Làng săn cá mập
18:43', 27/5/ 2005 (GMT+7)

Một chiều se lạnh, chúng tôi đến thăm làng Hưng Lương - một làng chài ven biển thuộc xã Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn). Làng với mấy trăm nóc nhà, nằm lặng lẽ trên một động cát lớn bên những rừng dương và tiếng sóng biển xô bờ rì rầm. Ở đây, ngư dân sinh sống bằng cái nghề đầy mạo hiểm - nghề săn cá mập.

* Thuyền nan vượt sóng

Đội thuyền máy của làng Hưng Lương.

Chẳng biết làng có nghề câu cá mập tự bao giờ nhưng từ hơn 50 năm về trước, vào mùa trăng tháng 3 và tháng 7 âm lịch, người dân làng chài đã từng rủ nhau ra biển săn tìm cá mập. Ngày ấy, làng chài Hưng Lương có khoảng 600 hộ với chừng 2.000 nhân khẩu nhưng có tới quá nửa số người kiếm sống bằng nghề săn cá mập. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về cái nghề "xưa nay hiếm" này, lão ngư Nguyễn Thuộc, 68 tuổi, trở nên cởi mở, mắt vụt sáng, ông nhớ như in cảnh dân làng mừng vui sau mỗi trận thắng cá. Đơn giản, vì ông muốn trải lòng mình với biển, đó như một thứ hoài niệm của thế hệ trai làng một thời vẫy vùng nơi biển khơi.

Ông Thuộc kể - Ba, bốn mươi năm về trước, đội thuyền nan của làng có hơn chục chiếc, mỗi chiếc dài chừng 3m, rộng 1,5m chỉ vừa đủ 3-4 người ngồi, được chia thành nhiều tốp, đi hỗ trợ nhau để phòng khi trời nổi cơn thịnh nộ. Trước khi ra với biển, những nhu yếu phẩm: gạo, mắm, củi lửa… phải chuẩn bị ăn dự trù cho chuyến đi kéo dài 3 ngày. Gặp những cơn gió nồm thổi từ bờ ra thì buồm no gió, thuyền ung dung đi nhanh; nếu nghịch gió thì bạn đi biển phải thay nhau chèo chống ra đến các vùng đảo cá: Hòn Cân, Hòn Cỏ, Hòn Sẹo cách bờ chừng vài hải lý, nơi đó được coi là vùng đánh lộng (đánh gần). Nếu cá ở xa, phải đi hơn 18 hải lý.

Săn cá mập tuy là nghề dễ gặp bất trắc, nhưng lại được người làng chài Hưng Lương coi như nghề bình thường kiếm sống nơi biển khơi. Lẽ thường, vì thời điểm đó cá mập rất nhiều và giá trị lại cao, nhất là bộ vi cá, nên thu hút nhiều người đi câu. Mỗi lần trúng biển thì thu lãi mát mặt, nhưng cũng có lúc về bến với khoang thuyền trống hoác; thế nên, chưa thấy ai ở làng này trở nên giàu có từ cái nghề mạo hiểm này cả!

Đã có nhiều người ở làng này ra với biển nhưng không trở về. Những đêm giông tố, bão ập đến không kịp trở tay, mọi người phải chui rúc, ẩn mình tránh gió nơi mũi thuyền để khỏi bị đánh bật xuống biển. Mặc cho sóng xô, gió cuốn, con thuyền lênh đênh theo dòng nước. Nước lên, thuyền trôi ra Quảng Ngãi; nước xuống, thuyền trôi ngược về hướng Phú Yên. Có người không may bị bão cuốn trôi, tìm không thấy xác; cũng có người bị sóng cuốn đi nơi khác, như ông Nguyễn Sạo bị sóng xô dạt vào động cát ở tận Lò Ba - Phú Yên, ông Dược thì người ta tìm thấy ở nhà thương Khánh Hòa.

* Hồi ức khơi xa

Ngày trước, sao Bắc Đẩu được coi như cái la bàn để thuyền định hướng giăng buồm ra khơi. Ra đến nơi, biển rộng mênh mông, không biết đâu là bến bờ. Dân câu cá mập ai cũng thuộc nằm lòng câu "đại ngư thực tiểu ngư", nên mồi câu là cá hồng, cá sáng nặng khoảng 3-4 kg câu tại biển, nhưng  hấp dẫn nhất với cá mập là cá thu vì có mùi thơm, sáng cá. Trước khi tiến hành trận đánh chính, mỗi thuyền đều phải đánh thăm dò xem động tĩnh. Một đường biển dài chừng 4 km, độ sâu dao động 200 - 500m được các ngư phủ buông câu, thấy nơi nào cá mập tập trung là chuẩn bị cho cuộc bủa vây đầy ngoạn mục.

Ông Huỳnh Đức Châu (bên phải) và một ngư dân làng chài Hưng Lương bên các  dụng cụ đánh bắt cá mập.

Nhả khói thuốc màu trắng đục loãng vào khoảng không của buổi chiều tà, ông Huỳnh Đức Châu, 63 tuổi, theo nghề hơn 40 năm, trầm ngâm tiếp chuyện với chúng tôi. Theo ông Châu, câu cá mập phải đợi đêm có trăng. Trăng sáng, làm nhòa ánh sáng bạc của ngời biển bám nơi thẻo câu. Nước biển sáng lấp lánh, khiến cá mập hoa mắt không phát hiện được mồi cá được móc vào lưỡi câu có ngạnh làm bằng đồng thau. Khi thấy ống phao tre động đậy là biết cá đã mắc câu. Cá mắc câu lồng lên hung hãn, quẫy tung mặt nước làm chao con thuyền nhỏ. Trong cơn đau buốt, con cá mập rít lên từng hồi, nó giẫy giụa trong cơn tuyệt vọng và cố hết sức làm con thuyền tròng trành, lắc lư như muốn lật nhào xuống lòng biển cả. Nhanh như chớp, một ngư phủ giương cây lao ở đầu có gắn mũi tên inox, phóng tới, mũi lao trúng mình con cá đổi hướng nằm ngang, và cá được kéo tới cặp sát be thuyền. Tiếp đó, một người dùng lưỡi khấu uốn cong sắc nhọn móc vào quai hàm ác ngư kéo tới gần. Mắt nó lạnh lùng, trợn ngược. Sợ lắm! Khi con mập kiệt sức, ba bốn người dùng chầm cháp (chày lớn) đập liên tục vào đầu nó cho đến chết. Kết thúc cuộc giao chiến, cá bị xẻo vi, còn các ngư phủ mệt nhoài nằm sóng soài trên mạn thuyền.

Ông Châu kể: "Trong đời đi câu có hai chuyện không bao giờ tôi quên được. Có lần, tôi chưa kịp móc lưỡi khấu vào miệng cá, thì đầu nó đụng thuyền. Theo phản xạ tự nhiên, nó quẫy mình lặn xuống và dùng đuôi đập mạnh làm thuyền bể một mảng lớn, còn tôi bị trúng vào lưng ngã ra bất tỉnh. Lần khác, bắt được con mập xà nặng gần 4 tạ, khi kéo lên khỏi mặt nước, thấy trong miệng nó còn ngậm hai chân người chưa kịp nuốt. Trên thuyền, người thất kinh, kẻ hoảng loạn" - nói đến đây, mắt ông thất thần.

* Xa rồi thuyền nan

Bây giờ, thuyền nan dần lui vào ký ức của những người từng gắn đời mình với biển và nhường chỗ cho thuyền máy ra khơi. Cả làng hiện có hơn 20 chiếc thuyền máy với công suất 20-30 mã lực, được trang bị đầy đủ phương tiện đánh bắt hiện đại: máy tầm ngư, máy định vị, la bàn, hệ thống kéo cá dính câu bằng dây cáp, máy bộ đàm liên lạc…; mỗi thuyền có 4-5 người với tuổi đời từ 20-40. Thế nhưng ngày nay, số thuyền ra khơi để đánh bắt cá mập không còn nhiều mà phần lớn là câu cá nhám (thuộc dòng cá mập), cá ngừ đại dương hay câu mực, vì nguồn cá mập đã cạn; những người muốn câu cá mập phải tìm đến những ngư trường xa và hành trình săn bắt cá mập kéo dài nhiều ngày.

Hơn thế, đã có nhiều loài cá mập quý hiếm có dấu hiệu bị diệt vong do con người khai thác quá mức, nên đã có nhiều điều luật ra đời để hạn chế việc săn bắt cá mập, nhằm bảo vệ giống loài và cân bằng hệ sinh thái môi trường biển. Điều này, khiến cho nhiều người ở làng chài Hưng Lương không còn mặn mà với cái nghề tử nhiều sinh ít nơi biển cả này nữa.

Nhìn ra biển, tay chỉ về hướng có đám thanh niên đang khẩn trương vác gạo, nước đá cây, xăng dầu… từ triền cát lao nhanh xuống thuyền, ông Châu nói lớn: "Cháu nhìn kìa, họ đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi vào tối nay đấy!". Vâng! Tối nay, những chiếc thuyền máy của làng sẽ ra với mẹ biển, biển hào phóng ban cho họ no đủ cá tôm; nhưng cũng có lúc mẹ biển nổi giận lấy đi tất cả, kể cả cái đáng quý nhất của con người-mạng sống.           

. Quốc Việt

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (27/05/2005)
Trồng trầu thả lộn dây tiêu  (27/05/2005)
Cảng Quy Nhơn - Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc  (27/05/2005)
Mai Viên cố sự của Lộc Xuyên Đặng Quý Địch  (27/05/2005)
Giọt nắng  (27/05/2005)
21 năm "vác tù và hàng tổng"  (27/05/2005)
Chọn bốt cho váy  (27/05/2005)
Bùng nổ tội phạm theo Internet  (27/05/2005)
Nạn côn đồ ở nông thôn và vụ án nghiêm trọng  (27/05/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (27/05/2005)
Giao bưu thời chống Mỹ   (02/05/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san   (29/04/2005)
Hải "chàm quằm" - tên côn đồ khét tiếng sa lưới   (29/04/2005)
Văn phòng AIA Bình Định là number one!   (29/04/2005)
Di tích khu căn cứ cách mạng Hòn Chè   (29/04/2005)