Hiệu quả bước đầu của một đề tài
18:35', 29/3/ 2005 (GMT+7)

Đề tài nghiên cứu quy trình sản xuất và ứng dụng các chế phẩm EM vi sinh trên cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản do PGS-TS Lê Dụ - Giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn - làm Chủ nhiệm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nông dân trong tỉnh và được đánh giá là có hiệu quả...

Nông dân tham quan mô hình ứng dụng chế phẩm EM trên cây đậu nành.

Chế phẩm EM vi sinh là một tổng hợp bao gồm 5 chủng loại vi sinh có ích với khoảng 80 loài vi sinh vật sống cộng sinh trong một môi trường. Các loại vi sinh này hợp lại sẽ tự sản sinh ra các yếu tố dinh dưỡng, tự tạo các kháng chất giúp cho cây trồng, vật nuôi tiêu diệt các vi khuẩn độc hại… Chế phẩm EM vi sinh còn kích thích cây trồng, vật nuôi phát triển tốt hơn, có thể cải thiện được chất lượng đất, tăng hiệu quả của việc sử dụng chất hữu cơ cho cây trồng, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất.

Năm 2003, chế phẩm EM vi sinh đã được ứng dụng vào thực tiễn trên rau ở phường Nhơn Phú (thành phố Quy Nhơn), cây khổ qua ở xã Phước Thành (Tuy Phước)… bước đầu đã cho kết quả khả quan. Các loại cây trồng có sử dụng EM đều sinh trưởng và phát triển tốt, kháng bệnh cao và cho năng suất và hiệu quả hơn các cây trồng cùng loại so với ruộng đối chứng. Vụ đông xuân 2004-2005, chế phẩm EM tiếp tục được sử dụng thí điểm trên cây lúa ở xã Phước Thuận - Tuy Phước, cây đậu nành ở xã Nhơn Phong - An Nhơn.

Ở xã Phước Thuận có 8 hộ gia đình tham gia mô hình thí điểm, diện tích trên 1 ha, bên cạnh các loại phân hữu cơ như phân lân, Kali, Urê, nông dân còn sử dụng chế phẩm EM để phun cho lúa. Trong giai đoạn từ cây mạ đến khi cây lúa ngậm sữa phun chế phẩm EM 5 lần, dung lượng mỗi lần phun bao gồm: 40cc Em2 và 10ccEm tỏi pha trộn với 15 lít nước. Lần đầu phun chế phẩm cho cây mạ, đến 17-18 ngày sau khi gieo sạ phun lần hai, 40 ngày sau khi gieo sạ phun lần ba, trước khi lúa trổ phun lần tư và lần cuối cùng phun khi lúa bắt đầu ngậm sữa. Vụ đông xuân năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, sâu bệnh phát sinh và gây hại trên diện rộng, nhưng những đám ruộng có sử dụng chế phẩm EM sinh trưởng và phát triển rất tốt, hạn chế được sâu bệnh, nên hiệu quả kinh tế khá cao, năng suất bình quân đạt 78,69 tạ/ha, cao hơn ruộng đối chứng trên 5tạ/ha. Ông Nguyễn Thốt, xã viên HTXNN Phước Thuận 2, cho biết: "Sử dụng chế phẩm EM không chỉ tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, mà còn giúp chúng tôi giảm được chi phí thuốc hóa học, đảm bảo vệ sinh môi trường. Người tiêu dùng cũng an tâm hơn khi nông sản được đảm bảo an toàn".

Ở xã Nhơn An, chế phẩm EM lần đầu tiên được sử dụng cho cây đậu nành và được bà con nông dân đánh giá là có hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Đồng, xã viên HTX NN Nhơn An 1, cho biết: "Cây đậu nành sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhiều nhánh, cây cao, lá xanh, tỷ lệ hạt chắc đạt cao; cho năng suất 19 tạ/ha, cao hơn 4 tạ so với trước". Theo tính toán của bà con nông dân ở đây, chi phí đầu tư cho 1 sào đậu nành có sử dụng chế phẩm EM là 422.000 đồng, với sản lượng 95 kg/sào, giá đậu nành hiện nay là 8.000 đồng/kg thì 1 sào thu được 770.000 đồng, lãi ròng 348.000 đồng, cao hơn 80.000 đồng so với trước đây.

Giảm chi phí, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích là cái đích của người nông dân. Việc sử dụng chế phẩm EM vi sinh là một trong những biện pháp giúp nông dân đạt được mục đích của mình. Chế phẩm EM không chỉ hấp dẫn những hộ lần đầu tiên sử dụng nó mà đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo nông dân ở địa phương. PGS-TS Lê Dụ, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: "Chế phẩm EM vi sinh đã được sử dụng khá rộng rãi ở một số tỉnh phía Bắc. Ở Bình Định, lâu nay bà con nông dân thường sử dụng thuốc hóa học để phòng trị sâu bệnh cho cây trồng. Điều đó là rất nguy hiểm cho sức khỏe của bà con và người tiêu dùng. Đã có không ít trường hợp ngộ độc thức ăn bị tử vong vì sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Để đưa chế phẩm EM vào sản xuất, thì phải làm cho bà con được "tai nghe mắt thấy" về sự tiện ích và hiệu quả kinh tế của nó. Điều đáng mừng là hầu hết các mô hình thí điểm đều thành công vượt ngoài sự mong đợi của chúng tôi, được nông dân các địa phương trong tỉnh đánh giá cao. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục ứng dụng chế phẩm EM cho vật nuôi, xử lý chất thải trong chăn nuôi, xử lý ao tôm…".

. Sỹ-Tú

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện "làng hành"  (29/03/2005)
Mô hình Quỹ Tín dụng Dân sinh (Nhật Bản) rất cần học tập và vận dụng  (29/03/2005)
Một nửa ghép lại  (29/03/2005)
Thơ  (29/03/2005)
Thêm mấy cây bút nữ đáng chú ý  (29/03/2005)
Tản mạn tháng ba  (29/03/2005)
Làm báo ri có bí... thơ?  (29/03/2005)
Làm thuê  (29/03/2005)
Hành trình đi tìm hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ  (29/03/2005)
Bao giờ bóng đá Việt Nam mới thực sự hội nhập?  (29/03/2005)
Lời tự thú của tên giết người  (29/03/2005)
Mốt cho người trung tuổi  (29/03/2005)
Con số 28 trong cuộc đời Chủ tịch Mao Trạch Đông  (29/03/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/03/2005)
Tuổi trẻ Bình Định chiến đấu ngoan cường trong sào huyệt địch  (29/03/2005)