Giao liên, Đường dây, Giao bưu là những cái tên thân thiết gọi ngành giao thông liên lạc cùng những con người chiến đấu giữ vững mạch máu giao thông liên lạc trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp một phần rất quan trọng vào cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Lúc chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp quản miền Nam, phong trào cách mạng còn trong bóng tối, liên lạc dù đơn lẻ, bí mật, giao liên vẫn là một công tác đi trước của sự nghiệp cách mạng. Giao bưu Bình Định cũng hình thành từ đó.
Tôi bắt đầu cuộc đời làm chiến sĩ giao liên năm 17 tuổi từ một cuộc lựa chọn của tổ chức đưa đi học lớp chính trị và nghiệp vụ Giao bưu cấp tốc một tuần. Thực ra, nghiệp vụ Giao bưu tôi đã thấy qua các anh giao liên làm trong bốn ngày đi đường từ nhà lên tới trường Thanh niên sâu trên căn cứ. Hồi đó chưa quen gian khổ, một hôm, đang đi vì đói và mệt kiệt sức, tôi ngã lăn xuống khe sâu không bò lên nổi, anh giao liên bế lên săn sóc rồi định cõng đi. Tôi kinh ngạc: "Phải cõng sao? Không được. Tôi không nỡ!", và tôi ráng sức đi đến trạm. Sau lớp học một tuần ấy, tôi được phân công về một trạm phía đông nam huyện miền núi Vĩnh Thạnh gần Quốc lộ 19, cũng mất bốn ngày đường.
Cám ơn tổ chức đã chọn tôi làm chiến sĩ giao liên, nhờ đó tôi được trực tiếp nếm trải những cay đắng, ngọt bùi trong đời hoạt động cách mạng. Kỷ niệm đáng nhớ đầu tiên là công tác xoi đường. Địch càn chặn lối: xoi đường; tạm tránh nước lũ: xoi đường; chuyển hướng liên lạc: xoi đường; mở thêm hướng liên lạc: xoi đường… Không la bàn, không ống nhòm, chỉ độc con rựa trên tay, với cặp mắt luôn phải sáng. Cuộc chiến địch-ta luôn quần thảo, đan xen nhau, nhiều lúc xoi đường mà không được động mạnh một cành lá. Một tiếng cành khô gãy dù nhỏ cũng có thể làm cho địch phát hiện và bị thương vong, thất bại. Tất cả các giác quan, nhất là mắt, phải làm việc hết sức căng thẳng. Tìm đúng hướng đã khó mà nhất thiết phải thấy địch trước khi địch thấy mình. Nếu tránh bị địch phát hiện thì người cũng đẫm máu vì vắt cắn. Từ giữa 1964 đến cuối 1965, tôi công tác ở Trạm tây đường số 1; trạm có tám người đều là nam thanh niên can đảm xông xáo, trực với bốn hướng, khó nhất là hướng vượt đường số 1 xuống Khu Đông qua hai xã tranh chấp Mỹ Hiệp (Phù Mỹ) và Cát Hanh (Phù Cát). Nguyễn Ngọc Anh là người cùng lứa với tôi và rất ăn ý trong việc xoi bám đường, thân nhau hai người như một. Chúng tôi quen đi trực hướng đông qua đường số 1. Một hôm, khoảng thượng tuần tháng 8-1965, đồng bào chận chúng tôi lại ngay đầu xóm cho biết có lính Triều Tiên trong Chợ Gồm ra kích đường.
Nói đến bọn lính Nam Hàn ai cũng nhớ đến các vụ tàn sát dã man đồng bào ta ở Bình An (Tây Sơn), Tân Giản (Tuy Phước)… Chẳng biết được trả công bằng gì, chúng thường đào công sự cá nhân sâu tận cổ, mùa mưa nước tràn miệng hầm cũng ngâm mình phục kích suốt đêm. Đem quân đi phục kích thì lợi dụng trời mưa hoặc lúc chập choạng tối, mỗi tên cõng một tên giấu trong áo mưa, đến nơi bí mật phục lại, ta quan sát thấy quân số chúng về bằng lúc đi là lầm. Bọn này đã gây cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm xương máu. Cột chặt túi công văn vào người, trời vừa tối chúng tôi bò ra bám lên đường xe lửa. Tới đây tôi nằm lại để nếu cần sẽ yểm trợ cho Ngọc Anh bò xuống. Anh đã bám được lên lề đường nhựa rồi mà vẫn yên, tôi đã mừng. Nhưng khi cậu ta ôm khẩu carbine lăn qua vừa khỏi mặt đường thì một loạt đạn cực nhanh rẹt lên chát chúa, đạn cày chéo mặt đường xẹt lửa như bão thổi đống lửa trấu. Tiếp theo, từ các hầm phục kích dọc đường, vô số tiếng đạn xen lẫn cối cá nhân bắn tứ tung, đạn lửa bay đủ tầng cao thấp, có cả tiếng người ý éo man rợ. Vị trí của Ngọc Anh im lặng, tình huống này tôi không thể yểm trợ được. Chẳng biết Anh có bị trúng đạn không, trong lòng vừa lo vừa buồn, tôi không thể lăn theo qua đường như những lần trước, phải lùi lại và chọn một trong hai đường dự bị. Nhớ dân nói "Triều Tiên trong Chợ Gồm ra", như vậy có nghĩa địch trong đó đã thưa bớt, tôi quyết định vào đường dự bị trong Chợ Gồm. Đến nơi trăng còn chừng non con sào, soi mờ mờ ngang đường xe lửa, thấy loáng thoáng dáng một người tay cầm súng bò qua gọn như một con mèo. Vừa khả nghi vừa mừng, chắc là Ngọc Anh còn sống cùng nhận định như mình nên vào đây hiệp nhau. Tôi tróc chó hai tiếng, bóng người cũng có ba tiếng tróc chó trả lời. Đã mừng thật sự, nhưng để chắc chắn tôi tróc chó lần nữa một tiếng và cũng được trả lời bốn tiếng. Thôi đúng là Ngọc Anh rồi, tôi mừng ứa nước mắt, còn cậu ta thì cười nói thầm: "Đạn Triều Tiên vãi như cát vậy cũng chỉ làm sướt chút da đùi tớ đây chứ mấy. Biết hiệp nhau tại đây rõ là ý nghĩ hai đứa mình như một". Rồi hai anh em khẩn trương qua đường men theo núi Lườn Cày đem hỏa tốc xuống tới trạm Cát Tài trời đã gần sáng. Sau được biết bì thư hỏa tốc ấy đã đến Bộ chỉ huy Khu Đông kịp triển khai chống trận càn lớn của quân Nam Triều Tiên và để các trạm giao bưu Khu Đông sẵn sàng bám trụ giữ vững đường dây, chống càn. Lần đó đạn Triều Tiên mới chỉ làm sướt chút da đùi Ngọc Anh, nhưng vài năm sau, trong trận càn quy mô của Mỹ lên vùng núi tây Phù Cát - Hoài Ân, cũng trong một chuyến đi, Ngọc Anh cùng Lê Thứ mãi mãi không về.
Kỷ niệm đáng nhớ thứ hai là "Chạy hỏa tốc", một trong các nhiệm vụ gian khổ mà cũng có phần thích thú của giao liên. Bởi là mệnh lệnh quan trọng, khẩn cấp của Đảng, nên người chuyển nó phải "chạy" liên tục trên đường, bất kể ngày đêm, mưa bão hay địch chắn lối…; đôi chân phải bước nhanh hơn, không được dừng lại đâu quá ba mươi phút nhằm đến nơi sớm nhất. Chuyện chúng tôi vừa đi vừa vén quần tiểu tiện là thường, các vị khách đi cùng, nhất là cán bộ miền Bắc mới vào, cho là chúng tôi mất lịch sự, bởi họ không biết trong túi chúng tôi có công văn hỏa tốc. Chạy hỏa tốc ban đêm phải nhờ chiếc đèn dầu tự tạo, dụng cụ thắp sáng tiện lợi duy nhất hồi đó. Đèn chỉ là cái vỏ chai nhỏ gọn, có nắp vặn chắc chắn; phần luồn bấc là một ống lò xo tự trồi lên khi đốt, thụt xuống khi đậy nắp lại; một miếng thiếc bao hờ bên ngoài đẩy lên được làm chao che gió, có lỗ nhỏ đủ soi một luồng ánh sáng đi đường mà kẻ địch ở xa hoặc trên cao không thấy. Bỏ đèn theo túi ba lô đi đâu cũng có sẵn, giao liên hầu như mỗi người đều có một cái. Bất cứ nửa đêm hay gà gáy, hễ có hỏa tốc đến là mọi người đều tự giác vùng dậy lấy đèn dầu của mình ra sẵn sàng, mặc dù đã biết chỉ cần một hoặc hai người được phân công mới đi.
Còn nhớ một đêm đầu năm 1968, đồng chí Nguyễn Thị Mai cũng đi hỏa tốc đêm trong rừng, chưa được nửa đường gặp pháo địch bắn, vội tránh pháo đụng phải đá, đèn bể. Giữa rừng đêm Mai phải lần lượt đốt đôi dép cao su quý giá của mình làm đuốc. Đường rừng ban ngày có dép đi còn khó, huống gì ban đêm không dép. Lúc đầu còn được một chân có dép, sau cũng phải đốt tiếp chiếc nữa mới đủ đến nơi giao hỏa tốc kịp thời. Lần ấy pháo địch bắn không trúng, nhưng cách vài tháng sau, ngày 4-10-1968 tại Lỗ Môn, rìa núi Phú Lạc thuộc xã Bình Thành, huyện Bình Khê (nay là Tây Sơn), pháo địch đã giết chết Mai khi những vết thủng bàn chân trong chuyến hỏa tốc bằng "đuốc dép" đợt trước mới vừa làm da non!
Kỷ niệm đáng nhớ thứ ba là những cuộc họp mạn đàm công tác hàng đêm. Thành thói quen, hôm nào cũng vậy, sau ngày công tác, chúng tôi quây quần quanh chiếc đèn dầu tự tạo, lần lượt báo cáo và tự nhận xét ngắn gọn tinh thần công tác trong ngày để tập thể góp ý. Thường ai cũng tự nêu những khuyết điểm hoặc vướng mắc trong lòng, ưu điểm thì tự tập thể vốn rất sát sẽ phát hiện và vô tư biểu dương. Với khuyết điểm, dù là hình thức kỷ luật gì cũng không đau khổ bằng kỷ luật của lương tâm. Đặc biệt, không có ai đấu tranh cho thành tích riêng, vì làm như vậy tự thấy mình chẳng giống ai. Khi bàn xong công tác ngày tới và mọi người xung phong đảm nhận xong là lời ca tiếng hát cất lên, không khí vui tươi xóa hết bao nhọc nhằn kham khổ ngày qua. Đi đâu xa vài ngày đã thấy nhớ cảnh đêm đêm quây quần mạn đàm vui vẻ quanh chiếc đèn dầu tự tạo.
Sau thất bại chiến lược chiến tranh đặc biệt, tỉnh Bình Định thuộc địa bàn trọng điểm Mỹ chọn triển khai chiến lược chiến tranh cục bộ, ồ ạt đổ quân Mỹ, quân chư hầu và phương tiện chiến tranh hiện đại vào để "bình định và tìm diệt", chiến trường ác liệt như một chảo lửa. Đặc điểm của ngành Giao bưu là rải theo các tuyến đường những trạm cách nhau thường là một ngày đường đi bộ, thành hệ thống nối chắc nhau, tùy từng nơi bố trí mỗi trạm từ bốn đến bảy người bám chặt địa bàn, bảo đảm thông suốt công văn, thư từ và cán bộ đi đường. Địch cũng nhằm vào đó đánh phá rất khốc liệt: bom pháo, tập kích, biệt kích, bao vây, phục kích, bắt cóc khai thác tài liệu… Giai đoạn này ngành Giao bưu Bình Định cũng được tăng cường quân số, lúc nhiều nhất khoảng gần 200 người. Cuối năm 1966 tôi được lệnh đến lập một trạm mới tại vùng cửa sông Trinh đổ ra sông Kôn, cùng với năm anh chị em nữa lần lượt đến sau. Nhờ đường dây cũ những năm trước đi phía bên kia sông, ngược lên thượng nguồn ra An Lão, xuống Hoài Nhơn, chúng tôi nhanh chóng hình thành đường dây tiếp tục đi trực chuyên môn. Vùng cửa sông bằng phẳng nhất rừng núi, lại có đường dây mới đi qua này, như cái túi hứng bom đạn Mỹ, trực thăng vũ trang các loại rình rập suốt 12 giờ ban ngày, biệt kích thập thò luôn. Vài người của trạm bị thương phải chữa trị tại chỗ, vì quá xa bệnh xá, Ban Giao bưu cử một y tá tên là Trọng đến chữa tại trạm. Thuốc điều trị chính là bông băng và thuốc đỏ, ai nặng quá mới được chích Penicilin trong của Trung Quốc, băng gạt hiếm phải giặt dùng lại nhiều lần.
Một sáng đầu tháng 2-1967 có hỏa tốc đến, lại đồng thời có trực thăng đổ biệt kích Mỹ trên đỉnh dốc sông Trinh chận đường. Dương Văn Duyệt và Trương Sĩ Hoàng, hai đồng chí có kinh nghiệm nghi binh, xung phong xách súng qua sông ngược lên gần đỉnh dốc, giày xéo cỏ và cây con làm cho dường như có dấu nhiều người đi và bò lên nổ súng vào phía quân địch, cố tình làm cho nhóm biệt kích hiểu lầm đường ta đi phía bên ấy, rồi luồn rừng vòng xuống cuối sông trở về. Biết chắc địch đang chú ý phục ở đó, ta đi hỏa tốc đường bí mật bên này, dù phải vừa đi vừa quay lại xóa hết dấu vết những đoạn dễ lộ. Trong hơn một tuần Mỹ phục kích, chúng tôi đã chuyển được 7 chuyến hỏa tốc an toàn. Chẳng biết chất keo gì gắn bó tập thể chúng tôi sáu người như một, dù ở giữa rừng bị chất độc khai quang làm trụi hết lá cây, chỉ nhờ cây Sâu già có nhiều tầng cành và gốc rất lớn che mắt máy bay cho cái lán nhỏ của chúng tôi; suối nước nhỏ để ăn uống, sinh hoạt đậm đặc mùi lá cây bị chất độc mục, vẫn vui vẻ lạc quan hoàn thành nhiệm vụ. Anh chị em ai cũng gầy yếu xanh xao, vậy mà ai cũng đều bộc lộ sự thông minh, nhanh nhẹn.
"Trạm Vỵ" là tên mọi người thường gọi chúng tôi, nơi xuất phát những chuyến công tác và cũng là nơi dừng chân trước khi về lại cơ quan của không biết bao nhiêu lượt cán bộ đi phong trào. Chỉ có củ mì mót trong những rẫy năm trước xuống núi bỏ lại, rau rừng là món ăn chính, cùng những câu chuyện tiếu lâm tầm phào mà vui vẻ ấm áp. Chiến đấu riêng lẻ, đồng đội chúng tôi ngã xuống rải rác khắp chiến trường, cả trong nhà tù địch. Mãi hơn 20 năm sau ngày toàn thắng, Bưu điện Bình Định cố gắng lắm mới tính được con số chưa đầy đủ: gần 500 người hy sinh, xấp xỉ số cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện tỉnh bấy giờ. Quả thật cán bộ, chiến sĩ giao bưu lớp trước ngã, lớp lớp sau tự giác xông lên hoàn thành nhiệm vụ.
Sau Tết Mậu Thân, tôi được lệnh đi học điện báo tại trường Thông tin Quân khu 5, mãn khóa trường giữ lại đào tạo đài trưởng, tháng 10-1969 về lại Giao bưu Bình Định, rồi sang Tiểu ban Điện đài. Không ngờ những lần điều động tình cờ của cấp trên đó mà bây giờ hai cơ quan tôi đã từng gắn bó thân thiết nhất trong đời hoạt động cách mạng những năm chiến tranh ác liệt được quy về thành một nơi: Bưu điện Bình Định. Hồi đó Tiểu ban Điện đài trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy, còn Ban Giao bưu là một ngành trực thuộc Tỉnh ủy nên hai cơ quan độc lập hoàn toàn với nhau. Nhiệm vụ của Điện đài cũng coi giữ vững liên lạc là cốt tử, chỉ khác là không dầm mưa dãi nắng trên đường như giao liên, mà liên lạc bằng sóng điện. Cũng không kém phần ác liệt bởi cùng đối tượng Mỹ ưu tiên tìm diệt, hòng cắt đứt liên lạc của cơ quan đầu não cách mạng. Nếu như Giao liên có công văn hỏa tốc quan trọng khẩn cấp, phải chạy ngày đêm trên đường, thì Điện đài cũng có rất nhiều điện khẩn. Đến chiến dịch, hầu hết cả khối bức điện đều khẩn, những phiên liên lạc dày đặc suốt 24 giờ mỗi ngày, dù nhịn ngủ suốt tuần, suốt tháng hay địch càn sắp đến nơi đều phải lên máy làm việc đúng giờ.
Tới đây gợi lại một kỷ niệm đáng nhớ nữa là đã tập được cho mình khả năng "ngủ tỉnh", tức là giấc ngủ tranh thủ năm, ba phút còn thừa hiếm hoi chờ đến phiên liên lạc sau, mà vẫn không trễ một giây; ngủ mà nghe biết đường bay của đạn pháo địch hay bom tọa độ sẽ rơi xa hay gần để kịp lăn xuống hầm. Làm việc trong máy đã căng thẳng, quay Ragono phát điện hàng buổi, hàng ngày, cả ngày đêm liên tục cung cấp nguồn điện cho máy, một kiểu lao động nặng nhọc khác hẳn mọi ngành. Nhờ làm việc liên tục, xử trí nhiều tình huống, đã cho chúng tôi những kinh nghiệm quý giá, đủ khả năng đối chọi thắng lợi với bọn Mỹ có máy móc hiện đại, điều kiện tốt hơn ta một trời một vực. Chưa một lần bị địch phát hiện vì sai sót kỹ thuật của Điện đài Bình Định. Nhưng là bộ phận liên lạc quan trọng nằm trong trọng điểm "tìm diệt và bình định" của Mỹ, không ít anh em Điện đài đã anh dũng hy sinh vì nhiệm vụ. Có người còn rất trẻ như Nguyễn Khánh, trúng đạn lìa cả hai chân, giây phút tỉnh trước khi tắt thở còn hỏi: "Máy mình có bị hỏng không ?!"; mẫu mực như Hoàng Minh Hiền, rõ thật là hiền với đồng đội, vượt Trường Sơn vào đây khá sớm từ quê hương Hà Tĩnh kết nghĩa, hy sinh trong vòng càn quét của địch; triệt để cách mạng như Nguyễn Thuyên, Phó trưởng tiểu ban, hy sinh trên đất Khu Đông ác liệt. Anh là vệ quốc đoàn trẻ về cưới vợ rồi đi tập kết ngay, chị vợ chờ đợi hơn bốn mươi năm mới đón được hài cốt chồng về Nghĩa trang liệt sĩ xã Hoài Thanh thành đồng. Và còn nhiều đồng chí nữa cũng lặng lẽ ngã xuống cho làn sóng điện phát lên đến nơi cần liên lạc.
Phan Hiếu Thiện |