Di tích khu căn cứ cách mạng Hòn Chè
16:22', 29/4/ 2005 (GMT+7)

Hòn Chè là dãy núi thuộc Trường Sơn Nam, nay thuộc thôn Hội Sơn và Thạch Bàn Tây, xã Cát Sơn, huyện Phù Cát. Dãy núi có nhiều đỉnh, người Bình Định quen gọi là "Hòn", trong đó hiểm trở và cao nhất là Hòn Nọc (912m), Hòn Chè (829m so với mực nước biển), Hòn Táo, Hòn Tre...

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh "về nguồn" thăm lại chiến khu xưa.

Nằm trong khu vực rừng rậm nhiệt đới á xích đạo, nên môi trường sinh thái ở Hòn Chè rất phong phú. Với địa hình hiểm trở, phức tạp, độ dốc lớn, do sự nâng lên không đều trong thời kỳ kiến tạo địa chất, sườn núi có nhiều điểm uốn. Chính những điểm uốn này tạo nên các hang động tự nhiên, bên trong có thể cư trú hàng trăm người. Trong kháng chiến, các hang động này trở thành nơi ẩn náu tránh bom đạn khi địch oanh tạc. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hòn Chè được chọn làm căn cứ của Tỉnh ủy Bình Định, để xây dựng và bảo tồn lực lượng, tổ chức đánh địch càn quét, tạo nên những chiến thắng có ý nghĩa to lớn trong việc sáng tạo, vận dụng chiến tranh nhân dân.

Tháng 8 năm 1964, Tỉnh ủy chủ trương mở rộng căn cứ ở vùng cao phía tây xuống vùng núi phía đông để làm bàn đạp tiến xuống đồng bằng. Hòn Chè lúc này nằm trong vùng giải phóng Cát Sơn, được xây dựng và củng cố trở thành khu căn cứ địa, vừa là hậu phương hỗ trợ cơ quan tiền phương Tỉnh ủy đóng ở Núi Bà. Về mặt quân sự, căn cứ Hòn Chè đảm bảo được các yếu tố phòng ngự chiến lược, vừa thuận lợi trong triển khai lực lượng xuống uy hiếp mặt trận Khu Đông và tỉnh lỵ Bình Định, khi địch càn quét đánh phá ác liệt ta có thể rút về vùng hậu cứ phía tây. Về mặt hậu cần, có thể tiếp nhận sự chi viện từ vùng đồng bằng, đảm bảo binh lương để kháng chiến lâu dài.

Cuối năm 1965, sau những đòn bị đánh thua đau ở An Lão tháng 12-1964; Đèo Nhông - Dương Liễu (Phù Mỹ) tháng 2-1965; thung lũng Thuận Ninh (Tây Sơn) tháng 9-1965..., bọn chỉ huy quân đội Mỹ một lần nữa xác định khu vực thung lũng Hội Sơn là căn cứ quan trọng của ta. Sáng sớm ngày 10-10-1965 chúng mở cuộc hành quân "Lưỡi lê sáng ngời", dùng B.52 và hàng trăm lượt máy bay ném bom rải thảm và pháo binh bắn vào khu căn cứ này, tiếp đến hàng trăm máy bay lên thẳng đổ quân chiếm các điểm cao càn quét nhằm tiêu diệt lực lượng ta. Để bảo vệ an toàn cơ quan Tỉnh ủy, lực lượng An ninh vũ trang tỉnh khẩn trương di chuyển toàn bộ phương tiện, tài liệu cơ quan tỉnh ra khỏi vòng vây của địch về nơi tập kết an toàn. Lực lượng chống càn của ta gồm một tiểu đoàn bộ đội chủ lực thuộc Sư đoàn 3, bộ đội huyện Phù Cát, du kích xã Cát Sơn, Cát Hiệp và các chiến sĩ an ninh vũ trang tỉnh, dựa vào địa hình hiểm trở đã quần nhau với địch liên tục 5 ngày đêm (từ 10 đến 15-10-1965). Với tinh thần mưu trí, linh hoạt, các chiến sĩ ta đã dũng cảm kiên cường, bám giữ trận địa, bẻ gãy các đợt tiến công của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề.

Ngày 21-8-1967, một bộ phận thuộc lữ đoàn 3 sư đoàn không vận số 1 của Mỹ hành quân đổ bộ xuống đồi tranh thuộc cụm núi Hội Sơn để mở cuộc càn quét nhưng chúng đã bị lực lượng Sư đoàn 3, bộ đội huyện và du kích chặn đánh quyết liệt, diệt gần 200 tên, bắn rơi 5 trực thăng.

Cán bộ Bảo tàng tổng hợp, Công an tỉnh và Trung tâm VHTT huyện Phù Cát khảo sát di tích Hòn Chè.

Bước sang năm 1969, Bình Định vẫn là một trong những trọng điểm đánh phá khốc liệt của Mỹ - ngụy. Địch tiếp tục tăng cường phi pháo, rải chất độc hóa học kết hợp với những cuộc hành quân "tìm diệt" sâu vào các căn cứ của ta nhằm tiêu diệt chủ lực và cơ quan lãnh đạo tỉnh. Sáng ngày 7-6-1969, địch dùng không quân và pháo binh đánh phá khốc liệt vào vùng núi Hội Sơn. Sau đó, chúng dùng trực thăng đổ 1 tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên xuống các ngọn đồi bao quanh cao điểm Hòn Chè như đồi Sim, đồi Bà Tám, Hòn Táo… Để kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi các đợt tập kích của địch, lực lượng An ninh vũ trang tỉnh bảo vệ phía đông nam Hòn Chè đã bám sát đội hình địch, dùng lựu đạn tấn công vào ban chỉ huy hành quân của địch, diệt 15 tên, thu 3 súng AR.15, tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang triển khai chiến đấu. Suốt 8 ngày đêm ta liên tục bám giữ, bẻ gãy hàng chục đợt tấn công của chúng trên các hướng, bảo vệ an toàn cơ quan lãnh đạo Đảng bộ tỉnh. Riêng lực lượng an ninh vũ trang đã phối hợp chiến đấu tiêu diệt 46 tên lính Nam Triều Tiên và bắn bị thương hàng chục tên khác.

Tại căn cứ Hòn Chè, cuối tháng 4-1971, Tỉnh ủy tổ chức lớp tập huấn với trên 300 cán bộ chủ chốt tham dự. Qua thám báo, quân địch phần nào phán đoán được tình hình hoạt động của ta trong khu căn cứ. Sáng ngày 24-4-1971 địch dùng máy bay trực thăng đổ 1 trung đoàn lính Nam Triều Tiên xuống các cao điểm ở Hòn Chè. Tại Đồi Kiên Cường, chốt điểm xung yếu phía tây điểm cao 829 Hòn Chè, địch thả xuống hàng tấn bom đạn, chất độc, hơi cay nhưng các lực lượng vũ trang chiến đấu kiên cường, giành giật với địch từng tấc đất, bẻ gãy hàng chục đợt tấn công, diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch. Suốt 11 ngày đêm liên tục, địch dùng đủ mọi thủ đoạn vừa hỏa lực pháo vừa ném bom hòng chiếm bằng được cao điểm này, nhưng cuối cùng chúng phải chịu thất bại trước tinh thần chiến đấu ngoan cường của các chiến sĩ ta. Bị tổn thất nặng nề, ngày 4-5-1971 địch buộc phải kết thúc cuộc càn quét. Sau nhiều trận đánh thắng lợi, căn cứ Hòn Chè được bảo vệ an toàn. Và, hòn đá nơi các chiến sĩ an ninh giao chiến với địch trên đỉnh đồi được mệnh danh là Hòn đá Kiên Cường. Từ đó ngọn đồi được mang tên là Đồi Kiên Cường.

Hiện di tích Hòn Chè vẫn còn giữ được cảnh quan thiên nhiên hoang sơ của một căn cứ cách mạng hiểm trở, với địa hình phức tạp, sườn núi có nhiều nếp gấp liên tục, nhiều khe rãnh và những gộp đá chồng chất. Dẫu nằm trong khu vực rừng núi xa xôi, đường đi đến di tích khó khăn phải qua nhiều dốc núi cao, cây cối mọc um tùm, nhiều dấu tích bị thời gian xóa nhòa, nhưng Hòn Chè là một trong những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên quê hương Bình Định. Vì vậy nên có kế hoạch tiến hành khảo sát ghi dấu tất cả những địa điểm hoạt động cách mạng trong kháng chiến ở khu căn cứ này để từ đó có kế hoạch khoanh vùng bảo vệ, đồng thời bảo vệ cả hệ sinh thái rừng. Qua đó, xây dựng bia bản chấm điểm các di tích, phục dựng lại những hoạt động sinh hoạt ở một số di tích quan trọng để khai thác, phát huy giá trị, giáo dục truyền thống lịch sử, kết hợp tham quan du lịch sinh thái rừng phục vụ khách trong và ngoài tỉnh.

Di tích Hòn Chè đang được đề nghị UBND tỉnh Bình Định ra quyết định xếp hạng để từng bước tu bổ, tôn tạo và phát huy tác dụng trong đời sống xã hội.

. Hồ Thùy Trang

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người anh trai   (29/04/2005)
Ba hồi trống trận và một đời người   (29/04/2005)
Tượng đài trên nền xanh ấy   (29/04/2005)
Thanh Quế với "Phút giây Phù Cát"   (29/04/2005)
Thơ   (29/04/2005)
Thức ăn nấu sẵn: Từ quán cóc đến siêu thị   (29/04/2005)
Sứ mệnh mới của điện thoại di động cũ   (29/04/2005)
Làm gì để vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên?   (29/04/2005)
Đào Tấn với cha và thầy của Bác Hồ   (29/04/2005)
Giao lưu thời chống Mỹ   (29/04/2005)
Côn Đảo những ngày tháng 4-1975...   (29/04/2005)
Sức mạnh Việt Nam   (29/04/2005)
Ký ức một mùa xuân  (29/03/2005)
Người nữ biệt động thành năm ấy  (29/03/2005)
Thư viện Bình Định ngày ấy và bây giờ  (29/03/2005)