Trồng trầu thả lộn dây tiêu
17:56', 27/5/ 2005 (GMT+7)

. Bút ký của Huỳnh Kim Bửu

Xưa nay, người ta vẫn bảo Bình Định là cái nôi của hát bội (hát tuồng). Nhà thi sĩ "túi thơ đeo khắp ba kỳ" là Tản Đà, trong một chuyến "xuyên Việt" đã dừng chân ở Bình Định để xem hát tuồng: "Tuồng Bình Định, rạp Phú Phong" (Thơ Tản Đà). Tôi ở một vùng quê thuộc Bình Định. Quanh năm, người dân quê tôi chăm lo làm ăn, đồng cạn đồng sâu, chợ sớm chợ chiều, nhưng cũng có nhiều dịp để xem hát bội, thưởng thức món ăn tinh thần của họ.

* "Rằm Giêng hát hội Phò An"

Một cảnh trong vở Mộng Bá Vương do Nhà hát tuồng Đào Tấn dàn dựng.

Phần lớn các làng ở An Nhơn quê tôi đều có lập đình thờ Thành Hoàng và có lệ "Xuân Thu nhị kỳ" cúng tế Thành Hoàng hàng năm. Có làng, như làng Háo Đức lập chùa thờ Quan Vũ (tục gọi là Chùa Ông), làng Liêm Lợi lập chùa thờ Bà Mụ linh đỡ đẻ cứu người cứu vật (gọi là Chùa Bà), làng dệt Phương Danh lập chùa thờ Tổ nghề dệt tơ lụa (tục gọi Chùa Kén)… Và ở các chùa này cũng có lệ cúng tế hàng năm, chẳng khác gì ở các đình. Trong các dịp cúng tế thường có kèm theo hát bội. Làng nào sửa chữa, tôn tạo đình làng thì tổ chức hát "Lạc thành". Tháng Giêng sau Tết Nguyên đán và tháng Ba có tiết Thanh minh là những tháng rộ lên nhiều cuộc hát đình, hát chùa. "Lịch hát" được kể thành vè:

"Rằm Giêng hát hội Phò An

Đến ngày mười bảy hát sang Chùa Bà

Hai mươi, hăm mốt, hăm ba

Muốn gần Chợ Rượu, muốn xa Cảnh Hàng

Chim kêu trên núi Chà Rang

Em đi xem hát giần sàn mốc meo".

Những tư gia sinh quý tử, con cháu thi đỗ, làm quan, được thăng quan tiến chức, được sắc phong… cũng thường rước gánh hát bội về hát tạ ơn, hát mừng và đãi cho bàn dân thiên hạ xem. Năm nào trong vùng cũng có một vài đám hát tư gia (hát đám).

Hát đình, hát tư gia thường từ 1-3 ngày. Các vở tuồng để hát quanh đi quẩn lại: "Cổ thành" (Hát lễ, trước hương án), sau đó là "Sơn hậu thành", "Phụng Nghi đình"… Người ta tin tưởng rằng hình tượng Quan Công (trong Hát lễ) mặt đỏ râu dài, tay cầm Thanh long đao trên sân khấu, với đức trung nghĩa phò Lưu Bị là hiện thân của Thần linh phù hộ cho họ.

Lại còn có hát trường nữa. Có trường hát thì có ông chủ trường, chủ rạp. Ông chủ trường hát là người bỏ tiền ra lập trường hát vì mục đích kinh doanh, thường là ông bầu hát. Nhưng cũng có những chủ trường hát "vô tư", lập trường hát là vì yêu hát bội hoặc vì yêu say đắm cô đào hát hay, thanh sắc mặn mà. Nói chi các thị trấn Bình Định, Đập Đá là chỗ phố thị đông người phải có những trường hát, rạp hát, ngay ở các làng xã xa xôi hẻo lánh cũng có nhiều nơi lập trường hát, như xã Nhơn An thời 9 năm kháng chiến cũng có đến 3 trường hát. Mỗi đợt hát trường thường kéo dài, có đợt cả tháng, hát đến khi nào hết tuồng, tới hồi "tôn vương" hoặc khán giả hết tiền mua vé đi xem mới thôi.

* "Hát bội hành tội người ta"

Hình thức "hành tội" có nhiều. Xem hát nhiều ngày đêm quá, nhà nông bỏ bê việc ruộng đồng (tệ hại nhất là khi nông vụ tấn thời), dân buôn bỏ chuyến buôn, bà nội trợ bỏ buổi chợ, dân chài tạm gác việc ra khơi… Hoặc giả ai đó có ráng đi làm thì cũng mắt nhắm mắt mở, năng suất, hiệu quả công việc kém. Đám học trò nhỏ chúng tôi cũng mê hát, không đến trường, vì trót mang dòng máu mê hát của cha mẹ.

Có một năm dân làng tôi thấm thía bài học này. Năm đó làng Trung Định tổ chức hát Tế Thu, tống ôn năm cũ. Mới bắt đầu hát thì trời đổ mưa. Hát 3 ngày 3 đêm, hết "Quan Công phò nhị tẩu" đến 3 lớp Giang Sơn (Sơn hậu thành), trời vẫn mưa dầm. Người xem hát vẫn đông, dù phải đội nón mang tơi đứng dưới mưa mà xem. Lúa hè thu chín ngoài đồng ngâm tôm nước lụt, rục xuống, nứt mộng hết. Xem hát xong, người ta ra đồng vớt lúa mộng đem về nhà. Nhà nào nhà nấy sản lượng lúa mất quá nửa, dở khóc dở cười bảo nhau: "Hát bội hành tội người ta" và chuẩn bị tinh thần để đón cái Tết nghèo, cái đói giáp hạt sắp tới khó tránh khỏi. Rút kinh nghiệm năm đó, những năm sau làng tránh cho dân bằng cách tổ chức hát Thu kỳ sau khi đã thu hoạch xong lúa hè thu. Lại còn sẵn rạ rơm mới cắt, đánh tranh, chặt tre bờ làng cất rạp dài mấy mươi thước cho dân ngồi xem hát đàng hoàng.

* "Trồng trầu thả lộn dây tiêu"

Nghề hát bội thường là nghề có truyền thống gia đình. Trong gia đình có ông bà, cha mẹ làm bầu hát, theo nghề hát bội thì con cháu thường noi dấu, theo nghề. Tuy nhiên, nhà "ngoại đạo" cũng có con cháu theo nghề hát bội. Những ai ở trường hợp này thường bị gia đình không bằng lòng. Đó là bởi thành kiến cũ: "xướng ca vô loài", mà điển hình là cô Lành ở làng Trung Định. Cô Lành là người con gái đẹp, mê xem hát bội rồi xin mẹ cho theo nghề hát, làm đào cho gánh hát ông Bầu Chẩm ở trong làng. Mẹ cô là bà Hai Đẩu quyết không cho con gái mình theo nghề hát bội, đánh đòn và đòi "từ" cô mà vẫn không ngăn được con gái mình. Từ khi cô Lành đi theo hát bội, bà Hai Đẩu như người tâm thần, ra đường gặp con gái nhà ai xinh như con bà, bà liền chỉ vào mặt, mắng:

"Trồng trầu thả lộn dây tiêu

Con theo hát bội, mẹ liều con hư

Ngó lên hòn núi Mù U

Con theo hát bội xuân - thu mẹ buồn".

Nhưng cũng có trường hợp, cha mẹ sớm thuận, đó là nhờ lòng hiếu thảo của con cái thuyết phục được cha mẹ:

"Mẹ ơi đừng đánh con đau

Để con theo hát làm đào mẹ coi".

* Người ta sống theo hát bội

Đoàn hát hội Sông Kôn hóa trang chuẩn bị cho buổi hát hội Nghinh ông ở Đề Gi (Phù Cát).

Tuồng hát bội thường có người trung kẻ nịnh, có cảnh "người trung mắc nạn, đứa gian vui cười", nhưng đến hồi kết thúc thì tuồng nào cũng có "hậu": thái tử hết hồi hoạn nạn được lên ngôi Vua trị vì, trung thần trải gan dạ theo phò Vua cứu nước được hưởng vinh hoa phú quý. Người quê tôi ngồi xem hát, thương - giận, căm tức - hả hê theo tuồng, rồi về nhà sống cho mình, sống với xung quanh làng nước cũng bằng cách ấy, phản ứng tình cảm theo cách ấy. Từ đó, ai cũng lo ăn hiền ở lành, tin ở lẽ công bằng của Trời Đất, luật nhân - quả, chính nghĩa tất thắng phi nghĩa. Thần thánh rồi sẽ cứu khổ cứu nạn cho người tốt… Trong mỗi làng, thường có đình thờ Quan Vũ, trong mỗi nhà thường có trang thờ Quan Công, tức là thờ cái lòng Trung Nghĩa Thiên Thu, không dời đổi của vị này.

Đó là người lớn, còn lũ nhỏ chúng tôi thì tối đi xem tuồng gì sáng về nhà rủ nhau diễn lại tuồng ấy. Cũng dùng lọ nồi bôi mặt, mang râu ngô, cầm thương giáo gậy tre, cán trúc. Thường chúng tôi gặp khó khi phân vai: Không đứa nào chịu làm thằng gian thần mặt mốc râu rìa như Bàng Hồng, Hàn Phụng…, mà đứa nào cũng thích được "thủ vai" người trung, tướng quân tài giỏi mặt đỏ râu dài, tướng mạo khôi ngô như Quan Vũ, Triệu Tử Long…

* Từ mê hát bội đến mê tiểu thuyết chương hồi

Tôi thấy dân làng hồi xưa rất ít người biết chữ nhưng người ta "mê" sách hơn bây giờ. Mà chỉ mê một loại sách dịch tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc, kế đó là chuyện thơ nôm truyền khẩu trong dân gian. Lý do mê sách là bởi chính đây là "tích dịch ra tuồng", không có tích thì làm sao có tuồng, đọc sách nghe sách là để dễ theo dõi tuồng. Đọc sách Tam Quốc Chí là để biết thêm pho tuồng Tam Quốc, đọc tiểu thuyết Mạnh Lệ Quân là để biết thêm tuồng Mạnh Lệ Quân, đọc tiểu thuyết Ngũ Hổ Bình Tây, đọc truyện nôm Thạch Sanh - Lý Thông, Lưu Bình - Dương Lễ… cũng nhằm mục đích ấy. Khách vào thăm làng, bất kể sớm trưa chiều tối vẫn thường được nghe đọc sách ở trong làng như nghe tiếng mẹ ru con, bà ru cháu vậy. Một người (thường là cậu học trò lớp Nhì, lớp Nhất - bây giờ là lớp 4, lớp 5 bậc Tiểu học) đọc nghê nga mà rõ to cho 5-7-9-10 người ngồi quây quần nghe chung. Cả người đọc lẫn người nghe đều lấy làm thích thú lắm, nhiều bữa quên ăn. Mà sách ở đâu? Người ta mua trong các phiên chợ Gò Chàm, Đập Đá, Cây Bông, Cảnh Hàng… Sách do nhà Tín Đức Thư Xã in, được các bà hàng cườm bày bán lẫn với tập vở, manh giấy, hũ mực tím, gương lược, trầu cau, vàng mã… trên mẹt hàng của các bà.

* Hát bội thường trực trong đời sống người quê tôi

Người ta lâu ngày không xem hát bội là lòng trống trải khó chịu. Lâu không gặp đám hát đình, hát đám thì họ tạo ra một hình thức "sân khấu" khác để được hát và xem hát cho đỡ ghiền, đỡ nhớ. Đêm hè trời nóng, muỗi vo ve, không ngủ được, cả xóm tụ lại nơi một nhà nào đó. Chủ nhà đốt đèn lên, sắm trà nước, ngả mấy chiếc nong phơi lúa ra giữa sân làm "sân khấu", thế là diễn ra cuộc hát. Ông bà nào hát hay, hay hát lần lượt tự nguyện bước ra nong hát: Nam, Khách, Tẩu, Lý mọi… kèm theo điệu bộ, tuồng gì cũng được. Ai hát cứ hát, ai ngồi nghe cứ nghe, rồi uống nước trà, rồi kèn trống bằng miệng inh ỏi đệm cho câu hát thêm hay. Đêm dần khuya, "đêm hát" thêm mùi mẫn, cho đến khi sương đêm sa xuống nhiều, người ta mới chịu vãn hát mạnh ai nấy về nhà ngủ bình yên, thoải mái. "Sân khấu" kiểu ấy xuất hiện bất cứ ở đâu, "trên từng cây số": thợ gặt xế trưa ra đồng ngồi chờ cuốn lúa - hát; người nhàn rỗi tránh cái nóng trưa hè, ra ngõ có bóng tre trùm mát ngồi hóng gió - hát… Trong đám cưới ở quê tôi ngày nay, ít đám thiếu tiết mục hát bội góp vui; trong các lớp tập huấn, hội thảo, cán bộ người quê tôi vẫn góp vui vài trích đoạn tuồng hoặc vài câu Nam, Khách trong giờ giải lao. Tôi thường thắc mắc, không biết tại sao có câu ca dao: "Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định múa roi đi quyền" mà lại không có câu tương tự như vậy nói về hát bội, vì ở đây hát bội cũng phổ biến không kém võ nghệ.

* Cửu Vị đóng Lý Phụng Đình…

Quê tôi "mạnh" về khán giả hát bội, đồng thời cũng "mạnh" về đào kép hát hay có tiếng. Thiết nghĩ không có khán giả biết thưởng thức thì không có nghệ sĩ hát hay và chịu khó trau dồi tài nghệ. Ngay từ hồi tóc để chỏm, đám hát bội ở đâu cũng chỉ được phép ngồi xếp bằng dưới đất mà xem, tôi đã nghe người lớn nhắc nhiều đến tên tuổi Chánh ca Đựng, Bầu Nhưng, Cửu Vị… với cả lòng ngưỡng mộ của họ. Khi lớn lên còn ở quê, tôi luôn được nhiều dịp đồng cảm với bà con quê tôi về lòng mến mộ tài nghệ của các kép hát Hoàng Chinh, Long Trọng, Tư Cá…, các đào hát Ngọc Cầm, Mộng Thu, Lệ Suyền… Dân làng, nhất là các bà các cô, "mê" các đào kép hát hay đến không còn giấu riêng tình cảm ấy ở trong lòng mà đã bộc lộ "công khai" thành lời, thành vè:

"Cửu Vị đóng Lý Phụng Đình,

Dù chồng có đánh thì mình cũng đi.

Nói ra thì chuyện cũng kỳ

Hoàng Chinh đóng kép mình thì mê ngay".

Ngày nay, Bình Định có Nhà hát tuồng Đào Tấn. Đó là niềm tự hào của người Bình Định. Nhưng mọi việc không phải là dễ khi ta muốn chấn hưng, đưa hát bội ngày nay ra khỏi những khó khăn nhiều bề. Đó là nói ở đâu, chứ ở quê tôi, hát bội vẫn còn có khán giả, mà khán giả nhiệt tình, "nòng cốt" là lớp người "tri thiên mệnh" trở lên, lớp người còn thuộc câu tuồng, thuộc tuồng tích, biết cầm chầu, gõ tang trong đêm hát.          

. H.K.B

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cảng Quy Nhơn - Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc  (27/05/2005)
Mai Viên cố sự của Lộc Xuyên Đặng Quý Địch  (27/05/2005)
Giọt nắng  (27/05/2005)
21 năm "vác tù và hàng tổng"  (27/05/2005)
Chọn bốt cho váy  (27/05/2005)
Bùng nổ tội phạm theo Internet  (27/05/2005)
Nạn côn đồ ở nông thôn và vụ án nghiêm trọng  (27/05/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (27/05/2005)
Giao bưu thời chống Mỹ   (02/05/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san   (29/04/2005)
Hải "chàm quằm" - tên côn đồ khét tiếng sa lưới   (29/04/2005)
Văn phòng AIA Bình Định là number one!   (29/04/2005)
Di tích khu căn cứ cách mạng Hòn Chè   (29/04/2005)
Người anh trai   (29/04/2005)
Ba hồi trống trận và một đời người   (29/04/2005)