Đến nay, tác phẩm viết về Đào Tấn có đến hàng chục đầu sách, từ tác phẩm đầu tiên "Danh nhân Bình Định" của Trúc Lâm Bùi Văn Lăng (1942) đến "Thư mục tư liệu về Đào Tấn" (1985) do Vũ Ngọc Liễn chủ biên. Mai Viên cố sự của Lộc Xuyên Đặng Quý Địch vừa được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành (quý I-2005), tiếp tục công cuộc nghiên cứu về nhà văn hóa lớn của tỉnh Bình Định và cả nước. Tác phẩm mang một sắc thái riêng, gần như là một thiên thuật sự, nên khá lôi cuốn người đọc.
Sách dày 156 trang - ngoài hai đề mục cần có theo thông lệ (Đào Tấn niên biểu và Đào Tấn tác phẩm - gồm 12 tiểu mục xoay quanh cuộc đời và hoạt động văn học của Đào Tấn từ lúc trưởng thành (năm 1863 - 19 tuổi) đến khi vĩnh viễn ra đi (Rằm tháng Bảy, Đinh Mùi, 1907).
Mười hai tiểu mục được tác giả ghi lại là những vấn đề tương đối mới, cần thiết, để người đọc hình dung được đầy đủ hơn về con người - nhà văn hóa lớn Đào Tấn: Cụ Đào Tấn với Lý Môn, với Hương Thảo thất, với chùa Ông Núi, với bài thơ Ngự Chế của vua Tự Đức, với cây Mai, với cây gậy trúc, với sĩ phu yêu nước, với sĩ tử Hậu Tiền, với Nguyễn Thân, với nghề Hát Bội, học Thiền và sau cùng là "Đức Độ cụ Đào".
Bên cạnh các lĩnh vực tương đối quan trọng trong cuộc đời Đào Tấn mà tác giả cần đề cập như "Đào Tấn với sĩ phu yêu nước, với sĩ tử Hậu Tiền, với Nguyễn Thân, với nghề Hát Bội", tác giả còn nêu lên vài khía cạnh khác, tuy nhỏ nhặt, bình thường, nhưng cũng đã góp phần rất lớn cho bức chân dung Đào Tấn thêm rõ nét, phong phú (như Đào Tấn với Lý Môn, với Hương Thảo thất, với cây Mai, với cây gậy trúc…).
Trong tiểu đề "Đào Tấn với nghề Hát Bội", tác giả đã có sự phân định rất khoa học, theo diễn biến cuộc đời hoạt động của Đào Tấn - chia ra làm 5 thời kỳ: Trước khi làm quan (1845-1871); bắt đầu làm quan đến khi treo ấn về nhà (1871-1883); từ treo ấn về nhà đến phụng chỉ lai kinh (1883-1886); từ phụng chỉ lai kinh đến lúc về hưu (1886-1904); từ lúc về hưu đến ngày tạ thế (1904-1907).
Nếu tính từ năm Đào Tấn viết bộ tuồng đầu tiên "Tân Dã Đồn" (hay "Từ Thứ quy Tào") lúc 19 tuổi (1863) - đến ngày mất (Rằm tháng Bảy năm Đinh Mùi - 1907) thì Đào Tấn đã viết và sống với nghề Hát Bội ròng rã 44 năm. Từ việc sáng tác, đến thành lập nhà hát, đào tạo diễn viên, và cho công diễn (cả trên sân khấu sàn gỗ đến điền dã) - để có thể sản sinh nhiều thế hệ tiếp nối làm phong phú, rạng rỡ cho bộ môn nghệ thuật truyền thống Hát Bội trong cả nước sau này. Nhà văn hóa Đào Tấn quả thật xứng danh là "Ông Tổ" của nghề Hát Bội.
Về tiểu đề "Cụ Đào Tấn với cây Mai" - qua phẩm chất cao quý của hoa Mai, qua hai (trong số ba) bút hiệu của Đào Tấn là Mộng Mai, Mai Tăng - và nhất là Đào Tấn đã chọn nơi an nghỉ ngàn thu cho mình bên chân núi Huỳnh Mai (Phước Nghĩa, Tuy Phước) - tác giả đã điểm xuyết thêm cho chân dung Đào Tấn những nét chấm phá tuyệt mỹ…
Mai Viên cố sự (chuyện cũ nói về cụ Đào Mai Viên - tức chuyện cũ nói về cụ Đào Tấn) đã được Đặng Quý Địch dành nhiều thời gian sưu tầm, ghi nhận, từ những lần đi thực tế về Vinh Thạnh, gặp gỡ những người thân của cụ Đào - đã sống và viết với tấm chân tình tri ân của hàng hậu học dành cho một nhà văn hóa lớn. Sự kiên trì nghiên cứu gần 20 tác phẩm viết về Đào Tấn (hay có đề cập tới cụ Đào) của tác giả; và với sự thâm nhập thực tế để tham khảo trong nhiều năm, đã cho người đọc đủ niềm tin yêu nơi tác phẩm…
Trong phần "Thay Lời Bạt" (trang 148 - Nhân thăm Di chỉ Hương Thảo thất, nghĩ về nhà văn hóa Đào Tấn), Lộc Xuyên Đặng Quý Địch một lần nữa đã nêu lên tâm sự và niềm ao ước của mình về những gì mà những người có thẩm quyền và những người cầm bút cần phải làm cho nhà văn hóa Đào Tấn và cho nền văn hóa dân tộc trong tương lai.
4-2005
. Mang Viên Ngọc |