Ba hồi trống trận và một đời người
16:17', 29/4/ 2005 (GMT+7)

Hàng năm, cứ đến lễ hội mùng 5 tháng Giêng ÂL kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, người ta lại bắt gặp hình ảnh quen thuộc của người thiếu phụ chuyên đánh trống nhạc võ Tây Sơn tại Bảo tàng Quang Trung. Đó là chị Nguyễn Thị Thuận (44 tuổi) – người duy nhất của tỉnh Bình Định còn giữ được hồn trống trận Tây Sơn...

Chị Nguyễn Thị Thuận đang biểu diễn trống trận.

Lần theo tiếng nhạc võ, tôi tìm đến Bảo tàng – nơi chị đang công tác – trong một ngày tiết trời âm u. Hôm ấy, thật tình cờ và may mắn, trước khi trò chuyện với chị, tôi lại được xem chị biểu diễn trống trận phục vụ cho hai đoàn khách nước ngoài và Sài Gòn tham quan Bảo tàng. 11 giờ trưa, ánh đèn sân khấu bừng sáng. Đội nhạc võ của Bảo tàng Quang Trung đồng võ phục – áo quần đỏ, đai vàng - bắt đầu biểu diễn. Nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuận dáng người nhỏ nhắn, tóc búi cao trên đỉnh đầu, đôi mắt sáng quắc sau cái cúi đầu chào khán giả . Mở màn là tiết mục "Đả thập nhị cổ" do chị trình bày với sự phụ họa của kèn Sona và bạt mõ. Không gian chợt lắng đọng không một âm thanh nào cả sau lời giới thiệu của cô gái dẫn chương trình.

Thùng!   Tờ  ... rùng!  Cắc !  Tờ  ... rrùùng ! ...

Bằng kỹ pháp thuần thục và điêu luyện, Nguyễn Thị Thuận đã thoăn thoắt lia cặp dùi trên dàn trống 12 chiếc. Từng tràng âm thanh to nhỏ vang lên rộn rã, trong phút chốc người đánh trống đã trở thành người múa võ. Tương truyền rằng khi xưa người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc đã tập hợp các võ sư trong tỉnh lại và thu thập 18 môn binh khí để huấn luyện cho quân lính, theo đó tiếng trống võ cũng được kết hợp trong quá trình tập luyện cho đội quân tinh nhuệ của Tây Sơn. Trống có nhiệm vụ gây hào khí cho quân sĩ. Bởi vậy khi đánh 12 trống liên hoàn 3 hồi kéo dài 7 phút, Nguyễn Thị Thuận đã kiêm cả việc múa võ thể hiện rõ trong sự dẻo dai, điêu luyện của đôi tay cầm dùi và di chuyển thân thể. Và đặc biệt, âm điệu tiếng trống của chị có hồn, đã khiến người xem có thể hình dung được tiếng ngựa hí, tiếng gươm khua, hình ảnh nghĩa quân Tây Sơn xung trận ... Hồi trống Xuất quân nhịp nhàng, thôi thúc đoàn quân tiến tới. Mọi âm thanh phối hợp đang sôi động, bỗng dừng lại và dừng hẳn, chỉ còn tiếng trống độc diễn. Người nghệ sĩ đã dùng tiết tấu, âm sắc khác nhau của trống để gây không khí hãm thành hồi hộp, căng thẳng với sự diễn xuất qua nét mặt, động tác di chuyển đôi chân và đôi tay cầm dùi đánh trống - múa võ, và rồi tiếng trống Xung trận khí thế hùng mạnh, tiếng trống dồn dập và mạnh mẽ hơn. Cuối cùng là hồi trống Ca khúc khải hoàn lúc đầu âm vang nhẹ nhàng buồn ảm đạm tế linh hồn các chiến sĩ hi sinh, sau đó rộn rã mừng chiến thắng... Tiếng trống trận của Nguyễn Thị Thuận làm tôi hân hoan, rồi căng thẳng xúc động rưng rưng nước mắt theo từng giai điệu hồi trống, và hình ảnh  đoàn quân  Tây Sơn  đánh trận như tái hiện lại trước mắt. Ngày xưa đã từng có một bài hát dân gian khen ngợi Thị Dần – một nữ tướng của đô đốc Bùi Thị Xuân – người rất thiện nghệ với bộ môn đánh 12 trống:

"Thị Dần quả thực đa tài

Ngoài nghề thuần thục ngựa voi chiến trường

Nàng còn giỏi cả bộ môn

"Đả thập nhị cổ" tiếng đồn gần xa ...

Chị Thuận trước nhà biểu diễn Bảo tàng Quang Trung.  

Và giờ đây, dưới sự lão luyện của Nguyễn Thị Thuận, ba hồi trống trận Tây Sơn liên hoàn 12 trống đã làm say đắm biết bao người. Được biết, nhạc võ Tây Sơn chính là tuyệt kỹ "độc nhất vô nhị" của riêng Việt Nam, nó được bắt nguồn từ  các điệu trống chiến trong nghệ thuật Hát bộ. Mười hai trống tượng trưng cho mười hai con giáp, có kích cỡ lớn nhỏ khác nhau, độ căng da bịt trống cũng khác nhau, do đó phát ra những âm thanh khác nhau. Người giỏi nhạc võ không chỉ biết đánh trống bằng dùi mà họ còn dùng tất cả các bộ phận của đôi tay trần – từ ngón tay, lòng bàn tay, mu bàn tay, nắm tay, cườm tay đến cẳng tay, cùi chỏ và có thể chơi trống nhanh đến mức khán giả không kịp nhìn sự biến hóa linh hoạt của đôi tay. Chị Thuận đã làm được điều ấy!

Tôi thật bất ngờ khi nghe anh Nguyễn Văn Hòa – cán bộ Trung tâm văn hóa huyện Tây Sơn, cho biết chị Thuận là đời thứ 9 của họ Nguyễn kế thừa trống trận Tây Sơn. Làm quen với cây dùi và chiếc trống từ năm 10 tuổi, với những bài tập đơn giản, chị đã trở thành "người giữ lại tiếng trống, giữ lại truyền thống quê hương" như lời cha trăn trối. Cha chị – ông Nguyễn Đào – vốn là người chịu trách nhiệm trông coi đền thờ vua Quang Trung và phụ trách bộ phận nhạc và tế lễ của đền mỗi khi tổ chức cúng lễ hàng năm. Chị đến với nhạc trống Tây Sơn rất tình cờ, bởi chỉ có 2 cô con gái, không có con trai nối dõi, nên ông Nguyễn Đào đã quyết định huấn luyện nhạc trống cho cô chị cả. Thuận xem và thích thú đòi học. Phát hiện ra cô út có năng khiếu chơi trống, thế là ông cụ quyết tâm cùng ông bạn Nguyễn Hoàng ở trong ban nhạc Tây Sơn huấn luyện. Ông đưa chị đến với nhạc trống Tây Sơn trong những lần đánh phụ họa. Khi cha mất, chị lại tiếp tục theo thầy Nguyễn Hoàng học trống. Thế nhưng hồi ấy cha và thầy dạy chẳng có nhạc lý, học một trống đánh liên tục chỉ phát ra các âm: tờ rùng, tờ rang, tờ rắc, rụp, tịch, tỏng... Cho nên từ một chiếc trống ban đầu cho đến khi biểu diễn thành thục 12 trống chị đã mất một thời gian rất dài. Tiếng trống hay không phải chỉ dựa vào kỹ thuật roi trống mà còn phải biết kết hợp cách thể hiện qua nét mặt, động tác mạnh mẽ của người đánh trống. Hồi xưa, cha và thầy dạy phối hợp đồng bộ giữa đôi tay và đôi chân, còn phong cách biểu diễn do chị tự sáng tạo. Nhiều người sau khi xem chị biểu diễn đã nói rằng, tiếng trống của chị hay nhưng nghe sao âm u và rợn quá. Tôi hỏi tại sao ? Chị cho biết: "Tiếng trống hay là phải đánh làm sao cho có hồn trống, từ đánh chậm chuyển sang nhanh, kết hợp với nét mặt, tư thế vận động của người biểu diễn mới khiến người xem hình dung điều gì đang diễn ra. Trong ba hồi trống thì hồn trống được thể hiện rõ ở hồi Xung trận, nó đòi hỏi kỹ thuật của người diễn rất nhiều. Biểu diễn trống trong nhà thì âm thanh có hồn hơn và như người ta nói thì tiếng trống có phần âm u, ghê rợn vì người xem tưởng tượng được trận đánh của quân Tây Sơn...".

Với ba hồi trống liên hoàn mười hai trống, năm 1977, Nguyễn Thị Thuận đã đoạt Huy chương vàng (HCV) biểu diễn trống trận toàn quốc tổ chức tại Nha Trang. Chị cứ đi biểu diễn trống trận cho đến năm 1980 chính thức được tuyển vào làm ở Bảo tàng Quang Trung, phụ trách nhạc võ Tây Sơn. Năm 1986, chị lại đoạt HCV biểu diễn 12 trống trận tổ chức tại Hà Nội. Những lúc ấy chị đánh trống không có nhạc lý. Chị thật sự lo sợ trống trận Tây Sơn sẽ bị thất truyền. Sau những lần xem chị biểu diễn, ông Đào Duy Kiền – nguyên Phó giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn – đã chú ý quan sát phát hiện tiếng trống hay, roi trống rất tốt nhưng người đánh vẫn còn đánh tự do, ngẫu hứng. Thế là ông quyết định ghép nhạc phổ vào cho chị tập luyện kết hợp với bạt mõ và kèn Sôna của đội nhạc võ hòa quyện, ăn khớp với nhau. Và nhờ đó mà bài trống trận chị biểu diễn càng bài bản và hùng hồn hơn, thu hút người xem hơn. Khi xem chị biểu diễn nhân dịp kỷ niệm 215 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa... người xem có cảm giác người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé ấy khó có thể điều khiển được dàn trống trận 12 cái to đùng bao bọc xung quanh. Vậy mà trong nhiều giờ liền, đôi cánh tay nhỏ bé của chị đã điều khiển được cảm xúc của khán giả theo từng nhịp trống.

Để có thể lực và sự khéo léo, hàng ngày ngoài những lúc biểu diễn phục vụ cho khách tham quan bảo tàng, chị đều phải thường xuyên tập luyện đôi tay (cổ tay, khuỷu tay và vai). Chị đã học võ để diễn trống trận, trống võ hay hơn, có nghệ thuật hơn. Và đặc biệt, chị đã thành công trong việc tập trống bằng tâm suy nghĩ mà không cần dùng trống. Tâm nghĩ đến bài trống trận nên tiếng trống có hồn hơn, và cách tập này được vận dụng cho giai đoạn trống đánh nhanh nhất, dễ bị rối nhất là hồi trống Xung trận hãm thành.

Người biết chơi nhạc trống ở Tây Sơn thì rất nhiều, nhưng người có thể biểu diễn một cách thuần thục và điêu luyện trên bộ trống 12 chiếc thì còn duy nhất mình chị. Tôi thắc mắc tại sao chị chỉ luyện 12 trống mà không ít hơn hoặc nhiều hơn? Chị cười bảo, khi xưa lúc bắt đầu tập trống cũng có hỏi cha như thế, nhưng không hiểu lý do gì cha không cho, chỉ bảo đánh 12 trống theo 12 con giáp và dù gì thì con cũng phải giữ lại nghề truyền thống này cho quê hương. Bây giờ, bằng đồng lương ít ỏi của mình, chị đã gánh cả trọng trách gia đình (chồng chị bị bệnh loét dạ dày, không thể làm việc nặng). Dù gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng chị vẫn kiên quyết bám nghề suốt 34 năm qua.

Chia tay với chị, tôi chợt hỏi chị có mơ ước gì lớn trong mùa xuân 2005 này? Thật giản dị và cởi mở, chị bảo: "Ngoài việc tập luyện hàng ngày, có ý thức nghề nghiệp "văn ôn võ luyện" thì tiếng trống mới hay. Có nhạc phổ rồi thì ba hồi trống trận liên hoàn mười hai chiếc sẽ không sợ thất truyền. Tôi sẽ lại tiếp tục giữ nghề truyền thống của gia đình, và mong rằng sẽ tìm được người kế nghiệp xứng đáng để giữ được hồn trống Tây Sơn!".

. Song Hàn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tượng đài trên nền xanh ấy   (29/04/2005)
Thanh Quế với "Phút giây Phù Cát"   (29/04/2005)
Thơ   (29/04/2005)
Thức ăn nấu sẵn: Từ quán cóc đến siêu thị   (29/04/2005)
Sứ mệnh mới của điện thoại di động cũ   (29/04/2005)
Làm gì để vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên?   (29/04/2005)
Đào Tấn với cha và thầy của Bác Hồ   (29/04/2005)
Giao lưu thời chống Mỹ   (29/04/2005)
Côn Đảo những ngày tháng 4-1975...   (29/04/2005)
Sức mạnh Việt Nam   (29/04/2005)
Ký ức một mùa xuân  (29/03/2005)
Người nữ biệt động thành năm ấy  (29/03/2005)
Thư viện Bình Định ngày ấy và bây giờ  (29/03/2005)
Hiệu quả bước đầu của một đề tài  (29/03/2005)
Chuyện "làng hành"  (29/03/2005)