Sự phát triển công trình trong thời gian qua là rất đa dạng nhưng kiến trúc cảnh quan đô thị vẫn là một mảng khuyết lớn. Bên cạnh đó, là đòi hỏi về một đời sống văn hóa nội sinh như một tất yếu đi cùng sự phát triển không gian đô thị.
* Cảnh quan: Hồn của đô thị
|
TP Quy Nhơn đang trên đà xây dựng, nhưng khâu quản lý quy hoạch tổng thể còn rất yếu. |
Quy Nhơn đang xanh - đây là điều ít ai có thể phủ nhận. Hiện nay, Công ty Công viên Cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn đang quản lý trên 42,5 ha, 150.000m2 cỏ, hoa, cây hàng rào... Điều đáng hoan nghênh khác là có những khoảnh đất rất rộng, chiếm lĩnh một vị trí quá đẹp trong lòng đô thị, nhưng đã được dành để trồng cỏ, làm nơi cho trẻ em thả diều, đá bóng.
Tuy nhiên, đối chiếu Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam, đối với đô thị loại 2, khu dân cư tối thiểu phải đạt từ 3 đến 4m2 cây xanh/đầu người, nhưng TP Quy Nhơn hiện mới chỉ đạt 2m2/đầu người. Cũng theo quy chuẩn này, đô thị loại 2 phải có lâm viên rộng 50 ha, nhưng TP Quy Nhơn vẫn chưa thực hiện được. Điều đáng tiếc khác là việc hình thành các thảm cỏ, các khuôn viên cây xanh nhỏ trong thành phố ít nhiều còn mang tính tự phát: thấy đất trống thì làm, mà chưa xuất phát từ sự đầu tư quy hoạch các khu công viên, khu nghỉ ngơi hoàn chỉnh.
Ngay các khu công viên đã hình thành, việc tạo dựng chủ yếu nhờ vào bàn tay kỹ sư hạ tầng, nên các yếu tố cơ bản tạo dựng cảnh quan không được đề cập đúng mức. Các công viên vẫn còn rất thiếu những đường nét tinh tế tạo ấn tượng, cảm hứng, việc sử dụng vật liệu trang trí nghèo nàn, lãng phí, tuy tốn kém về mức đầu tư nhưng xem ra cũng mới chỉ đạt ở những dạng vườn cảnh bình thường theo kiểu Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng. Nếu có khác với vườn nông thôn có chăng cũng chỉ ở chỗ không… trồng cây ăn trái.
Một vấn đề khác, tưởng rất nhỏ nhưng nếu không làm tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị, là tình trạng cây xanh trồng lộn xộn. Có tuyến đường, chúng ta có thể đếm được non chục loại cây khác nhau. Có loại cây không phù hợp với khí hậu nhưng lại được trồng tràn lan, tiêu biểu nhất là cây hoa sữa. Thời cao điểm, toàn thành phố có tới hơn 2.500 cây. Đây là con số khá lớn vì ngay tại Hà Nội, nơi hoa sữa vẫn nồng nàn thả phố đêm đêm, hóa ra cũng chỉ có khoảng 500 cây. Hơn nữa, các thành phố như Hà Nội, Nha Trang chỉ trồng hoa sữa tại các đường lớn, những khu ít dân cư, với mật độ thưa, bởi thế, mùi hoa sữa loãng, ít ảnh hưởng đến người dân. Trong khi đó, tại Quy Nhơn, những con đường trồng nhiều hoa sữa lại chính là những con đường hẹp, đông dân như Nguyễn Thái Học, Ngô Mây. Mặc dù gần đây, loại cây này đã được giãn bớt về mật độ, nhưng vào mùa hoa sữa trổ bông, mùi hương vẫn quá ngào ngạt.
Nguyên nhân của những hiện tượng này, một mặt là khi tiến hành quy hoạch đô thị, diện tích đất dành cho công viên, cây xanh ở khu dân cư của Quy Nhơn thấp, vỉa hè ở nhiều đường phố nhỏ. Mặt khác là sự yếu kém trong nhận thức quản lý đô thị của chủ đầu tư tạo ra.
* Đời sống văn hóa đô thị: Nhịp buồn
Quy Nhơn vài năm trở lại đây biến đổi nhiều. Thoát khỏi cái cảm giác nhỏ bé, quanh quẩn đi dăm phút đã về chốn cũ, thành phố đã mở rộng thêm nhiều về không gian. Trước tiên là khu vực các phường Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, mạn Nhơn Bình, Nhơn Phú, nay mai là Nhơn Hội.
Tuy vậy, đời sống đô thị vẫn chưa có nhiều đổi thay tương hợp với những biến chuyển đó. Đời sống văn hóa đô thị quanh quẩn vẫn chỉ là những tiệm cà phê ngày càng mọc thêm nhiều. Ngày càng thiếu những khu văn hóa, giải trí tương thích với một đô thị loại 2. Thành phố không có một gallery đúng nghĩa, không có một nơi để triển lãm đúng tiêu chuẩn. Bảo tàng thì tuy nhiều hiện vật đấy nhưng không gian trưng bày chưa đảm bảo, khách thưa thớt. Còn sàn nhảy thì cả thành phố chỉ có 2 địa điểm, trong đó một chủ yếu cho các thanh niên choai choai, một không đủ tiêu chuẩn... Thời gian tới, Quy Nhơn sẽ có thêm: Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh, Nhà Văn hóa Lao động rồi Trung tâm Sinh hoạt thanh thiếu nhi. Nhưng nội dung các hoạt động văn hóa sẽ diễn ra ở những trụ sở mới xây dựng này như thế nào thì chẳng thấy ai nhắc đến.
Đô thị vẫn không có một đời sống văn hóa nội sinh của nó, theo quy luật, sẽ vay mượn từ những đô thị lớn hơn để thỏa mãn nhu cầu của giới thị dân. Thành phố Hồ Chí Minh có Hát cho nhau nghe thì Quy Nhơn cũng nở rộ Hát cho nhau nghe một thời gian rồi lịm. Đô thị lớn có tô tượng, chụp ảnh Hàn Quốc thì những hình thức này cũng xuất hiện ở Quy Nhơn, tất nhiên là sau đó một quãng thời gian. Và như một tất yếu của sự vay mượn là các cấp văn hóa sẽ giảm dần so với nơi phát sinh.
Nếu không có những ý thức có tính riêng cho mình, thì đô thị sẽ dừng lại ở chức năng hành chính cơ học thuần túy. Trong khi mọi hình thái tổ chức xã hội mà ở đó, đô thị là một thành tố tiên tiến đều hướng đến con người trong bối cảnh nhân văn. Cần biết bao những không gian sinh hoạt văn hóa đúng nghĩa đô thị loại 2.
. Lê Viết Thọ |