Kỷ niệm 50 năm chuyến tàu chuyển quân tập kết cuối cùng rời Cảng Quy Nhơn (16-5-1955 - 16-5-2005)
Cảng Quy Nhơn - Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc
17:53', 27/5/ 2005 (GMT+7)

Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 quy định Cảng Hải Phòng là điểm 300 ngày quân đội liên hiệp Pháp tập kết chuyển quân vào Nam; Cảng Cà Mau là điểm 200 ngày và Cảng Quy Nhơn là điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuộc chia tay vì nghĩa lớn thiêng liêng, cao cả nhưng hết sức cảm động trên đường phố Quy Nhơn trong những ngày sôi động ấy đã hằn sâu trong tiềm thức của nhiều thế hệ. Sự kiện đã đánh dấu một chặng đường chiến thắng và góp phần chuẩn bị lực lượng cốt cán cho đất nước sau này. Đặc biệt là trong cuộc kháng chiến trường kỳ để giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Bộ đội xuống tàu tập kết ra miền Bắc tại Cảng Quy Nhơn.

Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam. Đế quốc Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Đông Dương, thừa nhận độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào, rút quân đội Pháp về nước. Mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thực hiện thống nhất đất nước.

Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam quy định lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời để lực lượng hai bên tập kết, Quân đội nhân dân Việt Nam tập kết ở phía bắc, quân đội liên hiệp Pháp ở phía nam. Giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, không có giá trị là ranh giới chính trị hay lãnh thổ. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm thời đặt dưới sự quản lý của đối phương và quy định thời hạn tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam vào tháng 7-1956.

Ngày 1-8-1954, lệnh ngừng bắn có hiệu lực trên toàn miền Nam Trung Bộ.  Nguyễn Minh Vỹ được Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu V chỉ định phụ trách chỉ huy khu vực tập kết 300 ngày. Cuộc chuyển quân tập kết được tổ chức chặt chẽ, đúng kế hoạch, thời gian. Tháng 10-1954, các đơn vị trong khu vực 80 ngày (bắc sông Trà Khúc) rút vào phía nam sông Trà Khúc. Tháng 11-1954, quân ta rút khỏi khu vực 100 ngày (bắc sông Vệ). Ngày 19-3-1955, các lực lượng trong khu vực 200 ngày (bắc sông Lại Giang) rút vào nam sông Lại Giang. Ngày 28-4-1955, ta bàn giao cho đối phương đến bờ bắc sông La Tinh. Ngày 12-5-1955, ta bàn giao ở phía tây đến Đồng Phó, phía bắc đến Đập Đá. Ngày 16-5-1955, Trung đoàn chủ lực 803, đơn vị cuối cùng của ta rút khỏi Quy Nhơn.

Tập kết các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị ra Bắc là nội dung chủ yếu của thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ và là công tác lớn, rất quan trọng của Liên khu V. Bình Định là khu vực 300 ngày và Cảng Quy Nhơn là điểm duy nhất để đưa các lực lượng nói trên trong Liên khu V tập kết ra miền Bắc. Số lượng người ra đi rất lớn, gồm toàn bộ lực lượng vũ trang, phần lớn cán bộ, các đội thanh niên xung phong, một số gia đình cán bộ, một số con em cán bộ và học sinh do gia đình gởi ra miền Bắc học tập tự đài thọ kinh phí, và một số đồng bào quê miền Bắc xin hồi hương. Sau vụ thảm sát ở Phú Yên, Quảng Nam, hàng loạt cán bộ, đảng viên, cốt cán quần chúng ở các tỉnh xin đi tập kết. Trước tình hình ấy, Trung ương đồng ý cho Liên khu V mở rộng diện tập kết đến cán bộ xã, thôn. Tất cả số người trên đều tập trung về Bình Định, nhất là ở Quy Nhơn, để lần lượt xuống tàu ra miền Bắc. Tỉnh Bình Định có nghĩa vụ phải sắp xếp, giúp đỡ việc ăn ở, ốm đau và đảm bảo an toàn cho số người tập kết trong thời gian chờ đợi.

Phụ nữ Bình Định tiễn chồng đi tập kết tại Cảng Quy Nhơn.

Hiệp định Giơ-ne-vơ đánh dấu thắng lợi 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, một thắng lợi rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử nhưng chưa phải là thắng lợi trọn vẹn. Bên cạnh niềm tin và phấn khởi trước thắng lợi chung của cả nước là chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, nửa nước được giải phóng hoàn toàn, mọi người lại lo lắng: kẻ thù có tôn trọng thi hành những điều khoản trong Hiệp định hay không? Thấu hiểu tâm trạng chung của đồng bào miền Nam nên ngay sau khi ký Hiệp định, ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi đồng bào cả nước "… đặt lợi ích cả nước lên trên lợi ích địa phương, lợi ích lâu dài lên trên lợi ích trước mắt và ra sức cùng đồng bào toàn quốc phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành dân chủ trong toàn quốc…". Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch đã làm yên lòng phần nào đồng bào miền Nam, trong đó có đồng bào Bình Định.

Tiếp theo Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch,  Nguyễn Duy Trinh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ từ Hà Nội vào Liên khu V để truyền đạt Hiệp định Giơ-ne-vơ và chủ trương của Trung ương về chuyển hướng công tác ở miền Nam cho lãnh đạo Liên khu V. Hội nghị đã họp ở Đập Đá, An Nhơn.

Qua học tập Nghị quyết của Đảng và Lời kêu gọi của Bác Hồ về tình hình, nhiệm vụ mới, cán bộ, chiến sĩ đã thông suốt về nhiệm vụ chuyển quân ra Bắc xây dựng quân đội hùng mạnh, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh giải phóng của đồng bào miền Nam và góp phần xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Số cán bộ, chiến sĩ được phân công ở lại cùng nhân dân đấu tranh dưới sự lãnh đạo của cấp ủy được tổ chức thành từng tổ để bảo vệ cơ quan, cán bộ. Một số ở lại dưới dạng giải ngũ, chuyển vùng, bố trí vào các ngành nghề sống hợp pháp hoạt động ở những vùng xung yếu. Số các  ở lại bám giữ phong trào là hạt nhân nòng cốt xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng các đơn vị vũ trang đầu tiên tại chỗ và trực tiếp chỉ huy chiến đấu.

Đối với Bình Định, là tỉnh tự do suốt 9 năm kháng chiến của vùng tự do Liên khu V, phải giao lại cho đối phương quản lý. Đây là bước ngoặt chưa hề có trong lịch sử phong trào cách mạng của Bình Định cũng như các tỉnh tự do khác ở Liên khu V. Nhân dân Bình Định đã vì lợi ích của cả nước mà chấp nhận những mất mát và những thử thách có thể thấy trước được. Tinh thần cách mạng không bờ bến ấy là nguồn sức mạnh không có gì thay thế được để giành thắng lợi. Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ý thức sâu sắc vai trò quyết định của quần chúng nhân dân nên không ngừng chăm lo công tác chính trị tư tưởng, tích cực xây dựng tổ chức và đào tạo đội ngũ cán bộ để góp phần cùng quân và dân cả nước giành thắng lợi trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.                    

. Thanh Quang

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mai Viên cố sự của Lộc Xuyên Đặng Quý Địch  (27/05/2005)
Giọt nắng  (27/05/2005)
21 năm "vác tù và hàng tổng"  (27/05/2005)
Chọn bốt cho váy  (27/05/2005)
Bùng nổ tội phạm theo Internet  (27/05/2005)
Nạn côn đồ ở nông thôn và vụ án nghiêm trọng  (27/05/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (27/05/2005)
Giao bưu thời chống Mỹ   (02/05/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san   (29/04/2005)
Hải "chàm quằm" - tên côn đồ khét tiếng sa lưới   (29/04/2005)
Văn phòng AIA Bình Định là number one!   (29/04/2005)
Di tích khu căn cứ cách mạng Hòn Chè   (29/04/2005)
Người anh trai   (29/04/2005)
Ba hồi trống trận và một đời người   (29/04/2005)
Tượng đài trên nền xanh ấy   (29/04/2005)