Những di tích về Bác Hồ trên quê hương Bình Định
18:25', 27/5/ 2005 (GMT+7)

Bình Định - vùng đất rất vinh dự và tự hào là nơi Bác Hồ dừng chân trong những năm vào Nam bôn ba tìm đường ra nước ngoài hoạt động cứu nước. Bình Khê, An Nhơn, Quy Nhơn… là những địa danh ghi dấu bước chân của Người cùng một ý chí sắt đá, ra đi tìm đường làm người cho dân tộc và tự do cho nhân dân. Và, cũng chính mảnh đất này đã ghi nhận những công lao của cụ Nguyễn Sinh Huy (thân sinh Bác Hồ), từng làm Tri huyện Bình Khê (huyện Tây Sơn ngày nay) từ ngày 1-7-1909 đến ngày 17-1-1910 và bị triều đình nhà Nguyễn giáng xuống 4 cấp, sau đó thải hồi vì tội "yêu nước thương dân".

Địa điểm nền Huyện đường Bình Khê xưa, thuộc thôn Thượng Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn,nơi cụ Nguyễn Sinh Huy (thân sinh Bác Hồ) làm Tri huyện từ 1-7-1909 đến 17-1-1910 (cụ Nguyễn Duy Cự, sinh năm 1918, xác định vị trí).

Trên đường từ Huế vào Sài Gòn để đáp tàu ra nước ngoài "tìm con đường giúp đồng bào thoát khỏi ách thống trị của Pháp", Nguyễn Tất Thành - sau này là Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu- đã dừng chân lại tỉnh Bình Định gần 1 năm. Trong thời gian này, Người có đến nhiều nơi, nhưng chủ yếu sống tại Quy Nhơn ở nhà giáo học Phạm Ngọc Thọ- bạn thân của cụ Nguyễn Sinh Huy, dạy trường Pháp - Việt Quy Nhơn- để học thêm tiếng Pháp. Thỉnh thoảng Người lên Bình Khê thăm cha, hoặc cụ Huy xuống Quy Nhơn thăm con. Trong "Búp sen xanh", Sơn Tùng viết về ngày đầu tiên Nguyễn Tất Thành đến Bình Khê: "Sau những ngày vượt núi trèo non, Nguyễn Tất Thành đã tới huyện Bình Khê. Anh bâng khuâng tắm ánh mắt vào dòng sông Côn hiền hòa và ngẫm nghĩ trước những tầng núi cao hùng vĩ, nơi sinh ra người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Thành bước vào cửa Huyện đường Bình Khê lúc chiều tà. Quan huyện Nguyễn Sinh Huy và vài người lính lệ đang làm vườn…". Trong "Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc", Nguyễn Hữu Tiến kể lại rằng: "Những lần Cung (tức Nguyễn Tất Thành) từ Quy Nhơn lên thăm cha đều được cụ Huy đưa đi thăm di tích lịch sử vùng Tây Sơn để chiêm ngưỡng vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ…".

Ngoài Quy Nhơn và Bình Khê, trong thời gian lưu lại Bình Định, Nguyễn Tất Thành còn đến một số nơi khác như: tỉnh thành Bình Định (huyện An Nhơn) là nơi thỉnh thoảng cụ Huy đến làm việc và chờ trở về Huế sau khi thôi chức Tri huyện Bình Khê; thăm nhà cụ Đào Tấn (ở Vinh Thạnh, Phước Lộc, Tuy Phước) - là bạn vong niên với cụ Huy, lúc ấy đã cáo quan về quê; hoặc "thỉnh thoảng cụ Huy đưa anh Thành thăm những người quen ở Hữu Giang…".

Những ký ức trong nhân dân về "Quan Tri huyện thanh liêm", "Người con trai thứ có đôi mắt tinh anh, đôi lần có lên Đồng Phó thăm cha"… (ý nói Nguyễn Tất Thành) và những di tích gắn với sự nghiệp của Người còn lưu mãi đến ngày nay như:

Di tích Huyện đường Bình Khê: Địa điểm Huyện đường Bình Khê xưa - nơi cụ Nguyễn Sinh Huy làm Tri huyện - thuộc thôn Thượng Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tại trụ sở UBND xã Tây Giang ngày nay. Xưa kia, Huyện đường nằm hướng mặt về phía đông, trông ra dòng sông Côn. Công đường kiến trúc kiểu chữ "Môn", dãy chính là nơi Tri huyện làm việc, hai bên là nơi làm việc của Lại mục, Thừa phái và Lệ mục. Phía sau công đường có nhà bông - nơi Tri huyện ăn ở, nghỉ ngơi ngoài giờ làm việc - và nhà tạm giữ thường phạm ở Huyện đường. Các dãy nhà công đường kiến trúc theo kiểu nhà lá mái 3 gian 2 chái, khung gỗ chắc chắn, vách tường bằng đất tô trát ngay thẳng, mái nhà lợp tranh săng, cửa gỗ đóng kiểu bàn pha. Nền nhà đắp cao, xung quanh kè đá. Lối vào Huyện đường ở phía đông theo con đường từ bến đò lên, cổng ngõ làm bằng gỗ, hàng rào bao quanh bằng cây xanh. Từ cổng vào sân hai bên có hai cây vông đồng tạo bóng mát. Ngoài ra, trong khuôn viên Huyện đường còn có khu vực trồng cây cảnh, trồng rau để quan và lính lệ thưởng ngoạn, chăm sóc lúc rảnh rỗi. Tuy nhiên, đến nay toàn bộ phần kiến trúc cũ không còn dấu tích gì.

Trường Pháp - Việt Quy Nhơn: Nơi Nguyễn Tất Thành học thêm tiếng Pháp trong thời gian ở Bình Định. Trước kia trường thường được gọi là trường Sở Cò, vì ở gần cơ quan cảnh sát (Gendarmerie) Pháp. Cổng trường ghi mấy chữ quốc ngữ "Pháp - Việt trường". Trường xây gạch lợp ngói vảy nhỏ, trên mái đắp các đường vôi dày đè ngói; có các gian mở lớp  Đồng ấu (Enfantin), Dự bị (Préparatoire) và  Sơ đẳng (Elémentaire). Trường nằm cạnh bờ đầm, sau Tòa giám mục, trước mặt là Trạm khí tượng (Météorologie) và sân vận động (khu vực từ đường Trần Bình Trọng xuống đường Phan Chu Trinh ngày nay). Địa điểm của trường hiện nay là khu vực sau Tòa giám mục giáo phận Quy Nhơn, nằm phía bắc đường Bạch Đằng, bên trái đường Trần Bình Trọng. Đây là trường công đầu tiên do Pháp mở cho thành phố Quy Nhơn và cả tỉnh Bình Định trong thập kỷ đầu của thế kỷ XX.

Khu vực nhà ông giáo Phạm Ngọc Thọ (nay là 145 Trần Hưng Đạo - Quy Nhơn) - nơi Nguyễn Tất Thành ở trọ trong thời gian ở Bình Định (1909 - 1910).

Nhà ông giáo Phạm Ngọc Thọ: Từ nhiều nguồn tài liệu, các nhà nghiên cứu cho rằng, khả năng Alliance Francaise Quy Nhơn là nơi gia đình giáo học Phạm Ngọc Thọ ở từ 1905 -1910, tức nơi Nguyễn Tất Thành trú ngụ một thời gian, khi dừng chân lại Bình Định trong những năm 1909 - 1910, Alliance Francaise lúc đó gọi là "Pháp truyền học hội" tại Quy Nhơn, vừa mở các lớp học, vừa là nơi ở của các thầy giáo trường Pháp - Việt Quy Nhơn và số học sinh các dân tộc ít người Tây Nguyên. Vị trí Alliance Francaise Quy Nhơn trước kia, phần lớn nằm trong khuôn viên Khu tập thể cán bộ, dưới đường Trần Bình Trọng và trên Trường Quân chính binh đoàn Tây Nguyên hiện nay.

Tỉnh thành Bình Định (An Nhơn): Tại Tỉnh thành Bình Định xưa, Nguyễn Tất Thành gặp cha trong khoảng thời gian cụ Nguyễn Sinh Huy chấm thi Hương (từ 18-5 đến 17-6-1909); và lúc cụ Huy bị cách chức Tri huyện Bình Khê, về nằm chờ tại Tỉnh thành, đợi ngày đưa ra Huế. Do đó có thể nói, trong thời gian dừng chân ở Bình Định, ngoài Quy Nhơn, Bình Khê, Nguyễn Tất Thành có đến và lưu lại thị trấn Bình Định một thời gian ngắn. Nguyễn Tất Thành có khả năng ở Dịch đình (còn gọi là Dịch xá, Thừa dịch) hoặc trường học tỉnh Bình Định (còn gọi là Trường tỉnh học, Trường Đốc, Ký túc đình…). Dịch đình là một ngôi nhà vuông, lợp ngói vảy; phía sau có dãy nhà gỗ lợp tranh, có giếng nước. Khi Tỉnh thành chưa dời về Quy Nhơn, Dịch đình là nơi đón tiếp các quan từ xa đến, các quan trong tỉnh về làm việc với quan Tổng đốc. Dịch đình xưa nằm cạnh quốc lộ 1, tại ngã ba vào thành Bình Định, nay là góc phía nam Nhà văn hóa huyện An Nhơn.

Những địa điểm nói trên, dấu tích còn lại không bằng các di tích khác có liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các tỉnh như Nghệ An, Huế, Bình Thuận, Đồng Tháp…, nhưng đó là những nơi ghi dấu một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu về Hồ Chủ tịch. Thời gian cụ Nguyễn Sinh Huy làm Tri huyện Bình Khê tuy ngắn ngủi, cũng như những ngày tháng Nguyễn Tất Thành lưu lại ở Bình Định không là bao, nhưng đó là một sự kiện lịch sử quan trọng đưa Nguyễn Tất Thành bước vào cuộc trường chinh tìm đường cứu nước, cứu dân, suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập tự do dân tộc và trở thành Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Điều này buộc chúng ta suy nghĩ cần tạo dựng hình thức lưu niệm như thế nào về Bác Hồ trên quê hương Bình Định ?

. Hồ Thùy Trang

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ của cô Ba Ngân  (27/05/2005)
Trăn trở với sản phẩm truyền thống - bún "Song thần" An Thái  (27/05/2005)
Nghề đóng thuyền cổ truyền ở Gò Bồi  (27/05/2005)
Cá cảnh - không chỉ là thú chơi!  (27/05/2005)
Làng săn cá mập  (27/05/2005)
Thơ  (27/05/2005)
Trồng trầu thả lộn dây tiêu  (27/05/2005)
Cảng Quy Nhơn - Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc  (27/05/2005)
Mai Viên cố sự của Lộc Xuyên Đặng Quý Địch  (27/05/2005)
Giọt nắng  (27/05/2005)
21 năm "vác tù và hàng tổng"  (27/05/2005)
Chọn bốt cho váy  (27/05/2005)
Bùng nổ tội phạm theo Internet  (27/05/2005)
Nạn côn đồ ở nông thôn và vụ án nghiêm trọng  (27/05/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (27/05/2005)