Ngày 14-6 một tin vui đã làm nức lòng cán bộ và nhân dân Bình Định: Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định chính thức thành lập Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội. Sự hình thành KKT này không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển của Bình Định mà còn là động lực phát triển của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
* Lợi thế của Nhơn Hội
|
Mô hình KCN trong KKT Nhơn Hội. |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà, Chính phủ đã đánh giá cao nhiều mặt lợi thế của KKT Nhơn Hội so với các KKT khác. Đó là các lợi thế: Nhơn Hội không có các di tích lịch sử, văn hóa; không có công trình về an ninh - quốc phòng, dân cư lại thưa thớt nên khi tiến hành xây dựng KKT, vấn đề đền bù giải tỏa, tái định cư sẽ không phức tạp. Các dịch vụ như: điện, nước, bưu chính viễn thông, ngân hàng, khách sạn… chỉ cách Nhơn Hội có 3 km (ở TP. Quy Nhơn), rất thuận lợi cho các nhà đầu tư. Nhơn Hội lại gắn liền với cảng Quy Nhơn - một trong những cảng lớn của quốc gia, với ưu thế kín gió, luồng tàu vào khá rộng, sâu, đang hoạt động có hiệu quả. Nhơn Hội có một "hậu phương" lớn là các tỉnh Tây Nguyên - những tỉnh có nhiều tiềm năng và đang phát triển khá mạnh, nhất là khi Chính phủ đã cho mở 2 cửa khẩu Bờ Y, Đức Cơ và cuối năm nay, khi quốc lộ 18B nối với các tỉnh đông bắc Thái Lan, Campuchia, nam Lào hoàn thành thì sẽ mở ra triển vọng rất lớn. Nhơn Hội có ưu thế về đầu tư phát triển du lịch, với tuyến Phương Mai - Núi Bà đã được Tổng cục Du lịch bổ sung vào tuyến du lịch trọng điểm của quốc gia. Khi hình thành, KKT Nhơn Hội sẽ tạo ra sự liên kết dọc với các KKT Chân Mây, Chu Lai, Dung Quất… và liên kết ngang với các tỉnh Tây Nguyên cùng các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, qua đó tạo điều kiện cho các tỉnh trong khu vực phát triển.
Với những lợi thế kể trên, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá, mặc dù thành lập sau nhưng KKT Nhơn Hội có khả năng sẽ phát triển nhanh hơn một số KKT khác. Thủ tướng cũng khẳng định sự cần thiết phải xây dựng KKT này để làm động lực và tạo điều kiện phát triển cho Bình Định và các tỉnh lân cận.
Theo quy hoạch, KKT Nhơn Hội có diện tích khoảng 12.000 ha nằm độc lập với đất liền, gồm các hạng mục: Khu công nghiệp tập trung khoảng 1.000 ha với các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp vật liệu xây dựng, cơ khí đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, hóa dầu, điện tử và vật liệu điện, công nghiệp dệt, da, may mặc xuất khẩu, xây dựng tổng kho trung chuyển; Khu đô thị mới Nhơn Hội với diện tích khoảng 750 ha, dự kiến quy mô dân số vào năm 2010 khoảng 80.000 dân, được xây dựng theo hướng đô thị hiện đại hướng biển; Khu cảng nước sâu và các công trình dịch vụ cảng khoảng 450 ha; Khu du lịch Nhơn Hội khoảng 500 ha; Khu thuế quan và phi thuế quan cùng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ KKT.
* Những bước đón đầu
Để đánh thức bán đảo Phương Mai rộng lớn (nơi sẽ hình thành nên KKT Nhơn Hội), sau rất nhiều trăn trở và thai nghén, tỉnh Bình Định đã quyết tâm xây dựng một tuyến cầu đường vượt qua đầm Thị Nại. Cuối năm 2002, tuyến cầu đường này đã được khởi công xây dựng và hiện nay công trình đang gấp rút thi công để có thể hoàn thành theo đúng tiến độ (tháng 2-2006).
Cùng với việc xây dựng tuyến cầu đường vượt đầm Thị Nại, tỉnh Bình Định cũng khởi động nhiều chương trình khác, như ký kết hợp tác với nhiều địa phương trong và ngoài nước, kêu gọi đầu tư... để "đón đầu" KKT của tương lai gần này.
|
Bản đồ quy hoạch tổng thể KKT Nhơn Hội. |
Đặc biệt, theo Chủ tịch Vũ Hoàng Hà, tỉnh đã vận dụng tất cả những chính sách tốt nhất của các KKT Chân Mây, Chu Lai, Dung Quất, Lao Bảo… và những chính sách ưu đãi đã áp dụng trong các KCN ở Bình Định để phát triển thành cơ chế, chính sách cho KKT Nhơn Hội. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đồng ý cho Bình Định được vay tín dụng ưu đãi, được phát hành công trái và được sử dụng vốn ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng cho KKT Nhơn Hội.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cho các ngành chức năng phải nhanh chóng nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh về quy hoạch chi tiết KKT Nhơn Hội; xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài, hình thành bộ máy quản lý, cụ thể hóa các chính sách áp dụng cho KKT Nhơn Hội…
* Hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Trước đó, trong Phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng các KKT: Chu Lai, Dung Quất, Chân Mây và Nhơn Hội để sau năm 2010, các KKT này từng bước trở thành những hạt nhân, trung tâm phát triển của vùng nhằm phát huy tiềm năng, vị trí địa lý và các lợi thế so sánh của vùng, từng bước phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thành một trong những vùng phát triển năng động của cả nước, bảo đảm vai trò hạt nhân tăng trưởng và thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Như vậy, Nhơn Hội nói riêng và Bình Định nói chung đã trở thành một mắt xích và là một động lực không thể thiếu trong hành trình phát triển của miền Trung - Tây Nguyên. Đó vừa là niềm tự hào vừa là trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân Bình Định. Chủ tịch Vũ Hoàng Hà khẳng định: "Với sự đoàn kết, nhất trí, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và tinh thần quyết tâm cao, nhất định KKT Nhơn Hội sẽ sớm hình thành và phát triển nhanh chóng."
. Thúc Giáp |