Hành trình đi tìm hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ
17:58', 29/3/ 2005 (GMT+7)

Mẫu tượng đài Vua Quang Trung của nhóm tác giả Lê Đình Bảo - Công ty Mỹ thuật Trung ương (đợt thứ tư).

Hoàng đế Quang Trung đi vào thiên cổ không để lại hình ảnh nào cho hậu thế. Bức chân dung truyền thần do một họa sĩ được vua Càn Long nhà Thanh giao nhiệm vụ vẽ tặng khi Phạm Công Trị (cháu họ ngoại), đóng giả Hoàng đế Quang Trung đi sứ chỉ là chỗ dựa mang tính tham khảo cho các tác giả đi tìm hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Tượng Hoàng đế Quang Trung, đặt trước Bảo tàng Quang Trung hiện nay không còn phù hợp với tầm vóc của khuôn viên Bảo tàng và vai trò lịch sử của vị anh hùng áo vải cờ đào. Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Định đã cho phép Sở Văn hóa Thông tin tổ chức mời các tác giả địa phương và Trung ương tham gia phác thảo mẫu tượng mới. Tuy nhiên, bước đường đi tìm hình tượng vị anh hùng dân tộc không đơn giản chút nào. Cho đến nay có thể thống kê về thời gian phát động cuộc thi là gần 5 năm, chia làm 4 đợt (trong đó có 2 trường hợp nhà tài trợ mời đích danh tác giả). Đợt thứ nhất, có các tác giả: Nguyễn Duy Độ, Nguyễn Ngọc Chi, nhóm tác giả Khúc Quốc Ân, nhóm tác giả Lê Đình Bảo và tác giả địa phương Nguyễn Đình Việt. Đợt thứ hai, tác giả được mời đích danh là Phạm Văn Hạng. Đợt thứ ba, tác giả được mời đích danh là Phan Gia Hương. Đợt thứ tư, có các tác giả: Dương Đăng Cẩn, Lê Đình Bảo, Vương Duy Biên, Lê Quang Nới.

Mẫu tượng đài Vua Quang Trung của nữ tác giả Phan Gia Hương - Công ty Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Các phác thảo gợi lại cho chúng ta trang sử hào hùng của phong trào khởi nghĩa nông dân sôi nổi và rộng khắp ở thế kỷ 18 nói riêng, trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta nói chung, trong đó phong trào khởi nghĩa nông dân dưới sự lãnh đạo của anh em nhà Tây Sơn là một đỉnh cao chói lọi. Trong một thời gian ngắn, nghĩa quân Tây Sơn, mà Nguyễn Huệ là vị tướng trụ cột đã đánh đổ tập đoàn phong kiến Nguyễn - Trịnh thống trị ở hai miền Nam Bắc, giành được chính quyền, thống nhất nước nhà. Ngay sau đấy, đất nước ta lại phải đương đầu với kẻ thù ngoại bang đầy hung hãn và xảo trá, đó là quân xâm lược Mãn Thanh. Lúc này từ người anh hùng áo vải, Nguyễn Huệ đã lên ngôi Hoàng đế. Với tài thao lược của mình, ông đã chỉ huy đạo quân thần tốc tiến công, bằng một cuộc tập kích kỳ diệu, đánh tan 29 vạn quân cướp nước. Lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới đã khẳng định và tôn vinh ông trong hàng ngũ anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự kiệt xuất. Đặc biệt người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ đã ra quân là chiến thắng, chưa hề chiến bại. Với lý lẽ đó, các phác thảo tượng đài, các tác giả chọn thời điểm và hình ảnh rực rỡ nhất của "Hoàng đế Quang Trung chiến thắng" để thực hiện. Đây cũng là "đề bài" mà Ban tổ chức yêu cầu.

Mẫu tượng đài Vua Quang Trung của nhóm tác giả Lê Đình Bảo- Công ty Mỹ thuật Trung ương (đợt thứ nhất).

Ở đợt phát động cuộc thi lần thứ nhất, nổi bật là 2 phác thảo của các nhóm tác giả Lê Đình Bảo và Khúc Quốc Ân; nhưng khi Hội đồng nghệ thuật chọn để nâng cao ở bước kế tiếp thì cả 2 phác thảo ấy đều không bắt mắt được Thủ tướng Chính phủ. Đợt thứ hai, tác giả Phạm Văn Hạng chọn hình tượng Hoàng đế Quang Trung trong tư thế một tay cầm cuốn thư, tay còn lại gác lên đốc kiếm và đưa ra phía sau. Dáng vẻ và hình khối khỏe khoắn nhưng chân dung lại quá hung dữ, không tỏa sáng được trí lực, tư tưởng của nhà chính trị giữ yên trong ngoài an dân, bình thiên hạ. Sau một thời gian trưng cầu ý kiến nhân dân, kết quả số phiếu ủng hộ không cao; tác giả được nhà tài trợ mua đứt bản quyền, nhưng không chọn sử dụng. Đợt thứ ba, nữ tác giả Phan Gia Hương được mời thực hiện. Tác giả này thể hiện chân dung Hoàng đế Quang Trung dựa vào hình ảnh Phạm Công Trị, tư thế cũng như ở phác thảo của tác giả Phạm Văn Hạng. Phác thảo này sau khi được Tỉnh ủy và UBND tỉnh cho trưng cầu ý kiến của nhân dân, tiếp tục được phép chung kết cùng với các phác thảo của các tác giả tham gia đợt thứ tư. Nhưng ở đợt thứ tư này, Hội đồng nghệ thuật lại đánh giá rất cao phác thảo của nhóm tác giả Lê Đình Bảo. Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Định cũng nhất trí chọn phác thảo này để nâng cao. Tuy nhiên, phác thảo này nhóm tác giả vẫn còn nhận nhiều ý kiến đóng góp để sửa chữa.

Phác thảo của nhóm tác giả Lê Đình Bảo xây dựng tượng Hoàng đế Quang Trung trong tư thế giữ yên trong ngoài an dân, bình thiên hạ. Tay trái đưa ra trước như vỗ về, phán quyết những công việc hệ trọng. Tay phải cầm hờ đốc gươm và đưa ra sau, tư thế thể hiện non sông gấm vóc đã thu về một dải; nhưng cũng còn cảnh thù trong giặc ngoài lăm le muốn xâm lấn, cần cảnh giác cao. Trong trang phục áo giáp trụ được tác giả cách điệu cao, khắc họa trong một bố cục chặt chẽ, hợp lý khiến hình tượng Hoàng đế Quang Trung càng được tôn lên, nổi rõ. Phần tả thực của tượng là hình ảnh Quang Trung uy nghi, lẫm liệt, đầy khí phách. Khuôn mặt chữ điền, ánh mắt đang dõi xa như thu gọn non sông đất nước trong tầm nhìn của mình để rồi hoạch định những kế hoạch gìn giữ và xây dựng đất nước.

Tin rằng trong tương lai không xa, Bảo tàng Quang Trung sẽ xây dựng một tượng đài Hoàng đế Quang Trung xứng với tầm của thế kỷ mới.               

. Nguyễn Chơn Hiền

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bao giờ bóng đá Việt Nam mới thực sự hội nhập?  (29/03/2005)
Lời tự thú của tên giết người  (29/03/2005)
Mốt cho người trung tuổi  (29/03/2005)
Con số 28 trong cuộc đời Chủ tịch Mao Trạch Đông  (29/03/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/03/2005)
Tuổi trẻ Bình Định chiến đấu ngoan cường trong sào huyệt địch  (29/03/2005)
Hiện thực mơ ước của những người chiến thắng  (29/03/2005)
Nhớ mãi Tết độc lập đầu tiên ở quê tôi  (02/02/2005)
Mùa xuân cuối cùng của Bác   (01/02/2005)
Ba câu chuyện về ông Chủ tịch   (01/02/2005)
"Chúng ta không thể tự bằng lòng…"  (01/02/2005)
Tôi từng nghĩ làm cách mạng là cho đời sau…  (01/02/2005)
Son sắt một niềm tin   (01/02/2005)
Ba ngày theo chân Tổng Bí thư   (01/02/2005)
Xuân của trăm xuân!  (01/02/2005)