"Chiến tranh cục bộ" bị thất bại, đế quốc Mỹ buộc phải xuống thang, thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Một trong những biện pháp quan trọng của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" là tăng cường quân ngụy và ráo riết "bình định nông thôn". Mục tiêu chủ yếu là lấn đất, giành dân, tiêu diệt lực lượng vũ trang, triệt phá chiến tranh du kích, dập tắt phong trào cách mạng miền Nam.
|
Tuổi trẻ Hoài Nhơn hôm nay ôn lại truyền thống hào hùng của thanh niên huyện nhà tại Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Đồi Mười. |
Trước tình hình đó và để phục vụ cho nhiệm vụ diệt ác, phá kềm, chống địch "bình định cấp tốc", Tỉnh ủy Bình Định chủ trương xây dựng và phát triển các Đội Quyết tử diệt ác, chủ yếu là trong thiếu niên và nữ thanh niên hoạt động hợp pháp sâu trong hậu phương, sào huyệt của địch, nhằm hỗ trợ quần chúng nổi dậy đấu tranh giành quyền làm chủ.
Tại Hoài Nhơn, rút kinh nghiệm sau trận đánh của em Nguyễn Văn Tuấn, thiếu niên xã Hoài Thanh, cơ sở hợp pháp trinh sát quân báo của Huyện Đội dùng vũ khí tự tạo diệt tên Thi - mật báo viên của bọn "bình định", giữa năm 1969, Thường vụ Huyện ủy Hoài Nhơn quyết định thành lập các Đội Thiếu niên quyết tử diệt ác. Tháng 8-1969, Đội Thiếu niên quyết tử diệt ác mang tên Chim Én chính thức thành lập với 3 đội viên ban đầu gồm các em Phạm Thị Đào 14 tuổi, Võ Phước 13 tuổi, Nguyễn Thị Ngân 12 tuổi, trực thuộc Quân báo Huyện Đội.
Ngày 14-3-1970, đội Chim Én gồm Đào - Ngân - Phước đến khu dồn tại ga Ngọc An (Hoài Thanh) phục kích diệt tên Nguyễn Huân - ấp trưởng Ngọc An kiêm giám thị trại giam chi khu quân sự Tam Quan. Trận này, Đào đã tiếp cận dùng súng ngắn diệt tên Huân tại chỗ, cùng lúc Phước và Ngân tung lựu đạn vào bọn tùy tùng và lính gác. Trận đánh này Đào hy sinh, Phước và Ngân bị bắt. Chúng dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, tra tấn dã man nhưng không khuất phục được tinh thần 2 chiến sĩ nhỏ tuổi, nên chúng đã hèn hạ giết chết 2 em.
Tại vùng ven thị xã Quy Nhơn, hai em Nguyễn Văn Hồng và Trần Sỹ - đội viên du kích mật - được giao nhiệm vụ theo dõi diệt một tên mật vụ ác ôn khét tiếng được cử về đây đánh phá phong trào cách mạng. Bằng sự mưu trí, dũng cảm, hai em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt tên ác ôn.
Qua quá trình tuyên truyền, giáo dục, lựa chọn và bồi dưỡng, đến giữa năm 1970, Huyện Đoàn An Nhơn thành lập Chi đoàn thanh niên hợp pháp huyện An Nhơn mang tên Trần Văn Ơn với 4 đoàn viên nòng cốt. Chi đoàn Trần Văn Ơn đã nhanh chóng phát triển lực lượng với phương châm hoạt động là vận dụng sáng tạo 3 mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận; tuyên truyền móc nối thanh niên học sinh vào tổ chức hoạt động. Bằng những hoạt động tích cực, từ một chi đoàn nhỏ, Chi đoàn Trần Văn Ơn đã xây dựng được các cơ sở Đoàn ở hầu hết các trường học của thị trấn Bình Định và được tổ chức đồng ý cho thành lập Liên chi đoàn Trần Văn Ơn. Liên chi đoàn Trần Văn Ơn đã tổ chức nhiều trận đánh táo bạo, dũng cảm trong lòng địch và lập nhiều chiến công như: đón diệt xe Mỹ tại cầu Ông Chết, cầu Xi Ta, gài lựu đạn trong xe Mỹ, đánh cháy xe Mỹ tại trường Gui Se, tiêu diệt nhiều lính Mỹ, cảnh sát, ác ôn. Từ An Nhơn, Liên chi đoàn Trần Văn Ơn mở rộng phạm vi hoạt động xuống Quy Nhơn. Sau khi phát triển tổ chức, các chi đoàn Trần Văn Ơn ở Quy Nhơn đã tiến một bước trong nhiệm vụ của mình là tổ chức hoạt động vũ trang diệt ác ôn, tiêu biểu là trận đánh phủ đầu tên tỉnh trưởng Nguyễn Văn Chức của các đoàn viên chi đoàn Trần Văn Ơn vào tối ngày 8-1-1972, tiêu diệt tại chỗ một số tên ác ôn, tên Chức bị thương.
Ngoài những trận đánh tiêu biểu nói trên, các đoàn viên thanh niên hợp pháp còn tổ chức nhiều hoạt động khác như: in rải truyền đơn, biểu tình, bãi khóa, chống quân sự hóa học đường… Tiêu biểu là cuộc biểu tình nhân vụ lính Mỹ vô cớ bắn chết em Nguyễn Văn Minh 14 tuổi, học sinh trường trung học tư thục Tây Sơn (Quy Nhơn) vào ngày 7-12-1970. Cuộc biểu tình với quy mô lớn thu hút hàng chục ngàn người tham gia, nòng cốt là thanh niên học sinh. Đoàn biểu tình đã đập phá, đốt cháy 14 xe Mỹ, phá hủy 2 súng, đánh bị thương nhiều lính Mỹ và cảnh sát ngụy.
Những trận đánh của các đội viên quyết tử, các đoàn viên thanh niên trong lòng địch đã góp phần cùng với quân và dân toàn tỉnh đánh bại âm mưu "Việt Nam hóa chiến tranh" của địch.
. La Ánh
(Theo Lịch sử Đoàn THCS Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên tỉnh Bình Định (1930-1975))
|