An Nhơn: Tạo bước đột phá từ công nghiệp
12:46', 20/6/ 2005 (GMT+7)

Từ một địa phương kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, chỉ sau 5 năm, An Nhơn đã bứt phá, đưa giá trị sản xuất công nghiệp - thương mại - dịch vụ (CN-TM-DV) trên địa bàn huyện lên 43,7% trong cơ cấu kinh tế, tăng 18,2% so với năm 2000. Thành tích này là hệ quả của một cơ chế thông thoáng, với nhiều chính sách ưu đãi và những giải pháp hợp lý mà huyện đã áp dụng trong thời gian qua để thu hút nguồn lực đầu tư cả trong lẫn ngoài địa phương.

* Nhiều cơ sở sản xuất CN ra đời

   Một góc CCN Gò Đá Trắng.

Trước năm 2000, số lượng cơ sở sản xuất CN ở An Nhơn còn rất ít, và chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ. Ngay cả ở thị trấn Bình Định, trung tâm kinh tế của huyện, và là một thị trấn có bề dày về lịch sử hình thành, cũng chỉ có vài ba chục cơ sở. Mãi đến năm 2000, giá trị sản xuất CN của huyện mới chỉ đạt 69 tỉ đồng/năm. Đứng trước sự phát triển chậm chạp đó, và trước yêu cầu CN hóa, hiện đại hóa, huyện An Nhơn đã tìm mọi cách để tạo bước đột phá cho ngành CN huyện nhà. Tuy nhiên, để làm được điều này là cả một vấn đề, bởi phần lớn những hộ sản xuất CN-TTCN ở đây lâu nay vốn quen với phương thức sản xuất nhỏ, "ăn chắc, mặc bền", chẳng mấy ai dám mạnh dạn đầu tư, khuếch trương quy mô sản xuất. Hơn nữa, nhiều cơ sở sản xuất ở đây cũng đang thiếu mặt bằng để mở rộng hoạt động sản xuất của mình.

Nắm bắt được những cản ngại này, huyện An Nhơn đã tiến hành quy hoạch nhiều cụm công nghiệp (CCN) và tạo mọi điều kiện thuận lợi để vận động nội lực, huy động ngoại lực đầu tư vào phát triển CN. Từ năm 2000 đến nay, huyện đã dành gần 80 tỉ đồng cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển CN và đã mang lại hiệu quả tích cực. Thành công lớn nhất là việc quy hoạch và xây dựng CCN Gò Đá Trắng (thị trấn Đập Đá). Với cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, hiện nay CCN Gò Đá Trắng đã có 51 đơn vị vào đầu tư, trong đó 47 đơn vị đã đi vào sản xuất ổn định, giá trị sản xuất CN đạt hơn 50 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.500 lao động. Dọc theo quốc lộ 19 thuộc địa bàn xã Nhơn Hòa cũng đã có 29 nhà máy, xí nghiệp được xây dựng với đủ các ngành nghề: chế biến lâm sản, nông sản, khai thác đá…, giải quyết việc làm cho 2.000 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định. Ngoài ra, CCN Nhơn Phong với diện tích 11,5 ha hiện cũng đã có 3 cơ sở đầu tư vào sản xuất, với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5 tỉ đồng/năm…

Không chỉ ở Đập Đá, Nhơn Hòa, Nhơn Phong mà nhiều địa phương khác trong huyện hoạt động sản xuất CN-TTCN cũng không ngừng phát triển. Đến nay, toàn huyện có gần 4.000 cơ sở sản xuất CN-TTCN, tăng 1.500 cơ sở so với năm 2000. Giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện liên tục tăng trưởng và phát triển: năm 2000 đạt 69 tỉ đồng, năm 2001 đạt 85 tỉ đồng, năm 2002 đạt 99 tỉ đồng, năm 2003 đạt 117 tỉ đồng và năm 2004 hơn 146 tỉ đồng. Ngoài ra, khi sản xuất CN phát triển, đã kéo nhiều hoạt động TM-DV phát triển theo.

* Ly nông bất ly hương

Mục tiêu của An Nhơn trong việc xây dựng các CCN, ngoài mục đích phát triển kinh tế, còn thu hút đầu tư để giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần giảm nhẹ gánh nặng thất nghiệp khiến người dân phải lưu tán kiếm việc làm nơi xa. Sự phát triển của các cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã giải quyết được vấn đề này.

Một góc phân xưởng đúc kim loại của Công ty TNHH Đúc Minh Đạt ở xã Nhơn Hòa.

Qua khảo sát của chúng tôi tại những địa phương có các CCN đi vào hoạt động, việc giải quyết lao động dư thừa ở đây khá hiệu quả. Chẳng hạn ở xã Nhơn Hòa, khi các xí nghiệp, công ty đóng trên địa bàn xã phát triển, thu hút nhiều lao động thì tình trạng ly hương kiếm việc làm nơi khác đã giảm đáng kể. Từ năm 2000 đến nay, Nhơn Hòa có gần 2.000 nông dân "thoát xác", trở thành công nhân trong các cơ sở CN-TTCN đóng trên địa bàn xã. Điều đáng nói hơn, hiện nay những con số này không hề đóng băng mà còn chuyển dịch theo chiều hướng tích cực.

Với nét mặt rất vui khi đứng nhìn những nhà máy đóng trên địa bàn xã đang hoàn thành và sắp đi vào hoạt động, ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa, nói: "Khi thấy có nhiều cơ sở sản xuất CN-TTCN đầu tư xây dựng tại địa phương, chúng tôi rất mừng. Chúng tôi hy vọng khi các đơn vị này đi vào hoạt động sẽ giải quyết được nguồn lao động nhàn rỗi của địa phương và những vùng phụ cận". Không chỉ Nhơn Hòa, các địa phương khác có CN-TTCN phát triển cũng đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết lao động nông nhàn.

Theo số liệu thống kê, hiện nay các cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện An Nhơn đã thu hút và giải quyết việc làm cho gần 12.000 lao động, tăng 41% so với năm 2000. Nhờ đó, lao động thất nghiệp trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể và tình trạng ly hương kiếm việc làm nơi khác cũng bớt hẳn.

Tuy nhiên, hiện nay ở An Nhơn vẫn còn tình trạng nông dân bỏ quê đi kiếm việc làm nơi xa, chủ yếu là ở các địa phương trong huyện mà CN-TTCN chưa phát triển. Bởi vậy, trong hoài vọng của người dân ở những nơi này, sự xuất hiện các CCN là niềm vui lớn đối với họ. Để đáp ứng nhu cầu này, An Nhơn đã xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2010, trong đó chú trọng nhiều đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển CN-TTCN ở những vùng nông thôn còn nhiều lao động nông nhàn.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2010, An Nhơn phấn đấu đưa ngành CN-TM-DV đạt tỉ trọng hơn 60% cơ cấu GDP. Để đạt được kết quả đó, huyện đã tiến hành quy hoạch thêm các CCN, điểm sản xuất CN ở các địa phương như: CCN thị trấn Bình Định, CCN chế biến nước mắm ở Bằng Châu (Đập Đá), CCN Thanh Liêm (Nhơn An), CCN Nhơn Phong, CCN Nhơn Lộc… Dự kiến đến năm 2010 trên địa bàn huyện sẽ có 9 CCN, với diện tích khoảng 150 ha, thu hút khoảng 9.000 lao động.

Hy vọng, trong thời gian đến, với sự phát triển ngành CN-TTCN, nhiều cơ hội việc làm nữa sẽ được mở ra cho người lao động ở An Nhơn và tình trạng người dân ở đây ly hương kiếm việc làm nơi đất khách sẽ không còn. Khi đó, một bộ phận hộ nông dân sản xuất nông nghiệp có diện tích đất canh tác ít, sẽ có thêm nhiều điều kiện để kiếm việc làm trong các nhà máy, xí nghiệp, và hoạt động thương mại, dịch vụ của địa phương cũng sẽ phát triển hơn.

. Ngọc Thái

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nổi trôi đồ cẩn xa cừ  (20/06/2005)
Thơ  (20/06/2005)
Tản mạn về lao động thơ  (20/06/2005)
5 khuôn dấu thời Nguyễn thế kỷ XIX vừa sưu tầm được  (20/06/2005)
Nhàn du trên rặng núi Bà  (20/06/2005)
Ngàn năm mây trắng...  (20/06/2005)
Yang Danh với hành trình tìm về bản sắc văn hóa dân gian của người Bơhnar Kriêm  (20/06/2005)
Shuttler: Phong cách làm báo của thế hệ 8X  (20/06/2005)
Mỹ Dung và những ý tưởng quảng cáo  (20/06/2005)
Xu hướng thời trang hè 2005 là sự dịu dàng, nữ tính  (20/06/2005)
Bí mật dưới gốc cây gòn và vụ cưỡng đoạt tài sản  (20/06/2005)
Vì một tương lai của bóng đá nước nhà  (20/06/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (20/06/2005)
Cuộc đời như ngọn lửa đầu tiên  (27/05/2005)
Bác Hồ - Người không có tuổi  (27/05/2005)