Nhân kỷ niệm lần thứ 160 ngày sinh của danh nhân văn hóa Đào Tấn (3-4-1845 – 3-4-2005):
Đào Tấn với cha và thầy của Bác Hồ
15:54', 29/4/ 2005 (GMT+7)

Đào Tấn tự là Chỉ Trúc, hiệu là Mộng Mai, Mai Tăng, sinh ngày 3-4-1845 (tức 27-2 năm Ất Tỵ) tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, là danh nhân văn hóa lớn của dân tộc. Có thể nói từ trước đến nay, bên cạnh những điều chúng ta đã biết về Đào Tấn như một ngôi sao sáng chói vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 về thơ, từ, kịch bản và đạo diễn tuồng, lý luận sân khấu… thì còn có một Thượng thư Đào Tấn, một Tổng đốc Đào Tấn mà cuộc đời quan trường của ông đã từng cứu Phan Bội Châu thoát khỏi vòng xiềng xích của mật thám Pháp ("Phan Bội Châu niên biểu" – Tôn Quang Phiệt và Phạm Trọng Điềm dịch, NXB Văn Sử Địa 1957), người có nhiều cảm tình với các cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, Mai Xuân Thưởng, và một Đào Tấn có quan hệ tri kỷ với Nguyễn Sinh Sắc- thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh – và với Lê Văn Miến – người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp xuất sắc Trường Mỹ thuật Paris – thầy của trò Nguyễn Tất Thành tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.

* Đào Tấn – Nguyễn Sinh Sắc: "Kỳ duyên thời cận đại của đất nước"

Nhà của cụ Đào Tấn tại làng Vinh Thạnh được trùng tu. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Đó là nhận định của nhà văn Sơn Tùng, người sưu tập nhiều sử liệu về Bác Hồ và gia đình Bác Hồ. Trong tác phẩm "Búp sen xanh" viết về thời niên thiếu của Bác Hồ cho đến khi Người ra đi tìm đường cứu nước, nhà văn Sơn Tùng đã cung cấp cho chúng ta các sự kiện về mối quan hệ rất mật thiết giữa Đào Tấn và Nguyễn Sinh Sắc. Thượng thư Bộ binh Đào Tấn đã từng một mình đi bộ đến tâm tình, luận bàn thế sự với Nguyễn Sinh Sắc khi ấy chỉ là cậu học trò nghèo đang ở đậu tại ngôi nhà tranh ba gian tại kinh đô Huế, và qua sự kiện này cậu bé "Côn – tên Bác Hồ thuở nhỏ – cảm thấy cha mình với Thượng thư Đào Tấn khác nhau về tuổi, giống nhau về cốt cách" (trang 94, 95, 96 tập 1). Trong thời gian Đào Tấn được cử làm Tổng đốc An Tĩnh lần thứ 2 (1898 - 1902), Nguyễn Sinh Sắc (lúc bấy giờ đổi tên là Nguyễn Sinh Huy) đỗ Phó bảng kỳ thi Hội khoa Tân Sửu (1901) thì đích thân Đào Tấn đã đứng ra tổ chức lễ nghênh tiếp và tiễn đưa rất trọng thị vị tân khoa Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, một trí giả có học vị cao hơn Tổng đốc Đào Tấn – trang 133, tập 1 (Đào Tấn chỉ đỗ cử nhân). Đến lúc Đô Sát Viện gởi giấy cho Tổng đốc An Tĩnh yêu cầu xem xét lại thái độ của Phó bảng Sắc đối với triều đình - vì theo bản tự khai thì Nguyễn Sinh Huy tức Sắc mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, nay triều đình bổ nhiệm đi làm quan thì từ khước với cớ phải phụng dưỡng mẹ già – thì Đào Tấn đã làm tờ trình về triều đình Huế trong đó đề cao Nguyễn Sinh Sắc là người có đức sáng, vợ chết đã thay vợ chăm sóc tuổi già của mẹ vợ, do đó đề nghị triều đình chấp thuận để Nguyễn Sinh Sắc ở nhà làm tròn chữ hiếu (trang 145, tập 1)… Nhận định về mối quan hệ đặc biệt Đào Tấn – Nguyễn Sinh Sắc, nhà văn Sơn Tùng cho rằng đó là "một kỳ duyên thời cận đại của đất nước".

* Đào Tấn - Lê Văn Miến: tri âm tri kỷ

Lê Văn Miến (1874-1943) là người họa sĩ vẽ bức tranh sơn dầu đầu tiên ở Việt Nam, người thầy đã gieo vào lòng của rất nhiều người con ưu tú của dân tộc về lòng yêu nước và nghĩa khí của kẻ sĩ. Rất nhiều học trò của ông đã trở thành những nhân vật nổi tiếng, trong đó có Nguyễn Tất Thành – tức Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông người xã Kim Khê, huyện Nghi Lộc, Nghệ An; lúc chưa đầy 10 tuổi thường đứng hầu trà trong những buổi cha mình là Lê Huy Nghiêm đàm đạo cùng Phan Đình Phùng. Cụ Nghiêm cũng từng có quan hệ mật thiết với Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thiện Thuật trong thời gian làm Án sát Sơn Tây. Năm 1888, với mục đích đào tạo những quan chức cao cấp trung thành, thực dân Pháp đã tuyển chọn một số thanh niên đưa sang Paris học ở Trường Thuộc địa. Ba người được chọn là Hoàng Trọng Phu (con Hoàng Cao Khải), Thân Trọng Huề (con Thân Trọng Nhiếp – đại thần Huế) và Lê Văn Miến (lúc bấy giờ 14 tuổi, phải khai tăng 2 tuổi). Trong thời gian học ở Trường Thuộc địa, thấy viên Hiệu trưởng có đầu óc thực dân, kỳ thị chủng tộc, Lê Văn Miến đã cầm đầu học sinh các xứ thuộc địa học cùng lớp bãi khóa, kéo đến Bộ Thuộc địa đấu tranh và bị Bộ trưởng Bộ Thuộc địa cảnh cáo: "Ở Việt Nam không như ở Pháp đâu. Sau này về nước hãy coi chừng! Hồ sơ vụ này sẽ theo anh về bản xứ…". Sau khi tốt nghiệp hạng ưu Trường Thuộc địa, Lê Văn Miến xin ở lại học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris và tại đây do thành tích học tập xuất sắc nên mùa hè nào Lê Văn Miến cũng được đi du lịch các nước châu Âu. Ông đã từng đặt chân đến Ý, Anbani, Rumani, Montenegro, Sicile… và những cung điện, đền đài, bảo tàng mỹ thuật nổi tiếng ở các nước này và ở Pháp đã có sức hấp dẫn đặc biệt người con trai xứ Nghệ.

Trong tác phẩm "Họa sĩ Lê Văn Miến – Cuộc đời và sự nghiệp giáo dục", NXB Giáo Dục 1997, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Phê cho chúng ta biết: Sau 7 năm sống ở Paris (1888- 1895), trở về nước với 2 tấm bằng rất có giá thời đó, bao nhiêu cửa quan sẵn sàng đón rước (như Hoàng Trọng Phu về sau làm Tổng đốc Hà Đông, Thân Trọng Huề là Thượng thư Bộ Học) nhưng Lê Văn Miến lại như lúng túng, không biết đi về đâu trước thực trạng của đất nước! Để kiếm sống, ông đã xin làm thuê tại nhà in Seheider ở Hà Nội với vai trò họa sĩ. Cuộc sống trầm lặng này kéo dài cho đến năm 1898 khi Đào Tấn được vua Thành Thái cử ra làm Tổng đốc An Tĩnh lần thứ hai và đến lúc này, Lê Văn Miến mới tìm được người tri âm tri kỷ để gởi gắm ước nguyện đời mình.

Biết tài năng và nhân cách cao đẹp của Lê Văn Miến, Đào Tấn đã mời ông làm thư ký cho mình, và do hai người tâm ý tương thông nên đã cùng nhau kết bạn vong niên. Một năm sau – 1899 – Trường Pháp Việt được thành lập ở Vinh và Lê Văn Miến được cử làm hiệu trưởng. Đến năm 1902, khi Đào Tấn được điều về Huế để giữ chức Thượng thư Bộ Công, vì duyên nợ với vị Tổng đốc yêu nghệ thuật và giàu lòng yêu nước này (và có thể vì sự nghiệp lớn mà vua Thành Thái cùng Đào Tấn âm thầm chuẩn bị), Lê Văn Miến đã tạm xa trường Pháp Việt để về Huế làm Hành Tẩu – một chức quan nhỏ dưới quyền Đào Tấn. Khoảng thời gian từ 1902 – 1904, Đào Tấn đã tạo nhiều điều kiện để Lê Văn Miến đem khả năng hội họa làm đẹp cho Hoàng Cung. Trong một bài viết tưởng niệm người thầy cũ, Giáo sư Lê Thước đã viết: "… Với chức vụ ấy, Cụ Miến đã vẽ nhiều tranh và bản đồ trong nội phủ, trong ấy có cả những mẫu súng mà vua Thành Thái muốn đúc". Với tư cách họa sĩ, Lê Văn Miến không bao giờ vẽ chân dung vì tiền, và trong số các nhân vật danh tiếng được Lê Văn Miến vẽ chân dung thì trước hết phải kể đến Đào Tấn, người bạn tri âm tri kỷ của ông, một số còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Mối quan hệ mật thiết giữa bộ ba Thành Thái - Đào Tấn – Lê Văn Miến cùng những việc làm bí mật của họ đã bị mật thám Pháp theo dõi, nghi ngờ. Theo lệnh Pháp, năm 1904 Nguyễn Thân bức Đào Tấn phải về hưu với tội "đã cho bán đấu giá một số  gỗ cũ khi chưa có lệnh của cấp trên !"; Lê Văn Miến thì bị đưa ra Nghệ An, trở lại với chức Hiệu trưởng trường Pháp Việt, còn vua Thành Thái thì sau đó bị giặc Pháp bắt đi đày ở đảo Réunion. Đến năm 1907, Lê Văn Miến được điều vào Huế dạy vẽ và Pháp văn tại Trường Quốc học và trong số học trò của thầy Miến giai đoạn này có Nguyễn Tất Thành – về sau là Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Búp sen xanh" đã dành nhiều trang để mô tả mối quan hệ thầy trò giữa hai người. Ngày Nguyễn Tất Thành rời Trường Quốc học ra đi, thầy Miến đã nói với người học trò yêu quý: "Con hãy đi theo tiếng gọi của lòng con" (trang 43, 44, 56, 57, 58, tập 2). Theo Nguyễn Khắc Phê trong "Họa sĩ Lê văn Miến - cuộc đời và sự nghiệp" thì với một người hiểu nước Pháp sâu sắc như thầy Miến, chúng ta có thể suy đoán một cách hợp lý rằng chính trong buổi tâm sự này, thầy Miến đã gợi cho Nguyễn Tất Thành chọn nơi dừng chân đầu tiên trên lộ trình tìm đường cứu nước là Tổ quốc của cuộc cách mạng 1789 - nơi đã giương cao ngọn cờ TỰ DO - BÌNH ĐẲNG - BÁC ÁI (Sách đã dẫn, trang 33, 34).

* Đôi điều suy ngẫm

Cụ Đào Tấn - Ảnh tư liệu của Đ.T.Đ

Với các sự kiện kể trên, chúng ta nhận thấy mối quan hệ giữa Đào Tấn – Nguyễn Sinh Sắc, Đào Tấn – Lê Văn Miến là hai mối quan hệ hết sức đặc biệt đáng để người đương thời suy ngẫm. Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1863, ít hơn Đào Tấn 18 tuổi; còn Lê Văn Miến thì nhỏ hơn Đào Tấn đến 29 tuổi; Đào Tấn là Tổng đốc, là Thượng thư còn Lê Văn Miến là một họa sĩ tại một nhà in, còn Nguyễn Sinh Sắc thì chỉ là một anh học trò nghèo mới đỗ cử nhân. Thế nhưng sự khác biệt về tuổi tác, sự cách biệt về địa vị xã hội hoàn toàn không có ý nghĩa gì để có thể ngăn trở những tâm hồn lớn đồng thanh, đồng điệu, đồng cảm này làm bạn tâm giao, trở thành người tri kỷ của nhau. Và, khi chúng ta đặt các mối quan hệ này cùng các sự kiện nói trên trong bối cảnh một xã hội thực dân - phong kiến cách đây hơn một trăm năm thì chúng ta càng thấy tầm vóc văn hóa vô cùng lớn lao của Đào Tấn, và đó cũng chính là những điều mà trước đây chúng ta chưa phân tích ý nghĩa sâu sắc của nó khi viết viết về ông.        

. Nguyễn Thiện

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giao lưu thời chống Mỹ   (29/04/2005)
Côn Đảo những ngày tháng 4-1975...   (29/04/2005)
Sức mạnh Việt Nam   (29/04/2005)
Ký ức một mùa xuân  (29/03/2005)
Người nữ biệt động thành năm ấy  (29/03/2005)
Thư viện Bình Định ngày ấy và bây giờ  (29/03/2005)
Hiệu quả bước đầu của một đề tài  (29/03/2005)
Chuyện "làng hành"  (29/03/2005)
Mô hình Quỹ Tín dụng Dân sinh (Nhật Bản) rất cần học tập và vận dụng  (29/03/2005)
Một nửa ghép lại  (29/03/2005)
Thơ  (29/03/2005)
Thêm mấy cây bút nữ đáng chú ý  (29/03/2005)
Tản mạn tháng ba  (29/03/2005)
Làm báo ri có bí... thơ?  (31/03/2005)
Làm thuê  (29/03/2005)