Làm thuê
18:2', 29/3/ 2005 (GMT+7)

. Truyện ngắn của Nguyễn Thị Lệ Thu

5 giờ sáng, chị tìm đến đầu đường Văn Thánh Bắc. Cái cảm giác chóng mặt, buồn nôn vẫn đang vần vũ trong đầu chị. Chị đâu còn tỉnh táo để ý đến sự nhộn nhịp của một thành phố vào buổi sớm tinh mơ. Chị đã phải vật vã qua chặng đường dài hàng nghìn cây số đến đây đâu phải để tham quan, dạo phố rồi chiêm ngưỡng. Chị đi làm. Nói rõ hơn chị nhận giúp việc cho một gia đình có số nhà trên đường Văn Thánh Bắc này.

Chủ nhà không biết chị. Chị cũng mới lần đầu lạc xứ đến đây. Nhưng mảnh giấy nhỏ ghi dòng địa chỉ trên tay sẽ là bằng chứng cho biết chị chính là người được bạn bè ở quê xa của chủ nhà giới thiệu.

Đang loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu, chị chợt nhận ra có một người đàn ông đang tiến dần về phía chị. Không, chỉ là một thanh niên trên dưới 30 tuổi. Anh ta có dáng người cao, khỏe, phong thái ung dung, gương mặt đẹp, hoàn hảo, trông rất đáng tin cậy. Chị quyết định nhờ anh giúp đỡ. Sau khi xem qua dòng địa chỉ, anh nhìn chị cười hiền, rồi khẳng định:

- Chị là chị Loan nhận giúp việc nhà em!

Ngạc nhiên lẫn vui mừng, chị luýnh quýnh:

- Vậy đây là chú Khương?

Anh gật đầu đầy thiện cảm, rồi đưa chị đi ngược con đường anh vừa tới. Trên đường đi, anh ân cần hỏi han. Những câu hỏi rất chân quê mộc mạc đại loại như: "Chị có bị say xe không? Cháu nhỏ được bao nhiêu tuổi, học lớp mấy? Chị đi làm như thế này có khó khăn gì không?...". Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho chị ấm lòng. Bước khởi đầu cho việc làm ăn của chị như vậy là tốt đẹp. Chắc có lẽ chị là người may mắn nhất!

Đến trước ngôi nhà ba tầng cao to trông bề thế, anh dừng lại và bấm chuông. Một lúc sau hai cánh cổng sắt khe khẽ mở. Chị bắt gặp cái nhìn khó chịu của người đàn bà ở độ tuổi "trẻ đã qua già chưa tới". Sau khi quan sát chị như xoi mói, người đàn bà buông một câu hỏi lửng lơ không mấy nhã nhặn:

- Ai thế?

- Đây là chị Loan, người nhận giúp việc nhà ta, con đã nhờ một anh bạn thân giới thiệu. Còn đây là mẹ tôi. Chị vào nhà đi, bây giờ tôi còn phải ra xe đi Vũng Tàu cho kịp.

Bà chủ liếc xéo chị, đôi mắt sắc như dao miết. Chị lụng thụng trong bộ quần áo nhàu nhò bám đầy bụi bẩn. Chắc bộ dạng chị lúc này trông xác xơ nhơ nhớp như một kẻ lang thang. Thảo nào bà chủ đã chẳng mấy chút thân tình với hình ảnh ban đầu của chị.

Bà chủ đưa chị vào nhà, dắt qua ba lối rẽ dọc ngang, đến trước một gian phòng nhỏ bà hắng giọng:

- Đây là chỗ dành cho chị!

Chị không quan tâm đến nét mặt lạnh lùng và vô cảm của chủ nhà. Chị là người đi làm thuê, ngủ đâu mà chả được. Gian phòng này tuy nhỏ bé, bừa bộn và cũ kỹ chẳng nghĩa lý gì so với ngôi nhà ba tầng đồ sộ kia, nhưng nó vẫn tốt hơn nhiều so với cái nơi không thể gọi là nhà của gia đình chị.

Chị không nghỉ ngơi mà bắt tay ngay vào việc. Tính của chị từ hồi nào đã vậy. Làm việc gì chị cũng cố gắng tận lực, tận tâm, nhanh nhẹn tháo vát, sạch sẽ và gọn gàng, miệt mài và cẩn thận. Người trả công cho chị phải thật sự hài lòng chị mới cảm thấy thanh thản được. Với chị, con người dù nghèo khó hay giàu sang, làm bất cứ việc gì, đứng trên phương diện nào cũng có một góc riêng tư dành cho lòng tự trọng.

Gia đình chị ở có tất cả năm người. Hai vợ chồng bà chủ, vợ chồng chú Khương và một bé gái con chú Khương, vừa tròn năm tháng tuổi. So với bà chủ thì ông chủ già hơn chị tưởng. Nghe nói ông bị tai biến mạch máu não từ lâu, giờ ăn uống đi lại rất khó khăn. Chị chú ý nhất ở ông là nụ cười. Nụ cười méo mó, khổ sở, lại còn phảng phất một nỗi buồn miên man. Ông chủ ít nói chuyện nhưng tỏ ra rất thông cảm về gia cảnh của chị. Bà chủ thì buôn chuyện cả ngày, như thể nếu không có chị trong nhà chẳng còn ai để cho bà trút hết những buồn bực, giận hờn vô cớ. Sau khi giao việc cụ thể cho chị, bà nhấn giọng:

- Cô có làm việc tốt thì mới xứng với số tiền nhà tôi bỏ ra cho cô. Bốn trăm nghìn mỗi tháng chứ có ít đâu!

Có một chút ngậm ngùi dậy lên trong lòng chị. Chỉ một chút thôi. Nó như con sóng lạc loài gợn lên trên mặt hồ đang phẳng lặng. Vì chị biết, mình là một người làm thuê.

Điều bây giờ khiến chị quan tâm nhất là nỗi nhớ chồng, thương con cứ dày vò, day dứt. Chồng chị, anh Nam, bị dị tật bẩm sinh. Chân phải của anh teo tóp như que củi. Bù lại anh có đôi tay chắc khỏe, lực lưỡng. Đó là sự bổ sung hài hòa và ưu ái. Anh làm thợ đốt lò cho một cơ sở gạch ngói của hợp tác xã, tháng cũng được ba trăm nghìn. Hai đứa con chị đứa lên sáu, đứa lên hai. Chúng quá bé nhỏ so với sự chịu đựng phải xa mẹ những tháng ngày đằng đẵng. Vừa rồi, gia đình chị được chương trình "Xóa nhà ở đơn sơ, tạm bợ" ủng hộ ba triệu đồng cất nhà. Chồng chị tính toán thế nào mà nhà xây xong, tổng chi lên bảy triệu. Thế là chạy đôn chạy đáo. Chị quyết định nhận làm thuê mười tháng. Thời gian dài đấy, nhưng rồi cũng sẽ qua. Giờ có nhà che nắng che mưa là chị sung sướng lắm rồi…

Chị làm quần quật cả ngày. Từ lau nhà, quét dọn, giặt ủi quần áo, phụ trông em bé đến việc cơm nước cho cả nhà ngày hai bữa. Chị cũng đã quen dần với bếp ga, lò vi sóng, máy giặt, máy xay… Chị thương con bé sáu tuổi ở nhà ngày nào cũng lui cui mớ lá dừa nấu cháo cho em. Mùa đông nắng ít mưa nhiều, biết nó có nhớ ôm củi vào nhà hay để ẩm rồi đun lên bao nhiêu là khói. Thế là chị bật khóc. Khóc vội vàng. Vừa làm vừa khóc. Công việc không cho chị nghỉ ngơi để kịp nhớ thương con.

Bữa ăn cả nhà quây quần quanh mâm cơm, chị trông em bé. Em bé ngủ, chị xuống bếp tìm việc để làm. Chị không được dùng bữa cùng cả nhà. Đó là quy định. Không sao, thế càng hay. Chị không muốn những cực nhọc theo cả vào bữa ăn. A n uống khép nép, dè chừng, bắt gặp những ánh mắt xa lạ, nặng nề khiến cho chị thêm buồn, rồi tủi. Chị dọn dẹp, ăn sau. Còn gì ăn nấy. Vui vì một ngày nữa đã trôi qua. Đói ư? Chuyện nhỏ! Chị đã quá quen với những lần gạo trong thùng vét mãi chẳng đầy lon.

Nhưng có điều khiến chị vô cùng khổ sổ, đó là không thể nào chị làm vừa lòng nhà chủ. Chị lau nhà ba lượt, bà chủ còn lấy tay miết miết trên nền nhà rồi chê bẩn. Sau đó lại tỏ ra thông cảm người nhà quê sống chung với bụi đất quen rồi. Chưa món nào chị nấu được cô con gái gật đầu. Món nào cô cũng chê mặn, chê cay, nhiều dầu mỡ. Mà cô thì đang ăn kiêng, chống béo. Ừ, thì cũng có thể là chị quê mùa, vụng về, chưa từng biết, chưa từng nếm những món đặc sản đắt tiền. Nhưng canh chua cá lóc bỏ chút ớt cho the đầu lưỡi lại sợ nóng nổi mụn, cá rô đồng kho tiêu cũng phải cho đường ngòn ngọt thì chị chịu. Chị nhớ chén cơm gạo mới nóng hôi hổi, cho vào chút muối ớt cay cay, vừa ăn vừa hít hà xuýt xoa, ăn xong bữa uống một hơi hết bát chè xanh, mới đã.

Cứ mỗi chiều thứ bảy chú Khương về. Có hôm thấy chị loay hoay quét trần nhà, chú xắn tay vào làm giúp. Chú hỏi chị đã điện thoại về nhà chưa? Anh và các cháu có khỏe không? Chị thấy công việc ở đây thế nào? Cô vợ bẳn tính mắng sa sả: "Chỉ có ngày nghỉ cuối tuần không dành thời gian cho vợ lại đi làm không công cho người giúp việc" - cô giận. Thế là quay ngoắt. Chú Khương cười như mếu: "Chị đừng chấp, vợ em bỗ bã nhưng tốt bụng. Nói thế rồi quên ngay ấy mà…". Chị lúng túng như mình có lỗi. Không lý giải nổi vì sao cái con người lịch sự nho nhã này lại đi chọn một cô gái đanh đá và sỗ sàng làm vợ, để rồi lúc nào bà mẹ vợ cũng có thể nói vui cứ như không: "Vì nó ở rể nhà này nên phải thế…". Chị thấy thương cho chú Khương. Chắc chú cũng chẳng sung sướng gì trong cách nghĩ của gia đình nhà vợ.

Hơn một tháng trôi qua, những tưởng công việc làm của chị như vậy là suôn sẻ. Đâu ngờ chuyện buồn chẳng chịu buông tha chị. Bà chủ mất sợi dây đeo cổ.  Hai mẹ con bà gạn hỏi rồi chì chiết: "Rằng còn ai vô đây. Rằng nhà này từ trước đến giờ cái rác chẳng di sơ. Rằng đây là vật kỷ niệm nên rất quý… Quần áo của chị bị lục tung, túi xách cũng bị chổng ngược chỏng chơ. Chị nghẹn đắng. Nước mắt giàn giụa. Chị nghèo thật đấy! Nhưng chị không hèn. Nghèo tiền bạc nhưng giàu lòng tự trọng và phẩm chất của một con người. Chị chưa một lần nhìn thấy món đồ này. Theo như sự mô tả của bà chủ thì đó là một xâu chuỗi ốc biển, vật kỷ niệm của đồng nghiệp tặng lúc bà về hưu. Mà không, dù đó có là một sợi chuyền vàng thì đối với chị cũng chẳng chút giá trị nào. Vì nó không phải là của chị. Thói đời vẫn thế, "mất cơm nghi đứa đói, mất gói nghi đứa nghèo". Chỉ có ông chủ là tỏ ra thương hại. Từng bước đi khập khiễng, ông mày mò tìm kiếm khắp các tủ, rương, hộp đồ… Rồi như chợt nhớ ra, ông điện thoại hỏi mấy đứa nhỏ cháu bà hôm hè vào thăm có tưởng nhầm đồ chơi rồi cầm lấy. Bên kia đầu dây có tiếng líu ríu của một cô bé gái: "Gì cơ? Xâu chuỗi ốc ấy à? Dì đã cho con rồi cơ mà?". Lúc bấy giờ chị mới khóc òa. Người ta bồi thường danh dự cho chị bằng một câu nói ỡm ờ như chẳng có chuyện gì xảy ra: "Nó hỏi xin tôi không cho, nhưng nó vẫn lấy à? Đúng là đồ trẻ con!". Thế đấy!

Cả đêm hôm ấy chị không ngủ. Chị nghĩ về khoản nợ bốn triệu. Nghĩ về các con và người chồng dị tật. Rồi chị nghĩ về chị và những lời xỉa xói đầy xúc phạm. Hôm nay là xâu chuỗi ốc, nhỏ đấy. Nhưng ai mà biết được chị còn phải chịu bao điều tiếng nữa? Không! Chị vùng dậy gom vội chỗ quần áo cho vào túi xách chờ trời sáng. Ngày mai, vâng, chỉ ngày mai thôi, hai cánh cổng sắt vô cảm vô hồn kia cũng sẽ đẩy chị ra ngoài đường như cách đây hơn một tháng nó đã từng đón chị.

. N.T.L.T

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hành trình đi tìm hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ  (29/03/2005)
Bao giờ bóng đá Việt Nam mới thực sự hội nhập?  (29/03/2005)
Lời tự thú của tên giết người  (29/03/2005)
Mốt cho người trung tuổi  (29/03/2005)
Con số 28 trong cuộc đời Chủ tịch Mao Trạch Đông  (29/03/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/03/2005)
Tuổi trẻ Bình Định chiến đấu ngoan cường trong sào huyệt địch  (29/03/2005)
Hiện thực mơ ước của những người chiến thắng  (29/03/2005)
Nhớ mãi Tết độc lập đầu tiên ở quê tôi  (02/02/2005)
Mùa xuân cuối cùng của Bác   (01/02/2005)
Ba câu chuyện về ông Chủ tịch   (01/02/2005)
"Chúng ta không thể tự bằng lòng…"  (01/02/2005)
Tôi từng nghĩ làm cách mạng là cho đời sau…  (01/02/2005)
Son sắt một niềm tin   (01/02/2005)
Ba ngày theo chân Tổng Bí thư   (01/02/2005)