Một nửa ghép lại
18:27', 29/3/ 2005 (GMT+7)

Trai lớn có vợ, gái lớn có chồng là chuyện thường tình đối với bất kỳ ai. Với những người khuyết tật, chuyện "thường tình" ấy dường như khó khăn hơn bởi trong lòng họ đều mang một mặc cảm… Bài viết này xin giới thiệu 3 cặp vợ chồng, trong đó có hai trường hợp bị khuyết tật và một trường hợp thương binh. Họ sống bình dị như bao cặp vợ chồng khác...

* Nỗi buồn xẻ nửa

Ông Yết, bà Được trong ngôi nhà mới xây.

Đôi vợ chồng già mù ấy sống trong một căn nhà chật hẹp ở tổ 23 khu vực 2, phường Trần Phú, Quy Nhơn. "Trước đây, nó giống như một cái lô cốt bằng cát, hai người khoét một lỗ chun ra chun vào. Năm 2004, Nhà nước và phường hỗ trợ cho ông bà trên 5 triệu đồng để dựng lại căn nhà" - anh cán bộ phụ trách xã hội phường Trần Phú kể chuyện. Ông tên Nguyễn Yết, 74 tuổi, còn bà là Phạm Thị Được, tuổi đã ngoài 65. Ông bà bị mù do trúng bom và đạn hơi cay của giặc Mỹ từ hồi còn trẻ. Họ về sống với nhau đã trên 30 năm có lẻ. Cách đây 26 năm, đôi vợ chồng bất hạnh ấy cũng sinh được một người con. Nhưng con sinh vừa được một tuần thì bị đánh cắp. Bà Được đang ẵm con từ bệnh viện về thì có kẻ bảo để họ ẵm con qua đường giúp. Tin lời, bà đưa con cho người ta, đâu ngờ rằng đó là lần cuối cùng bà được ẵm đứa con rứt ruột đẻ ra. "Nghe người ta kể, họ bắt nó đem về nuôi ở trên khu 5 đây chớ đâu. Tôi nhớ, thằng bé khi chừng 5,6 tuổi đã chạy về đây kêu ba kêu má. Nhưng rồi từ đó đến giờ, chẳng biết vì sao nó chẳng lai vãng gì đến nữa. Thôi thì coi như mình vô phúc thôi cô ạ"- bà Được kể chuyện, đôi mắt mờ đục ấy chỉ chực òa ra dòng lệ trên đôi gò má nhăn nheo. Ông Yết động viên: "Số phận cả mà, buồn làm chi nữa bà".

Sáng sáng, người dân trong cái xóm lao động nghèo khổ ấy vẫn thấy ông hoặc bà lọ mọ lần mò ra bờ giếng múc nước đem về dùng. Bà Được hàng ngày lần mò ra chợ cá, vừa mua vừa xin cá rồi đem bán, lấy tiền cơm nước. Còn ông, bữa nào khỏe, lại mò lấy cái gậy, tay đeo chuông lần đường đi tẩm quất cho người ta, ông thường đi bộ lên tận bến xe để làm việc. Ở đó, ông có bạn hàng là những lái xe đường dài. Thi thoảng, có người đến chở ông đi tẩm quất. Ai cho bao nhiêu tùy lòng, 2.000, 3.000 đồng hoặc 10.000 đồng, ông không đòi. "Tui già rồi, mắt mũi đâu có thấy, ai đưa đồng nào thì biết đồng đó, có đòi hỏi chi đâu. Có đận tôi đi làm ở ngoài công viên, có ba thằng đến bảo tôi tẩm quất. Xong việc chúng nó chạy biến, rồi có hôm có kẻ đưa cho tôi hai phần ba tờ bạc, gấp lại. Tui cứ thế đưa cho bả, bả nhờ người coi lại mới biết tờ bạc không dùng được nữa. Những người như thế tôi gặp vài lần rồi cô à"- ông Yết kể giọng buồn buồn. Bà Được hay chuyện, tiếp lời chồng: "Nghịch nhất là bọn trẻ. Tui sắm cho ổng cái chuông đeo tay, được vài ngày bọn trẻ giật mất, rồi bật lửa, chai dầu…". Bà kể chuyện, còn ông chỉ ngồi nghe, hút thuốc lá, rồi cười hiền lành "Thôi mà, bọn trẻ con ấy mà". Nhìn ông bà, tôi chợt nhớ đến câu nói "khi có nhau, nỗi buồn được xẻ nửa".

* Hạnh phúc nhân đôi

Với đôi vợ chồng cùng bị bại liệt Trần Văn Mưu và Nguyễn Thị Tiền, cuộc sống lứa đôi có vẻ may mắn hơn. Ngôi nhà nhỏ, cheo leo trên núi của hai người ở khu vực 11 phường Ngô Mây, Quy Nhơn như chật chội thêm khi hai đứa con ra đời. Anh Mưu 38 tuổi, bị liệt hai chân từ nhỏ, tự lực cánh sinh đã từ lâu. Có lẽ những người hay tìm kiếm vận may không thể quên người đàn ông đi bán vé số bằng cách lết đôi chân của mình qua các hàng quán, tay cầm tập vé số mời mọi người. Nhưng đó là chuyện của mấy năm trước, còn giờ đây anh đã "đi" bán đàng hoàng trên chiếc xe lăn. Khi chúng tôi đến thăm nhà, anh Mưu nói như khoe: "Tôi đang chuẩn bị ra Công ty Xổ số kiến thiết nhận tiền thưởng cuối năm đây, được gần 1,2 triệu lận. Bây giờ mình tôi phải cáng đáng cả mẹ con nhà nó". Vừa nói, anh vừa trìu mến nhìn hai mẹ con chị Tiền. Còn chị thì chỉ cười đỏ mặt.

Trước đây chị Tiền cũng chống nạng đi bán vé số, nhưng từ ngày mang thai đến giờ chị chỉ ở nhà trông con. Chị Tiền bẽn lẽn khi kể chuyện của hai người: "Trước đây tui ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, xin ra Trung tâm bán vé số kiếm đủ tiền mua đôi bông tai. Tui đi bán rồi gặp ảnh, ảnh mời về nhà chơi nhiều lần. Thân nhau rồi, coi nhau như anh em, ảnh bảo "anh có nhà có cửa, về đây sống chung với nhau, chứ em còn đi đâu nữa". Tui từ chối, bảo nay mai về lại Trung tâm thì ảnh òa khóc lên như trẻ con. Đi không đành lòng". Anh Mưu đã một lần dang dở, người vợ trước sống với anh một thời gian, lấy của anh mấy chỉ vàng rồi đi không trở lại. Anh như "con chim sợ cành cây cong", nhưng khát vọng về cuộc sống lứa đôi hạnh phúc vẫn âm ỉ cháy. Từ khi chị Tiền về ở với anh rồi đứa con gái kháu khỉnh ra đời, anh như người được tiếp thêm sức mạnh. Tôi hỏi anh: "Cha họ Trần, mẹ họ Nguyễn, sao anh lại đặt họ lót cho con là Trần Hồ Tố Nguyên, phải là Trần Nguyễn mới phải chớ?"- "Không phải đâu. Hồ có nghĩa là biển hồ lai láng, như tình cảm tôi dành cho vợ, cho con đó thôi...". Anh cười hể hả.

* Tương lai là con cái

Đã hơn năm năm qua kể từ khi tôi đến nhà đôi vợ chồng thương binh loại 1/4 Trần Văn Tân và Văn Thị Ruồng ở thôn Giang Nam, xã Phước Hiệp, Tuy Phước lần đầu tiên. Lần này tôi đến, căn nhà vẫn vậy. Bà Ruồng cùng với người con thứ ba đang ở nhà, còn ông Tân đi ăn đám giỗ tại thị trấn Tuy Phước. Cả hai người đều tham gia kháng chiến chống Mỹ và bị thương nặng, loại 1/4. Bà Ruồng quê ở Thừa Thiên-Huế, gặp ông Tân ở trại điều dưỡng thương binh. Hai người nên nghĩa, rồi bà theo chồng về Phước Hiệp.

Chăm sóc bé Nguyên là niềm hạnh phúc của vợ chồng anh Mưu, chị Tiền.

Người dân ở đây đều tấm tắc khen: hai ông bà tuy nghèo lại bị thương nặng nhưng lại có quyết tâm nuôi con học đại học (ĐH) đến cùng. Người con trai đầu là Trần Văn Thái (SN 1976) sau khi tốt nghiệp ĐH Nông Lâm đã về công tác tại Trại giống Nhơn Hòa, An Nhơn. Người con thứ hai là Trần Văn Bình, sau khi tốt nghiệp Khoa Tin tại ĐH Khoa học Huế, về quê không kiếm được việc làm, đã vào thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục học thêm một bằng đại học nữa. Bà bảo: "Hai suất trợ cấp của vợ chồng gần 1,6 triệu đồng, giờ phải xẻ nửa gởi vào cho thằng Bình tiếp tục học thêm. Cả nhà ba người sống nhờ vào số tiền còn lại. Vì nghèo quá nên con Thanh đã bỏ học giữa chừng. Tôi động viên nó tiếp tục học bổ túc nhưng nó bảo lớn quá rồi, học chi nữa. Tính ra nó đã 25 tuổi rồi còn gì". Nga, người con gái út của ông bà thi ĐH 2 năm không đậu đã đã

Có lẽ, tập trung vào việc học của con cái nhiều quá mà gia đình ông bà phải vay nợ nhiều lần, cho đến nay vẫn chưa dứt nợ. Đứa này học xong, rồi đến đứa khác, lớp lo dựng vợ gả chồng..., đến nỗi mái nhà hư, mưa dột xuống đầu mà vẫn chưa có tiền sửa. Cách đây hai năm ông bà làm đơn nhờ chính quyền xã, huyện trợ giúp tiền sửa nhà. Nhờ huyện hỗ trợ 500.000 đồng, họ lợp lại cái bếp nhưng mái nhà vẫn chưa làm được. "Mùa mưa này chắc phải căng tấm ny lông, như che tấm tăng hồi kháng chiến. Bây giờ dù có cực đến mấy cũng sướng hơn trăm lần hồi đánh Mỹ cô à. Với vợ chồng tui, con cái là tương lai, chúng tôi quyết tâm nuôi chúng học thành tài. Con trai, con gái đều như nhau, hai thằng đều được học ĐH, lẽ nào con gái lại không. Tôi sẽ tiếp tục động viên chúng học đến cùng" - bà Ruồâng nói.

* Vĩ thanh

Có thể, dưới con mắt của nhiều người, những đôi vợ chồng kể trên là những người hết sức bình thường. Họ chỉ là những người khuyết tật, thương binh tìm được một nửa của nhau, ghép lại thành một gia đình. Họ sống và làm những công việc lương thiện bình thường để nuôi sống gia đình và bản thân. Song, nhìn họ sống, tôi có cảm giác rằng họ giống như những cây đèn cháy mãi, tỏa sáng đến giọt cuối cùng.

. Thu Hà

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (29/03/2005)
Thêm mấy cây bút nữ đáng chú ý  (29/03/2005)
Tản mạn tháng ba  (29/03/2005)
Làm báo ri có bí... thơ?  (29/03/2005)
Làm thuê  (29/03/2005)
Hành trình đi tìm hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ  (29/03/2005)
Bao giờ bóng đá Việt Nam mới thực sự hội nhập?  (29/03/2005)
Lời tự thú của tên giết người  (29/03/2005)
Mốt cho người trung tuổi  (29/03/2005)
Con số 28 trong cuộc đời Chủ tịch Mao Trạch Đông  (29/03/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/03/2005)
Tuổi trẻ Bình Định chiến đấu ngoan cường trong sào huyệt địch  (29/03/2005)
Hiện thực mơ ước của những người chiến thắng  (29/03/2005)
Nhớ mãi Tết độc lập đầu tiên ở quê tôi  (02/02/2005)
Mùa xuân cuối cùng của Bác   (01/02/2005)