chức bộ máy nào thì mục tiêu cuối là làm thế nào để sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước có sự đồng bộ, ăn khớp, nhịp nhàng và đem lại hiệu quả trong công việc. Vấn đề quan trọng ở đây là tập thể những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đánh giá và sử dụng cán bộ như thế nào cho đúng năng lực, sở trường, phát huy trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Cũng có tình trạng nhiều khi trong phối hợp không đồng bộ, triển khai không tốt; người đứng đầu một số ngành, địa phương không đáp ứng được nhiệm vụ. Cái đó có khuyết điểm của tập thể người đứng đầu, kể cả Bí thư cũng vậy, tức là đánh giá cán bộ chưa sâu sát.

Hãy tuyên truyền những điển hình trong dân

Trước khi chia tay, chúng tôi có ý muốn hỏi thêm về chuyện gia đình, con cái, Bí thư mỉm cười và lắc đầu: "Cái đó các đồng chí phải đi sâu tuyên truyền những điển hình trong dân đấy chứ! Hiện nay, nhiều gia đình nghèo, gia đình chính sách nhưng nuôi dạy con cái rất tốt. Những điển hình như vậy rất nên viết. Như chuyện sinh viên Nguyễn Chí Hiếu được nhận bình chọn và trao giải thưởng Sinh viên xuất sắc toàn nước Anh vừa rồi đấy, rất cần tuyên truyền".

Nghe tâm sự rất đỗi chân tình ấy, chúng tôi hiểu, đó còn như một lời căn dặn: rằng hãy đến với cuộc sống của những người dân bình thường và lắng nghe họ. Làm báo như chúng tôi đã vậy mà làm cán bộ, công chức lại phải càng như vậy chăng?

. Lê Viết Thọ (thực hiện)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tôi từng nghĩ làm cách mạng là cho đời sau…  (01/02/2005)
Son sắt một niềm tin   (01/02/2005)
Ba ngày theo chân Tổng Bí thư   (01/02/2005)
Xuân của trăm xuân!  (01/02/2005)
Nhìn thẳng vào tương lai  (31/01/2005)