Tản mạn tháng ba
18:13', 29/3/ 2005 (GMT+7)

Tháng ba! Ngày đã chói chang nắng, đêm vẫn còn se sắt lạnh. Vài ba đêm Đài Truyền hình Trung ương lại dự báo thời tiết: ảnh hưởng không khí lạnh tràn về. Cây gạo "cổ thụ" ở góc sân đình làng cổ kính đã nở hoa đỏ rợp trời chiều. Những cánh hoa gạo son bay bay trong những cơn gió thoảng qua, nhẹ nhàng, thơ thẩn đậu trên vai người thôn nữ tuổi tròn trăng. Tôi bất chợt nhớ bài thơ tình bốn câu của nhà thơ họ Chế: "Giữa ngã ba đường hoa gạo son/ Người tình nhân đỏ chói môi hôn/ Xe ta qua mãi mà không dứt/ Chiều tối màu son đỏ chói hồn". Ôi, "hoa gạo son - đỏ chói môi hôn - màu son đỏ chói hồn". Đẹp, sáng và lãng mạn biết bao !...

              Chiều tháng ba.

Tháng ba ! Chiều ở quê êm ả. Đồng lúa vụ đông - xuân vào thì con gái đang thủ thỉ thù thì, níu chân người trên bến thời gian. Đàn cò dang cánh trắng phau, xếp thành hình những chữ V, thong dong bay về phía xa kia. Mặt trời đỏ ối như chiếc sàng tre treo lơ lửng trên dãy núi xa mờ phía tây. Mặt trời xuống và khuất dần, tạo nên hình lưỡi liềm không cân xứng. Mặt liềm to quá nửa hình tròn. Thì ra, xa hơn dãy núi kia là một dãy núi cao hơn, xa khuất không nhìn thấy được. Giá mà không ngạc nhiên vì hình ảnh mặt trời, có lẽ không bao giờ có sự chú ý để nhận biết điều này. Phải chăng đó là dãy Trường Sơn hùng vĩ, chạy dài theo hình đất nước và để đất nước mình có chỗ tựa lưng ! Những cánh cò bay về phía trước như ra sức nhuộm trắng bầu trời, thi thố tài năng cùng ráng chiều đang nhuộm đỏ ánh hoàng hôn. Tuổi trẻ bây giờ không thể nào nhìn tận mắt cái cảnh "…những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều" (thơ Nguyễn Đình Thi) của một thời chống thực dân, đế quốc!

Tháng ba! Đứng trên bờ mương bê - tông hóa xinh xắn, sạch sẽ nhìn theo dòng nước nho nhỏ, xanh mát chảy xa tít tắp đến cuối đồng. Mới năm ngoái, cũng ở cánh đồng này, con mương nhỏ chảy quanh quanh, hai bờ sạt lở. Bà con cứ phải đắp đắp be be, vất vả để đưa con nước vào ruộng, vào vườn. Nay thuận lợi mọi bề. Người ta có thể chắn nơi này, chận nơi kia, nước tuôn chảy ào ạt theo ý muốn mà không sợ rằng, để có được lượng nước cần có phải chấp nhận thất thoát đi đến gấp đôi lần như thế vì rò rỉ theo bờ… "Nước, phân, cần, giống". "Phân, cần, giống" đã tốt rồi, chỉ có nước, và bây giờ nước đủ đầy, đồng quê tôi sẽ sai bông, trĩu hạt…. Một mùa bội thu đang dần là hiện thực !

Tháng ba!  Quê tôi cũng vào hội. Không rộn ràng như Hội Lim đầy tính nhân văn và trữ tình của người Kinh Bắc; không âm vang như Lễ hội cồng chiêng đầy sắc thái núi rừng của người Tây Nguyên; song cũng có cờ xí, trống chiêng, rước sắc đình làng theo tập tục ngày xưa, cũng có những đêm hát hội thâu đêm. Là trước cũng để nhớ ơn các bậc tiền hiền mở đất lập làng để lại cho muôn đời con cháu, sau nhắc nhở mọi người cùng nhau yêu thương, đoàn kết xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Làng tôi được công nhận là Làng văn hóa. Nền văn minh nông nghiệp, văn hóa xóm làng mà ông cha để lại được phát huy kết hợp với cuộc sống văn minh hiện đại cả về vật chất lẫn tinh thần, đã tạo thành một diện mạo mới…

Tháng ba! Vẫn là Mùa xuân. Sức xuân như tuôn trào trong từng ánh mắt, nụ cười của mỗi một con người, trong từng lá cỏ nhành cây của vạn vật tự nhiên… Quê tôi một lần nữa lại thay da đổi thịt !...        

. Phùng Tiết

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làm báo ri có bí... thơ?  (29/03/2005)
Làm thuê  (29/03/2005)
Hành trình đi tìm hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ  (29/03/2005)
Bao giờ bóng đá Việt Nam mới thực sự hội nhập?  (29/03/2005)
Lời tự thú của tên giết người  (29/03/2005)
Mốt cho người trung tuổi  (29/03/2005)
Con số 28 trong cuộc đời Chủ tịch Mao Trạch Đông  (29/03/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/03/2005)
Tuổi trẻ Bình Định chiến đấu ngoan cường trong sào huyệt địch  (29/03/2005)
Hiện thực mơ ước của những người chiến thắng  (29/03/2005)
Nhớ mãi Tết độc lập đầu tiên ở quê tôi  (02/02/2005)
Mùa xuân cuối cùng của Bác   (01/02/2005)
Ba câu chuyện về ông Chủ tịch   (01/02/2005)
"Chúng ta không thể tự bằng lòng…"  (01/02/2005)
Tôi từng nghĩ làm cách mạng là cho đời sau…  (01/02/2005)