Chiến tranh đã lùi xa, những con người từng một thời vào sinh ra tử với đồng chí, đồng đội của mình nay cũng đã trở về với cuộc sống đời thường. Họ là những con người hiền lành và bình dị như bao người dân khác nhưng nếu có dịp ôn lại những kỷ niệm năm xưa, dường như trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn còn vẹn nguyên những chiến tích năm nào. Trong những chiến công chung của lực lượng vũ trang cả nước có những chiến công thầm lặng của những chiến sĩ biệt động, mà không ít trong số họ lại là những người phụ nữ chân yếu, tay mềm.
|
Chị Trần Thị Dư |
Nằm sâu trong con hẻm đường Trần Hưng Đạo thuộc khu vực 4, phường Đống Đa - thành phố Quy Nhơn là một căn nhà nhỏ bình dị như bao căn nhà khác. Chính trong căn nhà ấy, chúng tôi đã được may mắn gặp và trò chuyện với người nữ biệt động thành của 30 năm trước. Nhìn khuôn mặt phúc hậu và rất đỗi thân thiện của chị, ít người hình dung được chị lại dám đặt mìn giết giặc giữa chốn đô thị tấp nập người lại qua và kẻ thù luôn luôn rình rập.
Chị tên thật là Trần Thị Dư, nhưng anh em đồng chí vẫn thường gọi chị với cái tên Bích quen thuộc mà tổ chức đã đặt cho. Chị Bích là con thứ trong một gia đình có cha, hai người anh ruột và một người anh rể đã hy sinh anh dũng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bản thân chị là thương binh hạng 4/4. Ngay từ khi còn là cô bé con 15 tuổi, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và cũng muốn trả mối thù nhà nên chị Bích đã tham gia cách mạng, trở thành liên lạc viên luôn theo sát nắm tình hình địch để báo cho du kích có kế hoạch chống càn, đánh địch.
Tháng 5-1968, chị bắt liên lạc được với tổ chức của ta tại Quy Nhơn và thật táo bạo, tháng 7-1969 chị cùng với đồng đội của mình nhận truyền đơn và đem rải tại quân y viện của địch. Một mình chị với 200 tờ truyền đơn mà chỉ trong một buổi trưa nơi chị làm phụ hồ đã xuất hiện những 100 tờ truyền đơn làm cho bọn giặc thất kinh. Khi cầm trong tay những tờ truyền đơn ấy, chị Bích biết mình đang dấn thân vào nơi nguy hiểm nhưng chị vẫn quyết làm và làm bằng được cho dù phải hy sinh.
Cũng trong năm 1969 đó, chị Bích được tổ chức phân công phụ trách một tổ biệt động thành tại Quy Nhơn với nhiệm vụ theo dõi, nắm tình hình của địch, tìm cách báo cho lực lượng của ta để tổ chức đánh úp, tiêu diệt chúng. Đây chính là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời người nữ biệt động thành. Bởi vì muốn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc thì chỉ có lòng yêu nước và sự gan lì thì chưa đủ, mà đòi hỏi chị Bích phải là một con người thông minh, linh hoạt trong mọi tình huống cùng những mưu lược khôn khéo. Có như vậy, chị mới thu thập được thông tin một cách nhanh nhất và bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như cho đồng chí, đồng đội của mình. Vụ nổ lúc 10 giờ 30 phút trong một quán ăn gần lầu Việt Cường (thành phố Quy Nhơn) vào năm 1970, làm chết 3 tên địch và bị thương 4 tên khác có ai ngờ rằng người con gái nhỏ bé Trần Thị Bích lại chính là một trong hai người dám cả gan đặt thuốc nổ cách đấy hơn một tiếng đồng hồ.
Không chỉ tham gia các trận đánh bất ngờ, theo dõi tình hình địch mà chị Bích còn cùng với đồng đội gây dựng cơ sở, tạo điều kiện vững chắc cho các đơn vị lực lượng vũ trang phối hợp tổ chức tấn công địch. Công việc này không đơn giản chút nào. Trong tình hình địch thường xuyên bố ráp, khám xét, tra hỏi, chị Bích đã cùng đồng đội tổ chức vận chuyển vũ khí, trang thiết bị cũng như lương thực thực phẩm phục vụ chiến đấu ngay trước mũi quân thù đủ cho một trận đánh, như trận đánh vào kho đạn Đèo Son, thì không phải dễ. Chị cho biết, lúc ấy đưa được một trung đội của ta vào thành không phải là việc dễ làm mà không bị lộ, không gây tổn thất. Thế nhưng, chị và những đồng đội của mình đã làm được và hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc để bảo đảm cho các trận đánh diễn ra theo đúng kế hoạch.
Trong ký ức của người nữ biệt động thành năm xưa vẫn còn in đậm trận đánh táo bạo, chỉ có 2 người nhưng đã làm nổ tung một chiếc xe Jeep của lính Mỹ, làm chết một tên, bị thương 2 tên khác. Chỉ một chút sơ sểnh của chúng khi vào đồn, chị Bích và người đồng đội của mình đã nhanh chóng, bất ngờ tiếp cận mục tiêu và đặt thuốc nổ ngay trong xe, khiến chúng phải trả giá. Chị còn vận động mẹ đẻ của mình để cụ cho chị và đồng đội đào công sự mật ngay sau nhà, chỉ cách nhà hơn 100 thước dưới chân núi Bà Hỏa. Lúc đầu mẹ và chị gái của chị Bích cũng lo sợ, nhưng sau nhiều tháng vận động kiên trì, chị Bích đã biến nhà mình thành một căn cứ vững chắc và khá an toàn cho anh em bộ đội vào ém quân.
|
Lầu Việt Cường bị đánh sập năm 1965. |
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của chị, cũng có lúc đứng trước rất nhiều khó khăn, nhưng ở đâu và lúc nào, chị cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Ngay cả khi tính mạng chị bị đe dọa như thời gian chị bị địch bắt bỏ tù, tra tấn rất dã man, chị cũng không phút giây xao lãng ý chí chiến đấu. Chị tham gia đội tiên phong trong tù, luôn luôn kề vai sát cánh với đồng chí, đồng đội đấu tranh trực diện với kẻ thù. Trong tâm trí chị còn in đậm những kỷ niệm khó quên về những cuộc tuyệt thực đấu tranh hay những hôm kêu gọi chị em tù chính trị đấu tranh không cho chúng tra tấn đồng chí của mình. Nhiều lần ngất đi, sống lại, chị vẫn một lòng theo Đảng và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Từ các nhà lao Quy Nhơn, Phú Yên rồi Côn Sơn, ở đâu, chị cũng gương mẫu, xứng đáng là một đảng viên trung kiên.
Tuy chiến tranh đã lùi xa nhưng trong ký ức của người nữ biệt động thành ngày ấy vẫn còn vẹn nguyên những kỷ niệm với đồng đội một thời từng vào sinh ra tử. Sau ngày toàn thắng, dù kẻ còn người mất, nhưng hàng năm, các chị vẫn tìm gặp lại những đồng đội của mình để cùng ôn lại những năm tháng hào hùng của dân tộc. Chị Bích tâm sự: "Tôi thấy mình còn may mắn hơn những người đã ngã xuống cho độc lập tự do của dân tộc, tôi còn có một gia đình, còn được hưởng tự do trong hòa bình nên tôi thương lắm những đồng đội của tôi. Họ đã vĩnh viễn ra đi để mảnh đất này được hồi sinh. Nhìn thấy thế hệ trẻ hôm nay, tôi luôn tin tưởng vào họ, những người chủ tương lai của đất nước. Tôi luôn luôn tin vào Đảng, vào cách mạng".
Hiện nay, chị Bích đang sống rất hạnh phúc cùng chồng và các con. Đối với chị, niềm vui bây giờ chính là được chăm sóc cho chồng và các con như bao người phụ nữ khác. Chị đã hoàn thành nhiệm vụ đối với Tổ quốc, với quê hương, làm tốt nghĩa vụ của một người công dân và giờ đây, chị lại muốn là một người phụ nữ đảm đang trong tổ ấm nho nhỏ của mình, để trọn vẹn là người phụ nữ hai giỏi: "giỏi việc nước, đảm việc nhà".
Chia tay người lính, chia tay người nữ cựu tù chính trị, người nữ biệt động thành năm xưa, tôi luôn ước ao một ngày gần đây lại được trò chuyện cùng chị để chị có dịp sống lại với những kỷ niệm tươi đẹp của một thời cầm súng. Và, lại được nghe chị kể về những chiến công, về những người đồng đội của mình.
. Hoàng Mai |