. Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Hoạt
Có ma! Ở đâu? Trong nghĩa trang liệt sĩ của xã! Tin ấy lan nhanh hơn sóng điện, bắt đầu từ mấy cô cậu đi chơi về khuya. Những cái miệng thích đưa tin dẩu lại, thầm thì; những đôi tai ưa hóng chuyện vênh lên để rồi sau đó cả "nhà cung cấp thông tin" lẫn người được phục vụ miễn phí đều lè lưỡi, lắc đầu với nỗi sợ làm bạc mặt. Nghe chuyện ma thì thích nhưng đêm đêm lắm kẻ đi giải quyết "nỗi buồn" cứ chạy đùi đụi, không chừng còn bị ướt cả quần. Tệ hơn là mấy buổi sinh hoạt chi đoàn để trao đổi kinh nghiệm nuôi ba ba và truyền thông sinh đẻ có kế hoạch, đoàn viên vắng non nửa. Duy, Bí thư chi đoàn thôn, bực lắm. Anh chất vấn thì được những ánh mắt len lén nhìn về phía nghĩa trang cùng cái rụt cổ trong tiếng thở dài. Có ma? Lúc đầu thoạt nghe, Duy đã dị ứng, gạt phăng, nhưng giờ chính anh cũng không còn kiên định tuyệt đối như trước.
Bằng động tác của người từng là lính trinh sát, Duy tiếp cận Nghĩa trang liệt sĩ vào một đêm tối trời, gió bấc hun hút trên đồng. Nép mình vào bụi dứa dại, anh căng mắt hướng về phía khuôn viên lô nhô những tấm bia loang loáng sáng trong đêm. Chất chồng quanh anh là tiếng muỗi vo ve, tiếng côn trùng than vãn đến rợn người. Duy như ngộp thở, chân tay bủn rủn khi thấy đốm sáng lúc mờ lúc tỏ ngay sát Đài liệt sĩ. Anh nhắm mắt, toan bỏ chạy nhưng sự hiếu kỳ níu chân anh. Anh kinh ngạc khi cảm nhận mùi thuốc lá khét lẹt thoảng trong gió; tiếp đó là tiếng khóc, tiếng nấc như cố nén lại; một dáng người gục xuống bên tấm bia lớn khắc tên tất cả liệt sĩ trong xã. Không phải ma! Duy lấy lại bình tĩnh. Anh nhích dần, nhích dần đến gốc sứ già, cách tấm bia lớn không xa và sững sờ nhận ra dáng người gầy như que củi kia chính là lão Định.
Hồi đánh Mỹ, lão Định là xã đội trưởng, chỉ huy quân dân trong xã nện cho địch nhiều trận tơi bời. Sau giải phóng, lão được xét đề nghị tuyên dương Anh hùng nhưng sau vì có lời xầm xì lão quan hệ nam nữ lăng nhăng nên không được. Dịp lão đi tù, xã đang viết sách lịch sử truyền thống xã nhà, có người bảo gạt tên kẻ tham nhũng khỏi cuốn sách trân trọng ấy. Nhưng bàn qua cãi lại một hồi, người ta vẫn để tên người xã đội trưởng gắn với chiến công một thời máu lửa của quê hương. Trước khi vô tù, lão Định là giám đốc một công ty ngoài thành phố. Những người chứng kiến bảo hôm ở tòa, khi nghe đại diện Viện Kiểm sát kể những phần thưởng lão được tặng trong chiến tranh để đề nghị giảm hình phạt, con người cứng rắn ấy đã khóc. Khi được nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án, người đó lại nức nở: "Đừng vì những phần thưởng ấy mà cho tôi được nhẹ tội. Tôi thấy đau lòng lắm…". Hẳn lão đau lòng hơn khi sau đó vợ lão đâm đơn đòi ly dị, hai con bỏ học đi bụi. Ra tù, lão Định nhúc nhắc về quê, tự giam mình trong ngôi nhà do cha mẹ để lại; chỉ ra khỏi nhà vào ban đêm, cứ như mong bóng tối che dùm mặc cảm tràn trề của lão. Nhưng sao lại đến chốn riêng của người chết, định liều thân hoại thể? Phỏng đoán ấy khiến Duy không thể rời mắt khỏi con người có biểu hiện khác thường kia. Lão lầm rầm khấn, lầm lầm nói rồi khóc, sau cùng ngồi bất động như tấm bia. Chờ đến khi lão Định thất thểu rời nghĩa trang, Duy mới lặng lẽ ra về.
Tối hôm sau, Duy quyết định lộ diện. Chờ lão Định thắp hương kèm một tràng thầm thì dành cho người cõi âm, anh đứng dậy sau bụi dứa dại và lù lù đi tới. Lão hơi hoảng, co giò thủ thế, giọng lạc đi: "Ai?" Khi nhận ra Duy, lão ngồi im rít thuốc, có vẻ bực kẻ quấy nhiễu giây phút riêng của mình. "Sao bác ra đây, lúc này?". Lời anh bí thư chi đoàn rơi vào khoảng lặng. Lão Định không thèm nhìn anh, mắt đăm đắm hướng về phía con đường dẫn vào nghĩa trang. Đứng gió, những vòm lá thôi lao xao, lũ côn trùng hình như đã mỏi miệng, Duy cảm thấy đêm tĩnh lặng trong chiều sâu vô cùng. Nghe anh nhắc lại câu hỏi, lão Định sửa thế ngồi để đối diện anh, giọng méo đi: "Tôi còn biết đi đâu, còn dám nhìn ai, hả cháu?!". Như có nước thấm trong từng lời, đôi vai gầy rung lên, chuỗi âm thanh đau khổ nén trong cổ, nghe đến buốt lòng. Duy bước tới ôm bờ vai nhỏ sau làn áo mỏng, anh cảm thấy cay cay nơi sống mũi. Chẳng đợi hỏi thêm, lão Định tự mở lòng. "Về với chốn này, tôi thấy tủi hổ nhưng cũng sáng lên bao điều - Tiếng lão tê tái - Ôi giá như đã ngã xuống trong trận đánh cuối cùng ấy, tôi cũng được trọn vẹn như những đồng đội nằm đây. Hóa ra để làm được người tốt suốt đời cũng không dễ, cháu ạ".
Trận đánh cuối cùng đối với lão Định được ghi lại trong sách lịch sử của xã. Lần đó, người xã đội trưởng cùng với trung đội du kích phơi mình trên trảng cát Hàng Nhãn, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của cả tiểu đoàn địch có máy bay, xe tăng yểm trợ. Lão sa vào tay giặc khi chỉ hơn xác chết là còn thoi thóp thở, khi đồng đội thương vong gần hết. Hơn hai tháng nằm ở quân y viện Duy Tân, vết thương vừa kéo da non, lão được đưa thẳng tới trung tâm chiêu hồi. Lão gồng mình chuẩn bị hứng đòn thù cùng những tiếng "không" sắp sẵn trong đầu. Nhưng đón lão không phải là những khuôn mặt sát khí cùng dây thừng, dùi cui, roi điện mà những kẻ có vẻ ngoài nhã nhặn hệt những đày tớ cùng giọng nói trơn như bôi mỡ. Lão hiểu, cái mặt nạ kia rồi cũng đến lúc vỡ tan và từ căn phòng thoảng nước hoa lão đang ở tới ngục tối hoặc nghĩa địa tanh mùi máu chỉ cách gang tấc. Lão liên tục bị gọi lên thẩm vấn, cùng những đòn tâm lý làm người ta khó quay lưng trước bản năng sống. Nhưng những câu trả lời của lão khiến kẻ bên kia chiến tuyến đang đối diện qua cái bàn nhỏ dần thay đổi sắc mặt và sự kiên trì cũng mỏng dần rồi biến mất. Cuộc mặc cả cuối cùng được lật ngửa: Có tự do tức khắc nếu chịu kêu gọi đồng đội quay về với "chính nghĩa quốc gia"; ngược lại sẽ bị đưa tới trung tâm khai thác. Lúc đầu lão Định im lặng, cũng đồng nghĩa chấp nhận điều ngược lại. Lão quá quen cảnh dưới đất pháo binh, xe tăng địch vằm nát đất; trên trời máy bay quần đảo; lẫn trong tiếng gầm rít của động cơ, đạn pháo là những lời lải nhải của mấy thằng phản bội được phát từ máy bay trực thăng. Những lời đáng nguyền rủa ấy tác hại chẳng kém đạn bom. Cứ mỗi lần nghe thế, lão lại chửi đổng giữa trời, xách súng AK chỉa về hướng đó, siết cò. Giờ đây lão sẽ trở thành kẻ hèn mạt như vậy?!.
Giấu kín điều nung nấu, hôm sau lão Định gặp tên sĩ quan tâm lý chiến, ngỏ ý xuôi theo điều kiện hắn đưa ra. Vẻ mặt hý hửng của thằng giặc bỗng ngả màu cảnh giác khi nghe lão yêu cầu được ngồi trên máy bay nói trực tiếp thay vì thu băng. Sao phải thế? Lão bảo muốn được nhìn quê hương lần cuối. Bởi sau này dù "chính thể quốc gia" có thắng, lão cũng sẽ không bao giờ dám quay về cái làng mà từ cụ già đi sấp tới đứa bế ẵm ngửa đều "thề cùng giặc Mỹ, có tao, không mày".
Chúng lừng khừng. Lão dấn thêm một bước: cần nói gì cứ viết sẵn ra giấy để lão đọc trước. Đêm đêm lão xòe tờ giấy ấy ra, dán mắt vào đó bởi dư biết mọi cử chỉ của mình đều bị dòm ngó.
Lần đầu ngồi máy bay, lão hồi hộp. Khi máy bay bay ngang qua làng, lão xúc động đến nghẹt thở, nước mắt chực ứa ra. Nhìn những hàng tre bị bom thiêu trụi, trơ những bộ xương đen thui; nhìn những thân dừa, thân cau bị đứt hết lá trông hệt những mũi lao đâm thẳng lên trời, lão trào sôi uất hận. Chiếc trực thăng đột ngột tăng độ cao. Viên sĩ quan tâm lý chiến đưa tay chỉnh âm li, cất giọng: "Hỡi cán binh Việt cộng làng Đồng Tràm! Sau đây, mời các bạn nghe lời anh Định - người từng là chỉ huy của các bạn, nay đã hồi chánh, đã về với chính thể quốc gia". Thằng giặc nhìn lão, hất hàm, vẻ mặt tươi tỉnh, ý chừng động viên. Hai tay lão cầm micro: "Kính thưa bà con! Tôi là Nguyễn Cảnh Định, xã đội trưởng Phú Phong đây - Giọng lão đột ngột gấp gáp - Chúng nói láo đấy, tôi không bao giờ chiêu hồi! Hỡi các đồng chí, đừng buông súng! Chúng ta thề dù chết dẫu thành ma/ Đêm đêm lại tung mồ ra đánh Mỹ! Hỡi các đồng chí, đừng buông súng…" - Thằng giặc giằng lấy micro, co giò đạp thẳng lão Định ra cửa máy bay; may là hai tay lão kịp chộp lấy dây an toàn… Sau giải phóng, lão về từ nhà tù Côn Đảo, với hình hài không còn giống như tạo hóa đã ban cho.
Khác lần trước, đêm ấy, lão Định và Duy cùng rời nghĩa trang, khi sương thấm đẫm thảm cỏ bên đường. Đang đi, chốc chốc Duy ngoái nhìn lại những hàng bia trắng, với những que hương đỏ rực trong đêm. Lần đầu tiên, những chấm sáng ấy khiến anh ấm lòng.
***
Khi người làng chẳng còn nhắc chuyện lão Định một mình thơ thẩn trong nghĩa trang lúc nửa đêm, chuyện đi tù thì dường như đã xưa lắm, lão đột ngột khiến mọi người xôn xao bàn luận. Điều ấy diễn ra năm năm sau ngày lão được giao mấy chục héc ta đất bạc màu ở vùng Đồng Tranh của xã. Cứ mỗi lần từ trang trại về làng, người lão đen gầy hơn một tí nhưng trông tươi khỏe hơn bội phần. Đầu tiên lão xuất hiện trong hội nghị nông dân làm kinh tế giỏi của huyện rồi lên báo, ti vi. Thỉnh thoảng có người tìm đến trang trại của lão học cách nuôi trồng cây, con hoặc mua giống. Lúc nông nhàn, thanh niên trong thôn lại "đầu quân" cho lão thay vì đi Sài Gòn làm thợ hồ, ô sin như trước.
Dịp kỷ niệm ngày quê hương giải phóng, Duy định tổ chức để lão Định nói chuyện với thanh niên trong thôn. Nói về những tháng năm máu lửa cùng những người con trong làng đã quên mình vì nghiệp lớn của dân tộc, chắc chẳng ai xứng đáng hơn lão Định. Cả chuyện "triệu phú trên quê nghèo" như một bài báo đã viết về lão cũng cần nghe để bắt chước. Nhưng Duy băn khoăn, khúc giữa của đời lão, những tháng năm làm giám đốc rồi đi tù ấy để đâu?
"Các cháu muốn nghe gì, tôi sẵn lòng nói về điều đó". Dù Duy lòng vòng nhưng lão Định vẫn hiểu ý anh muốn tránh những trang buồn của đời lão - "Riêng tôi, tự nghiệm về mình, thấy mỗi đoạn đời đều có ý nghĩa riêng, cả lần vào tù gần đây. Có bao giờ cháu nghĩ, cái gì đã khiến một người không chết trong chiến tranh nhưng lại ngã trong hòa bình?".
Bị chất vấn đột ngột, Duy ngớ người, chỉ cười buồn thay cho trả lời. Theo lời lão Định, anh biết cũng như bao công chức khác, lúc đầu lão sống chật vật với đồng lương. Khổ nỗi là nhiều người không tin điều đó. Nhìn ngôi nhà nhỏ trong hẻm của lão, có kẻ bĩu môi: "Giả chết đấy, sau khi hạ cánh an toàn sẽ cất lầu ngay đấy mà!". Rồi những buổi gặp mặt, những lần vận động quyên góp, cả phong bì khi đi đám hiếu, hỉ… lắm người nghĩ, phần lão chắc sẽ nhiều hơn. Giám đốc mà! Có người là chỗ thân tình, nửa đùa nửa thật: "Cứ phải phân phối lại mạnh vào!". Mỗi lần xây nhà thờ tộc, làm đường liên thôn hay xây công trình công cộng của xã, lại có người tìm đến vận động quyên góp với tên lão luôn được ghi ở dòng đầu. Dưới mắt vợ lão là kẻ lù đù, là người của âm lịch. Bởi thế, vợ lão đi tiên phong trong việc "cải tạo" lão thành người thức thời thông qua chiêu khích tướng cũ rích với những câu chuyện người thật việc thật về cuộc sống cao sang của những kẻ có quyền. Và lão nữa, chẳng lẽ cứ lùi xùi mãi?! Lắm lúc người lão như bị phân thân, giằng xé bởi những điều hay, dở trong chính mình. Nhưng sau cái chặt lưỡi là sự bất chấp lấn tới và rồi… một kết cục buồn.
Lão Định dừng lời, xòe diêm châm thuốc. Lão với tay xách ấm chè xanh rót đầy cốc cho Duy, rồi cho mình. Lão nhìn gương mặt trẻ đối diện, giọng đột ngột nhỏ lại: "Để thắng được lòng tham, sự ích kỷ của chính mình, nhất là khi người ta có điều kiện làm việc ấy, quả là cuộc đấu tranh âm thầm nhưng dữ dội cháu ạ!".
Duy khẽ dạ. Hai người nhìn nhau đồng cảm trong im lặng rồi cùng ngước nhìn ánh trăng ngời ngợi, mênh mông trên đồi chè xanh non trước mặt.
. NTH |