Côn Đảo những ngày tháng 4-1975...
15:46', 29/4/ 2005 (GMT+7)

Côn Đảo là "đảo tù" nổi tiếng suốt trong 113 năm (1862- 1975). Đại thắng mùa Xuân 1975 trở thành mốc son lịch sử, biến Côn Đảo từ "địa ngục trần gian" thành hòn đảo Tự Do! Ra Côn Đảo, tôi được nghe rất nhiều chuyện cảm động về những ngày tháng 4-1975 lịch sử ấy.

Các cựu tù chính trị Bình Định thăm cầu Ma Thiên Lãnh – nơi địch thủ tiêu hàng ngàn chiến sĩ cách mạng - Ảnh tư liệu

Tháng 4-1975, trên đảo còn 7.448 tù nhân bị giam giữ. Dường như anh em tù nhân không hề có thông tin gì về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bắt đầu từ chiến thắng giải phóng Buôn Ma Thuột! Nhưng anh em cũng cảm nhận được tình hình Côn Đảo lúc này khác thường lắm. Địch cho tu sửa đường, đào đắp công sự, ụ súng trên các sườn núi quanh các trại tù. Cứ vài ngày chúng lại tổ chức khám xét và di chuyển tù nhân từ trại này sang trại khác, cấm trao đổi nói chuyện. Chúng thu lượm tất cả những tờ báo cũ, mảnh giấy gói đồ... nhằm bịt kín tin tức về cuộc tiến công "tốc chiến tốc thắng" của quân ta ở đất liền.

Anh Bảy Oanh - tù nhân lúc đó, nay là Trưởng Ban quản lý Di tích Côn Đảo - kể, trong các ngày 29, 30-4, trên trời Côn Đảo, tiếng máy bay Mỹ gầm rú liên hồi. Nhiều tù chính trị đã chịu ra làm khổ sai nay bị chúng đưa trở lại các phòng giam cấm cố, anh em tù chính trị xuống làm bếp buộc phải vô lại trại giam. Địch đóng kín mít tất cả các cửa phòng giam, việc đổ thùng cầu hay tắm mỗi ngày 15 phút bị bãi bỏ ! Anh em đoán chắc có chuyện gì đó nên địch bưng bít tin tức.

Lúc này, máy bay Mỹ chở người từ Sài Gòn ra náo loạn bầu trời. Hàng hóa nhu yếu phẩm tăng giá vùn vụt. Máy bay tranh nhau lên xuống sân bay Cỏ Ống, chở quan tướng Mỹ, ngụy di tản. Ca nô, tàu biển há mồm cập bãi Cỏ Ống chuyển người ra các tàu Mỹ đang đậu ngoài khơi. 16 giờ 30 ngày 29-4, 26 tên cố vấn Mỹ và chư hầu rút chạy. Đêm 29-4, chúa đảo lúc ấy là tên trung tá Lâm Hữu Phương lái xe chở vợ con hắn qua khu Bến Đầm, bí mật xuống canô trốn ra tàu di tản, bỏ lại 1.500 sĩ quan cấp dưới, lính, cai tù,... đang nhớn nhác, lo sợ. Tên Phạm Huỳnh Phương - phó đảo - đã họp với bọn quyền thế trên đảo cùng đám gác ngục ác ôn nhất như Lê Văn Khương, Đỗ Văn Phục bàn cách đối phó. Chúng quyết định khóa chặt các phòng giam, bố trí canh gác nghiêm ngặt; tổ chức di tản quân lính ra tàu ngoài khơi bằng mọi phương tiện. Chúng lên phương án thủ tiêu toàn bộ tù chính trị trên đảo bằng  lựu đạn vào giờ chót... Thế nhưng, tin Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn giải phóng làm cho chúng suy sụp, kinh hoàng tháo chạy. Cuộc di tản hỗn loạn trên đảo kéo dài suốt đêm 30-4...

Các cựu tù chính trị người Bình Định bị địch giam giữ tại Côn Đảo thăm lại Nghĩa trang Hàng Dương (6-1994) - Ảnh tư liệu

Nửa đêm ngày 30-4, đại úy ngụy Kiều Văn Dậu, trưởng ty thanh niên Nguyễn Văn Đồng cùng anh Nguyễn Văn Sơn (anh Sơn là đặc tình mang bí số T31 của ta cài vào hàng ngũ công chức nhà lao) đã vào trại giam số 7, họ mở khóa cửa phòng 24, khu H, báo tin: "tổng thống Dương Văn Minh đã đầu hàng, bọn ác ôn trên đảo đã bỏ chạy hết, bọn quân phạm, lưu manh đang cướp bóc, gây rối loạn trên đảo". Nhóm Kiều Văn Dậu yêu cầu "anh em tù chính trị ra giải phóng Côn Đảo để ổn định trật tự". Anh em tù yêu cầu đưa radio tới. Sau khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin "Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng...", anh em sung sướng đến bàng hoàng. Đó là thời khắc mà những người tử tù Côn Đảo biết mình đã thoát khỏi "địa ngục trần gian" !

Tù nhân chính trị khu H lập tức tịch thu chìa khóa trại 7 ở tay trưởng trại Hai Rồng, chạy đi mở các cửa phòng giam. Anh em tù nhân hò reo vang dội. Nhiều phòng chưa kịp mở khóa, anh em đã bẻ song sắt, phá cửa ra. Đến 3 giờ sáng ngày 1-5, cả 8 khu của trại giam số 7 được giải phóng. Thoát khỏi Chuồng Cọp số 30 khu F, đồng chí Phan Huy Vân (tức Trần Trọng Tân (Hai Tân) – sau này là Ủy viên TƯ Đảng, Trưởng Ban TTVT, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh) đã đến ngay bệnh xá của trại 7 gặp đồng chí Trịnh Văn tự để bàn kế hoạch giải phóng đảo. Một Đảo ủy được thành lập do đồng chí Trịnh Văn tự làm Bí thư và đồng chí Hai Tân làm Phó Bí thư. Một "Ủy ban Hòa hợp hòa giải dân tộc Côn Sơn" gồm 15 người, nòng cốt là anh em tù chính trị cũng được thành lập, Linh mục Phạm Gia Thụy được mời làm Chủ tịch! Trưa 1-5, Tiểu đoàn vũ trang cách mạng đầu tiên của Đảo ra đời với số súng đạn thu được từ các trại lính, có cả đại liên 12,7 ly. Lực lượng vũ trang đã cứu thoát hơn 10 tù chính trị bị cùm xiềng và bị bỏ đói trong hầm đá ở trại II, trong đó có đồng chí Lê Quang Vịnh - "người con quang vinh" (sau này đồng chí Vịnh là Bí thư Quận ủy Côn Đảo 1986-1988). Đến trưa 1-5, ta hoàn toàn làm chủ Côn Đảo. Sau khi chiếm cơ quan Vô tuyến viễn thông của địch, Đảo ủy liên tục liên lạc với đất liền, báo tin: "Anh em tù chính trị đã thiết lập chính quyền cách mạng ở Côn Đảo từ sáng
1-5 và xin ý kiến chỉ đạo", nhưng không bắt được liên lạc. Đảo ủy đang  tính đến việc cử người vượt biển về đất liền báo tin thì chiều 2-5, bắt liên lạc được với Thành ủy Sài Gòn. Đất liền cho biết: "Đã nhận được điện và đã báo cho Trung ương Cục, yêu cầu cho biết ngoài đó cần gì để gửi ra !". Đồng chí Hai Tân đã khóc lên vì sung sướng khi nhận điện và đồng chí đã nói: "Côn Đảo chỉ cần cờ Đảng, cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ thôi !". Đó là câu nói xúc động nhất trong những ngày giải phóng Côn Đảo !

"Chuồng cọp" tại nhà tù Côn Đảo - Ảnh: T.M

Trong lúc đó, tại Vũng Tàu, Trung tướng Lê Trọng Tấn đã họp với các tướng lĩnh để bàn một trận hợp đồng quân chủng Hải-Lục-Không quân giải phóng Côn Đảo. Tối  2-5, máy bay ta đã lượn mấy vòng trên bầu trời Côn Đảo, nhưng Đảo ủy lại tưởng là máy bay trinh sát của Mỹ trở lại, nên chỉ thị cho các đơn vị của đảo chuẩn bị chiến đấu. Còn máy bay trinh sát của ta lại báo cáo là trên đảo đèn điện còn sáng, nên Ban chỉ huy chiến dịch cho là địch vẫn còn, bèn quyết định phương án: Cho máy bay phát loa kêu gọi đầu hàng, nếu địch ngoan cố thì dùng pháo binh, trực thăng, xe tăng trên tàu đổ bộ cường tập để giải thoát tù nhân! Tối 3-5, anh em báo tin bắt được 3 người nhái ngoài biển xâm nhập vào đang giữ ở Trụ sở Ủy ban. Tới nơi thì hóa ra là các chiến sĩ trinh sát Hải quân ta. Thế là đại diện Ban chỉ huy tàu Hải quân được đưa vào Đảo. Mọi người ôm nhau mừng rơi nước mắt! Thì ra, Bộ Tổng tham mưu đã điều Tiểu đoàn 445 Bà Rịa và một Trung đoàn của Sư đoàn Sao Vàng xuống 2 tàu V.609, V.683 Hải quân ra giải phóng Côn Đảo. Tàu xuất phát từ chiều 1-5 tại cảng Rạch Dừa, chở theo hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, rau xanh, thuốc chữa bệnh cùng với cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ... do Đảng bộ thành phố Vũng Tàu gửi tặng nhân dân và chiến sĩ Côn Đảo. Nhưng Côn Đảo đã tự giải phóng!

Sáng 4-5, quân ta từ tàu chiến đổ lên đảo. Một cuộc mít tinh mừng Côn Đảo giải phóng được tổ chức trọng thể. Hàng ngàn cựu tù mang cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, cùng với cư dân trên đảo hò reo vang dội. Người Côn Đảo hô vang: "Bộ đội Cụ Hồ muôn năm!", "Chào mừng Hải quân nhân dân Việt Nam", "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!", "Đại tướng Võ Nguyên Giáp muôn năm!"... Tiếng hô reo mừng truyền lan trên sóng biển, âm vang như còn mãi đến bây giờ...   

Ngô Minh Khôi

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sức mạnh Việt Nam   (29/04/2005)
Ký ức một mùa xuân  (29/03/2005)
Người nữ biệt động thành năm ấy  (29/03/2005)
Thư viện Bình Định ngày ấy và bây giờ  (29/03/2005)
Hiệu quả bước đầu của một đề tài  (29/03/2005)
Chuyện "làng hành"  (29/03/2005)
Mô hình Quỹ Tín dụng Dân sinh (Nhật Bản) rất cần học tập và vận dụng  (29/03/2005)
Một nửa ghép lại  (29/03/2005)
Thơ  (29/03/2005)
Thêm mấy cây bút nữ đáng chú ý  (29/03/2005)
Tản mạn tháng ba  (29/03/2005)
Làm báo ri có bí... thơ?  (31/03/2005)
Làm thuê  (29/03/2005)
Hành trình đi tìm hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ  (29/03/2005)
Bao giờ bóng đá Việt Nam mới thực sự hội nhập?  (29/03/2005)