Kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Bình Định (31.3.1975 - 31.3.2005)
Ký ức một mùa xuân
18:53', 29/3/ 2005 (GMT+7)

Đời người đi qua, quá nhiều điều để quên và để nhớ. Nhưng không ai có thể quên mùa xuân của thuở tuổi trăng tròn. Trời ơi! Cái tuổi mười bốn, mười lăm sao mà đáng yêu, đáng nhớ thế. Vâng! Mùa xuân năm ấy tôi tròn mười bốn tuổi; ngày nào cũng chỉ có vui, không có giây phút để buồn. Sau cái Tết Bảy Lăm còn vương mùi riêm dừa, bánh mức, vùng Tây Sơn Thượng vẫn bình yên để thao thức. Đêm nằm nghe tiếng pháo dưới biển vọng lên và trên cao nguyên vọng về.

Cuộc mít tinh của quần chúng tại Quy Nhơn chào mừng giải phóng hoàn toàn Bình Định-1975.

Rồi một sáng, không giống một buổi sáng nào. Đám trẻ chúng tôi gọi nhau tụ tập lại để nhìn một cột khói đen cao vút cuộn lên trời, cao hơn cả đỉnh Hòn Cong - An Khê. Người lớn bảo: "Quận chạy rồi! Khói đấy là khói đốt hủy hồ sơ của quận". Có người còn tỏ ra sành đời, phán một câu chắc nụi: "Quận chạy về phía rừng Gia Bài rồi lủi xuống Tuy Hòa là cái chắc, chứ còn lâu mới dám xuống đèo! Cộng sản chiếm Đồng Phó rồi". Nghe thấy thế, bọn trẻ chúng tôi hiểu ngay. Vì có lạ gì đâu! Anh Tư và mấy anh cán bộ cơ sở trong núi nói rồi: "Mỹ mà còn chạy thì ngụy chả là cái đinh gì". Vui quá đi mất. Trưa hôm ấy mấy anh cán bộ cơ sở trong núi ra, dân Đồng Chè vui như mở hội. Đám trẻ chúng tôi chạy ra đường 19, vẫy tay hò hét chào đoàn xe chở bộ đội xuống. Có đứa vui quá quên miệng còn hét tướng lên: Hế lô! Bộ đội, hế lô! Cộng sản, hế lô!

Chiến tranh đối với lớp trẻ chúng tôi có khác, lính ngụy thì gặp nhau hàng ngày, thậm chí trong đó có người thân quen; còn Cách mạng thì không có gì xa lạ: anh Tư, chú Hồng, chú Chi... Mấy anh cán bộ cơ sở trong núi chúng tôi chăn bò, làm rẫy vẫn gặp hoài, chẳng cần phải giữ bí mật. Mà nói chi đâu xa, trong nhà, mẹ, anh, chị tôi đều là cơ sở cách mạng tất, có lạ gì. Tôi thường được mẹ sai mang đá lửa với pin vào núi cho các anh cán bộ cơ sở mà "quốc gia" gọi là Cộng sản nằm vùng. Đến cái trò chơi cũng vừa chơi vừa giúp cho các anh trong núi. Có trời mới biết trong cái đám diều bay rợp trời kia của đám trẻ con, cái nào báo tin cho Cộng sản đừng ra xóm vì còn lính. Đơn giản thôi, con diều to, bay cao nhất xóm mà cái đuôi có mang một tua vải màu xanh là tín hiệu: Bình yên, lính đã đi ra rồi! Đúng như mấy ông cảnh sát ngụy hay nói dân Đồng Chè là: "Ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản!"

*

* *

Chiếc xe tải gỗ cộc kệch chở kềnh càng mấy gia đình và cả hành lý rổ, rá, thùng, xoong, nồi để trở về đất tổ- An Lão. Tiếng súng trong nam còn vọng ra và những đoàn xe quân giới của ta nối đuôi nhau chạy suốt ngày đêm tiến về Sài Gòn. Vết tích của cuộc chiến đấu khốc liệt, một mất một còn dưới chân đèo còn loang lổ trên mặt đường vùng Tây Sơn Hạ. Không dễ chút nào cho Sư đoàn 3 Sao Vàng của ta cắt con đường huyết mạch lên Tây Nguyên. Lính sư đoàn 22 ngụy cũng vang bóng một thời trên chiến trường Bình Định đủ để tướng Phú tin cậy đưa vào đánh cuộc cháy túi với Sư đoàn 3 nhằm giữ con đường chiến lược. Tất nhiên cục diện chiến trường không có lợi cho địch vì Buôn Mê Thuột thất thủ và Huế - Đà Nẵng tháo chạy tán loạn, nhưng dù gì thì lính sư đoàn 22 vẫn không chịu nổi những trận pháo trực xạ của ông Cương từ trên đỉnh núi cao bắn xuống. Xe chúng tôi không xuống Quy Nhơn để được nhìn tận mắt cảnh điêu tàn, đổ nát thảm thương của lính sư đoàn 22 ngụy tháo chạy để lại trên bãi biển khu I. Rẽ ngả ba cầu Bà Di ngược về bắc Bình Định, nhìn thấy hai bên đường rợp bóng cờ xanh đỏ và những biểu ngữ cắt ráp vội vàng để kịp chào đón quân giải phóng, đám trẻ chúng tôi tung hứng hát vang bài "Giải phóng miền Nam". Có đứa chưa thuộc nên hát trật lời, thế cũng chẳng sao. Những cổng chào thô sơ còn xanh màu lá mọc lên khắp dọc đường từ Bình Định, Đập Đá, Gò Găng, Phù Cát, Phù Mỹ đến Bồng Sơn. Người lớn xầm xì bàn tán râm ran khi thấy một đoàn xe chở tên lửa của ta tiến vào mà chẳng thèm cắm lá ngụy trang. Xe qua cầu Bồng Sơn rồi giảm dần tốc độ và dừng lại ở ngã ba lầu ông Lữ. Đấây là đường về An Lão.

Quân giải phóng qua cầu Đôi tiến vào Quy Nhơn trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.

Một con đường đất hẹp, hơn mười năm rồi chẳng mấy ai đi. Sau năm 1964 khi quận trưởng Đoàn An bỏ An Lão chạy tháo thân, để lại một vết đỏ cay đắng trên bản đồ chiến lược của vùng 2 chiến thuật, Trung đoàn An Lão anh hùng hiên ngang phất cao ngọn cờ Sư đoàn 3 Sao Vàng làm đau đầu bọn ngụy quyền ở dinh Độc Lập, buộc người Mỹ phải ném sư đoàn không vận con cưng của họ vào chiến trường Bình Định. Từ đó quân dân An Lão hứng chịu tất cả hậu quả của những khí tài quân sự tối tân hiện đại nhất và cả những thủ đoạn đê hèn nhất của "thế giới tự do" kiểu Mỹ. B52 rải thảm và chất độc đi-ô-xin hủy diệt đã xóa mất màu xanh. Cùng với chiến dịch tìm diệt, chúng còn bắt dân xuống khu dồn Bồng Sơn, hòng cô lập để xóa sổ Sư đoàn 3, nhổ đi một cây gai nhức nhối trên chiến trường Bình Định. Nhưng An Lão vẫn cứ là An Lão.

Xe qua cầu Bến Muồng phải lội xuống nước vì cầu đã sập từ lâu. Đến ngã ba Mỹ Thành là ruộng khô đồng trắng. Vùng tranh chấp khắc nghiệt nhất còn để lại địa danh cho đời sau: đồi Núi Chéo. Dân lưu tán khắp nơi đã về quê khai hoang vỡ hóa. Những lũy tre và rừng dừa ngày xưa không còn nữa. Chỉ có cỏ lau mọc trên những hố bom còn đọng nước. Lâu lắm rồi, đám lính ngụy không còn nhắc câu: Qua suối Bà Nhỏ, bỏ nhà. Về đến Xuân Phong ai cũng ngỡ ngàng vì nó không hoang sơ như nhiều người tưởng. Sau chiến dịch năm 1972 số dân ở Bồng Sơn đã trở về, và số dân ở nơi khác vòng qua ngã Hoài Châu về xây dựng nên thôn xóm như những làng kháng chiến. Cùng với bộ đội sản xuất, nhân dân đã khôi phục được màu xanh trên đồng lúa. Những người trở về hân hoan vui vẻ trước sự đón tiếp của xóm làng và chính quyền địa phương. Ruộng vườn của ai được trả lại như cũ, nếu còn hoang hóa thì giúp nhau khai vỡ. Nghĩa xóm tình làng gắn chặt lại như xưa, không phân biệt ngụy quân, ngụy quyền.

*

* *

Tôi hòa mình trong đám bạn bè, bỡ ngỡ bước vào trường với một chương trình học hoàn toàn mới lạ. Tay viết cứ run lên vì nhiều lẽ. Có một lẽ chính đáng nhất là do tôi bỏ học đã lâu rồi, từ mùa hè năm 1972 khi mẹ và ba anh chị của tôi bị địch bắt vào tù, trong đó hai người bị đày ra Côn Đảo. Cây bưởi trước ngõ nhà tôi ra hoa trắng lợp, mùi hương thơm lan tỏa cả một vùng. Mẹ tôi nói cây này mới mọc, ngày xưa không có; gọi là cây bòng đi cho nó thực ngôn, người Bình Định không gọi bưởi. Đến giờ nhắc lại tôi cứ tưởng đâu đây còn thoang thoảng hương thơm. Cây bòng rất lạ, nó xanh tốt, rợp bóng mát lạnh cả một khúc đường đi. Ai đi qua lại cũng thường dừng chân nghỉ mát. Đám trẻ chúng tôi thường hái quả bòng làm banh để đá. Quả của nó nhiều nước và ngọt nhưng hơi nhân nhẩn đắng, ăn xong cứ ngai ngái ở lưỡi. Cây bòng là điểm hẹn của nhóm bạn tôi để đi hái trái quăn. Quăn năm đó ra trái nhiều vô kể, mà cây quăn thì mọc khắp các vườn hoang. Trái quăn chín đỏ mọng thừa đủ hấp dẫn làm mê hoặc một thời thơ trẻ của bất kỳ ai. Và, cũng chính nó là nỗi lo ám ảnh của các bậc cha mẹ sợ con mình trèo hái, vì gai quăn dài và nhọn lắm...

Ước mơ sân trường trong tôi tưởng đã bỏ lại sau lưng từ mùa hè năm ấy, giờ như bừng sống dậy. Nhà tôi may mắn được ở gần trường. Nói đúng hơn là nhờ quyết tâm của cha mẹ tôi. Lẽ ra nhà phải chuyển về ở quê cha phía bên tây sông, theo cách nghĩ của nhiều người thời đó: thà ở chuồng heo chứ không theo quê vợ!. Nhưng nếu về ở bên đó, thì cách núi ngăn sông anh em chúng tôi phải bỏ học. Vì vậy cha tôi chấp nhận về theo quê vợ, ở bên này. Nhờ sự quyết tâm của cha mẹ nên anh em tôi đều được đi học. Cha tôi cũng nhờ học bình dân thời Cách mạng Tháng Tám nên mới biết đọc biết viết. Lúc nào ông cũng khuyên nhủ con cái cố gắng học hành. Đời ông khổ tới mức không còn biết khổ nữa. Ông nội mất năm cha tôi mới mười hai tuổi. Nhà không có mảnh đất cắm dùi. Bà nội thì đau yếu thường xuyên. Hai bà cô-em của cha tôi - lúc đó còn quá nhỏ, chưa biết làm gì. Món nợ ba thang thuốc trước khi ông nội mất, cha tôi phải ở đợ mười hai năm mới trả hết. Mười hai năm chăn trâu và cày ruộng không được trả một buổi công, nên mới canh hai cha phải dậy nấu cơm ăn để còn thả trâu ra đồng ăn cho kịp buổi cày. Bà chủ tính từng chén gạo, mà ăn nhiều bà cũng mắng. Cha tôi phải tự nấu trước khi bà chủ thức dậy để ăn xong thật no còn gói phần trưa thật nhiều, khi ngang qua nhà đưa cho bà nội và hai cô tôi ăn qua ngày. Buổi trưa cha tôi phải bắt ốc hái rau ăn tạm ngoài đồng, chờ chiều về nhà bà chủ ăn no bù lại. Có lẽ điều đó cũng là một động lực thúc đẩy cho anh em chúng tôi cố gắng học hành.

Bộ đội chủ lực Sư đoàn 3 đánh chiếm quận lỵ Hoài Ân trong chiến dịch Xuân hè 1972.

Trường học tạm bợ tranh tre nứa lá, thầy trò tự làm lấy để học. Bảng gỗ ghép tạm rồi đập pin lấy than đen nhuộm lên. Bàn ghế ngồi thì gọt cây tròn ghép lại. Đám học trò thì nhếch nhác đủ cỡ, chắp vá trông đến thảm hại. Thầy cô thì đủ nguồn, đủ cấp, thậm chí có người biết đến đâu dạy đến đó. Ấy thế mà tinh thần học tập của chúng tôi rất cao, thầy cố nhiệt tình giảng dạy, tuyệt nhiên không có một học sinh nào bỏ học, không có học sinh thất lễ với thầy cô. Trường chẳng ra trường, lớp không ra lớp nhưng thầy ra thầy, trò ra trò.

                                       *

* *

Ba mươi mùa xuân đã đi qua, trong tôi vẫn còn đọng lại những gì đáng nhớ về mùa xuân năm ấy, mùa xuân tôi được trở lại mái trường, để rồi nối gót thầy cô, tôi bước chân vào bục giảng. Những tưởng "... cái nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý..." này là bình yên, bằng phẳng, hóa ra nó cao quý nhất chính vì từ những trắc trở, khó khăn. Tôi vào nghiệp giáo không vì "chuột chạy cùng sào...", mà chính vì nghe lời khuyên bảo của thầy cô và cả lòng yêu nghề, mến trẻ nữa. Tiếng là ở miền núi nhưng tôi chỉ dạy ở điểm Xuân Phong rồi làm "quan thầy". Năm ba năm nay mới lên dạy con em bà con dân tộc thiểu số, được thấm thía nỗi đời cái chữ lên miền cao. Từa tựa như ba mươi năm trước, có điều nay trường đã ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy chưa; còn trò thì...!

Vâng! Làm sao đây để không còn cảnh thanh niên bản làng nhập ngũ chỉ lăn tay, không biết ký tên. Anh bạn ở Huyện đội đã nói toạt luôn mấy mươi phần trăm như thế. Vấn đề ở chỗ là không phải nhằm chỉ trích lỗi phải thuộc về ai, hay phân tích nguyên nhân gây tái mù. Thôi thì thà thắp lên một ngọn lửa, còn hơn...

Mùa xuân này ở An Lão được vui hơn vì con đường bê tông từ huyện đã lên đến An Vinh, một trong những xã xa nhất huyện. Còn con đường lên An Toàn và đường nối qua Ba Tơ chắc chỉ vài năm nữa cũng hoàn thành. Điện đường đã thông đến tận bản làng rồi thì cơ nghiệp giáo dục chắc cũng nhiều triển vọng. Công cuộc đổi mới cho nhân dân An Lão đổi đời không có con đường nào khả thi hơn con đường giáo dục. Tôi hằng mong và hy vọng như vậy!                        

. Dạ Thanh

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người nữ biệt động thành năm ấy  (29/03/2005)
Thư viện Bình Định ngày ấy và bây giờ  (29/03/2005)
Hiệu quả bước đầu của một đề tài  (29/03/2005)
Chuyện "làng hành"  (29/03/2005)
Mô hình Quỹ Tín dụng Dân sinh (Nhật Bản) rất cần học tập và vận dụng  (29/03/2005)
Một nửa ghép lại  (29/03/2005)
Thơ  (29/03/2005)
Thêm mấy cây bút nữ đáng chú ý  (29/03/2005)
Tản mạn tháng ba  (29/03/2005)
Làm báo ri có bí... thơ?  (29/03/2005)
Làm thuê  (29/03/2005)
Hành trình đi tìm hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ  (29/03/2005)
Bao giờ bóng đá Việt Nam mới thực sự hội nhập?  (29/03/2005)
Lời tự thú của tên giết người  (29/03/2005)
Mốt cho người trung tuổi  (29/03/2005)