Chuyện "làng hành"
18:33', 29/3/ 2005 (GMT+7)

Trên đường đi, anh Bảy Trị, phó thôn Thuận Nghĩa, xã Bình Thành (Tây Sơn) không ngớt "khoe" với chúng tôi chuyện "ăn nên làm ra" của người trồng hành. Chưa hết, anh còn dùng nhiều "khái niệm" lạ để chỉ người, chỉ vật khiến chúng tôi đi từ ngơ ngác đến ngạc nhiên: "nhà hành", "xe hành", "đôi vợ chồng hành"... Đến đây, chúng tôi mới hiểu được cái tên "làng hành" đã ra đời trong hoàn cảnh như thế nào (?).

* Trồng hành, nhiều thế hệ

Tưới nước cho cây hành ở một hộ gia đình.

Đến người cao tuổi nhất thôn cũng không sao nhớ nổi nghề trồng rau - chủ yếu là hành của quê mình có từ bao giờ, khi chúng tôi đặt câu hỏi. Họ chỉ mang máng nhớ nó có từ lâu lắm rồi, khi họ còn là những đứa trẻ chạy lăng xăng theo chân cha mẹ ra bãi soi, bãi bồi màu mỡ được bồi đắp từ dòng sông Kôn để cùng gia đình… gánh rau về. Giương đôi mắt không còn tinh sáng, cụ Đặng Thị Sen, 68 tuổi, ở thôn Thuận Nghĩa như lật lại từng trang hồi ký trong dòng ký ức miên man, cụ kể: "Nhà tui trồng hành từ lâu đời rồi, lúc đó gia đình đông anh em, lại ít đất nên tui theo chồng vào tận Đà Lạt để lập nghiệp bằng nghề trồng rau "đem bỏ chợ". Đến năm 1985, vợ chồng, con cái dắt díu nhau về đây sinh sống cũng chính bằng nghề này". Anh Thanh Vân, con cụ tiếp lời: "Đến đời tui cũng vậy, sau khi rời quân ngũ (1987), về nhà lấy vợ và vợ chồng cũng kiếm miếng ăn và nuôi con từ việc trồng hành, nuôi bò này đây". Đang tiếp chuyện, anh liếc nhìn đứa con trai 14 tuổi, chúng tôi hiểu nó sẽ là thế hệ thứ tư tiếp tục nối nghiệp… trồng hành của gia đình.  

* Trăm sự đều từ cây hành

Thời điểm trước, hành được trồng rồi gánh bán tại chợ Phú Phong với giá  500đồng/bó, trừ chi phí, thu nhập cũng chỉ đạt 150.000 đồng/tháng/hộ. Vì thế, đời sống người dân còn cơ cực, đói thiếu; thậm chí, có gia đình còn được cứu tế thường xuyên. Đến năm 2002, cây hành Thuận Nghĩa mới thực sự trở nên cực thịnh khi người người trồng hành, chuyển từ mô hình trồng truyền thống sang trồng bán thâm canh rồi lên thâm canh. Với những cách làm như thế, đã đánh dấu cuộc đời người trồng hành bước sang trang mới.

Ông Nguyễn Phố, được coi là người có thu nhập cao nhất xã, trên một sào đất canh tác ông thu được: 7,5 triệu đồng/3 vụ hành, 1,6 triệu đồng/vụ dưa leo, 1 triệu đồng/vụ rau, trừ chi phí, ông kiếm được 8 triệu đồng/sào đất/năm; với 6 sào đất, ông thu được khoảng 48 triệu đồng/năm. Ông Phố nhớ lại: "Từ trước tới nay, gia đình chỉ mong làm đủ ăn là mừng rồi, nhưng từ khi cây hành "lên ngôi" thì gia đình bắt đầu nghĩ tới việc đổi đời. Lúc trước, cả nhà gần chục nhân khẩu mà sống trong ngôi nhà tạm bợ, mưa không có chỗ nằm, nắng chiếu tới tận mặt. Nhưng mấy năm nay, nhờ làm ăn được từ trồng hành mà gia đình đã xây được ngôi nhà rộng ba gian với mê được đổ bê tông, trị giá hơn 60 triệu đồng. Ngoài ra, tui còn sắm được 2 chiếc xe máy cùng những vật dùng gia đình thuộc loại tốt; con cái được học nghề đàng hoàng, đứa thợ may, thợ điện, thợ máy… Cuộc sống gia đình đang dần ổn định".

Người làng Thuận Nghĩa nhắc nhiều tới những đôi trai gái nên vợ, thành chồng từ sản vật cây hành, nhưng có một chuyện tình trắc trở của đôi trai gái yêu nhau đã làm  nhiều người cảm động. Họ đã yêu nhau hơn 18 mùa hành (6 năm), đã bao lần người con trai chọn được ngày tốt để tiến hành hôn lễ, nhưng ngặt nỗi gia cảnh hai bên đều nghèo nên đã nhiều lần phải chần chừ, dời lại vì không có tiền. "Chắc trời cũng động lòng cho mối tình son sắt ấy, nên hôm rồi, hành trúng giá, họ mới tổ chức được đám cưới và nên nghĩa vợ chồng"-một người cho biết. Anh Trần Văn Điệp chậc lưỡi: "Không có cây hành chắc mình không lấy được vợ… Trăm sự cũng từ cây hành mà ra"- nhìn ra đám hành xanh tốt, anh như thầm cảm ơn.

Đang khom người vun đất cho đám hành vừa xuống giống, thoáng thấy chúng tôi, chị Quách Thị Cúc đoán ngay được "ý đồ" của những người khách lạ đặt chân đến làng,  chị nói ngay: "Đấy các chú xem, cả làng này sống được là nhờ trồng hành, trồng rau như thế này, chứ trồng lúa thì chỉ để ăn thôi. Gia đình tui có 8 sào đất để làm, nên mới nuôi nổi 4 đứa con ăn học. Mỗi tháng tui gửi cho đứa lớn học ở Sài Gòn từ 700.000 đến 800.000 đồng, còn đứa học cấp III thì phải tốn 3 triệu đồng/năm, 2 đứa học cấp II thì tiền học cũng tương đương chừng đó chứ ít gì". Lau khô mồ hôi đang nhễ nhại trên khuôn mặt sạm nắng, chị huơ huơ chiếc nón rộng vành để xua đi cái nóng giữa trưa, nói tiếp: "Nhờ trời phú cho cây hành chịu được đất này, nên người làm nông như tui có vất vả cũng cảm thấy mãn nguyện vì cây hành đã làm cho bao số phận con người đổi khác; chứ nếu như làm mà không đủ ăn thì ai dám mơ tới chuyện cho con ăn học hả chú?". Câu hỏi của chị đã mở ra những điều kỳ vọng về chuyện hành và chuyện người cứ đan xen vào nhau, nó là cuộc sống, là hơi thở của những người nông dân chân đất tay bùn. Và thế, những giai thoại về cây hành được người làng phủ lên một lớp sáng bạc mang dấu hình cổ tích.

* Thay lời kết

Ông Huỳnh Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Bình Thành, nói trong niềm phấn chấn: "Tôi tin rằng, cuộc sống của "làng hành" ngày mai sẽ khác, khi những tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng mạnh, những mô hình 50 triệu đồng/ha được nhân rộng, rau sạch có mặt tại các siêu thị và đứng vững ở những thị trường lớn: Gia Lai, Kon Tum, TP. Vinh, TP. HCM... Tương lai đó không còn xa nữa".

Mỗi sáng, những chiếc xe tải nối đuôi nhau chạy trên đường làng được bê tông hóa để chở từ 4 đến 5 tấn hành lá, hành củ/ngày, mỗi chuyến xe như một niềm ước vọng sẽ thành hiện thực về diện mạo quê hương mai này sẽ trù phú hơn.                 

. Quốc Việt

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mô hình Quỹ Tín dụng Dân sinh (Nhật Bản) rất cần học tập và vận dụng  (29/03/2005)
Một nửa ghép lại  (29/03/2005)
Thơ  (29/03/2005)
Thêm mấy cây bút nữ đáng chú ý  (29/03/2005)
Tản mạn tháng ba  (29/03/2005)
Làm báo ri có bí... thơ?  (29/03/2005)
Làm thuê  (29/03/2005)
Hành trình đi tìm hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ  (29/03/2005)
Bao giờ bóng đá Việt Nam mới thực sự hội nhập?  (29/03/2005)
Lời tự thú của tên giết người  (29/03/2005)
Mốt cho người trung tuổi  (29/03/2005)
Con số 28 trong cuộc đời Chủ tịch Mao Trạch Đông  (29/03/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/03/2005)
Tuổi trẻ Bình Định chiến đấu ngoan cường trong sào huyệt địch  (29/03/2005)
Hiện thực mơ ước của những người chiến thắng  (29/03/2005)