Nghề đóng thuyền cổ truyền ở Gò Bồi
18:9', 27/5/ 2005 (GMT+7)

Từ lâu đời, thuyền đã trở thành phương tiện di chuyển cần thiết trên sông nước. Thuyền chẳng những để chuyên chở mà còn mở rộng tầm nhìn của con người, và thuyền cũng đóng vai trò quan trọng trong thủy binh của các triều đại. Đã có một thời, vùng cửa vạn Gò Bồi - xã Phước Hòa - Tuy Phước, tàu thuyền khắp nơi neo đậu buôn bán, trao đổi ... cả vùng phát triển sầm uất. Nơi đây cũng hình thành hẳn một nghề, đó là nghề đóng thuyền.

Ông Phan Văn Tân - người cuối cùng còn biết đóng thuyền buồm ở Gò Bồi.

Chẳng ai biết nghề đóng thuyền ở Gò Bồi có từ lúc nào, chỉ biết nó là nghề truyền thống có từ trước thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Cứ đến mùa mắm muối thì ở vạn Gò Bồi có đến hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ đậu san sát bờ sông kéo dài gần 2 cây số, đa phần là tàu thuyền ở các địa phương: Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế... Thuyền buồm của họ làm bằng ván, có tải trọng từ 40 - 50 tấn. Riêng Gò Bồi có hơn 30 chiếc, được làm bằng nan tre. Ông Phan Văn Tân 71 tuổi, ở thôn Tân Giản, Phước Hòa - người duy nhất hiện giờ còn biết đóng thuyền buồm - nhớ lại: Hồi trước ở Gò Bồi có 15 người biết đóng thuyền. Cũng không rõ nghề này xuất xứ từ đâu, nghe nói thời trước ở đây có người ra Huế, vô Sài Gòn học nghề đóng thuyền rồi về truyền lại. Thấy các bậc tiền bối đóng thuyền, vốn dĩ là người mê sông nước, cho nên thời trai trẻ ông đã theo học nghề. Thuyền buồm ngày ấy chuyên chở từ 3 - 5 tấn hàng, chủ yếu là chở chiếu, đồ gốm sứ Gò Bồi đến Quy Nhơn, rồi vận chuyển hàng tạp hóa về Gò Bồi bán; từ Gò Bồi chở nước mắm lên bán ở An Nhơn, Tây Sơn. Thời kỳ Pháp thuộc, ở Gò Bồi có 30 chiếc thuyền buồm vận chuyển. Năm 1949, xã Phước Hòa thành lập đoàn thuyền tải gồm 30 chiếc. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Cách mạng đã sử dụng đoàn thuyền này để vận chuyển lương thực lên Tây Sơn. Thời Mỹ - ngụy thì đoàn thuyền này giải tán. Những người trong số này tách ra làm ăn riêng, họ tiếp tục chở chiếu, đồ gốm đến Quy Nhơn, rồi chở hàng tạp hóa về Gò Bồi... Sau ngày thống nhất đất nước, thuyền buồm không còn được sử dụng vì giao thông đường bộ phát triển, vả lại đường thủy lệ thuộc nước thủy triều, dòng sông bị ảnh hưởng thủy triều bồi lấp... Số người lớn đóng thuyền lần lượt qua đời, lớp trẻ không ai kế nghiệp, giờ chỉ còn mình ông Tân biết nghề. Những chiếc thuyền (ghe bầu) lớn đều bắt đầu từ những chiếc thuyền nan nhỏ, nhưng dù là thuyền lớn hay nhỏ, được làm bằng tre hay gỗ cũng đều mang những tính chất kỹ thuật giống nhau, tùy theo tải trọng lớn nhỏ mà thay đổi cho phù hợp. Nghề đóng thuyền ngày ấy là nghề cha truyền con nối. Những người có tay nghề cao, đi trước sẽ hướng dẫn cho người đi sau. Một khi đã lựa chọn nghề, thì nghề sẽ đi theo họ suốt đời. Để đóng được một chiếc ghe bầu thì việc đầu tiên phải chọn ra một người thợ cả, người này có trách nhiệm điều khiển những người thợ phụ trong mọi công việc từ đầu đến cuối.

Thuyền nan được làm bằng nan tre. Tre trồng ở địa phương và các vùng lân cận từ Bình Khê (Tây Sơn ngày nay) cho đến Phù Cát. Nan tre được chọn là nan từ tre già, càng già càng tốt. Phải mất một tháng trời chẻ nan và đan mê thuyền. Đan xong mê thuyền, người ta đào hầm dưới đất có dạng hình thuyền, kích thước lớn nhỏ từ 10 m đến trên 10 m tùy theo tải trọng của thuyền đang làm; đặt mê thuyền vào hầm, dùng đá núi ép lên cho đến lúc mê cong có hình chiếc thuyền thì tiến hành ráp be vào. Be thuyền bằng tre (sõng vành tre), nếu bằng gỗ thì đó là những tấm ván dày, hai đầu hơi nhọn và vểnh lên. Khi ráp be vào mê, họ dùng đinh tre và dây mây kết be và mê lại với nhau. Sau đó dùng phân trâu hòa nước sền sệt trét chà kín các lỗ của đường đan tre, rồi đem phơi nắng cho thật khô; dùng dầu rái trét cả 2 mặt nhằm không cho nước thấm vào. Trét dầu rái 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày, nhằm tạo lớp dày bảo đảm thuyền hoạt động lâu ngày vẫn không thấm nước.

Mê thuyền được làm xong, người ta bắt đầu hoàn chỉnh các bộ phận trên thuyền. Long cốt là cây gỗ đã uốn theo hình thuyền, chịu lực dưới đáy thuyền theo suốt chiều dài. Giang là những nhánh gỗ có hình cánh ná có góc khoảng 1200 đặt theo chiều ngang để thuyền được cứng vững về chiều ngang. Đà là những súc gỗ cứng nối 2 be, mỗi thuyền thường có 5 đà. Người ta phân thuyền ra làm 3 phần, dùng tre hay gỗ làm then mở cho 3 phần. Mũi là phần trước của thuyền, được đặt một cái giường dùng để đứng điều khiển chống chèo. Phần lái cũng đặt một cái giường để ngồi điều khiển tay lái bằng mái chèo hoặc bánh lái. Bánh lái có hình tam giác, phần tiếp giáp với thuyền hơi cong lượn theo thuyền. Bánh lái có 2 trục mắc vào 2 ổ, xoay qua lại được qua tay lái, nhờ đó thuyền có thể rẽ trái rẽ phải được nhờ sức cản của nước. Phần thân cũng có một cái giường đặt cách đáy thuyền khoảng 15 cm nhằm đề phòng nước thấm vào hàng chuyên chở. Người ta dùng tre đan mui làm khung mái che mưa nắng. Mái cũng được quét dầu rái chống thấm nước. Buồm đặt ở nơi giáp ranh giữa ô mũi và ô thân. Buồm làm bằng tấm kè (lá kè), dùng chỉ gai (lá thơm tàu) may giáp mí những tấm kè. Buồm có hình tam giác để bọc gió và chạy theo hướng gió. Trụ buồm làm bằng gỗ tròn đặt giữa thuyền hơi lệch về trước mũi để tạo sức cân bằng. Trụ buồm có 4 dây dằng bằng mây, dây trân, căng từ đỉnh trụ xuống bốn phía, đến be thuyền. Nhờ vậy mà trụ vững, sức chịu lực cao. Mỏ neo có hình mũi tên bằng gỗ chắc, càng nặng càng tốt, nếu chưa đủ sức nặng thì người ta cột thêm đá vào. Dây neo nằm ở phía đuôi mỏ neo. Mỏ neo có cấu tạo đặc biệt để khi ném xuống nước, mỏ neo luôn bám vào mặt đất. Dọc theo sát thân thuyền, sát be có những trụ hay là trục để cài mái chèo vào nhờ dây nài. Thuyền nhỏ thì có 4 trụ, thuyền lớn có 8 trụ, nhờ mái chèo, thuyền có thể di chuyển bằng sức người chèo khi thiếu gió. Đòn ganh là những cây đà lớn luồn ngang qua mặt thuyền phía trên mui. Lúc gió hơi trái chiều, đòn ganh được điều khiển, dù thuyền có thể nghiêng nhưng không bao giờ bị lật chìm. Nhờ đòn ganh mà thuyền có thể chạy ngược hướng gió đến 450.

Với những chiếc thuyền gỗ lớn, cấu tạo cũng phải đầy đủ các bộ phận trên. Tuy nhiên, chọn gỗ để đóng thuyền thay nan tre thì gỗ phải là gỗ chịu va đụng, dẻo và nhẹ. Do đó, người ta thường chọn gỗ sao xanh để đóng thuyền. Khi ghép ván vào thành thuyền, người ta dùng đinh tre hay đinh sầm ná để nối các tấm ván với nhau. Sự liên kết còn nhờ giang, thuyền lớn phải chọn giang đúng độ, đủ lớn thì thân thuyền mới chắc. Để chỗ nối các tấm ván được dính chặt, người ta dùng tràm - một loại vỏ cây có nhiều lớp vừa xốp vừa mềm. Lúc bị thấm nước thì tràm nở ra, ép chặt cho đến khi nước không thể len qua được các mối nối. Đồng thời, người ta còn dùng thêm hồ để trét bên ngoài các vết nối. Hồ được dùng là một hỗn hợp gồm chai bóng, bông gòn và dầu rái trộn nhuyễn trét bên ngoài và cả bên trong. Dùng những cái bay thợ hồ đem nướng trên lửa, đè bên ngoài để hồ nóng chảy vào bên trong, bít chặt các mối nối khỏi bị nước len vào. Sau đó quét lại toàn bộ thuyền vài lớp dầu rái để chống thấm. Trong phần trang trí thì khâu quan trọng nhất là mắt ghe. Ở miền Trung thì mắt ghe có hình bầu dục, hơi dài, ở giữa là tròng đen có hình thuẫn, xung quanh là tròng trắng. Để vẽ mắt ghe, người ta phải chọn ngày lành mới vẽ.

Khi thuyền đã hoàn chỉnh, trước khi đưa vào sử dụng, chủ thuyền  phải chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ Hạ thủy. Lễ này rất quan trọng đối với chủ thuyền. Ở nơi đóng thuyền, người ta làm một cái rãnh lớn, đặt hệ thống dây vào quanh thuyền để kéo. Sau khi cúng hoa quả, bánh trái hoàn tất cho lễ Hạ thủy, chủ thuyền phải huy động thật nhiều người để đẩy, kéo thuyền chạy liền một mạch ngon lành. Điều đó tượng trưng cho điềm lành, báo hiệu trước một sự làm ăn thịnh vượng.

Ông Phan Văn Tân cho biết: "Thật ra làm nghề đóng thuyền chủ yếu là bỏ công ra thật nhiều. Nghề chỉ làm chủ yếu trong mùa nắng. Thuyền buồm ngày ấy chủ yếu là đi theo con nước thủy triều, không kể ngày mưa hay nắng, giờ giấc cũng không nhất định, cứ một hai giờ sáng nước lớn thì chúng tôi lại rong thuyền ra đi. Mỗi thuyền buồm cần có 3 người: một người lái ở phía sau, 2 người chống ở trước mũi. Từ Gò Bồi chạy đến Quy Nhơn thì gặp gió bấc, gió nam thuận lợi; từ Quy Nhơn về Gò Bồi gặp gió nồm, nếu "thuận buồm xuôi gió" thì mỗi chuyến đi chỉ mất 7 giờ, còn không thì phải mất 12 giờ. Riêng chở hàng ngược lên Tây Sơn thì chèo mất 4 ngày. Mỗi chiếc thuyền buồm có thể sử dụng được trong 4 năm. Để thuyền chạy bền, thì lúc chẻ nan tre, cần ngâm nan trong bùn dưới đáy ao đìa ít nhất là 6 tháng mới đem dùng để tránh mối mọt...".

Hồi tưởng lại thời vàng son của vùng sông nước Gò Bồi, ông Tân không khỏi chạnh lòng. Những đoàn thuyền tấp nập, đem lại sự sung túc nhộn nhịp cho người dân nơi đây giờ không còn nữa. Năm 1962, do chiến tranh ác liệt, người dân Gò Bồi di tản các nơi; rồi dòng sông bị bồi lấp không ai nạo vét nên thuyền bè các nơi không qua lại được, do đó nghề đóng thuyền ở Gò Bồi đã bị mai một dần. Nghề đóng thuyền buồm bằng nan tre dần được thay bằng đóng ghe đi biển...          

. Hải Âu

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cá cảnh - không chỉ là thú chơi!  (27/05/2005)
Làng săn cá mập  (27/05/2005)
Thơ  (27/05/2005)
Trồng trầu thả lộn dây tiêu  (27/05/2005)
Cảng Quy Nhơn - Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc  (27/05/2005)
Mai Viên cố sự của Lộc Xuyên Đặng Quý Địch  (27/05/2005)
Giọt nắng  (27/05/2005)
21 năm "vác tù và hàng tổng"  (27/05/2005)
Chọn bốt cho váy  (27/05/2005)
Bùng nổ tội phạm theo Internet  (27/05/2005)
Nạn côn đồ ở nông thôn và vụ án nghiêm trọng  (27/05/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (27/05/2005)
Giao bưu thời chống Mỹ   (02/05/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san   (29/04/2005)
Hải "chàm quằm" - tên côn đồ khét tiếng sa lưới   (29/04/2005)