Thanh Quế với "Phút giây Phù Cát"
17:1', 29/4/ 2005 (GMT+7)

Đường về Cát Hải (Phù Cát) hôm nay - Ảnh: Hồng Dân

Nắng từ trời dội xuống

Nắng từ cát nắng lên

Xe đi qua Phù Cát

Giữa trưa hè nắng nung

 

Một vùng quê yêu dấu

Một dải đất miền Trung

Giặc chà đi xát lại

Nắng mưa cũng hòa cùng

 

Xe qua còn ngoái lại:

Dáng những người nông dân

Giống như những chiếc mầm

Bật lên từ lòng cát.

                     7-1975

Sau ngày giải phóng miền Nam hơn vài tháng, nhà thơ Thanh Quế có dịp đi ngang qua Phù Cát, một vùng đất cát bạc màu, gần như sa mạc, thừa gió thiếu nước, cây cỏ trụi dần, bởi thiên tai địch họa triền miên, những vết thương trong chiến tranh làm sao hàn gắn được. Trong nắng gió nung người, với một trực cảm bén nhạy, nhà thơ Thanh Quế đã nhận mặt, biết lòng một vùng đất:

Giặc chà đi xát lại

Nắng mưa cũng hòa cùng.

Nắng mưa cũng hòa theo quân giặc, tàn phá quê hương Phù Cát, nơi quê hương nghèo này đã sinh ra anh hùng Ngô Mây bất khuất, một vùng quê dưới chân rặng Núi Bà (Bố Chính Đại Sơn), rặng núi chạy dài trên quê hương Bình Định. Núi Bà Phù Cát còn là trụ sở Bộ chỉ huy Khu Đông kháng chiến chống Mỹ kiên cường, nơi đã diễn ra những chiến công hiển hách như trận Hang Đá Chẹt, quân ta đã diệt gọn một đại đội Thần Xà của địch đi càn quét, ta làm chủ một vùng rộng lớn. Với khí thiêng vùng vẫy vẫn còn vang vọng đâu đây, nên xe qua mà nhà thơ còn ngoái lại nhìn bóng dáng những người nông dân Phù Cát với một tấm lòng cảm kích, xót xa thương mến, nhà thơ Thanh Quế đã trực nhận, khắc họa dáng những người nông dân giống như những chiếc mầm bật lên từ lòng cát nóng trưa hè.

Bài thơ chỉ vỏn vẹn có ba khổ thơ năm chữ, mười lăm câu, bảy mươi lăm từ mà tác giả tóm thâu được khí phách con người một vùng đất, trước thiên nhiên khắc nghiệt mà chiến tranh còn ác liệt hơn, ôi biết bao máu xương, mồ hôi, nước mắt đã tưới đẫm xuống cánh đồng cát nóng chang chang...

Chỉ trong một tích tắc, một phút giây cũng là một kiếp người, ít ai nhận ra điều đó, chỉ có nhà thơ mẫn cảm nội tâm, với một tình yêu quê hương con người sâu sắc, nhất là những con người cần cù trên một vùng quê hương nghèo khó, nhằm phủ màu tươi xanh trên cát nóng. Thanh Quế đã mở đầu bài thơ:

Nắng từ trời dội xuống

Nắng từ cát nắng lên

Xe đi qua Phù Cát

Giữa trưa hè nắng nung

Rồi nhà thơ kết luận thật bất ngờ, chính xác, như dựng lên những tượng đài sống động trong lòng người đọc:

Xe qua còn ngoái lại:

Dáng những người nông dân

Giống như những chiếc mầm

Bật lên từ lòng cát.

Ôi cái nắng nung người giữa trưa hè cát bỏng, dù xe đang bon qua giữa ngọn gió nam hầm hập, bời bời..., có lẽ chính nhà thơ lấy chính thân mình làm bóng mát giữa một vùng không một bóng cây xanh. Có ai đi chân trần, mới thấu cảm được cái bỏng rát của trưa hè trên cát, thế mà người dân quê tôi vẫn còn lam lũ cuốc cày, đổ mồ hôi, sôi nước mắt tưới mát ruộng đồng, chống sa mạc hóa. Nắng nung cát, cát nung người, hỏi ai không động lòng trắc ẩn, bật ra những vần thơ đầy tâm huyết, đầy thuyết phục, gieo vào lòng người một niềm cảm thông man mác…

Con người là mầm sống, mầm sống là con người, và tôi xin mượn hai câu thơ của tôi - một người con của Phù Cát, một người nông dân Phù Cát - kết thúc bài bình thơ này:

Nắng nung rẫy cát khoai sùng

Con ăn lót dạ một vùng quê hương.

. Khổng Vĩnh Nguyên

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ   (29/04/2005)
Thức ăn nấu sẵn: Từ quán cóc đến siêu thị   (29/04/2005)
Sứ mệnh mới của điện thoại di động cũ   (29/04/2005)
Làm gì để vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên?   (29/04/2005)
Đào Tấn với cha và thầy của Bác Hồ   (29/04/2005)
Giao lưu thời chống Mỹ   (29/04/2005)
Côn Đảo những ngày tháng 4-1975...   (29/04/2005)
Sức mạnh Việt Nam   (29/04/2005)
Ký ức một mùa xuân  (29/03/2005)
Người nữ biệt động thành năm ấy  (29/03/2005)
Thư viện Bình Định ngày ấy và bây giờ  (29/03/2005)
Hiệu quả bước đầu của một đề tài  (29/03/2005)
Chuyện "làng hành"  (29/03/2005)
Mô hình Quỹ Tín dụng Dân sinh (Nhật Bản) rất cần học tập và vận dụng  (29/03/2005)
Một nửa ghép lại  (29/03/2005)