"Tình yêu đã vực tôi dậy..."
8:10', 30/7/ 2005 (GMT+7)

Đó là lời tâm sự chí tình của anh thương binh hạng 1/4 Lê Thái Hà (44 tuổi) hiện đang ở đường Nguyễn Trọng Trì, thị trấn Bình Định (An Nhơn).

* Cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

    Anh Hà với chiếc xe thùng.

Lê Thái Hà tốt nghiệp cấp 2 (THCS) vào năm 1978. Cuối năm đó, vì gia đình Hà tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới tại khu KTM Trường Thọ (Nhơn Tân-An Nhơn) nên anh đã không còn điều kiện tiếp tục học phổ thông. Thế nhưng, không khuất phục hoàn cảnh, Hà tiếp tục theo học ngành Thủy lợi tại Trường Trung học Thủy lợi Bồng Sơn (Hoài Nhơn). Đến năm 1980 thì Hà tốt nghiệp. Đúng vào năm ấy, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Hà nhận cùng lúc với tấm bằng tốt nghiệp là giấy báo khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Hà trúng tuyển. Với suy nghĩ "góp phần bảo vệ đất nước cũng là đang xây dựng đất nước vậy!", Hà lên đường tòng quân. Sau 3 tháng được huấn luyện tại Trại huấn luyện An Sơn (An Nhơn), Hà được điều đi tham gia chiến trường K. Đơn vị chính thức thu nhận anh tân binh Lê Thái Hà là Sư đoàn 315. Cuối năm 1981, đơn vị của Hà tham gia chiến dịch khu C Hạ Lào. Sau một năm khói lửa chiến trường, vào cuối mùa chiến dịch (đầu năm 1982), trong một buổi sáng đi tuần bám địch, trên đường về đến Rờ Bâu (vùng giáp ranh giữa Lào - Campuchia), anh lính trẻ Lê Thái Hà đã dậm phải một quả mìn do địch cài. Anh Hà được đơn vị chuyển về Phẫu Quân khu tiền phương, bỏ lại chiến trường khu C Hạ Lào đôi chân, mang theo một cánh tay trái bị liệt và một con mắt trái không còn nhìn thấy ánh sáng. Từ Phẫu tiền phương, Hà được chuyển về Bệnh viện 21 tiền phương để rồi được đưa về Bệnh viện C Đà Nẵng. Sau một năm điều trị, Hà được đưa về an dưỡng tại Đoàn 979 ở Quy Nhơn. Đến tháng 7-1983, với thương tật nặng, Hà lại được chuyển về tại Trại Điều dưỡng thương binh hạng nặng tỉnh Nghĩa Bình (nay là Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Bình Định). Lúc ấy Hà chỉ mới vừa 22 tuổi!

* Giã biệt tuổi thanh xuân !

22 tuổi, cái tuổi của những ước mơ đang chín muồi. Thế nhưng, với một thân thể không còn toàn vẹn, chàng thanh niên Lê Thái Hà mặc dù không tiếc nuối những ngày đã qua nhưng quá xót xa cho những ngày dài trước mắt của quãng đời còn lại. Những vết thương của chiến tranh để lại trên người Hà đã được chữa lành, nhưng trong lòng chàng trai trẻ này lại tấy lên một vết thương vô hình khác. Trong thời gian ấy, đi đâu, nghĩ gì, làm gì Hà cũng thấy sự chán nản bủa vây. Cuộc sống hằng ngày đã có Trại điều dưỡng chu tất, khoản tiền chế độ được nhận hàng tháng Hà tiêu tất vào những cuộc nhậu "tiêu sầu". Thế nhưng, rượu không làm vơi được sầu, mà đã làm "vơi" thêm chút sức khỏe ít ỏi còn lại trong cơ thể Hà. Nhận ra điều ấy, với sức mạnh tinh thần của tuổi trẻ, Hà đã không cho phép mình trượt dài xuống bờ vực tuyệt vọng. Hà kiếm một việc làm để lấp đầy khoảng trống thời gian. Hồi ấy, việc giao thương giữa các miền chưa được khai thông nên nhu cầu lớn của thị trường miền Nam đã khơi dậy phong trào "buôn hàng chuyến" cho những người dân miền Trung. Vừa là nơi cung cấp những món hàng đặc sản, vừa là nơi trung chuyển những món hàng của miền Bắc và Tây Nguyên đưa vào miền Nam nên các ga tàu miền Trung luôn đầy ắp người và hàng hóa. Hà đã hòa vào dòng cuốn nhộn nhịp ấy với mặt hàng heo thịt và trở thành "Hà heo thịt". Thật khó có ai có thể tưởng tượng ra một người mất cả 2 chân với một tay và một mắt lại có thể xoay xở với những con heo nặng cả tạ trên những chuyến "tàu chợ" lúc nào cũng nêm chặt người và hàng hóa. Hà kể: "Trong những chuyến đi buôn ấy tôi chấp nhận chi phí cao, lãi ít để bù vào những khiếm khuyết của cơ thể. Heo đã có các "thương lái" chở đến nhà bán. Từ nhà lên ga, từ ga lên tàu đã có lực lượng bốc vác. Đến Sài Gòn, từ tàu xuống ga, từ ga đến điểm bán cũng đã có bốc vác. Tôi chỉ mỗi việc "chọt nạng" đi theo. Gay go nhất là lúc phải chống chọi giữa biển người mỗi lúc tàu đến ga để lên được goong tàu. Khổ là vậy nhưng cũng vui, còn hơn là cứ ở nhà chè chén!".

Vào đầu năm 1990, Hà về an dưỡng tại gia đình và được UBND thị trấn Bình Định cấp đất và xây tặng một ngôi nhà tình nghĩa. Đã "an cư", công việc cũng đã giúp Hà "lấp" được thời gian, kiếm thêm được tiền nhưng chẳng thể "lấp" được nỗi buồn sâu sắc của một chàng trai xuân thì. Hà luôn mơ ước trong vô vọng một tình yêu, một mái ấm hạnh phúc. Giữa tâm trạng ấy, sự chán nản lại quay về với Hà. Có thêm nhiều tiền thì những cuộc nhậu thêm "dày". Có một lúc Hà đã buông thả cuộc đời mình! Đến năm 1997, Hà được một người bạn giới thiệu là ở xã Nhơn Hưng (An Nhơn) có một cô gái trạc tuổi, tính tình hiền hậu, hay lam hay làm, lại có người cha bị thương tật nặng nên có thể thông cảm cho cảnh ngộ của một anh thương binh trẻ và giục Hà tìm đến, may ra! Trái tim thúc giục, Hà đi, nhưng không chút hy vọng. Thế nhưng không như Hà nghĩ, sự chân thành của một tâm hồn trong sáng đã làm rung động trái tim cô thôn nữ từ lâu đã bị phong kín vì hoàn cảnh. Và, tình yêu đã dắt họ đến với nhau, đám cưới được tổ chức vào cuối năm 1997. Chị Bùi Thị Thúy Vân (40 tuổi) bẽn lẽn tâm sự: "Tôi đã có nhiều năm chăm sóc người cha bị tai nạn giao thông cụt cả 2 chân nên hình ảnh của anh Hà không làm tôi thấy sợ. Anh Hà lại hiền, chân thành nên lúc mới gặp nhau tôi đã có cảm tình. Càng về sau, tôi nhận ra là dù anh Hà đã mất đi phần nhiều cơ thể nhưng cái sức mạnh tinh thần vẫn còn trong anh nên tôi tin tưởng là có thể nương tựa đời mình và quyết định lấy anh làm chồng!". Và Hà, bây giờ đã là cha của 3 đứa con với nụ cười roi rói nói thêm: "Chính tình yêu này đã vực cuộc đời tôi dậy. Có hạnh phúc là có tất cả anh à!".

* "Có hạnh phúc là có tất cả!"

Anh thương binh Lê Thái Hà bên mâm cưa củi trong cơ ngơi của mình.

Mặc dù Hà không còn đôi chân nhưng để gặp được anh thật khó. Bởi anh phải đi bỏ củi suốt ngày. Về đến nhà là anh gắn mình ngay vào mâm cưa để cưa củi. Sau khi có vợ, Hà không còn muốn rong ruổi buôn bán xa nhà nữa, nhưng không thể cứ trông chờ vào tiền chế độ hàng tháng, Hà nghĩ đến việc lập một cơ sở cung cấp củi đun. Nghĩ là làm, Hà liên hệ mua củi tại các xí nghiệp chế biến gỗ ở cụm công nghiệp Nhơn Hòa (An Nhơn). Hà sắm thêm một máy cưa mâm và đóng một chiếc xe thùng. Những tấm gỗ bìa được Hà bỏ công cưa thành những thanh gỗ tận dụng. Ai có nhu cầu, gọi điện là chị Vân (vợ Hà) lập tức cân củi ôm chất lên xe và Hà chở đi ngay. Vì thương hoàn cảnh thương tật của Hà nên người có nhu cầu tìm đến Hà ngày mỗi đông, mỗi ngày vợ chồng Hà tiêu thụ được khoảng 500kg củi dù xung quanh có đến hàng chục cơ sở cung cấp củi. Với giá bán củi tận dụng từ 1.000đ-1.700kg và củi đun 500đ/kg, mỗi xe củi Hà kiếm được từ 100.000đ-150.000đ. Một khoản thu nhập tuy không lớn nhưng đều đặn, cộng với chế độ thương binh 1,5 triệu đồng/tháng, gia đình Hà đã có được một cuộc sống ổn định.

Hiện nay, từ ngôi nhà tình nghĩa rộng 36m2, vợ chồng Hà đã xây dựng mở rộng thêm ngôi nhà lên đến 100 m2 với tiện nghi đầy đủ của một gia đình trung lưu. Ngoài chiếc xe "ba càng" của mình, Hà vừa sắm riêng cho vợ một chiếc xe máy để thỉnh thoảng chở cháu về thăm nội, ngoại. Mới đây, để kiếm thêm thu nhập, Hà mở thêm dịch vụ cung cấp gỗ xây dựng. Mặc dù cuộc sống hiện nay của vợ chồng Hà chưa thể gọi là giàu có, nhưng với Hà, đó là hạnh phúc! 

. Vũ Đình Thung

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người tâm thần và những vụ án đau lòng  (30/07/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (30/07/2005)
Một câu hỏi cho ngày 21-6  (20/06/2005)
Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam  (20/06/2005)
Báo điện tử: Thế lực mới trong làng truyền thông  (20/06/2005)
Những bước đi vững chắc ban đầu  (20/06/2005)
Bản lĩnh nhà báo trong cơ chế thị trường  (20/06/2005)
Buồn vui chuyện làm báo!  (20/06/2005)
Nhơn Hội: Động lực mới của miền Trung  (20/06/2005)
An Nhơn: Tạo bước đột phá từ công nghiệp  (20/06/2005)
Nổi trôi đồ cẩn xa cừ  (20/06/2005)
Thơ  (20/06/2005)
Tản mạn về lao động thơ  (20/06/2005)
5 khuôn dấu thời Nguyễn thế kỷ XIX vừa sưu tầm được  (20/06/2005)
Nhàn du trên rặng núi Bà  (20/06/2005)