Quỹ Tín dụng Dân sinh (NLFC) hiện đã và đang hoạt động rất hiệu quả tại Nhật Bản. Điều đáng nói, mô hình hoạt động của NLFC rất giống với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam. Mới đây (15-3), ngay sau khi cùng Đoàn khảo sát, nghiên cứu, học tập mô hình của NLFC, vừa từ Tokyo trở về, ông Tạ Thanh Liêm, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện cởi mở…
* Đề nghị ông giới thiệu đôi nét về chuyến đi Nhật vừa qua?
|
Ngân hàng Chính sách xã hội cho khách hàng vay vốn. |
- Đây là đoàn nghiên cứu, học tập theo chương trình do Bộ Tài chính Nhật Bản tổ chức. Đoàn Việt Nam gồm 17 thành viên là cán bộ thuộc hệ thống NHCSXH, trong đó có lãnh đạo của 13 Chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố. Mục đích chính của đoàn là tìm hiểu, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của mô hình Quỹ Tín dụng (QTD) Dân sinh Nhật Bản (NLFC). Đây là mô hình QTD gần giống với mô hình NHCSXH của Việt Nam. Quỹ này hình thành tại Nhật Bản từ rất sớm, trước chiến tranh thế giới thứ 2 (khoảng năm 1938). Quỹ này là một dạng vốn của Chính phủ nhằm giải quyết cho vay các đối tượng: doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNV-N), học sinh, sinh viên (HS,SV) và cho vay lương hưu.
* Ông có thể cho biết về mô hình cho vay DNV-N?
- Kể từ sau năm 1945, Chính phủ Nhật xác định: Nhật Bản chỉ có thể tiến lên từ những người dân thuộc các DNV-N. Đây là tiền đề để công nghiệp nặng Nhật phát triển. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, chúng tôi thấy Nhật đã duy trì mô hình quỹ này rất bài bản, hiệu quả. Toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) của Nhật đều được cổ phần hóa. Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc hệ thống TD cũng tự thân hoạt động, chứ nhà nước không bảo hộ. Duy nhất chỉ có Quỹ NLFC là trực thuộc Bộ Tài chính (TC) và được Chính phủ bảo hộ. Trong thời gian ở Nhật, chúng tôi đã được đi tham quan, khảo sát, nghiên cứu một số đơn vị, cơ sở trực thuộc Quỹ NLFC. Khác với ta, NHCSXH trực thuộc khá nhiều bộ. Mặc dù NHCSXH Việt Nam cũng do Chính phủ lập ra, tuy nhiên Hội đồng quản trị hiện nay lại liên quan đến nhiều bộ. Chính với mô hình này nên khác với ta, đối tượng được cho vay quy định rất rõ. Theo đó, những gia đình khá giả chỉ có thể đến các NHTM tư nhân mới có thể được vay; ngược lại, các DNV-N thì được vay ở Quỹ NLFC. Về lãi suất vay thì như nhau, nhưng khác là thủ tục, quy trình vay có khác nhau. Cũng cần nói thêm, về quan niệm DNV-N ở Nhật Bản cũng khác ta. Mặc dù "xếp hạng" DNV-N, song so với ta thì hầu hết các DN của họ đều khá quy mô, hoạt động sản xuất, kinh doanh bài bản, với hệ thống dây chuyền tự động, hiện đại…
* Xin ông giới thiệu cụ thể về một vài nhà máy, xí nghiệp của Nhật?
- Chẳng hạn, đơn cử như một nhà máy chuyên sản xuất mè (vừng). Nhà máy này đã hình thành, phát triển trên 120 năm. Lịch sử phát triển của nhà máy hầu như gắn liền với đồng vốn vay của Quỹ NLFC. Chính nhờ nguồn vốn trên, từ mô hình sản xuất thô sơ trong gia đình, nhà máy đã hình thành, phát triển thành một quy trình công nghệ hiện đại. Khi chúng tôi hỏi: Nhà máy có bao nhiêu công nhân thì họ cho biết chỉ có khoảng 6-7 công nhân, nhưng dây chuyền công nghệ thì được tự động hóa cao.
* Cách thức, thủ tục cho vay của họ ra sao, thưa ông?
- Thủ tục rất đơn giản, nhưng chặt chẽ. Đáng quan tâm, học tập ở Nhật là phong thái làm việc của cán bộ, công chức, nhân viên hệ thống NHTM nói chung và Quỹ NLFC nói riêng. Điều trước tiên đối với NLFC là họ giáo dục cán bộ, nhân viên của mình rất kỹ về tinh thần làm việc, thái độ phục vụ khách hàng. Bởi vì, đối tượng cần vay vốn của họ có những hoàn cảnh khá đặc biệt. Đồng thời, họ giáo dục cho nhân viên của mình kỹ năng thẩm tra. Có 2 yêu cầu kiểm tra chính là thẩm tra về chủ DN vay vốn để làm gì, bao nhiêu? Tiếp đó, nhân viên của NLFC sẽ thực hiện phỏng vấn chủ các DN cần vay vốn. Sau đó, họ sẽ hướng dẫn khách hàng tiến hành làm các thủ tục, hồ sơ và tiến hành thẩm định. Việc thẩm định của họ rất kỹ lưỡng chứ không hình thức như ta. NLFC có hẳn một bộ phận thẩm định riêng. Bộ phận này phải chịu trách nhiệm trước tiên đến khoản tiền cho khách hàng vay. Tiếp đó, hồ sơ được chuyển sang bộ phận tín dụng để làm hồ sơ tín dụng. Sau khi hoàn thành, hồ sơ được chuyển sang bộ phận tổng hợp (ở ta là Phòng Kế toán - Ngân quỹ).
* Về vấn đề cho vay HS, SV ở Nhật?
- Bên Nhật gọi là cho vay giáo dục. Lâu nay, Quỹ NLFC cho vay tất cả HS,SV ở các cấp học, từ tiểu học, THCS, THPT, THCN, cao đẳng, đại học. Ở ta, trước đây chỉ cho SV, HS các trường CĐ, ĐH, THCN, dạy nghề, nay mới mở rộng ra đến các cấp học. Thậm chí, những người đang làm việc nhưng có nhu cầu học nghề, cần vay vốn thì Quỹ NLFC cũng tạo điều kiện cho vay. Đáng lưu ý, nếu ở ta phân biệt con em hộ nghèo muốn vay vốn phải đạt yêu cầu về số điểm học tập. Cụ thể, học sinh con em hộ nghèo ở khu vực thành thị phải đạt điểm trung bình từ 7 trở lên; vùng nông thôn từ 6 điểm trở lên và miền núi là 5 điểm trở lên mới được vay. Người Nhật không phân biệt như vậy. Cụ thể, vào mùa khai trường (tháng 4 hàng năm), học sinh cấp nào, con em thuộc đối tượng nào, học tập ra sao, nhu cầu vay vốn thế nào… đều được các nhân viên của Quỹ NLFC hoàn chỉnh hồ sơ. Hai là, Quỹ NLFC thực hiện cho vay tại gia đình, chứ không cho vay trực tiếp như ta lâu nay.
* Còn vấn đề cho vay lương hưu?
- Đây là nét riêng của Quỹ NLFC. Cách tính cho vay của NNFC đối với những người về hưu là trên cơ sở lương thực tế khi về hưu so với giá cả, mức sinh hoạt hiện tại của bản thân (từ trung bình trở lại) và có nhu cầu vay vốn. Việc cho vay, trả lãi cũng dựa trên cơ sở tổng thu nhập trong gia đình của người về hưu muốn vay vốn. Việc cho các đối tượng về hưu vay vốn là nhằm giúp họ tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Cũng xin lưu ý, đối với người Nhật, họ về hưu không có nghĩa là nghỉ hẳn.
* Qua chuyến đi, ông rút ra được những gì và theo ông thì NHCSXH Việt Nam có thể học tập, vận dụng theo Quỹ NLFC thế nào?
- Có thể nói là rất bổ ích, thiết thực. Tôi cho rằng, Việt Nam cũng nên học tập theo cách làm của Quỹ NLFC. Bởi vì, mô hình hoạt động và đối tượng phục vụ của Quỹ NNFC rất giống với mô hình NHCSXH của chúng ta. Theo tôi, trong việc cho gia đình SV, HS vay, chúng ta không nên có sự phân biệt về điểm trung bình đối với học sinh như lâu nay. Bởi vì, thực tế là, vì nghèo khó, con em của họ mới học yếu và chính vì thế họ mới cần vay vốn. Nếu ta yêu cầu về điểm như trên thì làm sao họ vay vốn và làm sao con em họ có thể tiếp tục học tập? Đồng thời, chúng ta cũng nên học tập họ về cách thức cho vay tại gia đình chứ không cho vay trực tiếp như lâu nay nữa. Một vấn đề khác cũng xin được nói là chúng ta nên quy về một mối trong việc cho vay DNV-N. Lâu nay, mô hình này bị chi phối bởi nhiều nguồn. Nên chăng, ta giao hẳn việc cho vay các DNV-N cho NHCSXH tỉnh. Mô hình quản lý của Quỹ NLFC cũng đáng học tập. Họ hoạt động rất quy củ, bài bản từ Trung ương đến địa phương. Họ thực hiện việc luân chuyển cán bộ, nhân viên trong hệ thống của mình. Chẳng hạn, một nhân viên giỏi, có năng lực có thể rút từ cơ sở về Trung ương làm việc; hay từ chi nhánh này điều chuyển sang chi nhánh khác. Họ có thể điều chuyển cán bộ đến tận cấp trưởng phòng chi nhánh. Đó là những vấn đề mà NHCSXH chúng ta phải suy nghĩ và vận dụng thế nào cho có hiệu quả.
* Xin cảm ơn ông !
. Viết Hiền (thực hiện)
|