Người tâm thần và những vụ án đau lòng
8:4', 30/7/ 2005 (GMT+7)

Hậu quả từ những vụ án do người bệnh tâm thần gây ra thường rất nghiêm trọng, có vụ rất đau lòng. Ở Bình Định đã từng xảy ra những vụ như thế và có thể sẽ còn phải đối mặt với thực trạng này nếu các cơ quan, các ngành chức năng và gia đình người bệnh không có biện pháp hữu hiệu trong việc phòng ngừa, ngăn chặn…

Nguyễn Văn Thanh (bên phải) đối tượng bệnh tâm thần ở Hòa Vang - Đà Nẵng lang thang vào Quy Nhơn gây án, bị  công an xử lý (ảnh: Vũ Quốc Hùng)

Cuối tháng 6 -2005 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định mở phiên tòa xét xử vụ giết người xảy ra tại thôn Nhơn Sơn thuộc xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân. Thủ phạm là Nguyễn Hữu Phước (SN 1987, ở địa chỉ trên); nạn nhân là bà Nguyễn Thị Miên (SN 1925), bà nội của Phước. Tính tình của Nguyễn Hữu Phước nóng nảy, gàn bướng, bà con có người gọi là Phước "chập". Cha mẹ Phước cũng biết điều đó nhưng không nghĩ rằng tính khí khác người của Phước có lúc lại gây ra hậu quả nghiêm trọng và đau lòng như vậy. Thường ngày, cha mẹ Phước thường so sánh Phước với Đoàn Ngọc Kha (SN 1992) nhà ở bên cạnh: " Mầy lớn rồi mà không bằng thằng Kha, làm cái gì cũng không đến nơi đến chốn"; "Mầy xem thằng Kha kia, nó nhỏ vậy mà đã biết đi kiếm cây, kiếm củi về bán. Bao giờ mầy làm được như nó?"; "…". Những lời dạy không ra dạy, mắng không ra mắng ấy đã làm cho Nguyễn Ngọc Phước bực tức, có lúc y nghĩ là phải làm một cái gì đó mà Kha không làm được để cho cha mẹ y thấy rằng y cũng có cái hơn Kha. Thế rồi một hôm, Nguyễn Ngọc Phước gọi Kha đến nhà mình, bảo: " Mầy dám đánh bà mầy không? Nếu mầy dám đánh thì tao công nhận mầy hơn tao, còn không thì xem tao đây" - Phước một tay cầm cây xà beng dài 76cm, đường kính khoảng 3cm chống xuống đất, tay còn lại chỉ mặt Kha nói. Kha chưa hiểu gì và trong lúc đang ngơ ngác thì Phước chạy về phía bà nội mình là Nguyễn Thị Miên đang ngồi một mình trong nhà bếp vung cây xà beng đánh liên tiếp hai phát vào vai, vào đầu, làm bà Miên ngã ra nền nhà chết tại chỗ. Gây án xong, Nguyễn Hữu Phước đến Công an huyện Hoài Ân tự thú… Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Hữu Phước khai nhận: "Bị cáo luôn bị cha mẹ cho là không bằng thằng Kha nên bị cáo chứng minh cho nó và mọi người biết bị cáo làm được những việc thằng Kha không làm được". Nghe lời khai của Nguyễn Hữu Phước, ai cũng nghĩ y bị điên! Nhưng tổ chức giám định y pháp tâm thần Bình Định kết luận: " Nguyễn Hữu Phước có bệnh rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định, loạn xung động. Bệnh làm giảm khả năng nhận thức và điều khiển hành vi". Như vậy, bị cáo chưa phải là người điên nên không bị bắt buộc chữa bệnh mà phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình với hình phạt 12 năm tù giam…

Huyện Tây Sơn là một trong những địa phương xảy ra nhiều vụ án mà thủ phạm là người mắc bệnh tâm thần, trong đó có những vụ rất thương tâm và cũng có vụ rất buồn cười… Trần Hữu Sơn 45 tuổi, ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường bị bệnh tâm thần đang thời gian điều trị tại nhà, trong lúc lên cơn đã dùng búa đánh vợ là Nguyễn Thị Tuyết 43 tuổi chết tại chỗ. Các cơ quan pháp luật đã thống nhất ra quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với Trần Hữu Sơn. Cũng tại Bình Tường, Nguyễn Thị Mười (SN 1960, ở thôn Hòa Hiệp) bị bệnh tâm thần nhưng không được chữa trị đúng cách. Trong lúc lên cơn, Mười đã dùng rựa chém chết con gái là Nguyễn Thị Thanh Thanh khi cháu đang tuổi bập bẹ gọi "mẹ". Còn Nguyễn Văn Tuyên (SN 1974, ở  thôn Đông Hòa, xã Bình Hòa) mỗi lần lên cơn điên đã lén đi ăn trộm. Tuyên trộm tất cả thứ gì có thể trộm được, từ bình ly, xoong chảo, bóng đèn, trái ớt và cả đồ… hậu sự chỉ dành cho người chết. Mọi người trong thôn thương Tuyên nhưng cũng nơm nớp không biết lúc nào anh ta "ghé" nhà mình…

Người bị bệnh tâm thần ở địa phương nào cũng có. Mới đây, trên đường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn (đoạn trước Điện lực Bình Định), một thanh niên trên dưới 30 tuổi, áo sơ mi bỏ trong quần, tay phải cầm tờ báo Tuổi Trẻ cuộn tròn, tay trái cầm còi…, đứng giữa đường điều khiển giao thông. Các loại xe khi đến đây đều phải chạy chậm lại, thế nhưng cũng không khỏi bị sừng sộ, quát tháo và không ít lái xe còn bị anh ta dùng tờ báo đánh vào mặt. Những vụ việc gây ảnh hưởng đến ANTT do người bệnh tâm thần gây ra hầu như ở địa phương nào cũng có, có vụ đơn giản nhưng cũng không ít vụ nghiêm trọng. Trong đó đau lòng nhất là những vụ giết người, hoặc gây thương tật suốt đời cho các nạn nhân mà thủ phạm chính là người thân hoặc hàng xóm láng giềng của họ…

Trước tình hình phức tạp trên, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra số người bị bệnh tâm thần trên địa bàn tỉnh, qua đó thống kê số người có biểu hiện vi phạm pháp luật để phối hợp cùng chính quyền địa phương, gia đình và các ngành chức năng có biện pháp quản lý, chăm sóc, điều trị nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm của họ. Tuy nhiên, các biện pháp trên chưa nhận được sự quan tâm của chính quyền cơ sở, sự hưởng ứng của gia đình nên đến nay vẫn còn nhiều người bệnh tâm thần lang thang, vẫn còn có kẻ xách dao rượt đuổi hàng xóm. Có lẽ, cần có một cuộc tuyên truyền vận động đến từng địa phương để việc quản lý, chăm sóc, điều trị người bệnh tâm thần được thực hiện tốt hơn và đó là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa có hiệu quả tình trạng người tâm thần gây án hiện đang là nỗi lo của nhiều người. 

. Mai Linh Giang

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (30/07/2005)
Một câu hỏi cho ngày 21-6  (20/06/2005)
Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam  (20/06/2005)
Báo điện tử: Thế lực mới trong làng truyền thông  (20/06/2005)
Những bước đi vững chắc ban đầu  (20/06/2005)
Bản lĩnh nhà báo trong cơ chế thị trường  (20/06/2005)
Buồn vui chuyện làm báo!  (20/06/2005)
Nhơn Hội: Động lực mới của miền Trung  (20/06/2005)
An Nhơn: Tạo bước đột phá từ công nghiệp  (20/06/2005)
Nổi trôi đồ cẩn xa cừ  (20/06/2005)
Thơ  (20/06/2005)
Tản mạn về lao động thơ  (20/06/2005)
5 khuôn dấu thời Nguyễn thế kỷ XIX vừa sưu tầm được  (20/06/2005)
Nhàn du trên rặng núi Bà  (20/06/2005)
Ngàn năm mây trắng...  (20/06/2005)