Bùng nổ tội phạm theo Internet
17:39', 27/5/ 2005 (GMT+7)

Theo các nhà chức trách, mạng toàn cầu Internet đang trở thành một môi trường hình thành và phát triển của vô số loại tội phạm. Hồi cuối tháng 3 vừa qua, các điều tra viên của Scotland Yard (cảnh sát Anh) đã phải thảo luận với các đại diện của hãng đấu giá trên mạng eBay về các phương pháp ngăn chặn những trò gian lận lừa đảo từ những tên tội phạm ở Romania. Tương tự, Bank of America mới phát hiện ra việc mất một số tập tin trên máy tính, trong đó có chứa thông tin tài chính về 1,2 triệu nhân viên nhà nước, kể cả các thượng nghị sĩ Mỹ. Còn cảnh sát Anh cũng đã bắt giữ một nhóm 28 tên giả mạo người khác để lấy cắp gần 4 triệu USD từ hơn 100 tài khoản cá nhân tại các ngân hàng. Lượng những vụ phạm tội trong không gian điều khiển học hiện đang phát triển với tốc độ rất nhanh so với tất cả các dạng tội phạm khác. Thời gian đầu mới nảy sinh tội phạm điều khiển học, nạn nhân chủ yếu là các công ty và quan chức chính phủ, phần lớn mọi người đều không quan tâm và cho rằng nó chẳng liên quan gì đến mình.

Hiện nay, bọn tội phạm không còn cố gắng lôi kéo sự chú ý nhằm gây tiếng vang nữa vì mục tiêu chính của chúng là tiền bạc của các nạn nhân. Chỉ riêng tại Anh vào năm ngoái, những tên tội phạm thông qua Internet đã giả dạng các chủ nhân tài khoản để lấy cắp gần 2,5 tỉ USD.

Phần lớn những vụ lấy cắp này đều xuất phát từ việc, mọi người đã không hủy bỏ các mẫu hóa đơn chi trả bằng tài khoản của mình (trong đó có số thẻ tín dụng và nhiều dữ liệu khác). Nếu có được trong tay những giấy tờ kiểu này, bọn tội phạm có thể mày mò qua Internet để rút tiền của bạn.

Còn theo thông báo của Ủy ban thương mại Mỹ, trong năm vừa qua đã có khoảng 10 triệu người Mỹ trở thành nạn nhân của những tên tội phạm điều khiển học với tổng số tiền thiệt hại là 50 tỉ USD. Ngoài ra, còn khoảng 2 triệu người Mỹ khác đã mắc bẫy những tên tội phạm giả dạng các ngân hàng hay công ty xây dựng để lấy cắp thông tin cá nhân. Nhưng điều đáng sợ nhất là một xu hướng cho thấy, ngày càng có nhiều tội phạm trên Internet được thực hiện bởi các băng nhóm tội phạm có tổ chức, thông thường hoạt động trên qui mô toàn cầu. "Các nhóm tội phạm có tổ chức đang rất tích cực sử dụng các công nghệ mới và gửi nhiều thành viên trẻ của chúng vào các trường đại học để thành các chuyên gia trong lĩnh vực này" - Tony Neate, một sĩ quan thuộc đơn vị chống tội phạm công nghệ cao của Anh (NHTCU - National High Tech Crime Unit), cho biết.

Còn theo một hacker hồi những năm 1990 từng liên quan đến một nhóm tội phạm tại Luân Đôn (Anh): "Một trong những thành viên của nhóm này từng gửi con gái của mình vào trường đại học, để rồi sau khi tốt nghiệp xin việc làm tại một ngân hàng, giúp đỡ nhóm này thực hiện các hành vi phạm tội. Điều này trên thực tế đã xảy ra và ngân hàng đã sa thải cô gái này sau khi cô ta đã kịp chuyển 500 ngàn bảng vào tài khoản của những tên tội phạm". Ngay cả những hacker người Anh từng vào tù như Nicholas Whitely (tay hacker đầu tiên của Anh bị tống vào tù) cũng cho biết, ngay cả khi ở trong tù, anh ta đã nhận được nhiều lời đề nghị hợp tác của những tên tội phạm. Nhiều hacker khác cũng thừa nhận đang làm việc cho các tập đoàn tội phạm, cụ thể như dò soát và phục hồi dữ liệu trên các ổ đĩa cứng nhằm lấy thông tin về các chủ nhân trước đây.

Ngày càng có nhiều hơn các loại vi rút được bọn tội phạm sử dụng với mục đích cụ thể - ví dụ như để ăn cắp tiền chứ không phải chỉ để phá hoại đơn thuần như trước đây. Trong tay nhiều nhóm tội phạm, các loại vi rút và chương trình gián điệp đã trở thành một loại vũ khí hữu hiệu, nhờ đó mà bọn tội phạm có thể kiểm soát được hàng trăm ngàn máy tính.

Cụ thể như chúng tìm cách tống tiền chủ nhân các website - các hacker đe dọa sẽ phá hoại site đó nếu chủ nhân không chịu trả tiền "bảo kê". Ông chủ các site đánh bạc trên Internet thường là đích ngắm tống tiền của bọn tội phạm. Một đợt tấn công đe dọa kiểu này thường đem đến cho bọn tội phạm từ 10 tới 30 ngàn USD.

Ban đầu trong không gian mạng máy tính, những đợt tấn công kiểu này thường chỉ bắt đầu từ những trò đùa tầm phào giữa các chuyên gia máy tính - họ ganh đua xem chương trình của ai có thể giành quyền kiểm soát nhiều máy tính hơn. Những tên tội phạm đầu tiên bắt đầu xuất hiện từ hàng ngũ các chuyên gia này.

Sau khi một máy tính bị chương trình gián điệp hay vi rút tấn công, nó sẽ trở thành một công cụ trong tay tên tội phạm ở bất kỳ một khoảng cách nào trên trái đất. Những chương trình gián điệp này có thể thông báo cho bọn tội phạm tất cả những dữ liệu máy tính của bạn và thông tin về tất cả những việc mà người sử dụng đang làm trên máy tính.

Chuyên gia người Mỹ Robert Siciliano cảnh báo, rằng phần mềm gián điệp có thể sẽ trở thành mối đe dọa lớn nhất từ những tên tội phạm điều khiển học: "Được cài đặt từ xa hay trên thiết bị đầu cuối, các spyware có thể ghi lại tất cả những hoạt động trên máy tính của người sử dụng và tự động gửi báo cáo tới cho bọn tội phạm thông qua email - nội dung có thể là đủ mọi thứ từ email đã gửi, các website đã viếng thăm, các thao tác trên tập tin, mỗi một cú nhấn bàn phím và tất nhiên cả username và password, cũng như các cuộc đàm thoại, tán gẫu trên mạng. Chúng có vai trò chẳng khác gì một chiếc camera do thám đặt trực tiếp ngay trước màn hình máy tính". 

. H.S (theo The Guardian)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nạn côn đồ ở nông thôn và vụ án nghiêm trọng  (27/05/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (27/05/2005)
Giao bưu thời chống Mỹ   (02/05/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san   (29/04/2005)
Hải "chàm quằm" - tên côn đồ khét tiếng sa lưới   (29/04/2005)
Văn phòng AIA Bình Định là number one!   (29/04/2005)
Di tích khu căn cứ cách mạng Hòn Chè   (29/04/2005)
Người anh trai   (29/04/2005)
Ba hồi trống trận và một đời người   (29/04/2005)
Tượng đài trên nền xanh ấy   (29/04/2005)
Thanh Quế với "Phút giây Phù Cát"   (29/04/2005)
Thơ   (29/04/2005)
Thức ăn nấu sẵn: Từ quán cóc đến siêu thị   (29/04/2005)
Sứ mệnh mới của điện thoại di động cũ   (29/04/2005)
Làm gì để vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên?   (29/04/2005)