Chính phủ điện tử
8:39', 30/7/ 2005 (GMT+7)

Trong nền kinh tế tri thức, công nghệ thông tin (CNTT) được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực. Những thay đổi sâu sắc đang tạo nên những nét đặc trưng của cuộc cách mạng thông tin không chỉ đơn thuần là kết quả của sự phát triển công nghệ, mà chúng còn tạo ra một hệ các yếu tố tác động tới toàn bộ xã hội, đúng hơn là một cuộc cách mạng xã hội (khác với cách mạng kỹ thuật trước đây). Cách mạng thông tin còn tạo ra một loạt các cơ hội giúp thanh toán những mặt lạc hậu của đất nước và sử dụng lao động một cách hiệu quả hơn, trong đó có lĩnh vực Chính phủ điện tử (CPĐT).

Hải quan điện tử rút ngắn được thời gian chờ đợi của doanh nghiệp - ảnh: ST

CPĐT là một khái niệm dịch từ tiếng Anh "electronic government", viết tắt là "e-government". CPĐT là Chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để đổi mới tổ chức, đổi mới các quy trình hoạt động, tăng cường năng lực của Chính phủ làm cho Chính phủ hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn, minh bạch (transparency) hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn và phát huy dân chủ mạnh mẽ hơn. Nói cách khác, CPĐT là Chính phủ hiện đại, đổi mới, vì dân.

Thực hiện CPĐT sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, công dân và các cơ quan chính phủ (các khách hàng) tiếp cận các dịch vụ của Chính phủ, các thông tin của các cơ quan chính phủ; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan và công chức, viên chức của Chính phủ đối với khách hàng của mình. CPĐT bao gồm việc thực hiện các dịch vụ thông tin qua Internet, điện thoại, các phương tiện truyền thông không dây hoặc cố định… CPĐT là một công cụ trợ giúp cho quá trình xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy việc quản lý đất nước tốt hơn. Chính phủ điện tử sẽ mở ra các kênh thông tin giao tiếp; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tăng cường các khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng; kết nối Chính phủ với thế giới bên ngoài nhanh chóng hơn… CPĐT có thể nâng cao năng suất lao động thông qua việc tự động hóa, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tiếp cận thông tin và dữ liệu… Thực hiện CPĐT là biện pháp tích cực chống tham nhũng và tiết kiệm thông qua việc công khai các thủ tục hành chính, công khai việc đấu thầu, tự động hóa công việc hành chính, cắt giảm các chi phí đấu thầu và chi tiêu công cộng bằng việc nâng cao tính minh bạch về giá cả, mở rộng cạnh tranh và giảm chi phí giao dịch…

CPĐT còn tạo điều kiện thuận lợi để thực thi dân chủ trực tiếp của nhân dân. Thông qua mạng, thông tin đến với mọi người. Mọi người đều dễ dàng truy cập đến các thông tin cần thiết. Do đó, đặt ra vấn đề là phải dân chủ hóa các hoạt động và tổ chức điều hành trong xã hội. Người dân nào cũng có thể được thông tin kịp thời về các quyết định của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức có liên quan đến họ và họ có thể có ý kiến ngay nếu thấy không phù hợp. Việc tập hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân cũng rất dễ dàng, thuận tiện. Nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" sẽ được thực hiện đầy đủ nhất. "Thủ tướng" ảo trên mạng có thể tiếp dân, lắng nghe ý kiến và trả lời câu hỏi của người dân tức thời ở mọi nơi; giúp chính quyền trở nên công khai hơn đối với dân và với sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện để mọi người tiếp cận với nhiều thông tin do chính quyền thu thập và xử lý.

CPĐT là vấn đề đang được quan tâm và phát triển ở khắp nơi trên thế giới với nhiều hình thức và nhiều mức độ khác nhau. CPĐT ra đời đáp ứng được những nhu cầu khách quan của quá trình vận hành nền kinh tế và chính trị thế giới: sức ép của xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới; xu hướng quốc tế hóa các vấn đề chung của nhân loại như bảo vệ môi trường, chia sẻ các tài nguyên chiến lược; xu hướng thị trường hóa các dịch vụ hành chính, tài chính; những nhu cầu thiết thực của các công dân trong xã hội thông tin…

Chính phủ của nhiều nước trên thế giới đã xây dựng các hệ thống thông tin từ những năm 1970 và 1980. Từ những năm 1990, mạng Internet đã phát triển thành xa lộ thông tin toàn cầu, nhiều nước đã thực hiện tin học hóa hoạt động của Chính phủ - sau này phát triển thành khái niệm CPĐT: Chính phủ Mỹ từ năm 1993 đã đề xướng  chương trình "Đổi mới Chính phủ"; Singapore có chương trình "Chính phủ nối mạng" từ năm 1995; người Anh thực hiện dự án "Chính phủ hiện đại" từ năm 1997; Hàn Quốc có chương trình "Người điều khiển Hàn Quốc thế kỷ XXI" từ 1998; Nhật Bản có dự án "Thiên niên kỷ" từ năm 1999… Hiệp định ASEAN điện tử năm 2000 là quyết tâm mới của các nhà lãnh đạo ASEAN nhằm thực hiện CPĐT trong 10 nước thành viên. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có quốc gia nào tuyên bố đã hoàn thành CPĐT. Nhưng theo kinh nghiệm của nhiều nước, việc thực hiện CPĐT bao gồm ba giai đoạn cơ bản: Thông tin - Giao dịch - Tích hợp; Các giao dịch được thực hiện thông qua "cổng giao dịch điện tử" (Portal) của Chính phủ.

Trong CPĐT, "cổng giao dịch điện tử" giống như trang Web chính của cơ quan Chính phủ. Tại đây, mọi người có rất nhiều lựa chọn và chỉ cần "nháy" vào đúng thực đơn lựa chọn sẽ được hướng dẫn tiếp thông qua một bảng khai với sự đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin nếu có liên quan đến tài chính. Người dùng điền các thông tin, "nháy chuột" để thực hiện giao dịch và sẽ nhanh chóng nhận được kết quả mà không cần biết ai đã xử lý công việc này. Thực ra các giao dịch đã được xử lý dựa trên các công cụ Web cho phép truy cập, sửa đổi và truyền các dữ liệu đi và đến các hệ thống và cơ sở dữ liệu khác nhau của các đơn vị có trách nhiệm liên quan đến xử lý.

Giai đoạn 1 (Thông tin) là giai đoạn đưa thông tin lên mạng và cung cấp các đường nối đến các trang Web khác liên quan. Thí dụ đưa lên trang web các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các thông tin về tổ chức, cơ quan của mình, các dịch vụ mà cơ quan có trách nhiệm cung cấp… Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phải thỏa mãn các tiêu chí: mềm dẻo, có thể mở rộng và phát triển, độ tin cậy cao, dễ quản lý và an toàn, bảo mật.

Giai đoạn 2 (Giao dịch) xử lý các giao dịch chỉ liên quan đến một cơ quan của Chính phủ. Một số cơ quan riêng lẻ không chỉ cung cấp các thông tin lên mạng mà còn tổ chức nhận thông tin và đưa kết quả xử lý cho người sử dụng yêu cầu thông qua mạng điện tử. Thí dụ như nhận đơn và cấp phép kinh doanh cho các hộ gia đình… Số lượng các giao dịch tăng nhanh và tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp, đòi hỏi tính sẵn sàng, liên tục, có khả năng phát triển theo chiều sâu với chất lượng phục vụ ngày càng cao.

Giai đoạn 3 (Tích hợp) việc xử lý các giao dịch với mức độ cao, liên quan đến nhiều tổ chức và được tích hợp trên mạng thông tin của Chính phủ với yêu cầu quản trị đơn giản, toàn diện, khả năng phát triển vô hạn, luôn luôn sẵn sàng thông qua khả năng tự quản trị, tương thích với các tiêu chuẩn công nghiệp…

Hiện nay, phần lớn các Chính phủ mới chỉ dừng ở bước đưa thông tin lên mạng và cung cấp một số dịch vụ đơn giản qua mạng. Có một số Chính phủ đang đi thẳng vào bước tích hợp với các dịch vụ chọn lọc như đóng thuế, đăng ký kinh doanh, đăng ký phương tiện đi lại…

Thực hiện Nghị quyết số 49/CP ngày 4-8-1993 của Chính phủ về phát triển CNTT trong những năm 90, việc ứng dụng và phát triển CNTT ở nước ta đã nhanh chóng xâm nhập lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Nhiều dự án tin học hóa công tác quản lý hành chính nhà nước (gọi tắt là Đề án 112) của các bộ, UBND cấp tỉnh, cấp huyện... đã được đầu tư và triển khai thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ XX. Đây là những tiền đề rất quan trọng trong lộ trình xây dựng CPĐT ở Việt Nam.

Đề án 112 tại Bình Định, trong thời gian qua, đã tạo được cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT cơ bản cho Văn phòng UBND tỉnh, một số sở, ban, huyện và thành phố. Tại Trung tâm Tích hợp của tỉnh đã trang bị hệ thống mạng, máy chủ và các thiết bị CNTT đảm bảo cho việc tích hợp dữ liệu, chia sẻ thông tin đến các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc.

Đến cuối năm 2004, Bình Định đã xây dựng hoàn thiện mạng LAN kết nối vào Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh cho 17 sở, ban gồm: Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Tài chính - Vật giá, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thủy sản, Công nghiệp, Thương mại và Du lịch, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa thông tin, Lao động và TBXH, Tư pháp, Thanh tra Nhà nước tỉnh, Chi cục Kiểm lâm, BQL các khu Công nghiệp và 6 Văn phòng UBND huyện: Hoài Nhơn, Tây Sơn, An Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước, thành phố Quy Nhơn. Mạng thông tin diện rộng của Văn phòng UBND tỉnh đã kết nối đến các sở, ban, ngành, Văn phòng UBND huyện, thành phố để truy cập lịch công tác;  tra cứu các văn bản của tỉnh, các văn bản quy phạm pháp luật và Công báo Chính phủ… Việc xây dựng trang thông tin điện tử của tỉnh tại địa chỉ www.binhdinh.gov.vn cũng là một bước chuẩn bị cho chính quyền điện tử tại Bình Định.

Theo dự thảo Kế hoạch tổng thể thực hiện CPĐT Việt Nam đến năm 2010 (đang trình Chính phủ phê duyệt) thì mục tiêu tổng quát của kế hoạch tổng thể là "Ứng dụng rộng rãi CNTT và truyền thông để đổi mới tổ chức, phương thức quản lý, quy trình điều hành, xây dựng Chính phủ Việt Nam năng động, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin thiết yếu và từng bước cung cấp dịch vụ công trực tuyến, một cửa cho người dân, doanh nghiệp mọi lúc, giúp cho người dân, doanh nghiệp làm việc với các cơ quan Chính phủ nhanh hơn, thuận tiện hơn, tiết kiệm hơn".

Thực hiện CPĐT không phải là phong trào mà là yêu cầu tự thân để phát triển nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh. Để đạt được mục tiêu này, trước tiên cần có nhận thức đúng đắn và sự quyết tâm cao của lãnh đạo cấp cao nhất đến đơn vị cơ sở, sự đầu tư toàn diện cả về vật chất, kỹ thuật và con người, sự tham gia của toàn xã hội.

. TS. Man Ngọc Lý

(Sở Khoa học và Công nghệ)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (30/07/2005)
Chuyện ghi từ Trung đoàn 96...  (30/07/2005)
Nước Mặn - nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ  (30/07/2005)
Những đoạn gãy trong đời  (30/07/2005)
Tín hiệu đáng mừng của bóng đá Bình Định  (30/07/2005)
"Tình yêu đã vực tôi dậy..."  (30/07/2005)
Người tâm thần và những vụ án đau lòng  (30/07/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (30/07/2005)
Một câu hỏi cho ngày 21-6  (20/06/2005)
Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam  (20/06/2005)
Báo điện tử: Thế lực mới trong làng truyền thông  (20/06/2005)
Những bước đi vững chắc ban đầu  (20/06/2005)
Bản lĩnh nhà báo trong cơ chế thị trường  (20/06/2005)
Buồn vui chuyện làm báo!  (20/06/2005)
Nhơn Hội: Động lực mới của miền Trung  (20/06/2005)