Kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ của cô Ba Ngân
18:20', 27/5/ 2005 (GMT+7)

Gọi là "Cô Ba Ngân" vì nhiều người quen gọi như thế. Cô tên thật là Nguyễn Thị Thế Ngân - một nữ chiến sĩ cách mạng lão thành. Những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, cô là Bí thư Phụ nữ cứu quốc tỉnh Bình Định, Phó Bí thư Đảng đoàn Ban Phụ vận Liên khu V. Trong chống Mỹ, cô là Tỉnh ủy viên khóa I, Hội trưởng (nay là Chủ tịch) Hội Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Bình Định... Cuối năm 1964, cô là đại biểu duy nhất của phụ nữ khu vực miền Trung ra Hà Nội họp Hội nghị "Quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ hòa bình" do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Trong thời gian này, những lần được gặp Bác Hồ là niềm vinh dự và kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời cô.

Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thăm Hồ Chủ tịch sáng ngày 24-11-1964. (Cô Ba Ngân đứng bên cạnh Bác Hồ, phía bên phải).

Cô Ba Ngân tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 8-1945, nghỉ hưu từ năm 1970, nhưng vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương. Hiện nay cô đang sống với người em gái ở thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Đã ngoài tám mươi, độ tuổi "xưa nay hiếm", nhưng trông cô Ba Ngân vẫn còn rắn chắc và minh mẫn lắm. Mỗi khi có ai đó hỏi về cuộc đời làm cách mạng và nhất là kỷ niệm lần cô ra thủ đô công tác, vinh dự được gặp Bác Hồ, thì cô lại nhớ rất rõ và kể không sót một chi tiết nào. Những tấm ảnh vô giá ghi lại những giây phút thiêng liêng, vinh dự và sung sướng nhất của cô với Bác Hồ kính yêu, cô đã tặng cho Bảo tàng Bình Định để làm hiện vật trưng bày lưu niệm. Mỗi tấm ảnh là một kỷ niệm và tấm lòng kính trọng của cô đối với Bác Hồ.

Kỷ niệm về tấm ảnh và bài thơ- Lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Cô Ba Ngân bồi hồi nhớ lại: Khoảng tháng 8 năm 1964, sau khi ở tù ra, tôi được Thường vụ Khu ủy Khu V cho ra miền Bắc chữa bệnh. Khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11-1964, tôi cùng một số  khác được chọn để thành lập Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tham dự Hội nghị "Quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ hòa bình", tổ chức tại thủ đô Hà Nội (từ 25 đến 28-11-1964). Trong thời gian trước, trong và sau hội nghị, tôi vinh dự bốn lần được gặp Bác Hồ.

Đoàn chúng tôi gồm 13 người, do  Trần Văn Thành - đại biểu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - làm Trưởng đoàn. Đoàn có bốn nữ, trong đó có hai chị người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, một chị người Nam Bộ và tôi - đại diện cho phụ nữ miền Trung. Trong đoàn còn có em Hồ Văn Bột - một học sinh, là nạn nhân của cuộc thảm sát bằng bom na-pan do đế quốc Mỹ gây ra tại trường Linh Phụng, xã Long Mỹ, quận Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre vào ngày 8-7-1964. Trong thời gian trước hội nghị, đoàn chúng tôi vừa nghỉ ngơi, vừa tích cực chuẩn bị nội dung tham dự hội nghị, kể cả về hình thức (ăn mặc) dưới sự hướng dẫn của Ban tổ chức.  Trần Thức, lúc đó là Vụ trưởng Vụ I của Ban thống nhất T.Ư, đã nói với chúng tôi về lời dặn của Bác Hồ với Đoàn: "Từ tư cách cũng như ăn mặc của Đoàn đại biểu này như là đại diện cho một chính phủ" (miền Nam Việt Nam).

Tối ngày 23-11-1964, tức là hai ngày trước khi bước vào hội nghị, các  trong Ban phụ trách nói với chúng tôi: "9 giờ sáng mai, Đoàn lên cho Bác gặp!". Nghe tin ấy xong, người tôi như lên cơn sốt, đi không vững vì không lường hết được vinh dự lớn lao đó.

Sáng ngày 24-11- 1964, xe đưa chúng tôi đến Phủ Chủ tịch. Bác Hồ ra. Vừa thấy Bác, trong đoàn chúng tôi ai cũng muốn xô lên phía trước. Khi gần giáp mặt, đã nghe Bác hỏi:

- Ai là Trưởng đoàn ?

 Trần Văn Thành bước tới và đáp:

- Thưa Bác, cháu ạ!

Bác đi tới phía em Bột, nắm lấy vai em và phê bình cách trang phục cho Bột. Bác chỉ vào em Bột và nói:

- Chú làm đoàn trưởng, chú đã kiểm tra chưa? Ai chuẩn bị cho em bé - một nạn nhân của chế độ Mỹ ngụy - như thế này là không được, ngó như một ông cụ non... (Ảnh 1, em Bột là người mặc bộ com-lê đen đứng bìa trái, hàng thứ nhất).

Nghe Bác nói, hầu như ai cũng muốn dừng lại. Riêng tôi, trong trang phục (Ảnh 1, người đứng cạnh Bác Hồ, bên phải) tôi cảm thấy mình sang trọng. Sợ Bác la, tôi định lùi lại. Ngay trong lúc đó, dường như đoán biết tâm trạng của cả mọi người, Bác nói với chúng tôi:

- Bác chỉ nói một mình em Bột thôi. Còn các cô, các chú ăn mặc như vậy là được.

Câu nói của Bác làm chúng tôi yên tâm. Trong mấy phút đầu tiên được gặp Bác, tôi đã thấy Bác luôn chủ động, sâu sát, cụ thể trong từng việc rất nhỏ. Sau khi phê bình về cách trang phục cho em Bột, Bác đã hướng dẫn cho người phụ trách may sắm trang phục khác cho em.

Tôi và chị Chông-cờ-rin-thê (một phụ nữ Tây Nguyên) được ngồi gần Bác. Bác hỏi thăm từng người, từng địa phương. Bác hỏi tôi:

- Cháu ở trong đó ra đem gì cho Bác?

Ngày tôi lên đường ra miền Bắc cũng là lúc Đại hội Phụ nữ giải phóng Khu V vừa tổ chức xong. Biết tôi đi, nhiều chị em về dự đại hội nói: Chị được ra miền Bắc trước bọn em, được gặp Bác Hồ, chị nói bọn em kính lời thăm Bác, thăm nhân dân miền Bắc. Chị viết thư kể cụ thể về Bác cho chị em nghe... Nay nghe Bác hỏi, tôi muốn sẽ thưa nhiều với Bác, thưa nhiều chuyện về lòng kính yêu Bác của nhân dân miền Nam, của tất cả mọi người, ngay cả lòng kính trọng của bọn ngụy đối với Bác mà tôi đã được chứng kiến trong những năm bị tù đày. Tôi thưa với Bác:

- Thưa Bác, cháu ở trong lòng địch đã 7 năm, nhưng cháu chưa thấy có thằng địch nào... (tôi định sẽ nói tiếp: dám xúc phạm đến Bác).

Mới nói đến đó, Bác đã vỗ vỗ vai tôi, Bác nói:

- Thằng địch nó không sợ Bác đâu. Thằng địch nó sợ các cô, các chú, sợ nhân dân miền Nam, sợ thống nhất nước nhà.

Câu nói đó của Bác đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Công lao của Bác như trời biển. Bác đã nói như thế, tôi nghĩ không còn có thể dám có bệnh công thần. Riêng đối với tôi là một sự giáo dục sâu sắc. Tôi thưa tiếp với Bác:

- Khi cháu ra đi, cháu có làm một bài thơ về Bác.

Và tôi đã đọc cho Bác nghe bài thơ "Miền Nam nhớ Bác dặn dò": Chị ra Hà Nội Thủ đô/ Chúng tôi kính chúc Bác Hồ sống lâu/ Thưa rằng: Mỹ - Khánh mưu sâu/ Miền Nam kiên quyết đương đầu đấu tranh/ Đập tan chế độ hôi tanh/ Của phường bán nước tan tành ra tro/ Để mà thống nhất cơ đồ/ Miền Nam mừng đón... (tôi nghẹn lời) Bác tiếp luôn: "Bác Hồ vào thăm".

Kể đến đây, giọng cô Ba như nghẹn lại, rồi cô nói: "Dường như những gì sẽ xảy ra trong mỗi người, Bác đều đoán biết được. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp Bác".

Lần thứ hai - cô Ba kể tiếp - là trong thời gian Hội nghị đang tiến hành. Một bữa, đoàn chúng tôi đang ăn cơm tối tại Bắc bộ phủ thì Bác đến. Thấy Bác, ai cũng buông bát đứng dậy để mừng Bác. Nhưng Bác đã khỏa khỏa tay và nói:

- Các cô, các chú cứ ăn đi, ăn no đi. Ở trong tù, bọn địch dã man bỏ đói. Ra đây, Đảng, Chính phủ cho ăn, ăn một ngày mấy bữa, các cô, các chú cứ ăn. Ăn cho có sức khỏe, về đánh Mỹ.

Bác vừa nói, vừa đi xung quanh bàn ăn của chúng tôi, rồi Bác ra đi lúc nào không ai biết.

Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đi với Bác Hồ trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, sáng ngày 24-11-1964, trong dịp đoàn ra thăm Thủ đô dự Hội nghị "Quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ hòa bình (cô Ba Ngân đi phía trước bên cạnh Bác Hồ).

Lần thứ ba là bữa cơm tại nơi ở và làm việc của Bác Hồ - cô Ba say sưa kể: Khi Hội nghị đã kết thúc, một số người của đoàn chúng tôi được Bác gọi đến ăn cơm tại nơi ở và làm việc của Bác. Tôi còn nhớ, lúc chúng tôi đến nơi, trời đã chạng vạng tối. Bước vô phòng, tôi đã thấy Bác, các  Trường- Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp và một số  nữa. Các  phục vụ đang dọn cơm. Lúc đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thưa với Bác về tôi:

- Đây là chị Ngân, cán bộ phụ vận Liên khu V. Con người ngó vậy (quê mùa, cần cù) nhưng biết hát bội và làm thơ.

Bác nhìn tôi và hỏi:

- Từ hôm ra đây, cháu đã làm được mấy bài thơ?

Trong khoảnh khắc tôi chưa kịp định thần và trả lời thì đã nghe Bác nói:

- À, nhưng mà Bác đã xem trên báo rồi!

(Đó là những bài thơ như: "Dặn dò" - ghi trong cuốn Sổ lưu niệm khi Đoàn đến thăm Nhà máy dệt 8-3; bài thơ sáng tác tại cuộc mít tinh của nhân dân tỉnh Hà Đông chào mừng Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc, đăng trên báo Thống Nhất (đầu tháng 12-1964)).

Cơm đã dọn xong, Bác tuyên bố:

- Hôm nay, Bác triệu tập các cô, các chú lại mời cơm. Bởi vì mời ăn cơm chứ không phải tiệc nên không có rượu.

Tôi còn nhớ, bữa đó có những món ăn: cá chiên, thịt gà luộc xé bóp tiêu và lá chanh, canh giò heo nấu với măng, thịt heo luộc, dưa kiệu và rau xanh. Bác giới thiệu với chúng tôi:

- Thịt gà, rau và dưa kiệu là của Bác sản xuất; thịt heo và cá là của Bác chăn nuôi, nhưng còn một thứ là cơm thì Bác chưa làm được.

Tôi nhớ mãi câu nói giản dị, mộc mạc nhưng vô cùng sâu sắc ấy của Bác. Trong cuộc sống của mình, tôi không dám để lãng phí một thứ gì, nhất là lương thực, trừ khi không thể nhặt lại được.

Lần thứ tư, cũng trong thời gian hội nghị kết thúc, đoàn chúng tôi lại được Bác Hồ gọi đến Phủ Chủ tịch cho xem phim. Hôm ấy, khi mọi người đã tập trung đông đủ trong phòng chiếu phim thì Bác đến. Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe từng người trong đoàn rồi từ biệt mọi người.

*

*  *

Hiện nay cô Ba Ngân tuy đã già, nhưng mỗi lần được tiếp xúc với cô, ta cảm nhận được trong con người cô luôn toát lên một tâm hồn cao thượng, luôn giữ phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng năm nào, một đảng viên Cộng sản, cả đời sống, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trên các bức tường trong nhà cô là những hình ảnh cô chụp với các  lãnh đạo cấp cao và những Huân, Huy chương của Đảng và Nhà nước trao tặng cho cô. Trong từ đường nhà họ Nguyễn Thế, nơi cô đang sống, trên bàn thờ Tổ của dòng họ có bức ảnh chân dung Bác Hồ. Được biết, sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cô Ba Ngân đã ra Hà Nội nhiều lần và lần nào cũng vào Lăng viếng Bác. Cô nói: "Hình ảnh Bác Hồ luôn ở trong tôi và những bức ảnh tôi được chụp với Bác là những kỷ niệm vô giá trong cuộc đời".    

. Thùy Trang

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trăn trở với sản phẩm truyền thống - bún "Song thần" An Thái  (27/05/2005)
Nghề đóng thuyền cổ truyền ở Gò Bồi  (27/05/2005)
Cá cảnh - không chỉ là thú chơi!  (27/05/2005)
Làng săn cá mập  (27/05/2005)
Thơ  (27/05/2005)
Trồng trầu thả lộn dây tiêu  (27/05/2005)
Cảng Quy Nhơn - Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc  (27/05/2005)
Mai Viên cố sự của Lộc Xuyên Đặng Quý Địch  (27/05/2005)
Giọt nắng  (27/05/2005)
21 năm "vác tù và hàng tổng"  (27/05/2005)
Chọn bốt cho váy  (27/05/2005)
Bùng nổ tội phạm theo Internet  (27/05/2005)
Nạn côn đồ ở nông thôn và vụ án nghiêm trọng  (27/05/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (27/05/2005)
Giao bưu thời chống Mỹ   (02/05/2005)