Nổi trôi đồ cẩn xa cừ
12:40', 20/6/ 2005 (GMT+7)

Quanh năm người dân quê tôi chăm lo ruộng vườn và làm thêm các nghề phụ lúc nông nhàn. Trong các nghề phụ, có nghề làm đồ cẩn, một nghề khá đặc biệt, vì nó liên quan nhiều với văn chương, chữ nghĩa. Trong làng quê Trung Định của tôi, có một xóm được "xem mặt đặt tên" là Xóm Cẩn, vì cả xóm làm nghề cẩn.

Đôi liễn cẩn xa cừ thơ của Cao Bá Quát: (Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/Nhất sinh đê thủ bái mai hoa) - ảnh: Mai Hồng

Người thợ cẩn làm việc ở trong nhà, không phải dầm mưa dãi nắng như người thợ nề, thợ mái (thợ làm nhà tranh vách đất) hay người buôn tảo bán tần, nhưng đòi hỏi phải có học chữ thánh hiền, có hoa tay viết chữ Hán đẹp như một thầy đồ và biết vẽ tranh, vẽ cảnh như một họa sĩ. Người thợ cẩn giỏi được ban tặng danh hiệu Chánh tượng, Phó tượng cho hương chức làng xã và dân chúng trong vùng trọng vọng. Các ông Chánh tượng Đề, Phó tượng Thứ… ở quê tôi nay đều không còn nữa nhưng tiếng tăm và đồ cẩn của các ông thì vẫn còn đây đó.

Nguyên liệu của nghề cẩn là cái vỏ ốc xa cừ, loại vỏ ốc óng ánh nhiều màu sắc. Biển quê tôi hiếm loại vỏ ốc này, nên người thợ cẩn phải vào tận Nha Trang, Cam Ranh tìm mua. Vỏ ốc đem về được cắt thành mảnh nhỏ thường cỡ 2 x 3 phân, rồi đưa cho thợ mài ốc mài cho tới khi vỏ ốc nhẵn bóng, hiện lên ngũ sắc, bảy sắc cầu vồng ngời ánh thì mới đạt cái mảnh ốc cẩn. Công mài ốc lâu lắm, mài xong một rổ ốc nhỏ phải mất tới vài ngày. Thợ mài ốc, phần đông là các cô gái có duyên, biết hò hát đối đáp cho vui trong khi làm công việc. Tỉ như anh thợ cẩn cất tiếng:

"Em lo mài ốc cho hay

Giúp anh cẩn chữ Thảo ngay ở đời"

Liền được cô thợ mài ốc đáp lại:

"Anh về thưa mẹ đôi lời

Lấy cô mài ốc một đời thủy chung"

Nước mài ốc đục như nước vo gạo, ăn mòn da tay. Cho nên bàn tay cô thợ mài ốc thường phải bôi đầy "phẩm lục", thứ phẩm màu xanh như mực học trò, khiến nhiều cô ra đường gặp bạn trai không khỏi thẹn thùng, mắc cỡ. Phẩm lục là thuốc dân gian trừ ăn da tay, ghẻ lở chẳng khác gì thuốc Cortibion bây giờ.

Cây gỗ làm đồ cẩn phải là cây danh mộc trong rừng, như hương, gõ, gụ…; nếu là cây vườn, phải là xoài, mít… Các loại cây này thớ gỗ nhỏ, thịt mịn; lại nhờ cứng mà xè mọt không thể nào ăn được. Đồ cẩn mà bị xè mọt ăn là uổng lắm, tiếc không biết đến lúc nào nguôi. Ông thợ mộc chế biến gỗ thành các loại sản phẩm cẩn thô, loại sản phẩm chờ ông thợ cẩn khéo tay nghề.

Ai vào tham quan một hộ làm nghề cẩn sẽ thấy những ông thợ cẩn già nho nhã đeo mục kỉnh, những anh thợ cẩn trẻ dáng nho sinh, bút chì vắt tai, tay kiềm tay đục, đang ngồi làm nghề một cách tẩn mẩn, tỉ mỉ. Họ vẽ, cưa, cắt, đục trên gỗ, trên ốc xa cừ rồi ngắm nghía và cẩn (khảm) từng mảnh ốc một vào món đồ cẩn thô thành hình này, chữ kia, hoa văn, họa tiết nọ; họ thổi hồn vào ốc vào gỗ cho thành món đồ cẩn có hình hài, hồn vía… Hoành liễn thì đại tự, thơ đối, toàn là câu chữ của Thánh Hiền, của tao nhân mặc khách; bình phong, tam sơn thì mai điểu, tùng trúc, lưỡng long chầu nguyệt… Tràng kỷ, tủ chè, bộ thì bát tiên, bộ thì ngư-tiều-canh-mục, cầm-kỳ-thi-họa, mai-lan-cúc-trúc… Cái gì cũng cổ kính, nghiêm trang mà bóng lộn. Bình phong, tam sơn, khay, hộp cẩn thì để thờ trên bàn thờ gia tiên; hoành, liễn, tràng kỷ, tủ chè món để thờ, món để trang trí, làm tiện nghi sinh hoạt và vinh danh sự phong lưu, phú quý của một gia đình, một dòng họ. Ở quê tôi bây giờ, có dịp đi đây đi đó, tình cờ tôi còn gặp những tấm hoành "Tích Thiện Đường", "Đức Lưu Phương", những đôi câu liễn lục ngôn, thất ngôn, nhất thi nhất họa mang niên hiệu Khải Định nguyên niên, Bảo Đại thập niên… nổi trôi. Nói "nổi trôi" vì hỏi ra những đồ cẩn ấy đã lìa xa chủ cũ từ lâu rồi, từ hồi có binh lửa và những bể dâu trên quê hương xứ sở. Trong những lần như thế, lòng tôi thật bùi ngùi và thầm mong một cuộc "châu về hợp phố", vật xưa về với chủ cũ.

Đồ cẩn xa cừ tại một gian thờ - ảnh: Hiền Mai

Chợ Bình Định (thị trấn Bình Định - An Nhơn) là chợ đầu mối cho mấy tỉnh, có gian hàng đồ cẩn. Đồ cẩn của quê tôi được người các tỉnh tới mua, cho nên nó có mặt ở tận Phú Yên, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Gia Lai… Các chợ nông thôn chỉ thấy bán những món đồ cẩn nhỏ, chủ yếu là đồ thờ giản đơn cho vừa với túi tiền của người vùng này. Tôi còn nhớ như in cảnh rộn ràng của Xóm Cẩn mỗi sáng sớm. Các cô thợ mài ốc đến nhà ông thợ cẩn lời vui như buổi bình minh mới lên, các ông lái đồ cẩn quảy gánh ra đi đầu óc nhẩm tính lời lỗ, các ông thợ cẩn già trẻ phì phèo hút thuốc và bắt đầu cẩn những mảnh ốc đầu tiên của ngày mới trên món đồ cẩn sẽ thành…

Tại sao người ta yêu đồ cẩn? Tôi có gặp nơi nhà một người bạn ở Quy Nhơn đôi câu liễn cẩn thơ và bút tích của Cao Bá Quát (xem ảnh):

"Thập tải luân giao cầu cổ kiếm,

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa"

Tạm dịch:

Mười năm giao lưu tìm gươm cổ

Một đời chỉ bái phục hoa mai.

Ai hoài cổ mà có cuộc sống phong lưu, dư dật đồng tiền thì ưa chuộng, yêu quý đồ cổ nói chung, đồ cẩn xa cừ nói riêng. Mỗi món đồ cẩn trong gia đình có ý nghĩa của một kỷ vật cha ông để lại cho cháu con; và hoa văn chữ nghĩa trên đồ cẩn có giá trị giáo dục tâm hồn, nhân cách và thẩm mỹ; nuôi dưỡng ước mơ, niềm kỳ vọng cho con người, hướng con người về phía Chân-Thiện-Mỹ của cuộc đời này.

Kinh tế ngày nay đang phát triển, sự phú quý vẫn đi kèm với lễ nghĩa. Tôi đã thấy có những "đại gia" mua những tấm hoành, đôi liễn cẩn có niên hiệu với giá hàng chục triệu đồng. Đọc nội dung, có tấm mừng thi đỗ, có tấm mừng thăng phẩm hàm quan chức, mừng tân gia… Mỗi tấm đều có nguồn gốc, xuất xứ cụ thể, gắn liền với chủ nhân của nó, thậm chí với một danh gia vọng tộc; có tấm hợp với chủ nhân thời nay, có tấm không hợp với chủ nhân thời nay. Những hoành liễn cẩn không niên hiệu giá mềm mại hơn, chắc đó là những đồ cẩn mới làm ngày nay. Ở quê tôi, một số gia đình làm nghề cẩn truyền thống đã nghỉ nghề mấy chục năm, nay quay lại làm nghề, con cháu kế nghiệp ông cha. Đó là một dấu hiệu đáng mừng của sự khôi phục lại nghề cẩn vùng này. Hiện có tiếng là cơ sở cẩn xa cừ của ông Trần Văn Hùng ở thôn Cẩm Văn, xã Nhơn Hưng (An Nhơn), thu nhập bình quân từ 150 triệu - 200 triệu đồng/ năm và ông đã trả lương cho vài chục thợ với mức 900 ngàn - 1 triệu đồng/ người/ tháng.

. Huỳnh Kim Bửu

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (20/06/2005)
Tản mạn về lao động thơ  (20/06/2005)
5 khuôn dấu thời Nguyễn thế kỷ XIX vừa sưu tầm được  (20/06/2005)
Nhàn du trên rặng núi Bà  (20/06/2005)
Ngàn năm mây trắng...  (20/06/2005)
Yang Danh với hành trình tìm về bản sắc văn hóa dân gian của người Bơhnar Kriêm  (20/06/2005)
Shuttler: Phong cách làm báo của thế hệ 8X  (20/06/2005)
Mỹ Dung và những ý tưởng quảng cáo  (20/06/2005)
Xu hướng thời trang hè 2005 là sự dịu dàng, nữ tính  (20/06/2005)
Bí mật dưới gốc cây gòn và vụ cưỡng đoạt tài sản  (20/06/2005)
Vì một tương lai của bóng đá nước nhà  (20/06/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (20/06/2005)
Cuộc đời như ngọn lửa đầu tiên  (27/05/2005)
Bác Hồ - Người không có tuổi  (27/05/2005)
Những di tích về Bác Hồ trên quê hương Bình Định  (27/05/2005)