Sứ mệnh mới của điện thoại di động cũ
16:2', 29/4/ 2005 (GMT+7)

Nếu như ở các nước phát triển, đa số điện thoại di động (ĐTDĐ) cũ bị vứt bỏ thì ở Việt Nam, chúng được bán lại cho các cửa hàng buôn bán ĐTDĐ để sửa chữa, tân trang rồi tiếp tục vòng đời của mình. Không thể phủ nhận, những chiếc ĐTDĐ cũ này đã giúp thu hẹp "khoảng cách số" đang tồn tại trong xã hội.

* Vị cứu tinh của người thu nhập thấp

Giá cả các loại ĐTDĐ mới quá cao khiến nhiều người nghĩ đến ĐTDĐ tân trang

Khi một mẫu ĐTDĐ mới được tung ra với kiểu dáng và các tính năng nổi trội hơn, lập tức nhiều người tiêu dùng sành điệu tậu ngay cho mình chiếc ĐTDĐ mới để theo kịp thời đại, dù giá của chúng cao ngất ngưởng. Đồng nghĩa với việc "lên đời" này, những "chiếc alô" cũ phải ra đi. Trong khi đó, với những người có thu nhập trung bình và thấp, giá cả của ĐTDĐ mới là một rào cản lớn ngăn họ đến với công nghệ di động. Chính trong hoàn cảnh này, ĐTDĐ tân trang trở thành giải pháp hợp lý.

Một chiếc ĐTDĐ cũ được tân trang lại có giá chỉ bằng từ 1/4 đến 1/2 ĐTDĐ mới cùng loại. Mặt khác, một khi đã chấp nhận dùng hàng second - hand thì nhiều người cũng không đòi hỏi một chiếc điện thoại có quá nhiều tính năng, ngoài việc để nhắn tin, nghe và gọi. Chính vì vẫn đáp ứng những tính năng cơ bản là thông tin liên lạc được ở mọi lúc mọi nơi, đồng thời giá rẻ nên những chiếc ĐTDĐ cũ đã tìm được một cuộc sống thứ hai hữu ích hơn bên những người có thu nhập thấp. 

Anh Khánh - nhân viên văn phòng một cơ quan Nhà nước ở Quy Nhơn - cho biết: "Do nhu cầu công việc và giao tiếp bạn bè, tôi rất muốn dùng ĐTDĐ nhưng với thu nhập khoảng 1 triệu đồng /tháng, mua máy mới là ngoài tầm tay. Vừa rồi tôi may mắn mua lại được chiếc ĐTDĐ cũ hiệu Nokia 8250 của một người quen với giá hữu nghị là 700.000đ. Dùng cũng khá tốt". Và việc trao đổi, mua bán ĐTDĐ cũ không chỉ dừng lại ở mức độ cá nhân mà mở rộng ra tầm doanh nghiệp. Đó là khi chương trình "Điện thoại trao tay" của S-Fone ra đời từ tháng 7-2004 với nội dung vô cùng hấp dẫn: khi hòa mạng S-Fone, người dùng sẽ được tặng một máy ĐTDĐ. Và kết quả là số thuê bao của S-Fone tăng trung bình trên 30%/tháng. Để thực hiện chương trình khuyến mãi đặc biệt nói trên, S-Fone đưa ra hai dạng máy: mới 100% và máy tân trang. Các loại máy điện thoại tân trang được S-Fone nhập từ Hàn Quốc, sau đó "tút" lại bằng phương pháp thủ công nên có giá khá rẻ (như máy Sky IM 3000 được S-Fone định giá là 700.000đ).

* Công nghệ tân trang ĐTDĐ

Bất cứ cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ nào ở Quy Nhơn cũng có dịch vụ mua, bán, tân trang ĐTDĐ cũ. Những chiếc ĐTDĐ cũ được bán lại cho cửa hàng thường rơi vào những trường hợp: bán máy cũ để mua máy mới hoặc máy bị những trục trặc như: mất nguồn, nghe lúc được lúc không, bắt sóng yếu... Đối với những loại máy chỉ hư hỏng chút đỉnh, các cửa hàng thường sửa lại, đánh bóng vỏ máy, sau đó bán lại cho người có nhu cầu với giá khá mềm. Còn những máy hư hỏng nặng thì thường bị "xẻ thịt" để lấy linh kiện thay thế, sửa chữa các loại máy khác. Thực hiện công việc này là đội ngũ các thợ sửa chữa ĐTDĐ mà cửa hàng mua bán ĐTDĐ nào cũng có. Ngoài số máy cũ mua lẻ từ người tiêu dùng trong tỉnh thì một số cửa hàng còn mua các lô hàng ĐTDĐ cũ đã qua tân trang từ TP Hồ Chí Minh về bán lại.

Anh Nam - thợ sửa ĐTDĐ cho một cửa hàng điện thoại trên đường Lê Hồng Phong (Quy Nhơn) - cho biết: "Ở mình thì chuyện tân trang ĐTDĐ cũ vẫn còn nhỏ lẻ chứ ở nước ngoài nó đã thành một công nghệ. Tôi biết có nhiều đại lý điện thoại ở TP Hồ Chí Minh mua cả lô hàng ĐTDĐ tân trang từ các công ty điện tử thuộc châu Á về bán lại. Loại hàng tân trang này cực kỳ tinh xảo, đến nỗi người trong nghề cũng khó phân biệt được nó với hàng mới, mà giá thì cực kỳ rẻ".

Khi mua ĐTDĐ cũ, người hên thì mua trúng loại còn dùng tốt, người xui xẻo mua trúng những máy được tân trang sơ sài thì lại rơi vào tình trạng như khổ chủ trước của nó đã gặp: sóng chập chờn, không rung, thỉnh thoảng mất nguồn..., và bấy nhiêu cũng đủ gây phiền phức. Với S-Fone, trong số gần 30.000 máy ĐTDĐ mới và 62.000 máy ĐTDĐ tân trang mà hãng "trao tay" cho người tiêu dùng thì có đến 10.000 máy phải mang đến trung tâm bảo hành của S-Fone để sửa chữa, còn số máy tân trang phải đổi lại cho khách hàng là khoảng 2.200 máy.

Hiện nay, để đáp ứng khả năng đa dạng của người tiêu dùng, nhiều hãng ĐTDĐ đã tung ra các loại máy mới với giá "phổ thông" như: Motorola V171, Nokia 2600, Sony Ericsson T290, Sony Ericsson T-230, Siemens A65 giá từ 1,6-  1,8 triệu đồng/máy; Motorola C157, Nokia 2300, Nokia 1108, Nokia 1100 có giá từ 1,3 - 1,6 triệu đồng/máy, Motorola C115 giá khoảng 900.000 đồng/máy. Dù vậy, ĐTDĐ tân trang vẫn chiếm một vị trí trong suy nghĩ của nhiều người khi chọn mua ĐTDĐ, nhất là với các loại máy vốn thuộc dòng cao cấp, model, nay được bán lại với giá rẻ để đổi máy, và một khi biết chắc máy này vẫn còn dùng tốt.

. Minh Khương

 

Tại Rumani, có gần 1/3 số thuê bao di động trả trước đang sử dụng điện thoại second-hand, với giá tiền chỉ bằng 1/3 so với điện thoại mới. Lý do là vì mạng điện thoại cố định tại đây không ổn định, người dân mong muốn được sử dụng ĐTDĐ nhưng mức thu nhập chỉ cho phép họ có thể dùng ĐTDĐ tân trang.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làm gì để vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên?   (29/04/2005)
Đào Tấn với cha và thầy của Bác Hồ   (29/04/2005)
Giao lưu thời chống Mỹ   (29/04/2005)
Côn Đảo những ngày tháng 4-1975...   (29/04/2005)
Sức mạnh Việt Nam   (29/04/2005)
Ký ức một mùa xuân  (29/03/2005)
Người nữ biệt động thành năm ấy  (29/03/2005)
Thư viện Bình Định ngày ấy và bây giờ  (29/03/2005)
Hiệu quả bước đầu của một đề tài  (29/03/2005)
Chuyện "làng hành"  (29/03/2005)
Mô hình Quỹ Tín dụng Dân sinh (Nhật Bản) rất cần học tập và vận dụng  (29/03/2005)
Một nửa ghép lại  (29/03/2005)
Thơ  (29/03/2005)
Thêm mấy cây bút nữ đáng chú ý  (29/03/2005)
Tản mạn tháng ba  (29/03/2005)