Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam
13:19', 20/6/ 2005 (GMT+7)

Ngày 21-6-1925, cách đây vừa tròn 80 năm, tại Quảng Châu - Trung Quốc, báo Thanh Niên - tờ báo của cơ quan Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (VNTNCMĐCH) - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ra số đầu tiên. Tờ báo do đồng chí Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) sáng lập và trực tiếp chỉ đạo. Kể từ đó, Bác Hồ được tôn vinh là người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Bác Hồ với báo giới Việt Nam.

Ngay từ số báo đầu tiên, Thanh Niên đã ra "Lời hiệu triệu" bằng 4 câu thơ: "Bấy lâu mơ ngủ mãi chưa thôi/Cách mạng ồn ào khắp mọi nơi/Này trống văn minh khua dậy đất/Kìa chuông độc lập gõ vang trời". Đây cũng chính là quan điểm cầm bút, làm báo của nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Bấy giờ, Thanh Niên chủ yếu lưu hành trong các chi bộ VNTNCMĐCH, những người có cảm tình với Hội và được bí mật chuyển đến những cơ sở cách mạng của Việt kiều ở Pháp và Thái Lan. Qua gần 2 năm hoạt động, Thanh Niên xuất bản được 88 số báo và kết thúc "vai trò lịch sử" vào tháng 4-1927.

Song, trước khi sáng lập báo Thanh Niên, ngay từ những năm đầu thập kỷ 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã đến với báo chí, tập viết báo, làm báo và trở thành một nhà báo cách mạng. Người đầu tiên đã tận tình dạy Nguyễn Ái Quốc viết báo là nhà báo Ga-xtông Mông-mút-xô, chủ bút tờ Đời sống công nhân. Nhờ Mông-mút-xô, kỹ năng viết báo của Nguyễn Ái Quốc ngày càng hoàn thiện và được nâng cao. Ngoài tờ Đời sống công nhân, Nguyễn Ái Quốc còn cộng tác với một số tờ báo uy tín khác, như Dân Chúng, Nhân Đạo, Diễn đàn An Nam… Đặc biệt, ngày 19-1-1922, tại Paris (Pháp), Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ Hội Liên hiệp thuộc địa đã quyết định lập ra "Hội hợp tác Người cùng khổ" và ra báo Người cùng khổ (Le Paria). Thế rồi, ngày 1-4-1922, Người cùng khổ chính thức ra mắt bạn đọc với số báo đầu tiên. Tờ báo do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Báo in 3 thứ tiếng: Pháp, Trung Quốc và Ả Rập. Đây là lần đầu tiên nhân dân các nước thuộc địa có một tổ chức và một tiếng nói đấu tranh chung. Ngay trong số đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc và các cộng sự đã tuyên bố: "Báo Người cùng khổ là vũ khí để chiến đấu, sứ mạng của nó đã rõ ràng: giải phóng con người". Nguyễn Ái Quốc chính là "linh hồn" của báo Người cùng khổ. Có những số báo, Nguyễn Ái Quốc viết tới 3-4 bài. Đồng thời, hầu hết các "công đoạn làm báo", như: viết tin, bài, biên tập, trình bày mỹ thuật, minh họa, vẽ tranh châm biếm, viết chữ, đưa bài sang nhà in, sửa bản in, chấm mo-rát... cho đến việc vận chuyển báo từ nhà in về tòa soạn và phát hành báo, Nguyễn Ái Quốc đều đảm nhiệm và trải qua. Đây chính là giai đoạn mà Nguyễn Ái Quốc có điều kiện để rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp làm báo. Những bài viết của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn này tỏ rõ một kiến thức uyên bác, sâu rộng, vốn sống phong phú, khả năng nắm bắt thông tin nhanh nhạy và một lối viết sắc sảo, điêu luyện.

Cùng với cây bút viết, Nguyễn Ái Quốc còn có một vũ khí cực kỳ sắc bén là cây bút vẽ. Bên cạnh việc trình bày chính của Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc còn là tác giả của nhiều tranh minh họa, tranh châm biếm với nét vẽ phóng khoáng, đơn giản nhưng cực kỳ có ý nghĩa, hiệu quả. Điều đó cho thấy Nguyễn Ái Quốc là một nhà báo đa năng, đa tài. Đồng thời, giai đoạn làm báo Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc cũng chứng tỏ khả năng vận động, tập hợp, tổ chức và điều hành hoạt động của một tòa soạn báo. Là người phụ trách tờ báo nhưng Nguyễn Ái Quốc đề ra một lối làm việc tập thể, dân chủ. Ban Biên tập thường tổ chức các cuộc họp, đề ra nội dung từng số báo, đề tài các chuyên mục, phân công người viết và duyệt tập thể các trang báo. Điều đáng nói, ngay ở giai đoạn làm báo Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc đã bước đầu xác lập một phương pháp và quan điểm làm báo với những yêu cầu: viết cái gì, viết cho ai, viết như thế nào và viết để làm gì? Trong những bài báo của mình, nhà báo Nguyễn Ái Quốc thường đưa ra những sự việc cụ thể, so sánh, phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm và tổng kết thành lý luận cách mạng sâu sắc, sáng tạo.

Báo Le Paria (Người cùng khổ) do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm kim chủ bút xuất bản ở Pháp năm 1922.

Những kinh nghiệm mà nhà báo Nguyễn Ái Quốc đúc rút được từ thời kỳ làm báo Người cùng khổ chính là những vốn quý đối với báo Thanh Niên. Khoảng 3 thập kỷ sau đó, tư tưởng báo chí cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh một lần nữa lại được thể hiện rõ. Đó là tại lớp báo chí mang tên nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức vào năm 1949 - lớp viết báo đầu tiên ở Việt Nam - trong thư gửi các học viên, Bác Hồ viết: "Có thể thí dụ rằng: ba tháng nay, các bạn học cửu chương, còn muốn giỏi các phép tính thì còn phải học nữa, phải học mãi. Học ở đâu? Học với ai? Học trong xã hội, học với công tác thực tế, học ở quần chúng". Sau Người cùng khổ Thanh Niên, nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí minh còn là người khởi xướng, chỉ đạo và cộng tác với nhiều tờ báo trong và ngoài nước, như: Việt Nam Hồn, Việt Nam Độc lập, Tuần báo tiếng Pháp, Nhân Dân, Quân đội Nhân dân … Kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mặc dù bận việc nước, Hồ Chủ tịch vẫn thường xuyên quan tâm đến báo chí, từ báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, cho đến Thiếu niên, Nhi đồng. Một lần nói chuyện với những người làm báo quân đội, Hồ Chủ tịch chỉ rõ: "Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, viết ngắn, giản dị, dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác…". Còn đối với tờ Thiếu Sinh, Người căn dặn: "Báo đó là báo của trẻ em, vậy các em cũng nên giúp đỡ cho báo: gửi tin tức, tranh vẽ và viết bài cho báo. Nên đọc cho trẻ em chưa biết chữ nghe. Nên làm cho tờ báo phát triển…".

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 50 năm làm báo, viết báo, nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã viết trên 1.500 bài báo với khoảng hơn 50 bút danh khác nhau. Đồng thời, các nhà nghiên cứu và những nhà báo cách mạng lão thành cũng đã khẳng định: "Người thầy lớn của những người viết báo cách mạng Việt Nam - Bác Hồ, là tấm gương lớn đối với các thế hệ những người làm báo chúng ta. Trong quá trình chỉ đạo các cuộc kháng chiến chống xâm lược và xây dựng đất nước, Người đã viết hàng nghìn bài báo. Những bài báo ấy là một bộ phận tập đại thành về tư tưởng Hồ Chí Minh".

80 năm đã trôi qua. Giờ đây, chúng ta đang sống trong "thời đại bùng nổ thông tin". Cùng với báo chí thế giới, báo chí khu vực, nền báo chí cách mạng Việt Nam cũng đã và đang từng bước phát triển lớn mạnh. Ngày 21-6 chính là dịp để mỗi người làm báo nói chung, và các nhà báo Bình Định nói riêng có dịp ôn lại truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng; học tập tư tưởng về báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, Người thầy vĩ đại của mỗi người làm báo chúng ta.

. Ân Đức

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Báo điện tử: Thế lực mới trong làng truyền thông  (20/06/2005)
Những bước đi vững chắc ban đầu  (20/06/2005)
Bản lĩnh nhà báo trong cơ chế thị trường  (20/06/2005)
Buồn vui chuyện làm báo!  (20/06/2005)
Nhơn Hội: Động lực mới của miền Trung  (20/06/2005)
An Nhơn: Tạo bước đột phá từ công nghiệp  (20/06/2005)
Nổi trôi đồ cẩn xa cừ  (20/06/2005)
Thơ  (20/06/2005)
Tản mạn về lao động thơ  (20/06/2005)
5 khuôn dấu thời Nguyễn thế kỷ XIX vừa sưu tầm được  (20/06/2005)
Nhàn du trên rặng núi Bà  (20/06/2005)
Ngàn năm mây trắng...  (20/06/2005)
Yang Danh với hành trình tìm về bản sắc văn hóa dân gian của người Bơhnar Kriêm  (20/06/2005)
Shuttler: Phong cách làm báo của thế hệ 8X  (20/06/2005)
Mỹ Dung và những ý tưởng quảng cáo  (20/06/2005)