Buồn vui chuyện làm báo!
12:56', 20/6/ 2005 (GMT+7)

Trong suy nghĩ của nhiều người: đi được nhiều nơi, gặp gỡ được nhiều người, biết được nhiều chuyện, trong cuộc sống có sự kiện gì cũng được biết trước thiên hạ… làm báo thích thật! Thế nhưng, chẳng mấy ai biết phía sau nghề làm báo có không ít chuyện cười như mếu!

* Được một vị lãnh đạo xã "khuyên" không nên viết về những tồn tại!?

Săn ảnh. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Tôi đang làm cho tờ báo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, thường trú tại Bình Định. Vào đầu năm nay, nông dân Nguyễn Đình T. ở xã P.H. tìm đến gởi đơn khiếu nại về những khuất tất trong việc: diện tích trong biên bản trúng đấu giá đất xây dựng nhà ở một đằng, diện tích trong quyết định cấp đất một nẻo! Từ 170 mét vuông xuống chỉ còn 154 mét vuông trong khi anh đã nộp đủ số tiền là 27.600.000đ/170 mét vuông. Không thể chỉ tin vào đơn thư, tôi về làm việc với ngành chức năng của địa phương để rõ ngọn ngành. Rất may cho tôi là chị Chủ tịch UBND xã đã tạo điều kiện thuận lợi bằng cách cho anh phụ trách địa chính xã và mời cả ông thôn trưởng để cùng tôi đo đạc lại khoảnh đất của anh T. nói trên.

Sự thật còn hơn như trong đơn khiếu kiện đã nêu, khoảnh đất của anh T. được nhận cuối cùng chỉ còn có 150 mét vuông. Vì đo đạc dích dắt nên quá trưa mà chúng tôi vẫn ráng cho xong việc trong buổi sáng. Đang hì hục đo đạc bỗng dưng có một người đàn ông oai vệ dừng lại nơi chúng tôi đang làm, ông quát tháo dữ dội anh cán bộ địa chính xã và ông thôn trưởng: "Ai cho các anh làm việc này!" và ông buộc dừng việc đo đạc lại ngay, mặc kệ lời trình bày của tôi. Sau đó tôi được cho biết đó là ông Bí thư Đảng ủy xã. Qua hôm sau, tôi đến cơ quan gặp trực tiếp ông Bí thư, ông lại mặc kệ Giấy giới thiệu làm việc của cơ quan báo chí và "kiểm điểm" vì sao khi đến làm việc tôi không thông qua ông (trong khi tôi đã đăng ký làm việc và được sự giúp đỡ nhiệt tình của Chủ tịch UBND xã). Ông Bí thư còn nói thêm: "Anh về viết nêu những mặt tốt của địa phương thì tôi không nói, đằng này anh lại về để viết nêu mặt tồn tại. Chuyện của địa phương, địa phương sẽ có cách giải quyết ổn thỏa, anh có biết là khi anh đưa việc đó ra công luận thì sẽ làm ảnh hưởng đến địa phương như thế nào không (?!)". Trời ạ! Chả lẽ báo chí chỉ "nên" viết biểu dương!

* Được địa phương "mời" làm việc về một bài báo!

Quê tôi có một cây đa cổ thụ có niên đại đến hơn 500 tuổi (theo các bậc cao niên cho biết). Cây đa này đã làm say lòng không biết bao nhiêu khách phương xa có dịp về thăm quê tôi, nhất là giới văn nhân. Đứng sát cạnh cây đa là một lò nung gạch tỏa hơi nóng hừng hực suốt ngày đêm. Dù có to đến mấy thì sau nhiều năm hứng chịu sức nóng của cái lò nung gạch, cây đa đã bắt đầu có dấu hiệu "tử vong", một nhánh to bằng thân người đã bị ruỗng mục. Thấy vậy, một số dân địa phương có ý xin phép địa phương cho đốn cây đa để…làm củi (!).

Trước việc ấy, tôi đã viết một bài báo nói lên cái giá trị tinh thần của cây đa ấy và kiến nghị giải tỏa lò gạch để gìn giữ sự sống cho nó và kiến nghị cho xây dựng dưới cây đa nầy một công trình gì đó để phục vụ cho các cháu thiếu nhi. Là vừa để gìn giữ một nét đẹp truyền thống mà hiếm địa phương nào có được, vừa tận dụng được bóng mát tỏa rộng của cây đa này. Điều rất vui là sau khi bài báo được đăng trên Tạp chí Văn Hóa của Sở VH&TT tỉnh thì địa phương đã cho giải tỏa lò nung gạch và sau đó lại cho xây ngay trên nền lò gạch một ngôi trường mẫu giáo. Bài báo ấy được tôi viết cách đây khoảng 15 năm.

Bỗng dưng một hôm tôi được địa phương mời đến để "làm việc" về "những chi tiết bất lợi" trong bài báo ấy. Hóa ra chuyện như thế này: ngành Giáo dục của một tỉnh bạn đã lấy lại bài báo ấy đăng vào Tạp chí chuyên ngành số ra đầu năm 2005 để làm tư liệu phục vụ giảng dạy. Cái lò nung gạch trong bài báo đã làm cho chính quyền địa phương thấy khó chịu khi nó đã không còn. Mà trời ạ! Bài báo ấy được Tạp chí này đăng rành rành là "Tư liệu phục vụ giảng dạy!".

* Hiếm, nhưng vẫn có niềm vui!

Vào tháng 11-1998, trưa ấy trên đường công tác từ xã Cát Thắng (Phù Cát) về ngang xã Cát Nhơn thì chiếc xe honda "cà tàng" của tôi bị đứt xích. Bụng đã đói mà phải dắt con "ngựa sắt" đi giữa trưa nắng trên con đường đất gập ghềnh quả là một cực hình. Đang lầm lũi đi thì tôi nghe có tiếng hỏi: "Sao dzẫy, sao mà phải dắt dzẫy!". Nhìn sang bên trái đường, tôi nhìn thấy một anh nông dân mình mẩy dính đầy dầu nhớt đang ngồi với một đống dây xích xe honda và cờ lê mỏ lếch. Tôi hy vọng: "Dạ, xe em bị đứt xích!". Anh ấy lại bảo: "Dắt vào đây, tui chữa bệnh cho!". Sau khi nhìn qua sợi xích xe của tôi, anh cười: "Dùng nó mấy chục năm rồi dzậy?". Tôi cười. Anh chọn trong số rất nhiều những sợi xích honda đang nằm trước mặt anh một sợi "tươm" nhất thay cho tôi.

Trong lúc anh làm, tôi hỏi thăm anh đang làm gì với những sợi xích xe ấy. Anh hồ hởi: "Tôi đang nghiên cứu cải tiến chiếc máy gặt. Tốn nhiều tiền mua nó mà sử dụng chẳng mấy hiệu quả. Cắt ruộng lún, cắt lúa ngã, lúa nhiều nhau không được. Với những sợi xích này tôi đã khắc phục được những nhược điểm ấy của nó". Tò mò, tôi xin anh cho nhìn mặt chiếc máy cắt tay đã được cải tiến. Và không bỏ lỡ cơ hội, tôi hỏi thăm cụ thể và về viết bài giới thiệu việc cải tiến thành công máy cắt tay của anh Nguyễn Kim Chính (thôn Đại Ân - xã Cát Nhơn). Sau đó một thời gian, khi đọc được thông tin này trên báo, hãng sản xuất máy cắt hiệu FUTU đã cử nhiều kỹ sư lặn lội từ miền Bắc tìm đến tận nhà anh Chính để "mục sở thị" chiếc máy cắt cải tiến của anh. Lần ấy anh đã đến nhờ tôi tiếp xúc trò chuyện với những anh kỹ sư ấy. Anh rất vui khi được các kỹ sư của chính hãng đánh giá cao công trình cải tiến của mình. Tôi cũng vui. Một thời gian sau nữa, anh chính lại tìm đến nhà tôi để "khoe" là sau khi đọc bài báo của tôi, rất nhiều nông dân ở tỉnh Ninh Thuận liên lạc mời anh vào tận trong ấy để cải tiến máy cắt cho họ. Còn những "hợp đồng cải tiến máy cắt" trong tỉnh của anh thì "vô số kể". Tôi lại vui thêm. Càng vui hơn khi tại Chợ Công nghệ - Thiết bị và giới thiệu thương hiệu tiêu biểu được tổ chức tại TP. Quy Nhơn vào tháng 4-2005 (gọi tắt là Techmart Quy Nhơn-2005), chiếc máy cắt cải tiến của anh Chính được người tiêu dùng đánh giá "tuyệt vời trên cả máy cắt ngoại nhập". Trong Techmart, nhìn anh đứng bên chiếc máy cắt ngày càng được cải tiến hoàn hảo, tôi rất vui vì chính mình là người phát hiện đầu tiên việc cải tiến máy cắt của anh.

Người làm báo luôn biết ngày mai mình sẽ làm gì, nhưng không thể biết sẽ gặp chuyện vui hay buồn. Nhưng dù là niềm vui hay nỗi buồn, đó cũng là sự hấp dẫn của nghề!

. Vũ Đình Thung

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhơn Hội: Động lực mới của miền Trung  (20/06/2005)
An Nhơn: Tạo bước đột phá từ công nghiệp  (20/06/2005)
Nổi trôi đồ cẩn xa cừ  (20/06/2005)
Thơ  (20/06/2005)
Tản mạn về lao động thơ  (20/06/2005)
5 khuôn dấu thời Nguyễn thế kỷ XIX vừa sưu tầm được  (20/06/2005)
Nhàn du trên rặng núi Bà  (20/06/2005)
Ngàn năm mây trắng...  (20/06/2005)
Yang Danh với hành trình tìm về bản sắc văn hóa dân gian của người Bơhnar Kriêm  (20/06/2005)
Shuttler: Phong cách làm báo của thế hệ 8X  (20/06/2005)
Mỹ Dung và những ý tưởng quảng cáo  (20/06/2005)
Xu hướng thời trang hè 2005 là sự dịu dàng, nữ tính  (20/06/2005)
Bí mật dưới gốc cây gòn và vụ cưỡng đoạt tài sản  (20/06/2005)
Vì một tương lai của bóng đá nước nhà  (20/06/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (20/06/2005)