Người anh trai
16:19', 29/4/ 2005 (GMT+7)

. Truyện ngắn của Đào Thị Quý Thanh

Bước chân vào nhà, tôi bắt gặp gã con trai ngồi trên ghế xem quyển album. Thấy hắn đang nhìn vào tấm hình của ba tôi chụp chung với bác Tâm hồi còn là bộ đội giải phóng, tôi có cảm tưởng hắn nhìn vào tấm hình quên đi mọi vật xung quanh, quên đi sự có mặt của tôi. Tôi bước lại gần, mùi nước hoa trên người hắn tỏa ra làm tôi khó chịu, tôi tằng hắng một tiếng để chứng tỏ trong phòng này còn có người. Giật mình hắn ngẩng đầu, tôi thấy khuôn mặt này đã gặp ở đâu nhưng tôi không nhớ ra.

- Em chào anh.

- Em là Phương phải không?

- Dạ phải. Anh ngồi chơi để em xuống bếp mời má em lên. Không đợi hắn nói thêm. Thấy tôi, má nói ngay:

- Con gái lớn rồi, đi học về nhà ngay còn đi đâu nữa? Lo thay áo quần, xuống phụ má nấu cơm cho anh Viễn ăn rồi nghỉ trưa, chứ nó đi đường xa mệt người lắm.

Tôi bước chân lên cầu thang, lòng bực tức vô cùng. Trời nắng nóng mới đi học về, chưa được xả hơi vậy mà bị má mắng cho một trận trước mặt gã con trai.

Sau bữa cơm, má gọi tôi lên phòng bảo:

- Anh Viễn ở đây ít tuần, con phải lo lắng cơm nước đầy đủ khi má vắng nhà, không được nói gì cho anh Viễn buồn. Hồi sáng ba con gọi điện thoại về nói đang đi tìm mộ bác Tâm, ân nhân của gia đình đấy, con nhớ giúp anh Viễn vui trong thời gian ở nhà ta. Thôi má nói ít con hiểu nhiều, má đi nghỉ đây rồi còn phải đi làm.

Má nói vậy chứ còn tôi. Tôi không thích hắn tí nào, không phải vì nước da đen, người lùn, mà đằng này tôi ghét cái mùi nước hoa trên người hắn. Con trai gì đâu mà diện hơn con gái, tôi ghét mùi nước hoa đâm ra tôi ghét hắn. Buổi sáng, buổi chiều hắn đi làm việc gì đó, còn buổi trưa, buổi tối ngồi ăn cơm với nhau ít khi nói nhiều. Ba tôi thường gọi điện về nói chuyện với hắn, khi nói xong, tôi thấy mặt hắn buồn buồn. Đêm nào hắn cũng ra giữa sân ngồi hút thuốc một mình, hắn hút thật nhiều, điếu này sang điếu khác. Tôi thấy tội nghiệp nên cũng bớt phần ghét hắn.

Chuông điện thoại reo, tôi nhấc lên. Nghe tiếng, tôi liền hỏi như reo:

- Alô. Ba đấy à ! Ba có khỏe không?

- Ba khỏe con gái à ! Ở nhà thế nào rồi?

- Vẫn bình thường thôi ba.

- Con nhớ lo cơm nước đầy đủ cho anh Viễn nghen.

- Ba đang làm gì vậy?

- Ba đi tìm mộ bác Tâm, ba của thằng Viễn.

- Bác Tâm, ba anh Viễn? Tôi sửng sốt cả người !

- Cách đây một tuần ba có nhận thư thằng Viễn gửi. Trong thư ghi: nó đi công tác ra đây ít hôm, sẵn dịp muốn đi tìm mộ bác Tâm. Ba thấy nó công việc lu bu nên ba muốn đi kiếm một mình. Mấy hôm nay chắc nó trông chờ và buồn lắm. Nó gọi điện thoại hỏi thăm luôn mà ba chưa tìm ra. Ở nhà, con làm gì cho anh Viễn bớt buồn, con hãy xem anh Viễn như anh trai của con vậy, Phương à ! Thôi ba cúp máy đây.

Gác máy xong tôi ngồi phịch xuống ghế, miên man suy nghĩ. Chuyện của ba vừa nói làm tôi bất ngờ. Anh Viễn con bác Tâm, tại sao không nhận ra? Lần đầu gặp anh tôi thấy quen quen thì ra đó là nét mặt của bác Tâm mà tôi đã xem qua tấm hình. Tôi thường nghe ba kể bác Tâm là ân nhân của gia đình. Hồi còn chiến tranh, bọn sư đoàn 4 của Mỹ càn lên vùng đầu sông Côn. Tổ trinh sát chỉ có 2 người, bác Tâm làm tổ trưởng và ba tôi. Ba tôi không chịu đi sau, còn bác Tâm giành đi trước. Cuối cùng bác Tâm ra lệnh:

- Đồng chí Thành (tên ba tôi) phải chấp hành mệnh lệnh. Đây là ý thức tổ chức quân đội. Ở chiến trường kỷ luật càng phải nghiêm.

Bác Tâm còn quay lại bảo ba tôi đi lùi sau năm bảy bước. Khi vượt qua con suối cạn và đã leo lên hai phần dốc con đường mòn. Bỗng mìn và đạn nổ vang, khói bụi mịt mù. Tiếng bọn Mỹ la vang rừng. Ba tôi đành nhảy lại con suối cạn và chạy ngược lên triền núi bên kia.

Khi chúng đã rút, ba tôi cùng đồng đội tìm lại nơi bọn Mỹ phục kích. Chúng đã lôi thi hài bác Tâm ra khỏi vũng máu đọng một màu đen. Ba tôi cùng các chú mai táng thi hài bác bên con suối cạn. Từ đó đến nay đã gần ba mươi năm, ba tôi đi tìm bác Tâm, người đã giành đi trước và ra lệnh cho ba tôi đi sau trong đợt trinh sát hồi mùa mưa năm 1972. Từ đó tôi luôn luôn biết ơn bác, vậy mà tôi đối xử không tốt với anh Viễn con bác Tâm. Tôi thật có lỗi với linh hồn bác, có lỗi với anh Viễn và có lỗi với cả ba má. Tôi tự lên án mình, tôi mong anh Viễn và mọi người tha thứ cho tôi.

Những ngày sau đó, tôi với anh sống thân thiện hơn. Anh tâm sự với tôi rất nhiều chuyện về gia đình, về công việc, về nỗi trăn trở của anh và bác Liên (mẹ anh) muốn tìm mộ bác Tâm để đưa hài cốt về quê chôn cất. Tôi xem anh như anh hai của mình. Có lần tôi hỏi anh:

- Anh Hai, sao anh hay dùng nước hoa vậy?

- Anh thường đi giao dịch với các công ty nước ngoài nên dùng nước hoa cho thanh nhã và lịch sự thêm thôi. Rồi anh và tôi cùng bật cười khi anh nghe tôi kể nguyên nhân trước kia tôi không thích anh.

Nghe tin ba tôi tìm được mộ bác Tâm, cả nhà tôi mừng lắm, còn anh Viễn thì rơi nước mắt. Ngày anh đưa hài cốt bác Tâm về quê là lúc tôi phải xa anh. Tôi không biết nói gì hơn mua tặng anh lọ nước hoa. Tôi nói trong nghẹn ngào:

- Anh Hai nhớ viết thư về cho em. Nếu có dịp ra chơi nghen.

Anh lên xe, tôi đứng nhìn theo khi xe khuất dần sau dãy phố. Tôi mong anh nhớ rằng ở thành phố này có cô em gái luôn nghĩ về anh - một người anh trai.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ba hồi trống trận và một đời người   (29/04/2005)
Tượng đài trên nền xanh ấy   (29/04/2005)
Thanh Quế với "Phút giây Phù Cát"   (29/04/2005)
Thơ   (29/04/2005)
Thức ăn nấu sẵn: Từ quán cóc đến siêu thị   (29/04/2005)
Sứ mệnh mới của điện thoại di động cũ   (29/04/2005)
Làm gì để vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên?   (29/04/2005)
Đào Tấn với cha và thầy của Bác Hồ   (29/04/2005)
Giao lưu thời chống Mỹ   (29/04/2005)
Côn Đảo những ngày tháng 4-1975...   (29/04/2005)
Sức mạnh Việt Nam   (29/04/2005)
Ký ức một mùa xuân  (29/03/2005)
Người nữ biệt động thành năm ấy  (29/03/2005)
Thư viện Bình Định ngày ấy và bây giờ  (29/03/2005)
Hiệu quả bước đầu của một đề tài  (29/03/2005)