Năm 1975, cùng với đoàn quân tiến vào giải phóng thị xã Quy Nhơn, tôi được cấp trên phân công tiếp quản trung tâm văn hóa thông tin Bình Định của chính quyền Mỹ- ngụy tại số 26 đường Nguyễn Huệ - Quy Nhơn nay là Bảo tàng Tổng hợp Bình Định). Đây là một tòa kiến trúc do quân đội Nam Triều Tiên chi tiền thiết kế và trực tiếp thi công. Tòa nhà có hình chữ "Y" được xây dựng khá vững chắc, khi cần có thể biến nơi đây thành một pháo đài để chống trả lực lượng quân giải phóng. Bên trong tòa nhà là nơi triển lãm hình ảnh, phòng đọc sách báo và một hội trường chủ yếu dành để chiếu phim nhựa. Xét về tính năng của những hoạt động đó nên khi ta tiếp quản đã chọn cơ sở này làm Thư viện tỉnh.
|
Thư viện tỉnh Bình Định hiện nay. |
Là người vừa mới rời quân ngũ, tôi còn rất ngỡ ngàng với công tác thư viện. Công việc ban đầu của chúng tôi là hàng ngày tôi và hai đồng chí nữa là anh Nguyễn Hưng Đạo và anh Lê Văn Mai đi khắp nơi trong thị xã thu gom các loại sách báo, tạp chí tại các cơ quan chính quyền cũ để lại. Số sách báo này rất nhiều, chỉ tính riêng sách các loại có khoảng trên dưới trăm ngàn cuốn. Nhìn đống sách chất cao lút đầu mới thu gom về khiến lòng tôi xốn xang mơ ước giá như ngày nào đó sách của ta xuất bản có trong Thư viện tỉnh nhiều như thế này thì tốt biết bao. Nhưng rất tiếc, đây là những vật chứng của thứ ấn phẩm văn hóa chứa chấp đầy nọc độc và cạm bẫy. Nhìn tên của những tác giả mà tôi đã từng được nghe khi còn ở trong vùng chưa giải phóng như Võ Phiến, Hồ Hữu Tường, Nhã Ca, Nguyễn Đình Thiều, Chu Tử…, tôi không quên đây là những cây bút sặc mùi chống cộng và cổ vũ lớp trẻ miền Nam đi vào con đường dâm ô, thác loạn.
Nhưng sách của cách mạng, sách có nội dung tiến bộ được xuất bản trong vùng địch tạm chiếm thì còn ít quá. Toàn bộ số sách của Thư viện tỉnh lúc ban đầu chưa tới 5.000 cuốn từ hai nguồn quy tụ về. Đó là số sách tiếp nhận từ chiến khu chuyển về chưa tới nghìn cuốn và sau đó một thời gian ngắn, Thư viện tỉnh Hà Tĩnh gửi tặng trên 4.000 cuốn. Được biết, trong những năm chiến tranh, Hà Tĩnh là tỉnh kết nghĩa với Bình Định, vì vậy ngoài việc chi viện sức người, sức của chung cho miền Nam ruột thịt, Hà Tĩnh còn đóng góp, chi viện riêng cho Bình Định. Trong đó chỉ riêng trên lĩnh vực thư viện, từ năm 1966 theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, cứ một tên sách mới bổ sung vào Thư viện Hà Tĩnh thì cũng đồng thời dành cho Bình Định từ một đến hai cuốn. Số sách này được lập danh sách đem đóng bìa cứng và cho vào hòm sắt, chờ ngày giải phóng gửi vào tặng đồng bào Bình Định. Do đó, ngay từ những ngày đầu mới giải phóng, Sở VHTT Hà Tĩnh đã cử hai cán bộ đưa số sách trên vào và trực tiếp cầm tay chỉ việc để anh chị em cán bộ Thư viện Bình Định như chúng tôi có chuyên môn ban đầu xử lý nghiệp vụ đưa sách phục vụ bạn đọc ngay trong những tháng đầu quê hương mới giải phóng.
|
Trong phòng đọc Thư viện Khoa học - Tổng hợp tỉnh. |
Trải qua ba mươi năm xây dựng và phát triển, Thư viện Bình Định đã dời chuyển đến một vài nơi nữa nhưng điểm cuối cùng thì tọa lạc tại 188 Hai Bà Trưng, thành phố Quy Nhơn. Năm 1984, UBND tỉnh Bình Định cho xây dựng mới lại hoàn toàn Thư viện tỉnh theo một thiết kế của kiến trúc sư trẻ Lê Thanh Trì được tuyển chọn từ một cuộc thi thiết kế Thư viện tỉnh. Và sau 4 năm xây dựng (1984-1988), Thư viện tỉnh mới hoàn thành đi vào hoạt động với diện tích sử dụng khoảng 10.000m2. Đây là một tòa kiến trúc khá hiện đại, có nhiều ưu điểm trong việc phục vụ bạn đọc mượn và đọc sách; chia làm ba khu vực: Khu vực bên trái (nhìn từ chính diện) dành cho hành chính và nghiệp vụ, khu vực bên phải dành cho phục vụ bạn đọc, và khu vực trung tâm là một tháp sách cao năm tầng. Năm 2002, lãnh đạo tỉnh Bình Định tiếp tục cho triển khai Dự án Số hóa nguồn tài liệu tại Thư viện tỉnh với kinh phí 1,2 tỉ đồng. Dự án này nhằm đưa công nghệ thông tin vào lĩnh vực thư viện - đọc sách; đó là một bước đột phá trong vấn đề dần dần chuyển thư viện truyền thống qua thư viện hiện đại - Thư viện điện tử. Xét về mặt kiến trúc cũng như tính năng hoạt động, hiện nay Thư viện Bình Định được đánh giá là một trong những thư viện hàng đầu so với cả nước và có thể sánh ngang bằng với một số thư viện tỉnh thuộc các nước trong khu vực có nền kinh tế phát triển như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…
Ngày nay, Thư viện tỉnh Bình Định mang một cái tên mới là Thư viện Khoa học- Tổng hợp tỉnh, thật sự là nơi tàng trữ và luân chuyển sách báo của tỉnh, không ngừng vươn lên đáp ứng nhu cầu đọc sách báo và tìm tin, dùng tin ngày càng cao của người đọc. Thư viện có nguồn tài liệu khá phong phú với tổng số sách là: 220.000 cuốn gồm 7.961 tên sách, 7.102 đơn vị tạp chí và 5.702 đơn vị đóng tập (theo năm); 25 bản đồ; 250 đĩa CD-ROM dữ liệu; 60 băng từ về hội thảo, hội nghị. Số bạn đọc đăng ký mượn, đọc sách và dùng tin thường xuyên tại Thư viện là 6.000 người; mỗi năm Thư viện phục vụ 270.000 lượt bạn đọc, luân chuyển khoảng 700.000 lượt sách báo xuống cơ sở và trong bạn đọc.
Bây giờ, nhớ lại những ngày đầu mới thành lập Thư viện tỉnh, tôi rất đỗi tự hào, cứ ngỡ là trong mơ. Nhìn tháp sách cao đến ngạo nghễ, những hàng máy vi tính hiện đại, tôi thầm nghĩ rồi đây những kho tàng tri thức này sẽ đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa tỉnh nhà.
. Nguyễn Chí Cường |