Nước Mặn - nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ
8:24', 30/7/ 2005 (GMT+7)

"Phép giảng tám ngày" - tác phẩm chữ Quốc ngữ của Alexandre De Rhode in năm 1652.

Tiến trình hình thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam từ khi khởi thảo đến khi hoàn tất khoảng 2 thế kỷ. Dựa vào những tư liệu hiện có, người ta đã chia ra làm 4 thời kỳ: thời kỳ phôi thai (1620-1631), thời kỳ hình thành (1631-1648), thời kỳ phát triển (1651-1659) và thời kỳ hoàn tất (1772-1838). Thế nhưng, ai là người đi tiên phong sáng tạo ra chữ Quốc ngữ? Và nơi sơ khởi, phôi thai của chữ Quốc ngữ diễn ra ở đâu? Hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Phải chăng Nước Mặn là nơi phôi thai, điểm khởi nguyên công việc sáng chế chữ Quốc ngữ?

Nước Mặn là tên gọi của một phố cảng sông nằm bên đầm Thị Nại của phủ Quy Nhơn vào thế kỷ XVII-XVIII. Nơi đây thuyền buôn phương Tây và các nước Đông-Nam Á thường xuyên ra vào buôn bán. Nước Mặn cũng chính là nơi đóng bản doanh của giáo đoàn các tu sĩ Dòng Tên ở xứ Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII. Cảng thị Nước Mặn xưa kia bao gồm các thôn: An Hòa, Lương Quang (Hòa Quang, Lương Tài) thuộc xã Phước Quang và thôn Kim Xuyên (Vĩnh Xuyên) thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định ngày nay.

Lịch sử chữ Quốc ngữ ngay từ đầu đã gắn bó chặt chẽ với lịch sử truyền đạo Thiên chúa giáo ở Việt Nam. "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" khi nhắc lệnh cấm người theo đạo Gia Tô dưới triều Lê Huyền Tông vào năm 1663 có ghi: "Đạo Gia Tô theo bút ký tư nhân, tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1553) đời Lê Trang Tông, có người Tây Dương là I-nê-khu, lén đến truyền đạo Gia Tô ở làng Ninh Cường và Quần Anh, huyện Nam Chân và làng Trà Lũ, huyện Giao Thủy" (thuộc giáo phận Bùi Chu, tỉnh Nam Định ngày nay). Vì thế các sử sách Công giáo tại Việt Nam coi năm 1553 là mốc khởi đầu cho việc mở đạo. Tuy nhiên đây chỉ là bước dò dẫm sơ khởi, chưa có kết quả đáng kể trong việc truyền bá đạo Thiên chúa ở Việt Nam.

Năm 1615, được xem là thời điểm quan trọng đầu tiên trong lịch sử truyền giáo, khi giáo đoàn các tu sĩ Dòng Tên gồm linh mục Francesco Buzomi (người Ý), linh mục Piego Carvalho, thầy Antonio Diaz (người Bồ Đào Nha) và hai thầy người Nhật là Giuse và Phaolô đi tàu buôn của Bồ Đào Nha từ Ma Cao tới Đàng Trong lập cơ sở truyền giáo đầu tiên. Ở Đàng Ngoài, sự kiện đánh dấu giai đoạn quan trọng này được tính năm 1627, khi hai linh mục Pierre Marquez (người Bồ Đào Nha) và Alexandre De Rhodes (người Pháp) từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài truyền giáo, cập bến ở Cửa Bạng (Thanh Hóa).

Đầu thế kỷ XVII, Đàng Trong - Xứ Quảng là một miền đất chung bao gồm cả Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, được coi là nơi mở đầu trang sử khai đạo chính thức ở Việt Nam. Các học giả nghiên cứu về lịch sử chữ Quốc ngữ thường cũng tính thời điểm khởi nguyên công việc sáng chế loại chữ mới này ở Việt Nam mà cụ thể là ở Đàng Trong vào năm 1615.

Mặc dù đến năm 1617 linh mục Prancesco De Pina (người Bồ Đào Nha) mới được cử từ Ma Cao sang giúp thêm cho Cha Francesco Buzomi, nhưng ông lại là giáo sĩ châu Âu đầu tiên nói thạo tiếng Việt, điều này đã được các giáo sĩ đến sau như Gaspar Luiz và Alexandre De Rhodes xác nhận. Trong các tài liệu viết tay ở Ma Cao của Joao Roiz và Gaspar Luiz vào năm 1621 đã có nói đến việc các giáo sĩ Dòng Tên tại Đàng Trong đã soạn thảo sách giáo lý bằng chữ Nôm ngay từ năm 1620 với sự cộng tác của người Việt ở địa phương. Đây là bản tường trình hàng năm của Cha giám sát tỉnh Dòng Tên Nhật Bản gởi về cho Bề Trên Cả Dòng Tên ở La Mã dựa theo các báo cáo ở Đàng Trong gởi về. Mặc dù chưa sang Việt Nam nhưng trong hai tài liệu viết tay của Roiz (viết bằng tiếng Bồ Đào Nha) và của Luiz (viết bằng tiếng La tinh), chúng ta có thể tìm thấy một số chữ Quốc ngữ như Unsai "ông sãi", ungue "ông nghè", Cacham "kẻ chàm", Nuocman "Nước Mặn"…

Trang đầu Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre De Rhode in năm 1651.

Tài liệu đầu tiên về chữ Quốc ngữ mà chúng ta có được là những ghi chép của linh mục Christoforo Borri in trong cuốn sách "Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong" xuất bản bằng tiếng Ý lần đầu tiên năm 1631 dày 231 trang in khổ 13x19. Tuy cuốn sách này được in năm 1631 nhưng chữ Quốc ngữ trong đó Christoforo Borri sử dụng là chữ La tinh hóa được ông ghi chép từ những năm còn ở Đàng Trong, khi ông ở Nước Mặn với hai linh mục Buzomi và De Pina từ năm 1618 đến 1621. Chữ Quốc ngữ lúc này của Borri chưa có quy cách chặt chẽ, có chữ phiên âm theo tiếng Ý, có chữ phiên âm theo tiếng Bồ Đào Nhà và chưa thấy dấu ghi thanh, trừ dấu huyền là có sẵn trong tiếng Ý.

Những tài liệu viết tay đầu tiên có chữ Quốc ngữ do các linh mục khi đang truyền giáo ở Đàng Trong viết ra mà chúng ta hiện có là bức thư của Francesco De Pina viết năm 1623, bản tường trình của Alexandre De Rhodes viết năm 1625, bản tường trình của Gaspar Luiz năm 1626, bản tường trình của Antonio De Fontes năm 1626, bức thư của Francesco Buzomi năm 1626.

Trong số các giáo sĩ, Alexandre De Rhodes đến Việt Nam muộn (cuối năm 1624), nhưng là người duy nhất ra vào nhiều thời gian ở cả hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài (Đàng Ngoài 4 năm, Đàng Trong 7 năm). Ba tác phẩm chữ Quốc ngữ của ông được in năm 1651 là: "Phép giảng tám ngày", "Văn phạm Việt ngữ""Từ điển Việt-Bồ-La" (xem ảnh). Mặc dù không thể phủ nhận là Alexandre De Rhodes đã có những đóng góp to lớn vào việc La tinh hóa tiếng Việt, thế nhưng căn cứ vào những tư liệu có được cho đến nay nêu trên thì Alexandre De Rhodes không phải là người đầu tiên, người đi tiên phong sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Công lao to lớn của ông là ở chỗ có công tu chỉnh, hệ thống hóa chữ Quốc ngữ đang ở thời kỳ phôi thai và có công phổ biến, in ấn sách vở đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ.

Sáng chế ra chữ Quốc ngữ là cả một quá trình, là công việc tập thể của nhiều giáo sĩ phương Tây. Giai đoạn đầu phải kể đến sự đóng góp thuộc về các tên tuổi như: Borri, De Pina, Buzomi. Công lao của các giáo sĩ khác như: Gaspar Do Amaral, Antonio Barbosa và nhất là Alexandre De Rhodes là ở các giai đoạn sau - những giai đoạn hình thành, phát triển và hoàn tất chữ Quốc ngữ, thường được kể sau năm 1626.

Ba nơi chủ yếu các vị thừa sai Dòng Tên ở và hoạt động truyền giáo ở Đàng Trong từ năm 1615 là Cửa Hàn (Đà Nẵng), Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Bình Định). Nhưng Nước Mặn là nơi đóng bản doanh của giáo đoàn các tu sĩ Dòng Tên và Cha Bề trên Buzomi ở tại đây. Francesco De Pina sống ở Đàng Trong 7 năm (1617-1625), riêng Nước Mặn ông ở từ năm 1618-1620. Chiristoforo Borri ở Nước Mặn từ năm 1618 đến năm 1621 trở về lại Ma Cao. Như vậy, Cha Bề trên Buzomi và hai linh mục của giáo đoàn ông là Borri và De Pina là những giáo sĩ Dòng Tên đi tiên phong trong việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ, thời gian đầu đến Việt Nam sống, hoạt động truyền giáo và học tập, nghiên cứu, phiên âm chữ Quốc ngữ đều ở Nước Mặn. Do đó, có thể coi Nước Mặn là nơi sơ khởi, phôi thai của chữ Quốc ngữ. 

. Nguyễn Thanh Quang

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những đoạn gãy trong đời  (30/07/2005)
Tín hiệu đáng mừng của bóng đá Bình Định  (30/07/2005)
"Tình yêu đã vực tôi dậy..."  (30/07/2005)
Người tâm thần và những vụ án đau lòng  (30/07/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (30/07/2005)
Một câu hỏi cho ngày 21-6  (20/06/2005)
Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam  (20/06/2005)
Báo điện tử: Thế lực mới trong làng truyền thông  (20/06/2005)
Những bước đi vững chắc ban đầu  (20/06/2005)
Bản lĩnh nhà báo trong cơ chế thị trường  (20/06/2005)
Buồn vui chuyện làm báo!  (20/06/2005)
Nhơn Hội: Động lực mới của miền Trung  (20/06/2005)
An Nhơn: Tạo bước đột phá từ công nghiệp  (20/06/2005)
Nổi trôi đồ cẩn xa cừ  (20/06/2005)
Thơ  (20/06/2005)