Yang Danh với hành trình tìm về bản sắc văn hóa dân gian của người Bơhnar Kriêm
12:20', 20/6/ 2005 (GMT+7)

Trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo, dù bận nhiều việc trong công tác chuyên môn, nhưng Yang Danh vẫn dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu và sưu tầm bản sắc văn hóa dân gian của người Bơhnar Kriêm Bình Định. Đến nay, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị.

* Thế hệ "hạt giống đỏ" của miền Nam trên đất Bắc

Ông Yang Danh (bên trái) tại Đại hội lần thứ IV Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (5-2000).

Cha mẹ là người Bơhnar Kriêm, ông sinh tại làng Tà Điêk, xã Vĩnh Hảo trước đây (nay là làng L6, xã Vĩnh Hòa - Vĩnh Thạnh). Năm 1960, giữa lúc chiến sự ở miền Nam đang hồi ác liệt, ông được cha đưa lên căn cứ của tỉnh rồi cùng Đoàn thiếu nhi con em các dân tộc thiểu số vượt Trường Sơn ra miền Bắc học tập. Thời kỳ ấy, thế hệ của ông được sống giữa tình thương của Đảng, Bác Hồ, sự đùm bọc của đồng bào miền Bắc là niềm vinh dự lớn lao; trong tâm khảm ông luôn khắc ghi lời Bác Hồ căn dặn: "Các cháu là những hạt giống đỏ của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam, phải gắng sức học tập cho tốt để sau này về xây dựng quê hương đất nước". Học hết các lớp phổ thông và sau khi tốt nghiệp Đại học Báo chí năm 1979, ông về công tác tại Báo Gia Lai - Kon Tum. Những năm tháng làm báo ở tỉnh bạn, dòng máu và trái tim Bơhnar của ông vẫn luôn hướng về quê hương, về cội nguồn với những giá trị truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân tộc mình. Từ đó, nung nấu trong ông một ấp ủ: được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân gian của người Bơhnar Kriêm - Bình Định...

* Hành trình đi tìm và sự ra đời của các tác phẩm

Năm 1983, khi huyện Vĩnh Thạnh tách khỏi huyện Tây Sơn, Yang Danh được chuyển về công tác tại Phòng Văn hóa thông tin huyện, đây là điều kiện thuận lợi để ông thực hiện ấp ủ bấy lâu. Thời gian này, phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng của huyện phát triển khá mạnh, ông thường xuyên đi công tác cơ sở, thâm nhập vào thực tế đời sống của đồng bào. Hàng chục năm sống và làm việc tại quê nhà, ông đã miệt mài đi đến từng Pơlẽi (làng) gặp gỡ, nghe các cụ bà, cụ ông trò chuyện; dự đám cưới, đám tang và các lễ hội của làng để ghi chép, sưu tầm và lưu giữ nhiều hình ảnh, tư liệu đặc sắc về văn hóa dân gian của dân tộc mình.

Nhưng rồi công việc cứ cuốn lấy ông, trải qua bao mùa rẫy, nương bắp xanh rồi lại vàng mà ông vẫn chưa làm được điều mình mong muốn. Mãi đến năm 1999, tác phẩm đầu tay "Nhận diện văn hóa làng người Bơhnar Kriêm Bình Định" mới ra đời và được trao giải A3 của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Tác phẩm đã khái quát về nguồn gốc cộng đồng người Bơhnar; về làng truyền thống, về phong tục, tập quán và văn hóa nghệ thuật dân gian của người Bơhnar Kriêm; dẫu vẫn còn đan xen giữa cái tốt và cái chưa tốt, nhưng những cái hay về truyền thống văn hóa dân gian sẽ mãi được giữ gìn và phát huy. Có thể nói, cộng đồng người Bơhnar Kriêm Bình Định có một nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc. Đã bao đời nay, cuộc sống của đồng bào vẫn gắn chặt với đất - rừng - sông - suối và hình thức sản xuất phát - đốt - chọc - trỉa - làm cỏ - thu hoạch; các tập tục: ăn trầu, hút thuốc lá, uống rượu cần, uống nước bầu… Đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng văn hóa tinh thần rất phong phú; điều đó được thể hiện qua các loại trang phục truyền thống đa dạng và đặc sắc; các loại nhạc cụ dân gian, thể loại múa dân gian và văn học dân gian, như các bài: Hơmon (thể loại trường ca dài), Roi (thể loại chuyện kể), Joh (thể loại ca, hát)… Bên cạnh đó là truyền thống các lễ hội dân gian độc đáo, như: Lễ hội đâm trâu, Hội lên nhà mới, Hội Tơnơr (Hội mừng thành công), Hội nhà Rông, Hội mừng già làng… mang đậm bản sắc riêng biệt của người Bơhnar Kriêm Bình Định. Từ sự nhìn nhận qua thực tế cuộc sống đó, ông đã viết nên các tác phẩm: "Tập tục truyền thống trong gia đình người Bơhnar Kriêm Bình Định", "Văn hóa rượu ghè Kriêm", "Văn hóa nương rẫy người Bơhnar Kriêm Bình Định"… Tại Trại viết văn nghệ dân gian do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tổ chức tại Quy Nhơn từ ngày 18-8 đến 7-9-2003, ông tham gia với tác phẩm "Nhà sàn cổ của người Bơhnar Kriêm", qua đó đem đến cho độc giả sự hiểu biết sâu thêm về nguồn gốc nhà sàn của người Bơhnar Kriêm Bình Định nằm dọc theo lưu vực nguồn sông Kôn, sự khác biệt của nó với nhà sàn của người Barnar ở Tây Nguyên. Ngoài ra, ông còn tham gia vào tổ biên soạn và dịch chữ Barnar Rơngao (vì sách giáo khoa do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai - Kon Tum ấn hành là dòng Barnar Rơngao - Kon Tum nên khi giảng dạy các em Bơhnar Kriêm đều không hiểu nghĩa) sang tiếng địa phương để giảng dạy cho con em đồng bào dân tộc Bơhnar trong tỉnh.

Theo ông Yang Danh, những việc làm của ông đối với cộng đồng, với "quê cha đất tổ" còn khiêm tốn lắm; hạnh phúc lớn nhất của đời ông là tình cảm của đồng bào; dù đi đến đâu, ĐắkMang, Bok Tới (Hoài Ân) hay Vĩnh Kim, Vĩnh Hòa (Vĩnh Thạnh)… người Bơhnar đều dành cho ông tình cảm trìu mến thân thương. Khi được hỏi về những dự định tiếp theo, ông tâm sự: "Sau khi nghỉ hưu, tôi sẽ về lại với núi rừng quê nhà để tiếp tục công việc sưu tầm, nghiên cứu. Với tôi, bản sắc văn hóa của dân tộc mình đã ăn sâu vào tiềm thức, có cái gì đó đậm đà và sâu lắng. Tôi hy vọng tinh thần và hoạt động văn hóa từ cộng đồng làng, buôn đến mỗi cá thể người dân tộc thiểu số sẽ mãi được lưu truyền cho con cháu, và nối tiếp những đời sau".

Khi tôi thực hiện bài viết này, cũng là lúc ông vừa hoàn thành xong đề cương "Tập tục ăn uống truyền thống của người Bơhnar Kriêm" và tôi biết rằng, ông sẽ còn tiếp tục cuộc hành trình của mình, bản sắc văn hóa nghệ thuật dân gian sẽ mãi được bảo tồn và phát huy qua mọi thế hệ con cháu người Bơhnar Kriêm Bình Định.

. Hồng Dương

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Shuttler: Phong cách làm báo của thế hệ 8X  (20/06/2005)
Mỹ Dung và những ý tưởng quảng cáo  (20/06/2005)
Xu hướng thời trang hè 2005 là sự dịu dàng, nữ tính  (20/06/2005)
Bí mật dưới gốc cây gòn và vụ cưỡng đoạt tài sản  (20/06/2005)
Vì một tương lai của bóng đá nước nhà  (20/06/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (20/06/2005)
Cuộc đời như ngọn lửa đầu tiên  (27/05/2005)
Bác Hồ - Người không có tuổi  (27/05/2005)
Những di tích về Bác Hồ trên quê hương Bình Định  (27/05/2005)
Kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ của cô Ba Ngân  (27/05/2005)
Trăn trở với sản phẩm truyền thống - bún "Song thần" An Thái  (27/05/2005)
Nghề đóng thuyền cổ truyền ở Gò Bồi  (27/05/2005)
Cá cảnh - không chỉ là thú chơi!  (27/05/2005)
Làng săn cá mập  (27/05/2005)
Thơ  (27/05/2005)