21 năm "vác tù và hàng tổng"
17:43', 27/5/ 2005 (GMT+7)

Tướng người hơi đậm, nhanh nhẹn, khuôn mặt lúc nào cũng giữ nụ cười tươi và phúc hậu, nếu ai một lần đến thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) cũng đều gặp ông với sự đón tiếp nồng hậu và rất nhiệt tình. Hai mốt năm nay ông vẫn làm cái việc mà dân gian vẫn thường hay gọi là "vác tù và hàng tổng". Tên ông là Võ Xuân Kinh, trưởng thôn, kiêm Bí thư chi bộ thôn Lộ Diêu, năm nay 53 tuổi. Dù đã ở cái tuổi "tri thiên mệnh" nhưng trông ông vẫn rất trẻ trung, sôi nổi, đặc biệt với công việc trưởng thôn thì không ai có thể chê được...

Trưởng thôn Võ Xuân Kinh

Từ xa, nhìn Lộ Diêu như một chiếc dù khổng lồ treo từ trên cao xuống, bởi vì 2/3 thôn là núi ôm gọn cái thôn nhỏ này vào giữa, phía trước mặt là biển. Lộ Diêu có thế độc đạo, chỉ có một con đường duy nhất chạy ngoằn ngoèo, muốn vào được thôn phải vượt qua đèo dốc đầy khó khăn. Do địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn nên cuộc sống của người dân địa phương rất vất vả. Đã có thời gian, thanh niên ở đây phải bỏ làng đi làm ăn xa, lực lượng lao động thiếu hụt, cứ tưởng Lộ Diêu sẽ lâm vào ngõ cụt. Thế nhưng, về Lộ Diêu hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự sinh sôi, nảy nở của vùng đất một thời hào hùng này. Một hình ảnh Lộ Diêu hoàn toàn khác, mạng lưới điện, đường, trường, trạm đã được xây dựng khá hoàn chỉnh với mạng lưới phát thanh, truyền hình đã được phủ khắp… Nhiều người bảo rằng, để có sự khởi sắc hôm nay, công đầu phải kể đến trưởng thôn Võ Xuân Kinh. Theo sự tò mò, chúng tôi quyết định gặp ông trưởng thôn…

Nhìn khuôn mặt ông đen sạm với những vết chân chim bắt đầu xuất hiện trên gò má, người dân hiểu lắm nỗi cực khổ của ông qua 21 năm chèo chống đưa "con thuyền Lộ Diêu" qua những đợt "giông bão". Trước giải phóng, ông tham gia Đội An ninh vũ trang xã, sau tham gia công tác Đoàn, rồi kế toán…, rong ruổi nhiều nhưng hình như số phận đã định cho ông cái chức trưởng thôn, bí thư chi bộ rồi lại trưởng thôn, để cùng buồn, vui, sướng khổ với bà con nơi đây. Những đứa con của ông theo thời gian đã lớn khôn, nhưng người đàn ông thương binh này vẫn lầm lũi với công việc, mặc dù chuyện gia đình thì ngập đầu ngập cổ. Thôn có chuyện gì thì ông ăn không ngon ngủ không yên. Có lúc như không còn chịu được, vợ ông phàn nàn: "Ông không lo gì cho gia đình cả, suốt ngày cứ chuyện ngoài đường, ngoài xã…". Còn ông thì suy nghĩ, làm sao cho vẹn toàn khi thôn mình còn nhiều thiếu thốn và công việc cần làm thì cứ chất lên ngập đầu, ngập cổ. Từ đường sá, mùa màng, những tranh chấp, mâu thuẫn, rồi những công văn, báo cáo đến những chuyện cưới hỏi, ma chay…, bao nhiêu là việc. Ai vào lo? Trưởng thôn chứ còn ai nữa! Và cứ như con sóng ngầm, hàng ngày ông vẫn miệt mài với công việc mà không ngại khó khăn. "Lương" của trưởng thôn thì quá khiêm tốn - 150.000 đồng - chỉ đủ để đổ xăng xe máy. Vợ con phiền hà vì ông suốt đời chỉ biết "vác tù và hàng tổng". Ông cũng không còn nhớ bao nhiêu lần đi dự đám cưới, mừng nhà mới nữa, chỉ chắc chắn một điều là không sót nhà ai cả; và, những khoản tiếp khách không "phiếu đỏ" ấy làm sao thanh toán với… vợ con! Vậy mà được bà con tin tưởng, chia sẻ buồn vui của làng xóm là niềm vui, lý do duy nhất để ông tiếp tục "vác tù và hàng tổng". Hiểu và thông cảm cho ông, nhiều lúc vợ động viên: "Thôi, cố gắng, đừng để bà con chờ!". Ông lại cười nhẹ nhõm: "Tôi đi nhé…!".

Giáo dục ở Lộ Diêu ngày càng được cải thiện. (Trong ảnh: Một lớp học trong thôn).

Quyền lợi thì ít nhưng trách nhiệm thì nhiều, ông hiểu lắm công việc của thôn mà dân tin cậy, chờ đợi ở ông. Chú Đích, một cựu chiến binh ở vùng đất này, cho biết: "Hơn 20 năm chú Kinh là người "đứng mũi chịu sào" giúp cho cuộc sống ở đây thay da đổi thịt, địa phương phát triển nhiều mặt, xây dựng được nhiều cơ sở. Chú Kinh rất tích cực, nói được làm được nên người dân chúng tôi rất tin tưởng". Từ cuộc sống khó khăn, đến nay, thôn Lộ Diêu đã có mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/năm, nhiều nhà tầng mọc lên, cuộc sống thực sự đổi thay cả kinh tế lẫn tinh thần. Ông Kinh cười vui tâm sự: "Được giúp đỡ người dân, sướng khổ vui buồn cùng với người dân địa phương thì mình có chịu thiệt tí cũng chẳng sao. Điều mà tôi mong muốn nhất trong công việc của mình là làm sao tìm cách phát triển kinh tế, đưa cuộc sống của bà con trong thôn vươn lên!". Ông Võ Thành Triên, Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, nhận xét: "Trưởng thôn Kinh là người rất có trách nhiệm trong công việc, với mức phụ cấp hàng tháng không đáng là bao nhưng  ấy luôn luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Nhiều năm qua, Lộ Diêu là điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội để các thôn khác trong xã noi theo".

Năm 2005, thôn Lộ Diêu có trên 200 ha keo, bạch đàn được Nhà nước giao khoán cho người dân quản lý, bảo vệ; bên cạnh đó, con đường bê tông thuộc Dự án đường ven biển Quy Nhơn - Tam Quan đi qua địa bàn xã sắp hoàn thành sẽ là động lực quan trọng giúp địa phương phát triển toàn diện hơn. Người Lộ Diêu đang nghĩ đến một ngày mai sẽ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình. Riêng trưởng thôn Võ Xuân Kinh thì rất vui, vì trong sự phát triển chung đó có sự đóng góp của bản thân mình.

. Nguyễn Quí - Ngọc Oanh

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chọn bốt cho váy  (27/05/2005)
Bùng nổ tội phạm theo Internet  (27/05/2005)
Nạn côn đồ ở nông thôn và vụ án nghiêm trọng  (27/05/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (27/05/2005)
Giao bưu thời chống Mỹ   (02/05/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san   (29/04/2005)
Hải "chàm quằm" - tên côn đồ khét tiếng sa lưới   (29/04/2005)
Văn phòng AIA Bình Định là number one!   (29/04/2005)
Di tích khu căn cứ cách mạng Hòn Chè   (29/04/2005)
Người anh trai   (29/04/2005)
Ba hồi trống trận và một đời người   (29/04/2005)
Tượng đài trên nền xanh ấy   (29/04/2005)
Thanh Quế với "Phút giây Phù Cát"   (29/04/2005)
Thơ   (29/04/2005)
Thức ăn nấu sẵn: Từ quán cóc đến siêu thị   (29/04/2005)