Báo điện tử: Thế lực mới trong làng truyền thông
13:15', 20/6/ 2005 (GMT+7)

Trong các loại hình báo chí, báo điện tử tuy "sinh sau đẻ muộn" nhưng đang dần trở thành một thế lực mới trong làng truyền thông do ưu điểm vượt trội: Bạn đọc có thể xem bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu miễn là có kết nối Internet. Với Bình Định điện tử cũng vậy, tuy "trình làng" chưa đầy 3 năm nhưng đã trở thành một kênh thông tin quan trọng về Bình Định.

 

1. Có thể nói, báo điện tử càng ngày càng có một vị trí trong đời sống kinh tế - xã hội, không chỉ ở phạm vi trong nước mà ra cả cộng đồng quốc tế. Bây giờ, vào mỗi buổi sáng, hình ảnh các nhân viên văn phòng đến cơ quan, bật máy tính, truy cập vào các trang báo điện tử rồi sau đó mới đi làm việc của mình đã trở nên quen thuộc. Điều đó cho thấy báo điện tử đã có chỗ đứng trong xã hội.

Ban Bình Định điện tử đang tác nghiệp. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Nếu như cách đây vài năm, khi mà loại hình báo điện tử bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, câu hỏi người ta thường gặp là đã có báo in, đài phát thanh, đài truyền hình rồi thì cần gì báo điện tử? Mà quả thật, thời kỳ đầu báo điện tử tiếng Việt chủ yếu đăng lại tin, bài của các báo in. Song giờ đây, mọi chuyện đã thay đổi, báo điện tử đã được chấp nhận không chỉ ở góc độ đối tượng tiếp nhận là khán giả, độc giả mà ngay cả bản thân những người làm báo. Vì thế, ngoài những tờ báo điện tử ban đầu như VnExpress, Vietnamnet, Vnmedia...; các "đại gia" báo in như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Lao Động... đều cũng đã xuất bản thêm trang tin điện tử để có thể tải thêm những thông tin mà báo in, do khuôn khổ có hạn, đã không đăng tải hết được. Tương tự, một số tờ báo Đảng địa phương cũng đi theo xu hướng này, trong đó có báo Bình Định.

2. Qua Internet, báo điện tử được cập nhật từng giờ, từng phút, hiện diện 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần. Báo điện tử tiếp cận với độc giả khắp mọi nơi, dù đó là thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miễn nơi đó có đường dây điện thoại. Và cũng nhờ khả năng lấp khoảng trống không gian, thời gian mà báo điện tử nhanh chóng trở thành một công cụ tuyên truyền đối ngoại hữu hiệu. Báo giấy thì mất hàng tuần mới có thể xuất ngoại, sóng phát thanh, truyền hình đối ngoại thì hữu hạn. Báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của Đảng - đã sớm nhìn nhận được sức mạnh truyền thông của loại hình báo chí mới này, đã sớm lên mạng vào năm 1998, thời điểm báo điện tử mới du nhập vào nước ta. Gần 5 năm sau, báo Bình Định mới xuất hiện trên mạng (từ 1-1-2003) nhưng vẫn là tờ báo điện tử đầu tiên của miền Trung - Tây Nguyên. Sự xuất hiện và hoạt động khá hiệu quả của Bình Định điện tử như một chất men kích thích một loạt báo Đảng khác trong việc xuất bản tờ báo điện tử của địa phương và nhờ đó, thông tin về các địa phương này đã trở nên gần gũi với bạn đọc trong và ngoài nước chỉ sau vài cái nhấp chuột.

Bảng xếp hạng của ALEXA ngày 20-6-2005:

Báo Bình Định: 99.397

Báo Khánh Hòa: 113.260

Báo Đồng Nai: 236.324

Báo Bắc Ninh: 317.086

Báo Nhân Dân: 208.965

 

Một ví dụ sinh động về việc tận dụng khả năng tuyên truyền rộng khắp, mọi lúc của báo điện tử qua mạng Internet chính là website Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho dù dưới sự quản lý của mình là hàng trăm đơn vị báo chí đủ mọi loại hình giấy, nói, hình kể cả điện tử, nhưng việc nhanh chóng hình thành một tờ báo điện tử trực thuộc Ban Bí thư đã cho thấy Đảng ta không chỉ nhận thức mà hành động rất kịp thời, nắm bắt thế mạnh của Internet, phát triển website Đảng Cộng sản thành một phương tiện tuyên truyền hữu hiệu những thành quả của công cuộc đổi mới đất nước trên mọi mặt do Đảng ta lĩnh xướng.

3. Khi báo điện tử được nhắc đến như một thế lực mới trong làng truyền thông, thì đó không phải vì báo điện tử đang là mode thời thượng mà chính bởi sức mạnh thực sự của nó. Sức mạnh đó là gì? Đó là bạn có thể xem bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu miễn là có kết nối Internet. Báo điện tử còn là sự tổng hợp của công nghệ đa phương tiện, nghĩa là nó không chỉ chuyển tải văn bản, hình ảnh như báo giấy, mà cả âm thanh, video như phát thanh, truyền hình. Tất nhiên chất lượng thì chưa thể sánh với sóng âm thanh, hình ảnh truyền hình chuyên nghiệp. Đây cũng là lý do để báo điện tử không thể thay thế các loại hình báo truyền thống, tuy nhiên cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, thì tính năng 3 trong 1 của báo điện tử đang và sẽ tạo dựng một sức mạnh truyền thông mới. Với tốc độ phát triển Internet băng rộng ADSL như hiện nay, thì xu hướng này sẽ ngày một gia tăng.

Với Bình Định điện tử, tuy còn khó khăn nhưng cũng đã cố gắng đưa lên mạng những bài hát về đất nước, con người và những đoạn video về những sự kiện thời sự nổi bật của tỉnh, phần nào giúp bạn đọc ở xa có cái nhìn rõ hơn về Bình Định. Bên cạnh đó, kể từ khi nâng cấp toàn diện về nội dung và hình thức (3-2005), Bình Định điện tử cũng đã tiến hành cập nhật nhiều lần trong ngày để tờ báo luôn tươi mới khi bạn đọc truy cập vào. Nhờ đó, từ trung bình 16.500 lượt bạn đọc truy cập/ngày của năm 2003, đến nay (6-2005), Bình Định điện tử đã có 120.000 lượt bạn đọc truy cập mỗi ngày, cá biệt có ngày lên tới 150.000 lượt.

. B.H

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu của Vietnamnet, VTV)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những bước đi vững chắc ban đầu  (20/06/2005)
Bản lĩnh nhà báo trong cơ chế thị trường  (20/06/2005)
Buồn vui chuyện làm báo!  (20/06/2005)
Nhơn Hội: Động lực mới của miền Trung  (20/06/2005)
An Nhơn: Tạo bước đột phá từ công nghiệp  (20/06/2005)
Nổi trôi đồ cẩn xa cừ  (20/06/2005)
Thơ  (20/06/2005)
Tản mạn về lao động thơ  (20/06/2005)
5 khuôn dấu thời Nguyễn thế kỷ XIX vừa sưu tầm được  (20/06/2005)
Nhàn du trên rặng núi Bà  (20/06/2005)
Ngàn năm mây trắng...  (20/06/2005)
Yang Danh với hành trình tìm về bản sắc văn hóa dân gian của người Bơhnar Kriêm  (20/06/2005)
Shuttler: Phong cách làm báo của thế hệ 8X  (20/06/2005)
Mỹ Dung và những ý tưởng quảng cáo  (20/06/2005)
Xu hướng thời trang hè 2005 là sự dịu dàng, nữ tính  (20/06/2005)