Một trong những nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam được đề cập trong bản Dự thảo Báo cáo của Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam chuẩn bị trình Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ VIII, là xây dựng đội ngũ các nhà báo Việt Nam của thời kỳ mới không những có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực nghiệp vụ tinh thông, mà còn có đạo đức trong sáng, lành mạnh. Nhiều văn bản khác của Đảng và Nhà nước cũng yêu cầu các nhà báo phải có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp. Đại hội lần thứ IV của Hội Nhà báo Việt Nam đã nêu các tiêu chuẩn về bản lĩnh của nhà báo, đó là người vững vàng và nhạy cảm về chính trị, tuyệt đối trung thành và kiên định với đường lối cách mạng mà Đảng và Bác Hồ vạch ra; dũng cảm trong cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới; nhiệt liệt ủng hộ những điển hình tốt; đồng thời kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực cản trở công cuộc đổi mới đất nước; thành thạo nghiệp vụ; có đạo đức nghề nghiệp trong sáng; không vụ lợi, không dùng uy tín để trục lợi.
|
Các nhà báo Chi hội Báo Bình Định nhận giải thưởng báo chí năm 2004. Ảnh: Cát Hùng |
Từ cách đặt vấn đề trên, cho thấy nhiệm vụ xây dựng bản lĩnh nhà báo luôn được các Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm. Đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, trong cơ chế thị trường, các nhà báo luôn phải đối mặt với những thử thách nghiệt ngã, trước những cạm bẫy vật chất và tiêu cực xã hội, muốn giữ mình trong vòng xoáy khốc liệt đó, nhà báo cần có bản lĩnh.
Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều nhà báo vì thiếu bản lĩnh, thiếu tu dưỡng, rèn luyện đã gục ngã trước sự cám dỗ của đồng tiền và những tiêu cực của xã hội. Tất nhiên, họ phải trả giá cho hành vi sai lầm của mình, nhưng đó mãi mãi là bài học luôn nhắc nhở các nhà báo ngày nay trong hoạt động nghề nghiệp.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước, hình ảnh các nhà báo xông xáo khắp nơi, bất chấp gian khó, nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ đưa tin nhanh chóng, trung thực, được xã hội tôn vinh và ghi nhận. Trên khắp thế giới này, các nhà báo luôn luôn đối mặt với bao nguy hiểm vì nhiệm vụ vinh quang của nghề báo, nhiều người đã ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ. Họ thực sự là những nhà báo không những có bản lĩnh mà còn có dũng khí của người chiến sĩ.
Trong thời kỳ mới của nền kinh tế thị trường, bản lĩnh nhà báo thường được hiểu là tinh thần dũng cảm, dám xông xáo trong thực tiễn để phát hiện cái mới, đưa những thông tin đích thực về những nhân tố mới có xu thế tích cực, có thể còn chưa hợp với những quan niệm cũ kỹ, nhằm giúp Đảng và Nhà nước kịp thời điều chỉnh những chính sách không còn phù hợp. Trong thời kỳ bùng nổ thông tin, đặc biệt là với sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet, thông tin không còn biên giới quốc gia, không thể kiểm soát hết, làm cho mọi hiện tượng xấu - tốt, thật - giả rất khó phân biệt. Nhà báo vì vậy cần có bản lĩnh cao. Tất nhiên không phải chỉ nhà báo mới cần có bản lĩnh, nhưng vì đặc thù nghề nghiệp, nhà báo đòi hỏi phải tự rèn luyện, xây dựng cho mình một nhãn quan chính trị vững vàng, một vốn sống, vốn kiến thức toàn diện, một tinh thần trách nhiệm cao trước xã hội, để từ đó có những bài viết mang hơi thở cuộc sống và đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bản lĩnh nhà báo là sự kết hợp hài hòa giữa phẩm chất trí tuệ và phẩm chất tư cách đạo đức nghề nghiệp. Trí tuệ sẽ đảm bảo cho nhà báo nhận thức rõ vị trí, trách nhiệm của mình trong xã hội, xác định được lập trường chính trị đúng đắn cùng thái độ trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, không bị lung lạc trước cám dỗ đời thường; đảm bảo cho nhà báo đủ năng lực nghiên cứu và khám phá, thẩm định những vấn đề phức tạp của đời sống xã hội, phản ánh và hướng dẫn dư luận một cách đúng đắn. Còn phẩm chất tư cách đạo đức chính là sự thể hiện cụ thể của lòng dũng cảm, sự trung thực, có cái tâm trong sáng, có động cơ nghề nghiệp đúng đắn, không vụ lợi. Đây chính là nội lực giúp các nhà báo vượt qua những khó khăn của bản thân, của gia đình và xã hội để làm tốt công việc của mình, vươn lên ngang tầm cách thức hoạt động báo chí hiện đại của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 18-3-2004 của Ban Bí thư Trung ương về "Tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới" nêu rõ: Hội Nhà báo Việt Nam cần thường xuyên tổ chức cho các nhà báo - hội viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực, chủ động bằng nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, kỹ năng làm báo cho các hội viên, xây dựng đội ngũ những người làm báo Việt Nam ngang tầm đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng. Đây cũng chính là nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện nhằm xây dựng bản lĩnh cho nhà báo mà nhiệm kỳ VIII của Hội Nhà báo Việt Nam sẽ đặc biệt quan tâm. Sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách, chế độ cụ thể, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, quản lý báo chí, của Hội Nhà báo bằng các hoạt động thiết thực và cũng là những nhân tố quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nghề nghiệp, nâng cao bản lĩnh của các nhà báo trong thời kỳ đầy biến động và phức tạp này. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực tự rèn luyện của bản thân nhà báo, sự chăm lo giáo dục của các tổ chức cơ sở như chi bộ Đảng, chi hội nhà báo và lãnh đạo của từng đơn vị báo chí.
. Xuân Phụng |