Làm báo ri có bí... thơ?
15:1', 31/3/ 2005 (GMT+7)

(Đọc tập thơ BÙN NON của Phạm Đương - NXB Hội Nhà văn -2004)

Nhiều người vẫn bảo tôi đã làm thơ thì đừng làm báo, vì "báo… hại thơ lắm!". Tôi thì vẫn nghĩ, thơ là thơ còn báo là báo, việc gì ra việc ấy, đâu có dẫm chân lên nhau mà sợ.. đau chân? Như Phạm Đương đây, làm báo thì ký Trần Đăng, còn làm thơ ký Phạm Đương, có ăn nhằm gì tới nhau, cái tên này đâu có chọc ngoáy vào cái tên kia, việc gì phải sợ? Thơ thì bằng bằng trắc trắc, báo lại văn xuôi thẳng ruột ngựa, hai không gian sinh tồn riêng, như thế, đúng ra "bác" này chỉ có thể đỡ đần cho "bác" kia, và ngược lại.

Thì đúng là thế! Tôi nghiệm ra, những anh làm báo nếu trước đó hay sau đó có làm thơ, thì viết báo thường uẩn súc hơn, chữ nghĩa cũng ma mị hơn, ngay cái "tít" giật cũng… bay bướm hơn là những anh chỉ "độc canh" cày báo. Nhạy cảm hơn, giàu chữ nghĩa hơn, biết dừng đúng lúc hơn và cũng biết triển khai những lối không mòn hơn, đó là anh nhà thơ làm báo. Nhưng ngược lại, nghề báo liệu có giúp gì được cho nghề thơ hay chỉ khiến những bài thơ trở thành những "phóng sự" mang tính báo chí? Cái này thì phải đọc thẳng vào thơ những người làm báo mới trả lời được.

Tôi đã thử đọc thơ Phạm Đương cho câu hỏi này. Quả thật, thơ anh nhà báo này có một giọng… báo chí không lẫn được, nhưng ở khía cạnh tích cực: "bảy mươi tuổi bác tôi còn đi gặt/ thân cò già chẳng bắt nổi cá con/ đêm đêm quay mặt vào vách/ lốc lịch còn nguyên bác nào dám bóc" (Về quê và gặp). "Tôi lớn lên từ những chiếc lá tre khô/ chỉ mấy năm bỏ làng ra phố/ thấy chiếc lá nào cũng bĩu môi: đồ rác" (Trong nhà). "Cuối năm đi chợ mua hoa/ lượn qua lộn lại đến ba bốn vòng/ sờ cây cúc liếc cây hồng/ rò rè cây quất phải lòng cây mai/ chợt nghe một tiếng thở dài/ giá mỗi cân thịt bốn hai ngàn đồng".

Đúng là mỗi đoạn thơ đều "có chuyện", và đều muốn "gây chuyện" theo kiểu báo chí, có điều lặng lẽ hơn, nén lại hơn, và có ý bùng nổ trong chiều sâu hơn. Đó có thể tạm gọi là những "report-poems"- những bài thơ phóng chiếu sự đời sự người ra đúng cái chiều kích thật của nó, không vỗ về cũng không tránh né. Có hàng nghìn kiểu làm thơ, và tạng ai hợp với kiểu thơ nào thì cứ làm kiểu thơ ấy. Có lẽ Phạm Đương hạp với tạng thơ - phóng sự này chăng? Tôi không dám chắc có phải do quen nghề làm báo mà thơ Đương hiện ra trong một tương chiếu với một loại bài báo đặc biệt: những "phóng sự" muốn lột tả một cách thẳng thừng những uẩn khúc nội tâm, những "tường trình" về những gì có thể gãy đổ trong im lặng, ở một lúc nào đó của đời người. Được như vậy thì kiểu thơ - báo chí này tốt quá đi chứ !

Tôi thử đọc một bài thơ gọi là lặng lẽ nhất của Đương xem sao, thì thấy: "bao buồn vui mặn ngọt đời ta/ em đã đến và mang đi tất cả/ chỉ để lại một cánh rừng lạnh giá/ thắp đèn lên/ ngồi nhặt/ gặp tay mình" (Lan man). Vẫn nghe được những rạn vỡ mà chỉ có thơ mới "tường trình" được, bởi thơ nói mà không nói, không nói mà nói, nó khác với báo chỉ mỗi chỗ đó. Báo thì nói thẳng nói hết, rồi… thôi. Trong khi thơ luôn để lại trong miệng ta một vị gì khó gọi tên sau khi ta đã "nếm" qua bài thơ. Theo chính thổ lộ của tác giả, thì sau những ồn ào phải đối mặt mỗi ngày qua những bài báo: "tôi lại trở về tựa vào một góc khuất của riêng mình. Ở đó có nỗi buồn thất lỡ, có niềm vui vừa chớp sáng đã sóng đánh xô nghiêng…".

Tôi nhấn mạnh đoạn thổ lộ này để bạn đọc thấy thơ khác báo như thế nào, nhưng không hề nói "hễ có thơ thì thôi báo, và ngược lại". Nói như một nhà thơ mà tôi "chen ngang" một chữ: "Rằng thơ với… báo nặng duyên tơ", ta có thể thấy hai "anh" này không hề triệt tiêu nhau, mà trong nhiều trường hợp, lại san sẻ với nhau nhiều điều. Báo có khả năng giải thoát thơ ra khỏi những lối mòn trì trệ của cảm xúc, nhất là khi cảm xúc ấy chưa đủ độ để bùng nổ bằng những câu thơ. Và khi đó, sự dắt dẫn của một trái tim nhạy cảm sẽ gặp sự sáng suốt của một trực giác biết hút lại gần nhau những mảnh vỡ của một hay nhiều câu chuyện nào đó. Sự phản kháng tức thì của báo gặp cách chảy len lách của xúc cảm thơ, và bài thơ sẽ đột ngột bùng nổ trong im lặng. "Ở Hà Nội cứ mãi là 10 độ/ để miền Trung cây phải toát mồ hôi", câu thơ này phải chăng là nói về thời tiết? Một tường trình về khả năng khô hạn của… miền Trung? hay còn gì khác nữa? Đó "hình thức báo" vẫn có thể giấu kín trong nó một "nội dung thơ", cái sáng rõ vẫn che giấu được cái tù mù, và thơ vẫn "sống chung" với báo một cách hòa bình và hòa hợp. Như thế, báo có làm lợi cho thơ chứ, và viết báo không hẳn là một cách "làm loãng" thơ bằng những bài văn xuôi không hứa hẹn một tuổi thọ lâu dài.

Nhiều người nói với tôi rằng báo là chuyện của hôm nay, thơ mới là chuyện của ngày mai. Thì đúng thế, nhưng có một điều họ quên: làm báo khiến cho người làm thơ tỉnh táo hơn, ít ảo tưởng hơn, và đỡ vướng vào cái lưỡi câu vô hình của hư danh hơn. Dĩ nhiên, ai làm thơ mà chẳng mong thơ mình còn lại với thời gian, nhưng nếu anh vừa làm báo vừa làm thơ, anh sẽ biết quên chuyện thơ mình sống được bao lâu. Quên như thế đỡ mệt hơn, đỡ lẩm cẩm hơn, và có khi, lại khiến thơ mình… sống lâu hơn.            

. Thanh Thảo

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làm thuê  (29/03/2005)
Hành trình đi tìm hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ  (29/03/2005)
Bao giờ bóng đá Việt Nam mới thực sự hội nhập?  (29/03/2005)
Lời tự thú của tên giết người  (29/03/2005)
Mốt cho người trung tuổi  (29/03/2005)
Con số 28 trong cuộc đời Chủ tịch Mao Trạch Đông  (29/03/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/03/2005)
Tuổi trẻ Bình Định chiến đấu ngoan cường trong sào huyệt địch  (29/03/2005)
Hiện thực mơ ước của những người chiến thắng  (29/03/2005)
Nhớ mãi Tết độc lập đầu tiên ở quê tôi  (02/02/2005)
Mùa xuân cuối cùng của Bác   (01/02/2005)
Ba câu chuyện về ông Chủ tịch   (01/02/2005)
"Chúng ta không thể tự bằng lòng…"  (01/02/2005)
Tôi từng nghĩ làm cách mạng là cho đời sau…  (01/02/2005)
Son sắt một niềm tin   (01/02/2005)