Chuyện ghi từ Trung đoàn 96...
8:28', 30/7/ 2005 (GMT+7)

. Bút ký của Hải Âu

19 giờ đêm 23-6, cầm tấm giấy mời "Dự họp mặt truyền thống CCB Trung đoàn 96 cả nước tại Quy Nhơn" do các CCB của Trung đoàn 96 mang đến tận nhà, tôi thực sự rất xúc động. Không ngờ sau một năm viết bài "Đakpơ - Điện Biên Phủ của Liên khu V" đăng trên báo, tôi - một nhà báo trẻ - lại vinh dự được Trung đoàn 96 nhớ đến và mời dự họp mặt… Thế là tôi quyết định sáng sớm ngày 24-6 theo chân Trung đoàn 96 hành hương lên An Khê để cùng Trung đoàn làm lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Đakpơ…

Đoàn CCB Trung đoàn 96 trởvề chiến trường xưa và viếng Đài tưởng niệm liệt sĩ Đakpơ.

6 giờ 20 phút sáng 24-6, đoàn gồm 300 CCB Trung đoàn 96 đến từ mọi miền đất nước, lên 9 chiếc xe lớn nhỏ, nối đuôi nhau nhằm hướng Đakpơ thẳng tiến. Trên chiếc xe ca mang biển số đỏ của Tỉnh đội Bình Định, tôi may mắn được ngồi cạnh bác Nguyễn Vĩnh Hiếu (80 tuổi) - nguyên Đại tá đã về hưu, hiện đang định cư ở Hà Nội. Ông cười móm mém cho biết: "Lúc đi vào Quy Nhơn, tôi có rủ anh Lê Hữu Đức - nguyên Đại đội phó thuộc Trung đoàn 96 ngày trước, giờ là Trung tướng - cùng đi nhưng anh ấy nằm viện không đi được. Thế là một mình tôi lên tàu vào Nam, dù tuổi đã già sức cũng đã yếu rồi nhưng chuyến đi này khiến tôi vui lắm. Bởi vì ngày hôm nay trở về Quy Nhơn họp mặt kỷ niệm 51 năm chiến thắng Đakpơ, mục đích chính của tôi, một là dự lễ kỷ niệm, hai là tìm thử anh em mình trong Trung đoàn ngày ấy có còn ai không, ba là xem thành phố Quy Nhơn bây giờ ra sao. Ngày ấy, đánh Đakpơ thì tôi là đại đội trưởng của Đại đội 3. Hồi ấy, Trung đoàn có 3 tiểu đoàn trưởng giỏi là Lê Kiết (tiểu đoàn 17), Giáp Văn Cương (tiểu đoàn 19), Võ Quang Hồ (tiểu đoàn 18). Ai đã từng đi qua đèo Hải Vân nhìn thấy tượng đài kỷ niệm Chiến thắng cầu Rô rê, đấy chính là anh Giáp Văn Cương chỉ huy đánh thắng trận ấy đấy, nhưng tiếc rằng giờ đồng chí ấy đã không còn nữa …". Trên xe, chẳng những chỉ có hai bác cháu tôi rì rầm to nhỏ chuyện, mà còn có cả những tiếng xôn xao, tiếng cười hân hoan, pha lẫn những giọng nói buồn bã… Những câu chuyện không đầu không đuôi bất chợt được các CCB Trung đoàn 96 nhớ lại trong sự hân hoan, tiếc nuối, kỷ niệm cũ năm nào cứ ùa về… Họ vui, vui lắm khi gặp lại các đồng đội cũ cùng sát cánh bên những chiến hào…

Xe đang lướt nhanh bỗng từ từ chậm lại. Thì ra, chúng tôi đã đến chân đèo An Khê! Một bác CCB khều tay tôi: "Cái đèo An Khê này cao 1.000m so với mặt biển đấy cháu ạ. Nhưng mà.. - bất chợt giọng ông rất vui: "Đèo cao thì mặc đèo cao/ Tinh thần phục vụ ta cao hơn đèo/ Hò, hò lơ… hó… lơ…". Tôi cũng bật cười trước sự dí dỏm của ông. Tám giờ kém mười phút, xe chúng tôi đã trèo lên đến đỉnh đèo sau đó tiếp tục lên đường tiến vào thị xã An Khê. Thấy tôi cứ ngơ ngác nhìn 2 bên phố, bác CCB cạnh bên cười bảo: "Nơi những ngôi nhà san sát nhau của thị xã An Khê mà cháu nhìn thấy đây, trước kia toàn là những cánh rừng rậm bạt ngàn. Mỗi bận chúng tôi đi qua là vắt bám đầy người, máu cứ thi nhau nhỏ giọt…". Quả thật, với những người CCB Trung đoàn 96, nơi nào ở An Khê cũng đầy ắp kỷ niệm.

Đúng tám giờ rưỡi sáng, đoàn chúng tôi có mặt tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Đakpơ. Một không khí rộn ràng, náo nhiệt diễn ra trước mắt. Thật cảm động, tự hào, phấn khởi thay trước sự đối xử thân tình của chính quyền địa phương và dân chúng đối với những người lính của Trung đoàn đã tham gia chiến dịch. Những cái bắt tay, những cái bá vai hồ hởi giữa các CCB từ các chuyến xe của đoàn. Lực lượng cảnh sát, bộ đội bảo vệ rất nghiêm ngặt tại nơi làm lễ. Trong cái nắng chói chang, trên ngọn đồi cao có Đài tưởng niệm, tất cả mọi người nghiêm trang cử hành lễ.

***

Phối hợp với Điện Biên, ngày 24-6-1954, Trung đoàn 96 cùng quân dân An Khê - Gia Lai đã tiêu diệt gọn binh đoàn GM100 của Pháp - một binh đoàn cơ động thuộc loại mạnh nhất của lực lượng viễn chinh Pháp ở Triều Tiên mới về Đông Dương - xương sống của chiến dịch Atland - cùng với toàn bộ lực lượng chiếm đóng An Khê. Sở dĩ điểm quyết chiến được chọn tại Đakpơ cũng bởi đoạn đường cầu Đakpơ hiểm trở nằm giữa hai cứ điểm cách nhau chưa đầy 15 km (Cà Tung, Mũi Nhung) là đoạn đường đã bị bộ đội ta phục kích nhiều lần. Bọn Pháp cũng biết vậy nhưng chưa có cách nào khắc phục. Chiến thắng Đakpơ có ý nghĩa lịch sử chiến lược quan trọng, đã góp phần đập tan âm mưu kéo dài chiến tranh, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ buộc địch phải nhanh chóng ký hiệp định Geneva (20-7-1954) chấm dứt chiến tranh xâm lược, lập lại hòa bình ở Đông Dương …

Nhiều CCB Trung đoàn 96 không bao giờ quên được là sau khi kết thúc chiến cuộc, các quan năm, quan sáu của Pháp như Barroux, Sockel đều có ý nghĩ xin gặp chỉ huy của ta để trao đổi và tìm hiểu. Trong cuộc gặp gỡ giữa ông Nguyễn Chánh - người du kích Ba Tơ, Bí thư Khu ủy Khu V - và tướng Đờ Bô Pho trước đây là chỉ huy quân Pháp ở Nam Trung bộ kiêm tư lệnh chiến dịch Atlăng đánh chiếm vùng tự do Khu V. Tướng Đờ Bô Pho đã hỏi ông Nguyễn Chánh:

- Tại sao chiến cuộc ở Nam Trung bộ vừa qua chủ lực của tướng quân không đương đầu với chúng tôi ở đồng bằng ven biển mà lại tiến công lên cao nguyên miền Tây?

Ông Nguyễn Chánh trả lời:

- Nếu chúng tôi đưa các trung đoàn chủ lực chọi với các ông trên các cánh đồng ven biển, tức là chúng tôi chấp nhận tác chiến theo ý muốn của các ông và phải đánh theo cách đánh của các ông, thì chúng tôi đã thua rồi còn gì! Còn nếu chúng tôi tập trung chủ lực đánh lên rừng núi Bắc Tây Nguyên, chúng tôi buộc các ông phải đánh theo ý muốn của chúng tôi và đánh theo cách đánh của chúng tôi. Cho nên chúng tôi đã thắng !

***

Trong buổi cơm trưa thân mật tại Đakpơ, chúng tôi đã bắt gặp những giọt nước mắt của các CCB hòa lẫn trong từng chén cơm, trong từng li nước. Họ đã quá vui sướng, xúc động khi gặp lại đồng đội cũ. Những người lính năm ấy, sau trận đánh, có người tập kết ra Bắc rồi chuyển ngành, có người tiếp tục ở trong quân đội, có người trở về với cuộc sống đời thường với điều kiện kinh tế kham khổ… Mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng khi gặp lại nhau bao giờ cũng thấm đượm nghĩa tình của quân nhân.

2 giờ chiều chúng tôi lại "về nguồn" ở gò Đại Hội thuộc xã Vĩnh Thịnh - Vĩnh Thạnh để dự lễ khánh thành Bia kỷ niệm nơi thành lập Trung đoàn 96… Chuyện của những người chiến binh đúng là kể mãi không hết mà chúng tôi cũng không thể gặp hết được 300 con người từ mọi miền của đất nước hội tụ về dự họp mặt truyền thống CCB Trung đoàn 96. Nhưng dẫu sao tôi cũng ghi chép lại được nhiều điều. Ông Phan Phú Anh (Núi Thành - Quảng Nam) bồi hồi kể: "Sau trận đánh Đakpơ, cũng cái năm 54 (1954) ấy, tui ra Bắc tập kết và tiếp tục ở trong quân đội đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, về hưu tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại tôi là thường trực đơn vị truyền thống CCB 108 tại thành phố Hồ Chí Minh. Hồi còn ở Đakpơ, tôi không còn nghĩ gì đến cá nhân mình, chỉ nghĩ rằng địch chiếm quê hương mình, cho nên quyết chiến đấu hi sinh để bảo vệ quê nhà. Gặp lại đồng đội, thú thật tôi vui lắm, bởi có những anh em cùng chung chiến hào, cùng chung điếu thuốc… Còn nhớ có lần thắng trận đánh Pháp, chúng tôi lấy được một chai rượu chừng một lít của chúng, chẳng hiểu hồi ấy bọn chúng chế biến như thế nào mà tôi đem pha cả một canh nước 20 lít mà uống vẫn ngon, chung vui cho cả đại đội… Hồi ấy cuộc chiến gian khổ thật, nhưng chúng tôi vui lắm. Hôm 24-6 ấy, trong lúc đang vận động chiến thì tôi bị mảnh đạn của Pháp trúng ngay lòng bàn tay trái nên sau này đành phải về hưu sớm…". Còn bác Thái Văn Hiếu (75 tuổi) - người Hội An, Quảng Nam - cho biết: "Sau trận Đakpơ thì tôi tập kết ra Bắc. Tôi theo học ĐH Thủy lợi tại Hà Nội (1963 - 1968), tốt nghiệp thì tôi về công tác tại Sở Thủy lợi Cao Bằng rồi chuyển qua Lạng Sơn (1972 - 1973). Năm 1975, giải phóng miền Nam, tôi chuyển về Quảng Nam, đi xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh - Tam Kỳ. Sau đó lại tiếp tục xây hồ chứa nước ở Đồng Xanh, Đồng Nghệ... - nơi chiến khu cũ của Trung đoàn 96 thế hệ 1. Thú thật lúc này tôi rất đỗi tự hào vì lúc tham gia bộ đội không có một chút kiến thức về thủy lợi, còn bây giờ được Đảng và Nhà nước cho ăn học, nên quyết đem công sức của mình ra phục vụ quê hương…". Cũng có CCB Trung đoàn 96 khi tập kết về làm giảng viên cho Trường ĐH Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh như bác Bùi Kim Long (71 tuổi). Cũng có người khi tham gia trận Đakpơ chỉ là một anh tân binh nhưng giờ lại là thượng tá của QĐNDVN như bác Thái Văn Thôi. Bác Thôi tâm sự: "Đúng thật, tôi nhờ trận đánh Đakpơ mà trưởng thành. Hồi ấy tôi là học sinh cấp 3 trong kháng chiến, đi tuyển quân không được chọn nên quyết đi Thanh niên xung phong (TNXP) năm 1953 ở Quảng Nam, vô phục vụ chiến trường Tây Nguyên. Ngày 1-5-1954, thành lập Trung đoàn 96, tôi được rút về Trung đoàn, bổ sung vào Tiểu đội cối. Mà Tiểu đội cối hồi ấy có 6 người, tính đi tính lại thì tôi là thằng số 4, ôm đạn nạp vào cối … Đúng là lúc vào Trung đoàn, tôi chưa qua huấn luyện của một trường nào cả… Lúc đi TNXP, tôi còn mang theo cả chó, gà, hạt giống bí bầu, để xây dựng hậu cứ… Sau tập kết, năm 1963, tôi chuyển về chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên - Huế…".

Nhưng có lẽ một sự kiện mà cho đến giờ này các CCB Trung đoàn 96 không bao giờ quên được, bởi đó là một niềm vinh dự. Trên một vùng chiến trường hoang ở Triều Tiên, quân đội Triều Tiên đã nhặt được một trái táo còn tươi nguyên trên mặt đất, và họ đã tặng cho quân đội Trung Quốc. Năm 1960, Đoàn đại biểu quân đội Trung Quốc sang thăm QĐND Việt Nam đã tặng quả táo ấy cho Trung đoàn 96 để làm kỷ niệm. Hồi ấy, ông Nguyễn Chánh bảo rằng chúng tôi có nhiều trung đoàn lắm, mà trung đoàn nào cũng xứng đáng để nhận quà. Để chúng tôi chọn một trung đoàn! Nhưng  Trưởng đoàn quân đội Trung Quốc bảo chỉ nhất định tặng quả táo ấy cho Trung đoàn 96 mà thôi, vì trung đoàn ấy đã xóa sổ binh đoàn cơ động GM 100 của Pháp - kẻ thù không đội trời chung của nhân dân Triều Tiên.

. Hải Âu

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nước Mặn - nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ  (30/07/2005)
Những đoạn gãy trong đời  (30/07/2005)
Tín hiệu đáng mừng của bóng đá Bình Định  (30/07/2005)
"Tình yêu đã vực tôi dậy..."  (30/07/2005)
Người tâm thần và những vụ án đau lòng  (30/07/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (30/07/2005)
Một câu hỏi cho ngày 21-6  (20/06/2005)
Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam  (20/06/2005)
Báo điện tử: Thế lực mới trong làng truyền thông  (20/06/2005)
Những bước đi vững chắc ban đầu  (20/06/2005)
Bản lĩnh nhà báo trong cơ chế thị trường  (20/06/2005)
Buồn vui chuyện làm báo!  (20/06/2005)
Nhơn Hội: Động lực mới của miền Trung  (20/06/2005)
An Nhơn: Tạo bước đột phá từ công nghiệp  (20/06/2005)
Nổi trôi đồ cẩn xa cừ  (20/06/2005)