Tượng đài trên nền xanh ấy
16:14', 29/4/ 2005 (GMT+7)

Giữa ngút ngàn màu xanh của dừa, núi đồi, đồng ruộng, sông nước và biển trời; trong khói bom, Hoài Nhơn vẫn bất diệt một màu xanh. Mảnh đất của bao anh hùng, bao bà mẹ anh hùng bám đất giữ làng, trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhưng cho đến hôm nay vẫn chưa có một công trình nào nổi bật trên nền xanh ấy, để ghi lại dấu son chói ngời lên trang sử vẻ vang của dân tộc trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần bàn đến việc quy hoạch và xây dựng tượng đài và cụm tượng đài ở các cứ điểm, trọng điểm trên mảnh đất hào hùng này.

Phương án 1 (Khối cờ và dừa).

Chiến thắng Bắc Bình Định đã được hai tác giả của quê hương: Giáo sư tiến sĩ - nhà điêu khắc Lê Thược và nhà điêu khắc Văn Ngọc Thiện phác thảo tượng đài và quy hoạch mặt bằng khá công phu. Nhưng cho đến nay vẫn chưa được xem xét, nâng cao và xây dựng. Tôi xin phép được mạo muội nhìn lại hai công trình tượng đài này với góc độ chuyên môn.

Với Lê Thược, tác giả suy nghĩ về quê hương bằng cả tấm lòng. Hàng loạt dự án và phương án cho các công trình là một minh chứng. Công viên Chiến thắng thị trấn Bồng Sơn với ba phương án: Phương án 1 (khối cờ và dừa); Phương án 2 (cô gái bay); Phương án 3, nền: 3 mũi giáp công, tượng: nam nữ và em bé (xem ảnh). Tượng đài Chiến thắng Bắc Bình Định với hai phương án: Phương án 1: có nhà truyền thống tròn, phù điêu, số nhân vật 3; Phương án 2: mặt bằng 5 cánh biểu tượng khối dừa. Nhóm Chim Én Hoài Nhơn (tượng công viên), tiền cảnh có hồ nước… Tất cả các phương án đều toát lên sức nặng của sự sáng tạo và sức mạnh của sự chiến thắng. Từ nhóm tượng Chim Én Hoài Nhơn, hình tượng hai em bé: một nam, một nữ như bay nhảy trên mặt hồ hình trăng lưỡi liềm, chất thơ ngây và hồn nhiên được điểm xuyến để tăng thêm chất thơ cho công trình (xem ảnh). Các phương án khác của công trình đều tập trung thể hiện 3 thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Tác giả lưu tâm đến khối dừa và cách điệu cao, thể hiện nét đặc thù của địa phương, đồng thời nêu lên sức mạnh quật khởi của cách mạng trước phong ba, bão táp vẫn đứng vững, kiên cường làm nên chiến thắng.

Bên cạnh, giáo sư tiến sĩ, nhà điêu khắc, có nhiều tác phẩm xây dựng trong nước, giữ một vị trí đáng kể trong giới nghệ thuật điêu khắc nước nhà, một người con nữa của quê hương Bình Định là nhà điêu khắc Văn Ngọc Thiện, người phác thảo tượng đài Bắc Bình Định cũng là bài tốt nghiệp (hệ Đại học Mỹ thuật, chuyên ngành Điêu khắc) của anh. Hình tượng ba đội quân cũng được anh tìm tòi rất sinh động. Trên cao tượng đài, tác giả xây dựng hình tượng phụ nữ bế con, cả hai mẹ con cùng giơ tay reo mừng. Phía dưới, bên trái, hình tượng anh bộ đội vai quàng dây súng, hông đeo băng đạn, hai tay giương súng, chân trái bước lên trước ở thế tiến công; nhất là chiếc khăn quàng cổ tung bay đã góp phần tạo nên dáng động, hài hòa với nhân vật bên cạnh là anh du kích đầu để trần, mũ tai bèo buông thõng. Tác giả có dụng ý thay đổi tiết điệu, tránh lắp lại nhân vật bên cạnh nên hình tượng anh du kích xử lý hai tay bồng súng, ở tư thế tĩnh. Ba hình tượng này được kết vào thân đài với ba mũi tầm vông, biểu trưng cho ba mũi giáp công. Cờ giải phóng tung bay được quy vào khối tầm vông, tạo nên một bố cục vững chãi. Dưới phần tượng, mảng phù điêu tách ra, tạo một quần thể sinh động với ý đồ chạm nổi (từ trái sang phải): già làng, hai phụ nữ… Phía trên, cờ giải phóng nổi trên nền trời xanh.

Ở mỗi tác giả đều gặp nhau một điểm chung là tình yêu quê hương đất nước, tâm tình của người nghệ sĩ nghĩ về đồng chí mình, đồng bào mình bằng tình cảm trân trọng và biết ơn qua từng phác thảo tượng đài.

Phương án 2 (Cô gái bay).

Điều cần bàn là chúng ta nên nhìn nhận lại các công trình tượng đài nêu trên và quy hoạch các cụm tượng đài cho hợp lý.

Trên các dự án và phương án của tác giả Lê Thược đều có sự nghiên cứu và tìm tòi, sáng tạo. Việc quy hoạch mặt bằng giữa không gian rộng lớn là phù hợp, nhưng địa điểm đặt tượng đài, thiết nghĩ cần cân nhắc hơn. Nhóm tượng Chim Én Hoài Nhơn, đặt ở công viên là phù hợp, bởi chất nên thơ của tuổi trẻ và nhẹ nhàng trong cách biểu hiện. Riêng công viên xây dựng ở đâu là vấn đề cần bàn. Khoảng không gian trước Nhà văn hóa Hoài Nhơn, theo tôi cũng là một địa điểm khá phù hợp. Nhóm tượng đài đặt ở Đệ Đức với độ dốc cao thuận lợi cho tầm nhìn của nhân dân qua lại, nhưng về mặt lịch sử, chiến thắng Bắc Bình Định, Đồi Mười (Hoài Châu) thị trấn Tam Quan và Bồng Sơn, điểm chốt có vị trí quan trọng khống chế các xã phía Bắc Hoài Nhơn, án ngữ bảo vệ thị trấn Tam Quan, giữ và bảo vệ Quốc lộ 1A, huyệt máu giao thông giữa vùng chiến thuật 2 và 1 ở Quảng Ngãi, nó mở màn cho chiến dịch Xuân 1965. Giữa không gian Hoài Châu và Quốc lộ 1A, Đồi Mười có tầm nhìn tốt, nếu chúng ta quy hoạch lại mặt bằng tổng thể, biến Đồi Mười thành không gian cho cụm tượng đài. Thiết nghĩ đó cũng không phải là điều xa tầm tay với.

Tiếng hát lời ca xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có lúc ngừng nghỉ, nhưng hình khối điêu khắc ngoài trời đồ sộ, hùng tráng, sừng sững trong không gian khó quên trong lòng mọi người, không bao giờ dứt. Như huân chương lấp lánh dưới nắng là những hình ảnh thân thiết, quen thuộc từ những cậu bé cắp sách đến trường, hoặc các cô, chú mỗi lần ngang qua đấy, tượng đài là sứ giả mang hình ảnh đẹp của thế hệ chúng ta tiếp xúc để truyền cảm, cổ vũ, kêu gọi hãy tiếp tục sự nghiệp cha anh đến mãi mãi với con cháu chúng ta về sau. Vũ khí lợi hại giáo dục thẩm mỹ về nội dung đến hình thức, về giáo dục tư tưởng và lập trường cách mạng, về lòng yêu nước, yêu CNXH, biểu dương và tưởng niệm những người vì nước quên mình, làm cho nhân dân thiết tha gắn bó với quê hương đất nước và căm thù giặc. Tượng đài cũng là nhu cầu thẩm mỹ có hình khối đẹp, chế ngự trong không gian nơi công cộng để phục vụ quảng đại quần chúng.

Nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bàn về việc xây dựng tượng đài và quy hoạch tượng đài trên mảnh đất Hoài Nhơn hào hùng, thiết nghĩ cũng không quá muộn màng, khi những người con của xứ dừa dù ở nơi xa vẫn ngóng đợi, nghĩ về quê hương bằng cả tấm lòng.

. Nguyễn Chơn Hiền

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thanh Quế với "Phút giây Phù Cát"   (29/04/2005)
Thơ   (29/04/2005)
Thức ăn nấu sẵn: Từ quán cóc đến siêu thị   (29/04/2005)
Sứ mệnh mới của điện thoại di động cũ   (29/04/2005)
Làm gì để vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên?   (29/04/2005)
Đào Tấn với cha và thầy của Bác Hồ   (29/04/2005)
Giao lưu thời chống Mỹ   (29/04/2005)
Côn Đảo những ngày tháng 4-1975...   (29/04/2005)
Sức mạnh Việt Nam   (29/04/2005)
Ký ức một mùa xuân  (29/03/2005)
Người nữ biệt động thành năm ấy  (29/03/2005)
Thư viện Bình Định ngày ấy và bây giờ  (29/03/2005)
Hiệu quả bước đầu của một đề tài  (29/03/2005)
Chuyện "làng hành"  (29/03/2005)
Mô hình Quỹ Tín dụng Dân sinh (Nhật Bản) rất cần học tập và vận dụng  (29/03/2005)