Nhàn du trên rặng núi Bà
12:27', 20/6/ 2005 (GMT+7)

. Bút ký của Khổng Vĩnh Nguyên

Núi Bà (Bố Chính đại sơn) - dãy núi trẻ chạy dọc biển Đông đẹp tuyệt. Nơi đây từng là căn cứ Bộ Chỉ huy kháng chiến Khu Đông thời chống Mỹ. Nơi trầm tích nhiều khoáng sản, nhiều gỗ quý và chim, thú. Nơi từng nuôi dưỡng nhà thơ - nhà soạn tuồng kiệt xuất Đào Tấn (Mai Tăng cư sĩ). Trên đỉnh Linh Phong thiền tự thiên thu vần vũ mây trời…

Núi Bà nhìn từ phía Cát Hải. Ảnh: Hoàng Kim

Năm ngoái, nhà thơ Võ Chân Cửu (nhà báo Hưng Văn) về làng Tân Thanh (Cát Hải - Phù Cát), nơi anh đã từng sinh ra và lớn lên. Anh rủ tôi nhàn du trên rặng núi Bà và lên đá Tượng để anh hồi tưởng những ngày tuổi nhỏ quê nhà:

Thuở nhỏ thèm trèo lên đá Tượng

Bắt bóng trăng xanh ngủ trốn ngày

Bây giờ đủ sức thì thôi đã

Bên trời xa cách mấy vùng mây…

Tôi với anh trèo lên tới đập Đá Bàn làng Vĩnh Hội, ngóng hòn Vọng Phu - một danh thắng của tỉnh nhà, bồi hồi nghe chim bồ chao hót đổ hồi… Rồi chúng tôi giăng lưới chài cá quanh lòng đập được vài xâu cá, đốt lên đống lửa, ngồi nướng cá uống rượu, nhìn mây trời trắng nõn bay đậu trên chóp núi này, lại xé nhỏ bay qua chóp núi kia. Hoa vông vang, hoa trang rừng nở đỏ tươi dọc triền núi. Từng tốp, từng tốp người đi bẫy chim bẫy thú, đi đào cây cảnh rừng già, mà họ nào có thấy mây trắng đang bay trên núi non hùng vĩ… Nghĩ mà thương, mà thán phục sản vật trù phú của mẹ núi Bà, hết bị bom cày đạn xới, bị thuốc độc khai quang, nay lại bị bọn lâm tặc hoành hành… Nhưng núi Bà - nguồn thiêng vô tận, khai thác không ngừng mà không bao giờ cạn. Đêm thì bọn người bẫy thú rừng vẫn nhá đèn gọi nhau í ới… ngày thì lúc nhúc người đốn củi đốt than, đào cây kiểng, bắn chim… Núi Bà - của kho vô tận, biết ngày nào vơi…

* Những cánh đồng trên rặng núi Bà

Năm nay, một mình tôi lại nhàn du giữa những khu rừng già, những thung lũng núi Bà, thăm lại ruộng Ông Đậu, ruộng Bồ Đề - những vạt ruộng hoang giờ đã thành những vũng nước trâu nằm. Riêng khu ruộng Hóc Man của ông già Lang - một người đi tập kết về đã lên đây phục hóa, giờ đã qua đời, để lại cơ ngơi này cho con cháu. Nhớ thuở tôi còn thanh niên, thường đi theo anh Đồng Ca - một thanh niên theo cha tập kết ra Bắc, sau giải phóng miền Nam, anh trở về làng cũ, lên Đá Muôi - núi Bà vỡ ruộng trồng lúa, trồng đậu phụng. Anh Đồng Ca là người làm thơ (bút hiệu: Huyền Sơn) nên tâm hồn lãng mạn với gió núi trăng ngàn. Khu ruộng Đá Muôi anh vỡ, giờ đã hoang vu, nhưng mép bờ vẫn còn đỏ au đất đỏ, những vách đá anh xây chống xói mòn vẫn còn trụ bám với rong rêu, đó đây vẫn còn sót lại vài cây rau đay, hạt giống từ Bắc bay về…

Rời khu ruộng Đá Muôi, tôi lại xuống núi, ngược lên khu ruộng chùa Thiên Bửu (trên rừng núi thôn Chánh Oai, xã Cát Hải). Khu ruộng này do thiền sư Nguyên Lượng từ Trà Cang thạch tự Phan Rang tìm về khai vỡ, hô hào bà con bổn đạo, bẫy khuân hết những tảng đá to đùng, lấy đất làm ruộng, làm nương quanh suối, con suối nước trong róc rách thường ngày. Những năm trước đây, dân làng Chánh Oai vẫn lên đây làm ruộng, nhưng vì xa làng, chuột chim phá hại, nên giờ đây khu ruộng trở thành… bời bời cỏ lút. Trên vách đá chùa Thiên Bửu thấy tác giả Tuệ Nguyên có ghi mấy vần thơ như vầy:

Đất trời vẫn đất trời này

Vẫn đầy giông tố, vẫn đầy bình an

Vẫn đêm tối, vẫn trăng ngàn

Vẫn bình minh cũ, vẫn hoàng hôn xưa

Đá nằm im lặng bốn mùa

Ngàn năm chim vẫn hót đùa trên cây

Rừng hoang hoa vẫn nở đầy

Trong ta xuân vẫn như ngày ấy thôi!

Ngày ấy thôi! Tuệ Nguyên ạ! - Ngày mà tôi còn nhỏ dại, theo mẹ lên chùa lễ Phật, núi rừng ngày ấy trong xanh như ngọc bích, vẫn còn lung linh trong tôi một màu vô nhiễm…

* Gặp những người tìm trầm và những người ngậm ngải tìm vàng

Đó là đoàn người tìm trầm chuyên nghiệp, từ "xứ trầm hương" (Khánh Hòa) ra. Nghe họ nói về đặc tính cây trầm, té ra là cây dó. Cây dó luôn luôn ngọn lá lao xao, mặc dù giữa rừng im ắng gió. Vỏ nó bóc tuồn tuột từ gốc lên ngọn. Trầm tụ nơi rễ cái (đuôi chuột) cây dó như bắp chuối, quý hơn vàng; còn trầm xác lốm đốm trong thân cây là trầm thường. Trên rừng sâu Buồng Tằm, Bà Lột vẫn còn hai hố sâu tới ngực, dân tìm trầm đã đào lấy củ trầm, thế mà biết bao thợ rừng thường qua lại miệt rừng này mà không nhìn ra của quý, uổng thật!

Linh Phong tự trên núi Bà (Cát Tiến). Ảnh: Hoàng Vân

Giờ đây, trên miệt rừng An Đức, Phú Nhơn (núi Bà) người ta đã phát rẫy dưới 15 độ dốc trồng cây trầm dó. Họ trồng đại trà và thâm canh theo phương pháp tụ trầm nhân tạo mà giá trị có lẽ không thua gì trầm thiệt. Nếu mô hình này thành công và nhân rộng ra thì dân ta mai này sẽ làm giàu nhờ núi đó.

Nếu đời sống hôm qua có lấp lánh hơn, mầu nhiệm hơn, tôi nghĩ một phần nhờ huyền thoại. Như vậy, huyền thoại núi Bà thì nhiều vô kể, nhưng đáng kể nhất, hấp dẫn nhất là huyền thoại về những người ngậm ngải tìm vàng. Những bô lão làng tôi thường kể, trên đỉnh núi Bà thường có trăn, rắn ngậm ngọc, ban đêm chúng bò đi ăn, ánh ngọc tỏa sáng cả khu rừng, nhưng đố có ai bắt được, nếu bắt được chúng lấy ngọc thì mạng người sẽ mất. Ngoài ngọc quý ra, núi Bà còn ẩn chứa biết bao vàng hình di động, vàng hình buồng cau, kỳ lân, rùa, cóc nhái. Chuyện kể rằng, có người đã thấy một đàn gà bằng vàng đi ăn đêm, phát ra ánh sáng huyền ảo quanh hòn Vọng Phu, vàng hình này là của người Chàm lánh nạn, đem về núi Bà chôn giấu, về sau vàng hình này thành tinh và hoạt động theo thuộc tính của chúng. Đá, vàng còn có đời sống riêng, đời sống biến hóa, nhờ hấp thụ anh linh tú khí núi Bà, nơi rất nhiều chùa, am cổ kính. Ai đã từng du xuân lên Linh Phong thiền tự, đi sâu vào hang tổ Tánh Bang (Ông Núi) đã từng ở đây ăn tu, mới thấy long mạch tuôn trào từ trên đỉnh núi! Trở lại chuyện ngậm ngải tìm vàng, tôi đã gặp anh Nguyễn Quang Tiến (nhà thơ Vũ Nguyên), quê ở vùng đầm Châu Trúc - Phù Mỹ, có một dạo anh rủ tôi đi tìm những nơi giấu vàng, theo di chỉ từ tấm da trâu của một người Chàm. Và ông Râu - người có bùa ngải (hiện ở làng Chánh Oai) đã từng niệm chú, bắt ấn tìm vàng. Quanh mũi Ông Lóc, núi đá chập chồng mà người ta vẫn đào sâu những hào rãnh tìm vàng, tìm mãi, tìm đến khát khao…

* Trầm tư với núi

Một mình tôi trầm tư xuống núi, đến dưới chân Hòn Chuông, uống nước khoáng Chánh Thắng, mơ màng về những dũng sĩ, những trận đánh thư hùng chống giặc ngoại xâm…

Giờ tôi về lại nền xưa Tân phủ Càng Dương (Phủ Ao), bên hông Bửu Lâm tự, đã được Bộ Văn hóa thông tin liệt hạng vào Khu di tích lịch sử phong trào nông dân Tây Sơn. Phủ Ao thuở đó là ao nước tắm voi, dưới chân dãy đá tháp canh chót vót kia, giờ chỉ còn lại cảnh hoang tàn, man man hoài cổ… Phía đông nền phủ, nhà thầu đã ủi lấy đất sỏi đổ đường, dãy đá tháp canh thành đá chẻ, đá dăm, trơ gan cùng tuế nguyệt…

Những chuyện buồn này cứ vấn vương, ám ảnh lòng tôi một đời trầm tư với núi…

. K.V.N

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ngàn năm mây trắng...  (20/06/2005)
Yang Danh với hành trình tìm về bản sắc văn hóa dân gian của người Bơhnar Kriêm  (20/06/2005)
Shuttler: Phong cách làm báo của thế hệ 8X  (20/06/2005)
Mỹ Dung và những ý tưởng quảng cáo  (20/06/2005)
Xu hướng thời trang hè 2005 là sự dịu dàng, nữ tính  (20/06/2005)
Bí mật dưới gốc cây gòn và vụ cưỡng đoạt tài sản  (20/06/2005)
Vì một tương lai của bóng đá nước nhà  (20/06/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (20/06/2005)
Cuộc đời như ngọn lửa đầu tiên  (27/05/2005)
Bác Hồ - Người không có tuổi  (27/05/2005)
Những di tích về Bác Hồ trên quê hương Bình Định  (27/05/2005)
Kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ của cô Ba Ngân  (27/05/2005)
Trăn trở với sản phẩm truyền thống - bún "Song thần" An Thái  (27/05/2005)
Nghề đóng thuyền cổ truyền ở Gò Bồi  (27/05/2005)
Cá cảnh - không chỉ là thú chơi!  (27/05/2005)