* Nhiêu khê chuyện tổ chức, cơ chế, văn bản, thủ tục…
Là dải đất có khá nhiều cửa khẩu, đường biên giới giáp ranh với các nước, nên hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại của HQ các tỉnh, thành phố MT-TN diễn ra khá phức tạp. Không những thế, lâu nay, HQ các tỉnh, thành trong khu vực đã phải hoạt động trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Những vướng mắc mà HQ các tỉnh, thành MT-TN nêu lên là sự nhiêu khê, rắc rối, chồng chéo của hệ thống các văn bản, thủ tục, giấy tờ… của các bộ, ngành, trong đó có Tổng cục Hải quan (TCHQ). Đó là việc bất cập trong vấn đề thi, tuyển công chức ngành HQ; biên chế cho các đơn vị; việc khoán quỹ lương; một số bất cập, chồng chéo trong các văn bản pháp quy, các chỉ thị, công văn giữa TCHQ và các bộ, ngành… Nổi cộm trong số này là các vấn đề: Phạm vi hoạt động của HQ; thủ tục xuất- nhập cảnh; tờ khai xuất - nhập khẩu (XNK); thủ tục kiểm tra sau thông quan; sử dụng dấu nghiệp vụ tại cửa khẩu; phân loại hàng hóa…
Chẳng hạn, theo quy định, doanh nghiệp (DN) muốn hưởng chính sách ưu đãi thì phải nộp CO (bản chính) cho HQ. Tuy nhiên, một số DN chỉ mua lại 1 phần của lô hàng thì làm sao có CO? Tương tự, UBND một số tỉnh, thành khi cấp giấy phép ưu đãi cho các DN thường kèm theo một số điều kiện như: năng lực sản xuất của DN, số lượng lao động…, nên gây khó khăn cho HQ khi kiểm tra thủ tục miễn thuế theo chỉ đạo tại Công văn 2484/CTHQ của TCHQ. Hoặc như, cũng là XNK nhưng mỗi nơi mỗi khác. Một số DN phản ánh, cùng một loại hàng, nhưng ở cảng A thì thủ tục nhập khẩu rất khó khăn, nhưng ở cảng B lại đơn giản (?). Việc xác định trị giá thuế cũng còn vướng mắc, vì các thông tin về hàng hóa trong bản danh mục dữ liệu giá, trong hệ thống dữ liệu giá GTT22 chưa chi tiết. Việc này gây khó khăn trong khi xác định giá đối với hàng hóa tương tự, hoặc giống hệt nhau…
Và, khó khăn lớn nhất đối với HQ các tỉnh MT-TN là vấn đề biên chế, thi tuyển công chức. Thời gian qua, mặc dù TCHQ đã có nhiều chỉ thị, văn bản quy định về mô hình, cơ cấu tổ chức, định biên… cho các đơn vị, song thực tế ở nhiều địa phương lại rất khó khăn khi thực hiện. Đa số các đơn vị đều hoạt động trong "tình cảnh" thiếu biên chế. Chẳng hạn, Cục HQ Quảng Ngãi thiếu 14, HQ Đăklăk thiếu 17, HQ Bình Định thiếu 11, HQ Quảng Bình chỉ có 9 cán bộ, nhân viên… Điều nghịch lý là, thiếu biên nhưng chế độ thi tuyển công chức HQ lại quá khắt khe và không sát với thực tế nên thí sinh của nhiều tỉnh, thành thi không đậu (kể cả những thí sinh học khá). Đơn cử như, tỉnh Quảng Bình có 8 thí sinh dự thi thì chỉ đậu 1; Bình Định có 5 thí sinh dự thi thì rớt cả 5; Khánh Hòa có 9 thí sinh dự thi thì… rớt cả 9…
* Giải pháp nào cho HQ các tỉnh MT-TN?
Đặc trưng của HQ các tỉnh, thành MT-TN là TCHQ không đặt nặng vấn đề thu thuế, chủ yếu là thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, đồng thời tạo điều kiện cho DN các tỉnh, thành trong khu vực phát triển kinh tế. Đáng ghi nhận là thời gian qua, nhất là 2 năm trở lại đây, hoạt động của HQ các tỉnh MT-TN ngày càng có nhiều khởi sắc. Có những địa phương kim ngạch tăng tới 30-34%. Đây là kết quả rất đáng mừng của HQ các tỉnh MT-TN. Tuy nhiên, như trên đã đề cập, thời gian qua, HQ các tỉnh, thành khu vực MT-TN vẫn phải hoạt động trong điều kiện khó khăn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là: Làm gì và làm như thế nào để HQ các tỉnh trong khu vực ngày càng phát triển, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mà TCHQ và địa phương giao?
Theo kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ mà TCHQ đề ra trong năm 2005 đối với toàn ngành, trong đó có HQ khu vực MT-TN là: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa HQ, chống phiền hà, sách nhiễu đối với các DN, thực hiện nghiêm chỉnh 10 điều kỷ cương… Để thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, mục tiêu trên, TCHQ đã đề ra 8 giải pháp lớn của năm 2005. Trong số này, TCHQ chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện hiện đại hóa đơn vị mình. Để thực hiện chủ trương hiện đại hóa, bên cạnh việc rà soát lại các văn bản pháp quy, yêu cầu đặt ra đối với HQ các tỉnh MT-TN là phải củng cố lại tổ chức, đào tạo cán bộ, nhân viên và đầu tư trang thiết bị hoạt động nghiệp vụ… Đồng thời, các đơn vị cần rà soát lại những văn bản, thủ tục nào còn trùng lắp, chồng chéo, gây phiền hà cho DN, thì cần sớm điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình thực tế, nhằm ngăn chặn hiện tượng phiền hà, sách nhiễu, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN…
Về phần mình, HQ các tỉnh, thành MT-TN kiến nghị TCHQ và các bộ, ngành Trung ương cần sớm có biện pháp điều chỉnh, bổ sung hoặc bãi bỏ những rắc rối, chồng chéo của hệ thống các văn bản, thủ tục, giấy tờ và những bất cập như: thể lệ, tiêu chuẩn thi, tuyển công chức ngành HQ; biên chế cho các đơn vị; việc khoán quỹ lương; một số chồng chéo trong các văn bản, chỉ thị, công văn giữa TCHQ và các bộ, ngành; phạm vi hoạt động của HQ; thủ tục xuất - nhập cảnh; tờ khai xuất nhập khẩu; thủ tục kiểm tra sau thông quan; sử dụng dấu nghiệp vụ tại cửa khẩu; phân loại hàng hóa…
Chẳng hạn, đối với HQ các tỉnh Tây Nguyên, hoặc ở biên giới, vùng cao thì không nhất thiết phải yêu cầu quá cao (như bằng B,C Anh văn, tin học…), mà có thể khuyến khích học thêm 1 ngoại ngữ của nước bạn, hoặc tiếng dân tộc thiểu số. Đồng thời, TCHQ cũng cần có chính sách ưu tiên đối với cán bộ, nhân viên và thí sinh là người dân tộc thiểu số. Về biên chế, trong tình hình khó khăn chung, TCHQ nên cho phép HQ các tỉnh, thành được luân chuyển cán bộ, nhân viên trong ngành. Cụ thể, đơn vị nào thiếu, thừa cán bộ thuộc lĩnh vực nào thì thông tin cho nhau biết để có thể trao đổi, luân chuyển….
Quý I năm 2005 đã trôi qua. Những kết quả mà HQ các tỉnh, thành MT-TN đạt được trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Với quyết tâm cải cách, đổi mới của toàn ngành, hy vọng rằng, những khó khăn, vướng mắc của HQ các tỉnh trong khu vực sẽ sớm được tháo gỡ, tạo đà cho hoạt động của các đơn vị trong quý II và thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn.
|